26 tháng 4, 2015

Những mảnh vỡ sau cuộc chiến

(Chính trị) - Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng – một người của “bên kia” – đã góp nhặt những mảnh vỡ của cuộc chiến để xây nên những tượng đài, biểu tượng của hòa giải, hoà hợp dân tộc…
Tượng đài “Mẹ dũng sĩ”.
Thân mẹ là chứng nhân
Một trong những công trình đậm chất nghệ thuật, nặng ý nghĩa biểu trưng ở TP.Đà Nẵng là tượng “Mẹ Dũng Sĩ” (người dân còn gọi là Mẹ Thanh Khê, Mẹ Nhu). Tượng được đặt trang trọng tại ngã tư đường Điện Biên Phủ – Dũng Sĩ Thanh Khê, ngay cửa ngõ của thành phố. Công trình xây dựng từ năm 1983, hoàn thành 1985, cao 12m, của tác giả Phạm Văn Hạng – người con đất Quảng – được coi là một dấu son trong không gian văn hoá Đà Nẵng. Điều đặc biệt, cả pho tượng được làm hoàn toàn bằng chất liệu… vỏ đạn đồng. Theo tác giả Phạm Văn Hạng, phải mất nhiều tháng để thu gom hàng chục nghìn vỏ đạn loại 150mm, 125mm, đủ để dựng khối tượng lớn như vậy.
Tôi hỏi, xuất phát từ đâu ông có ý tưởng làm tượng “Mẹ Dũng Sĩ” bằng những mảnh vỏ đạn đồng? Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho biết: “Lúc đó Nhà nước tổ chức thi. Đề do thành phố ra. Phải dựng tượng đài để tưởng nhớ những người mẹ đã hy sinh, che chở cách mạng, đã cống hiến nhiều người con cho tổ quốc… Sau giải phóng, đất nước còn nghèo, nhưng vỏ đạn bom thì vương vãi khắp nơi. Điều đầu tiên tôi nghĩ, đó là vật liệu dễ tìm, phương án lựa chọn khả thi nhất. Mặt khác, những vỏ đạn kia đã giết bao nhiêu con người trong cuộc chiến, cũng là chừng đó nỗi đau những người mẹ, người vợ, người chị… phải gánh chịu. Hình hài của tượng Mẹ cũng chính là chứng nhân lịch sử. Và phương án của tôi được chấp nhận”.
Ông Hạng kể, lúc đó thành phố đã huy động nhiều lực lượng để thu gom vỏ đạn phục vụ công trình. Ngành văn hoá cùng tác giả vào tận các gara ôtô tuyển thợ gò, hàn giỏi nghề. Công nghệ, thiết bị khi đó còn thô sơ, công trình lại chạy theo thời gian để kịp khánh thành dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Đà Nẵng. Phải có quyết tâm lớn thì công trình ý nghĩa này mới hoàn thành được trong thời buổi lúc bấy giờ. Quyết tâm ấy còn thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu thành phố, ngành văn hoá lúc đó, dám bước qua những nghi kỵ, phân biệt… Ông hạng nói: “Trước năm 1975, tôi là phóng viên cho Hãng thông tin Juspao – Mỹ. Sau giải phóng, tôi tham gia các lớp học cải huấn của cách mạng. Tại đây, tôi phát biểu: “Yêu nước có nghĩa là người miền Bắc đặt tên con là Đồng Nai, người miền Nam gọi con là Hồng Hà. Cách mạng tin thì dùng”. Tôi cũng bất ngờ, ông Hồ Nghinh – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, ông Phan Văn Nghệ – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và ông Nguyễn Đình An – Giám đốc Sở VHTT – đã quyết định “dùng” tôi để xây dựng tượng đài lớn của địa phương ở thời điểm 7 năm sau ngày giải phóng.
Ông Nguyễn Đình An nhớ lại, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng Ðà Nẵng, đến với tượng đài này, đồng chí Lê Duẩn nói: “Phụ nữ Việt Nam rất anh hùng. Từ lâu tôi vẫn mong muốn dựng tượng đài người mẹ Việt Nam. Ðà Nẵng đã làm được việc này. Tôi rất vui mừng”. Còn với nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, lời khen của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã “chắp cánh” cho nhiều công trình nghệ thuật, tượng đài do ông thực hiện trên khắp đất nước sau này.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ảnh: Thanh Hải
“Triệu trái tim trong một trái tim”
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho biết, ông chịu ảnh hưởng suy nghĩ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc ngay từ những ngày đầu sau giải phóng. Ông kể, từ năm 1976 -1977, TPHCM đã mở đợt sáng tác mẫu tượng đài Chiến thắng. Gần 30 đơn vị tập thể tham gia, gồm có các vụ, viện, sở, Hội Mỹ thuật, Hội Kiến trúc sư… Lúc đó không có cá nhân đứng tên. Trong hào khí hăng say lúc bấy giờ, có nhiều đơn vị đề nghị đập bỏ công trình Đài Tưởng niệm Việt – Mỹ đang xây dựng chưa xong tại công viên cửa ngõ ra-vào sân bay Tân Sơn Nhất của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ để minh chứng cho sự chiến thắng, phá bỏ tàn dư… Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM, nghe xong xoay qua nói với ông Mai Chí Thọ: “Nói như các kiến trúc sư thì phải đập phá luôn cả dinh Độc Lập…”, rồi ông cười cởi mở: “Cái gì còn dùng được thì cố tìm cách để sử dụng…”. Câu nói đó của ông Võ Văn Kiệt khiến những người có mặt hôm đó như kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tiến sĩ Trần Kim Thạch, Giáo sư Nguyễn Trọng Văn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bác sĩ Phạm Biểu Tâm… không thể nào quên.
Ông Hạng kể, cuộc chọn mẫu tượng đài Chiến thắng có 4 phương án được vào chung kết, trong đó có nhóm của ông. “Sáng tác thì làm sao tập thể được! Mỗi tác giả đều cố tìm cách thể hiện cá tính của mình. Riêng tôi, sau khi phục vụ cho anh em cái ăn, cái ngủ… còn 2 tuần hứng chí sáng tác, tôi phác thảo Bà mẹ Việt Nam mặc áo dài, búi tóc, ôm ấp đứa bé, giương cao ngọn cờ độc lập… Phác thảo được Hội đồng chọn báo cáo đợt 2. Rất tiếc, khi đang trình bày thì có tin khẩn báo cáo đến ông Kiệt là đã giải phóng Campuchia. Ông Kiệt tức tốc đề nghị dừng lại và xin nợ sẽ gặp lại sau” – ông Hạng nói.
Sau 18 năm (1995), ông Hạng mới gặp lại ông Võ Văn Kiệt khi ông đến thăm công trường Đài tưởng niệm tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhắc lại chuyện cũ, ông Võ Văn Kiệt rủ ông Hạng về TPHCM tham gia tượng đài Chiến thắng. Ông Hạng nhớ lại: Bấy giờ, đất nước đã vào thời điểm hội nhập, giao lưu với toàn thế giới. Rung động trong tâm thức tôi khác hẳn, không còn loại tượng đài hao hao giống nhau, đưa tay lên, cầm vũ khí… để phục vụ tuyên truyền nhiều hơn là biểu trưng văn hoá mang tính nhân văn. Bởi vậy, phác thảo của tôi là: “Triệu trái tim trong một trái tim”, chất liệu công trình bằng thuỷ tinh, khung titan, kích thước không lớn, vị trí ngay trước Dinh Độc Lập… Để tăng lòng tin, tôi đã tìm nhiều chuyên gia kết cấu, kỹ thuật gia thuỷ tinh, mời các kiến trúc sư Vũ Đại Hải, Nguyễn Văn Tất, hoạ sĩ Hoài Hương cùng tham gia quy hoạch thiết kế. Mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn suy tư về âm nhạc công trình. Khi ý tưởng đã cơ bản, chúng tôi đã trình bày với ông Kiệt trong một bữa cơm thân mật. Lần này, chúng tôi đề nghị ông hãy cho làm biểu tượng Thống nhất, thay vì làm tượng đài Chiến thắng. “Tượng đài chiến thắng dành cho những người chiến thắng, hãnh diện lịch sử đã có sử sách ghi… Tôi rung động chủ đề thống nhất, bởi thống nhất là ước vọng của cả dân tộc, cao hơn chiến thắng. Xây dựng giữa Sài Gòn – TPHCM, công trình phải lạ, đẹp, hàm chứa nhiều ý tưởng nhân văn để mọi người cùng hưởng, cùng nghĩ suy – tôi thuyết minh – Chất liệu thời đại bằng thuỷ tinh lung linh trong sáng như từng tấm lòng của người Việt Nam. Triệu trái tim trong một trái tim mang hình ảnh như một đoá sen, như một viên ngọc… Không có hình tượng con người cụ thể, tránh không giống bất cứ nơi nào. Biểu tượng trong sáng ai đến thăm ngắm cũng hãnh diện…”.
Hơn 6 tháng sau gặp lại, ông Võ Văn Kiệt cho hay, câu chuyện về tượng đài Chiến thắng hay biểu tượng Thống nhất, ông có trình bày với ông Trần Văn Giàu, ông Trần Bạch Đằng và một số vị chức trách ở Hà Nội… Họ đề nghị nên nghiên cứu thật kỹ về chủ đề và nhất là hình tượng đáp ứng được lòng người, tính thời đại, vị trí. Riêng ông Kiệt, đã tham khảo kiến trúc sư Ngô Viết Thụ về vị trí công trình. Lãnh đạo TPHCM lúc bấy giờ đã nhất trí cao công trình dựng trước Dinh Độc Lập, kể cả tên gọi biểu tượng Thống nhất thay cho tượng đài Chiến thắng. “Sau đấy, ý tưởng về biểu tượng Thống nhất đã được chúng tôi nhiều lần gặp gỡ, bàn bạc, phản biện… 15 năm trăn trở, kết hợp “Triệu trái tim trong một trái tim” chưa thành hiện thực thì trái tim cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ngừng đập…” – ông Hạng nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Biểu tượng Thống nhất cũng là ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
“Tôi nhiều lần có mặt, trực tiếp chứng kiến nhóm tác giả nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kiến trúc sư Vũ Đại Hải, Nguyễn Văn Tất, hoạ sĩ Hoài Hương… trình bày ý tưởng xây dựng biểu tượng Thống nhất “Triệu trái tim trong một trái tim” với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hai lần gần nhất là năm 2002, khi ấy tôi có chụp ảnh, viết bài cho Tạp chí Xưa và Nay, và dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, tháng 4.2005. Ông Võ Văn Kiệt rất tâm đắc với ý tưởng đặt biểu tượng Thống nhất giữa Sài Gòn của nhóm tác giả này. Ông Võ Văn Kiệt nói, mục đích của chiến tranh không chỉ là chiến thắng, mà là thống nhất. Rất tiếc, công trình đến nay chưa được xây dựng. Tôi cho rằng cần phát huy tư tưởng của ông Kiệt…
(Theo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Trang