(Thời sự) - 40 năm đã trôi qua, lịch sử đã khép lại. Sẽ mãi không còn người thắng – kẻ bại nữa, chỉ còn lại những người con đất Việt chung dòng máu đỏ đang sinh sống trên khắp thế giới và đau đáu tìm đường về quê hương.
Bất kể ai đúng – ai sai, ai chiến thắng – ai thất bại, nỗi đau mà những người lính Việt Nam Cộng hòa và bộ đội phải gánh chịu là như nhau, cuộc chiến tranh đã khiến hai miền trả giá vô cùng đắt.
Sẽ mãi không còn người thắng – kẻ bại nữa, chỉ còn lại những người con đất Việt chung dòng máu đỏ đang sinh sống trên khắp thế giới và đau đáu tìm đường về quê hương
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày 30/04, ông Phạm Hòa, cựu lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa đang sinh sống ở miền Nam California, Mỹ đã có những tâm sự trải lòng về quê hương cũng như những người bộ đội trong cuộc chiến năm xưa.
“Tôi gia nhập quân đội vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đó là khoảng thời gian rất ngắn và đầy biến động trong cuộc đời tôi,” ông Hòa kể và cho biết đơn vị của ông không hề biết là đang được di tản khi nhận được lệnh lên tàu ra Phú Quốc vào ngày 29/04.
“Khi tàu ra đến hải phận quốc tế vào buổi trưa ngày 30/4 thì chúng tôi nghe qua radio rằng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Khi đó trong phòng mấy ngàn người. Tất cả mọi người cùng òa khóc một lúc,” ông nhớ lại.
“Chúng tôi biết cộng sản thắng thì cuộc đổi đời sắp xảy ra nhưng tất cả đều sẽ trong bóng tối và không có phần có lợi cho chúng tôi,” ông nói thêm.
Theo lời ông thì khi đó, tâm trạng của ông và những người được di tản “gần như là bấn loạn”.
“Đi ra nước ngoài không biết mình làm gì. Không biết ngôn ngữ. Không có người giúp đỡ. Ngay cả quốc gia mình cũng không còn. Ngay cả quốc tịch mình cũng không còn. Mất toàn diện.”
Ông cho biết trước đó đa số các sỹ quan trẻ như ông đều “không nghĩ miền Nam sẽ mất ngay cả khi tiếp tế của người Mỹ không còn”.
Ông Phạm Hòa: “Người miền Nam, miền Bắc chúng ta đều trả giá và trả giá rất là đắt. Thành thử đó là đau thương cho cả đất nước Việt Nam”
Khi được hỏi vì sao quân đội miền Nam thua miền Bắc, ông Hòa nói: “Ngày nay ai cũng biết đó là sự phủi tay của đồng minh. Trong khi bên kia có cộng sản Trung Quốc, Nga Xô, Tiệp Khắc, Đông Âu, Đông Đức – tất cả các nước cộng sản đi vào chiến trường Việt Nam đánh Mỹ, nên khi Mỹ rút thì làm sao một mình Việt Nam Cộng hòa có thể đương đầu với khối cộng sản thế giới?”
Anh em bên quân lực Việt Nam Cộng hòa chúng tôi không có gì thù hận người chiến binh bộ đội. Họ cũng hy sinh như người miền Nam để tranh đấu cho Việt Nam sau này thôi. Phạm Hòa, cựu lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa
Khi được hỏi về kỷ niệm mà ông nhớ nhất thời còn chiến đấu, ông nói đó là khi ông đọc được lá thư của một người bộ đội Bắc Việt đã bỏ mạng sau khi chạm trán với đơn vị của ông vào năm 1974.
“Anh bộ đội ấy biết trước anh sẽ chết nên viết thư về cho mẹ nhắn cho mẹ thế này thế kia và nhắn cô người yêu cùng làng,” ông kể, “Cho đến khoảng đời sau này tôi cũng không thể nào quên tâm tư của anh chàng bộ đội Bắc Việt ấy”
“Người miền Nam, miền Bắc chúng ta đều trả giá và trả giá rất là đắt. Thành thử đó là đau thương cho cả đất nước Việt Nam,” ông nói và cho biết nếu gặp lại bộ đội Bắc Việt thì ông “cũng không có lý do thù hận” vì ‘người chiến sỹ chỉ làm tròn bổn phận của họ mà thôi’.
“Anh em bên quân lực Việt Nam Cộng hòa chúng tôi không có gì thù hận người chiến binh bộ đội,” ông nói, “Họ cũng hy sinh như người miền Nam để tranh đấu cho Việt Nam sau này thôi.”
Ông Hòa nói sau năm 1975 ông có dịp về Việt Nam một thời gian để trao đổi kỹ nghệ và theo ông nhận xét thì Việt Nam giờ “chưa phát triển xứng đáng với tiềm lực”.
“Đất nước Việt Nam tuổi trẻ có rất nhiều người giỏi. Nếu biết thay đổi và tận dụng toàn bộ nội lực cũng như khả năng thì trong tương lai Việt Nam sẽ khá hơn nhiều.”
“Lúc nào tôi cũng mong đất nước Việt Nam được phồn thịnh, nhân dân Việt Nam được ấm no. Tôi hy vọng sẽ có ngày trở về thăm lại quê hương, để một lần nữa tận mắt chứng kiến sự thay đổi của đất nước” ông nói thêm.
Lan Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét