4 tháng 1, 2014

Việt Bắc du ký

Không phải chiến khu Việt Bắc mà là miền Bắc nước Việt. Lần đầu tiên nhóm chúng tôi toàn dân miền Trung, miền Nam ra đất Bắc nên có nhiều cảm nhận mới lạ…
Tiếng Việt phong phú
Chuyến bay từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài hạ cánh khá sớm. Sau khi nhận phòng tại một khách sạn đã đặt trước tại trung tâm thủ đô, chúng tôi quyết định điểm tâm ngay bằng món phở Hà Nội và được chỉ dẫn đến một quán gần đó ở góc phố Hàng Bún. Quán nhỏ thôi, kê vừa đủ 4 cái bàn và hôm đó càng chật hơn khi chị chủ quán ngoài 30 tuổi cho biết: “Hôm nay bị dân phòng “đuổi” nên phải đem xe phở vô nhà, các bác thông cảm ngồi chật một tí!”. Tuy cọng bánh phở có khác và cũng chẳng có đĩa rau, chai tương đỏ, tương đen… đi kèm như trong Nam nhưng được cái nước phở rất ngọt, ai cũng khen ngon.
Cô bạn trong nhóm cất tiếng hỏi mượn thêm cái chén nhỏ, còn cánh đàn ông gọi vài chai bia Hà Nội (quán chỉ có loại bia này) và xin vài ly đá nhưng chờ hoài chẳng thấy ai đem ra. Khi chúng tôi gọi lại lần nữa thì một anh áo quần chỉnh tề, ngồi ở bàn bên ngoài, nhìn cười mách nước: “Anh chị ở “trỏng” mới ra phải không? Lần đầu tôi ra đây họp Quốc hội cũng “ọt-rơ” như vậy, phải gọi cái bát, cốc đá họ mới hiểu, cả miền Bắc là vậy mà, tiếng Việt mình phong phú lắm”. Thật ra chúng tôi cũng đã tiếp xúc và nghe qua phương ngữ của người miền Bắc nhưng “dạo đầu” tự nhiên… quên mất.
Chiều đó chúng tôi vãn cảnh thủ đô Hà Nội. Nhờ anh bạn sử dụng điện thoại có hệ thống định vị “dẫn đường” nên cũng nhanh chóng tìm đến Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi có Lăng Bác và chùa Một Cột, dạo một vòng quanh hồ Tây rộng lớn rồi lủi xe máy qua các đường phố, ngõ, ngách chật chội đông người mua kẻ bán, xe cộ dừng đậu “tự nhiên” giữa lộ… mới đến được quán bún chả ở phố Hàng Mành. Tại đây và sau đó ở một điểm bán “bia hơi Hà Nội” trên vỉa hè, chúng tôi đã quen dần cách gọi món ăn, thức uống bằng phương ngữ địa phương.
Du khách nước ngoài vãn cảnh trên sông Tràng An.
    
Phong cảnh hữu tình
Hôm sau, chúng tôi ra ga Hà Nội (người dân nơi đây quen gọi ga Hàng Cỏ) đón chuyến tàu hỏa khởi hành sớm nhất vào vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Vẫn thuê xe máy ngao du mới tận hưởng được vẻ đẹp của phong cảnh đồi núi hữu tình trên đường vào các khu du lịch: Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, chùa Thạch Bích, bãi Tắm Tiên, tiểu Vạn lý trường thành… và ngồi thuyền lướt mái chèo để chiêm ngưỡng từng hàng thạch nhũ như sà xuống mạn thuyền trong hang Seo, hang Tối, hang Sơn Dương. Quanh co trên sông Tràng An, thỉnh thoảng còn thấy hai bên núi có vài đàn dê ra ngoài vách đá tìm thức ăn.
Chị Luyến chèo thuyền, gương mặt trông khắc khổ, cho biết: Núi ở Ninh Bình không cao nhưng rất nhiều và được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn, trên sông”. Núi nhiều nên dân ở đây không lập trang trại mà thả rong dê nuôi trên núi để chúng tự kiếm ăn và nổi tiếng với đặc sản “dê núi Ninh Bình”.
“Các bác ra đây vào mùa du lịch thấp điểm chứ vào 3 tháng hè thì cũng “kẹt thuyền” như kẹt xe trên bộ, chèo cả giờ chưa tới được cửa hang đầu tiên. Khu du lịch đầu tư ở đây khoảng 2.000 thuyền, còn chúng em chèo thuê, mùa này phải “xếp tài” hơn cả tháng mới tới lượt. Mỗi lượt chở 4 khách, bến thu của khách 400.000 đồng, em được trả công chèo 100.000 đồng, du khách “bo” thêm được đồng nào hay đồng nấy. Thời gian trống khá nhiều nên tụi em phải bươn chải tìm việc làm thêm, từ ra phố ở đợ, vào quán phụ bán hoặc lên nương rẫy trồng hoa màu… kiếm thêm vài chục ngàn đồng nuôi con qua ngày”, chị Luyến tâm sự.
Một đoạn tiểu Vạn lý Trường thành ở Khu du lịch Hang Múa.
Theo chỉ dẫn của chị Luyến chúng tôi cũng thưởng thức được “đặc sản dê núi” ở một quán có tiếng gần chùa Bái Đính và hôm sau “chén” thêm món “gà đồi” ở Hang Múa. Hang này ở địa bàn xã Ninh Vân thuộc cụm du lịch Tam Cốc - Bích Động, hang nằm trong trái núi tựa như quả chuông không lớn lắm, đi từ cửa hang bên này qua cửa bên kia chỉ khoảng 100m. Theo truyền thuyết, sở dĩ có tên Hang Múa vì xưa kia có vị vua Trần thường du thuyền tới đây để nghe cung tần, mỹ nữ hát múa.
Còn anh Côn, làm điểm du lịch này, sau khi lên đồi “giăng lưới” bắt con gà trống gần 2kg bán cho chúng tôi và “bao” luôn món gà nấu cháo tính cả thảy nửa triệu đồng, cũng vào bàn ăn bắt chuyện. Theo anh Côn, hang này còn được dân gian gọi tên Hang Mát vì không khí bên trong mát lạnh quanh năm và người dân quanh vùng từ xưa đến nay vẫn thường vào đây “trốn” mỗi khi thời tiết bên ngoài nóng bức. Chúng tôi cũng thấy trong hang có một sân khấu bằng xi măng để thanh thiếu niên vào tập dượt văn nghệ hoặc dân nghỉ lưng tránh nóng.
Bên cạnh Hang Mát có đường lên ngọn núi với 486 bậc đá, thiết kế “tay vịn” hai bên bằng xi măng, sơn màu trắng nên từ xa nhìn lên chẳng khác nào một phần của Vạn lý trường thành bên Trung Quốc, nên đây còn được gọi “tiểu Vạn lý trường thành”. Từ đỉnh núi có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh nên thơ vùng Tam Cốc. Tuy nhiên, đường lên núi khá bẩn, từ bậc thang đầu tiên đến bậc thang trên cùng đầy phân dê và rác của du khách bỏ lại.
Trà dư tửu hậu cũng nghe anh Côn “ca” về loại gà nuôi ở đây nhưng xem ra thịt “gà đồi” ở Ninh Bình không thơm bằng “gà tươi” Sóc Sơn ở ngoại thành Hà Nội, cũng như món heo (lợn) nướng Hà thành chẳng thể so bì với “heo cặp nách” miền núi Lào Cai…
“Chặt, chém” bất kể mùa
Mùa này thuê tàu ra vịnh Hạ Long nên “trả giá” trực tiếp với chủ tàu vì giá thuê bao tối đa 1 tàu 48 chỗ ngồi chỉ 1 triệu đồng, dù hợp đồng ghi 1,4 triệu đồng theo quy định, cũng không cần nhờ chủ khách sạn thuê giùm vì họ sẽ “hét” giá 1,5 - 2 triệu đồng/tàu, thuê trong 4 giờ.


Đừng tưởng Bắc du vào mùa thấp điểm du khách sẽ được o bế, đối xử như “thượng đế”. Dù đã liên hệ đặt trước phòng khách sạn qua mạng và giá cả giữa các tỉnh - thành mùa này không chênh lệch bao nhiêu nhưng bề thế và nội thất hotel ở Hà thành “rao 3 sao” nhưng không bằng hotel ở thị trấn Sapa (Lào Cai), TP Hạ Long (Quảng Ninh), TP Hải Phòng hay Ninh Bình và chỉ đáng “1 sao” so với ở Sài thành.
Thuê xe máy ở những khách sạn này, ngoài việc xăng trong xe cũng chỉ dư chút đỉnh để chạy đến cây xăng gần nhất “châm” đầy bình có chủ xe còn chỉnh phao xăng sao cho mới hết nửa bình, kim xăng đã tụt xuống mức cảnh báo “sắp hết xăng”, khiến khách thuê đi xa vài trăm cây số hoặc thường “gài” số 1 -2 để leo đèo dốc, phải hớt hải chạy tìm cây xăng, vốn rất ít ở các tỉnh lộ, để “bổ sung” cho đầy. Về trả xe thì xăng luôn còn hơn nửa bình.
Ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) mùa này chỉ nhiều khách Tây “ba lô” sang tránh đông, khách Việt rất ít nhưng là đối tượng dễ bị “chặt chém” nếu nói giọng miền Nam. Chúng tôi đem 3kg tôm, ghẹ sống mua từ TP Hạ Long nhờ bếp của khách sạn luộc giùm, họ tính công 70.000 đồng/kg, nói qua nói lại, đòi bỏ đi khách sạn khác, lúc này chủ khách sạn mới ra mặt, xuống giọng “thôi 3kg tính tiền 1kg”. Có mồi kêu bia uống kèm phải “tỉnh táo” lúc tính tiền vì họ sẽ “áp” giá bia uống trên phòng nghỉ (cao hơn 5.000 đồng/lon/chai so với giá bán dưới nhà hàng), ở những nhà hàng nổi trên sông cũng tính gian như vậy nếu khách không thỏa thuận giá trước. Cảnh giác với những món không kêu nhưng quán đem ra, cứ tưởng đi kèm với thức ăn, sẽ bị tính giá trên trời.
Trước bến xe, bến cảng, nhà ga tại TP Hải Phòng có rất nhiều ta-xi “mù” và ta-xi có thương hiệu gần như không dám tranh giành khách với loại xe “mù” này, chúng thường bắt nạt khách trả tiền nhiều hơn gấp đôi so quy định. Nên đi bộ ra xa bến rồi đón xe thương hiệu có đồng hồ tính tiền để khỏi tranh cãi, đề phòng “tiền mất tật mang” với bọn đầu gấu.
Ở một quán ăn khác tại Hà Nội, khi lấy xe ra về chúng tôi lại một phen ngơ ngác do “bất đồng ngôn ngữ”. Chẳng là xe anh bạn tôi đề hoài máy không nổ, thấy vậy một anh bạn ngồi bàn bên trong nói vọng ra: “Dập máy đi, dập máy đi”. Cả bọn tôi chẳng hiểu gì, rồi tự “dịch”: dập hay đập, sao lại đập… xe? Chừng anh bạn kia ra giành lấy xe ngồi lên rồi… đạp máy, chúng tôi mới vỡ òa, thì ra “dập máy” ngoài này là “đạp máy” trong kia. Người xưa nói quá đúng, phải “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

                                                                                                                                      DŨNG LÊ


Không có nhận xét nào:

Trang