BBC & Ts Nguyễn Quang A
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bình luận ở Hà Nội, nói lời khai của ông Dương Chí Dũng cho thấy ‘sự thối nát không thể tưởng tượng nổi’ ở Việt Nam.
Nhưng ông cũng nói đó là điều tất yếu khi mà Đảng Cộng sản có đường lối như hiện nay mà một trong những ưu tiên của họ là phát triển kinh tế nhà nước.
Ông Quang A nói với BBC hôm 8/1:
“Lời khai của ông Dũng tại tòa có thể nói sẽ là một bước đầy kịch tính và sẽ làm cho rất nhiều người đau đầu.
“Nó bộc lộ ra một sự thối nát không thể tưởng tượng được trong đội ngũ quan chức của Việt Nam hiện nay.
“Từ chuyện những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ăn cắp, ăn trộm tiền, rồi đi hối lộ, đút lót để chạy án, cho đến chuyện lập âm mưu để chạy trốn.
“Những tình tiết đấy thực sự dư luận đã biết cũng khá lâu rồi, trước cả khi ông [Phạm Quý] Ngọ lên Thượng tướng.
“Những người nghe được thông tin đồn đoán … và thấy khi mà ông ấy lên Thượng tướng cách đây hơn 5, 6 tháng thôi thì thấy có thể vụ này đã được dàn xếp mọi thứ rồi.
“Nhưng mà đến lời khai của ông Dũng trước tòa thì có thể những tính toán đấy sẽ vỡ và thực sự người dân sẽ được chứng kiến một màn kịch rất là gay cấn.”
Mặc dù vậy ông Quang A cũng nói trong hệ thống tư pháp “không minh bạch” ở Việt Nam khó biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Nếu người ta muốn làm, nếu người ta muốn điều tra cặn kẽ thì có thể tìm ra vô vàn bằng chứng.”
Vị Tiến sỹ nói các công ty viễn thông có thể có những dữ liệu về các cuộc gọi kể cả khi gọi bằng ‘sim rác’ và có thể có các nhân chứng khác nữa.
Nhưng ông Quang A nói thêm một người từng đứng đầu cơ quan điều tra sẽ là “bậc thầy” về xóa mọi dấu vết.
‘Trâu bò húc nhau’
Dù không nói cụ thể nhưng ông Quang A cho rằng các phiên tòa như phiên xử anh em ông Dương Chí Dũng liên quan tới cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị ở Việt Nam:
“Trong trường hợp này thì trâu bò húc nhau không phải là ruồi muỗi mà có thể là nhặng cũng chết.”
Vị tiến sỹ cũng cho rằng sự xuất hiện những nhân vật như Dương Chí Dũng hay Dương Tự Trọng là không tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam.
Ông nói: “Tôi đã nhiều lần nói rằng loại trừ ông Dương Chí Dũng này thì sẽ có dăm ba ông Dương Chí Dũng khác bởi vì cái cơ chế nó đẻ ra các ông Dương Chí Dũng như vậy.
“Cho nên là nếu Việt Nam có muốn học Tập Cận Bình để ‘đả cả hổ lẫn đả cả ruồi’ thì có đả đến đâu đi nữa nó vẫn sinh ra cả hổ và ruồi.
“…Nếu không đặt kinh tế nhà nước làm chủ đạo, mà chính vì chủ đạo nên mới phải có những ‘quả đấm sắt’ [các tổng công ty lớn] mà biến thành những bọc rẻ như Vinashin, Vinalines thì sẽ không có Phạm Thanh Bình của Vinashin và Dương Chí Dũng của Vinalines.
“Nếu mà muốn truy như thế, tất nhiên là không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của những người ra đường lối, nhưng mà thực sự những người đấy là những người sinh ra nguồn gốc của tất cả những cái này.”
Ông Quang A nói Đảng Cộng sản cần chấm dứt chính sách có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và thậm chí sửa lại Hiến pháp một lần nữa để đi đúng hướng:
“… Chỉ có một cách giải quyết tận gốc rễ là đến năm 2016 này Đảng Cộng sản Việt Nam có đại hội và nếu họ khôn thì họ thay đổi đường lối của họ.”
Ông Quang A nói “hoàn toàn có khả năng” lại sửa đổi Hiến pháp một lần nữa sau kỳ đại hội tới của Đảng.
—–
Dưới đây là phần bóc tiếng toàn bộ cuộc phỏng vấn, do DĐXHDS thực hiện:
TS Nguyễn Quang A (NQA): Lời khai của ông Dũng tại tòa có thể nói sẽ là một cái bước đầy kịch tính và sẽ làm cho rất nhiều người đau đầu. Nó bộc lộ ra một cái sự thối nát không thể tưởng tượng được trong cái đội ngũ quan chức của Việt Nam hiện nay. Từ cái chuyện là những người lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước ăn cắp, ăn trộm tiền rồi đi hối lộ đút lót để chạy án cho đến những cái chuyện lập ra cái âm mưu để chạy trốn. Những tình tiết đấy thực sự dư luận đã biết cũng khá lâu lâu rồi. Trước cả khi mà ông Ngọ được lên thượng tướng và những người mà nghe được thông tin đồn đoán các thứ này khác và thấy khi mà ông ý lên thượng tướng cách đây độ khoảng hơn 5-6 tháng thôi đấy thì thấy rằng có thể cái vụ này nó đã được dàn xếp mọi thứ rồi. Nhưng mà đến cái lúc mà lời khai của ông Dũng trước tòa thì có thể những cái tính toán đấy sẽ vỡ và thực sự người dân sẽ được chứng kiến một cái màn kịch rất là gay cấn.
PV: Theo thông tin mới nhất mà tôi có đọc trên báo Công an nhân dân thì Trung tướng Hoàng Kông Tư, tức là người cao nhất về mặt điều tra của ngành công an thì vừa mới nói rằng là ông Dương Chí Dũng cũng có khai như vậy trong quá trình điều tra thế nhưng mà Bộ công an rồi những cơ quan điều tra thì lại không tìm thấy bằng chứng nào cả, tức là cũng giống như ông Phạm Quý Ngọ ông nói ngày hôm qua tức là không có một cái bằng chứng cụ thể nào, chẳng hạn như không có một cái cuộc điện thoại nào gọi đến những cái danh sách mà ông Dương Chí Dũng ông ý đưa ra chẳng hạn. Thì liệu phải chăng là những cái chuyện mà người dân nghĩ rằng là có thể sẽ có một cái gay cấn nào đó thì có quá sớm không ạ?
NQA: Tôi nghĩ rằng là cũng có thể quá sớm bởi vì trong hệ thống tư pháp của Việt Nam mà rất là không minh bạch này thì không có thể dự đoán được cái gì cả. Tôi nói ví dụ là… tất nhiên là người ta phải nói không có bằng chứng nào cả. Nhưng mà tôi nghĩ nếu mà người ta muốn làm, nếu người ta muốn điều tra cặn kẽ thì có thể tìm ra vô vàn bằng chứng. Còn người ta không muốn làm thì hiển nhiên tức là gì, ông Dũng nói rằng gọi vào giờ đấy bằng một cái sim rác chẳng hạn tức là đấy một sim điện thoại mà không phải mang tên của chính chủ người đấy. Nhưng mà tôi nghĩ rằng với những dữ liệu mà các nhà mạng cung cấp viễn thông thì vẫn có thể lần ra được những bằng chứng thuyết phục để mà luận xem là có cái chuyện như vậy xảy ra hay không! Rồi nhân chứng, tất nhiên đi như thế thì luôn luôn phải có cái ông lái xe chẳng hạn, có những người này người kia biết chẳng hạn thì tôi nghĩ rằng là nếu mà khớp tất cả những cái bằng chứng có thể là bằng chứng rồi tìm cách để lấy cái đấy làm cái việc chứng minh thì tôi nghĩ rằng chắc không thiếu bằng chứng nếu người ta muốn làm. Còn người ta không muốn làm thì nói rất là dễ không có bằng chứng nào cả. Và như thế là như vậy ông Dũng Vinalines còn phạm thêm một cái tội nữa là vu khống đấy chẳng hạn, thì cũng không biết thế nào cả.
PV: Khi mà nghe tin ông Dương Chí Dũng ông ý khai đấy, tức là thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chính là người báo tin thế rồi lại còn nhận hơn 500 ngàn đô la từ ông Dương Chí Dũng. Mặc dù cho tới giờ phút này thì ông Ngọ kiên quyết bác bỏ những cáo buộc đó và nói rằng là nó không có cơ sở gì cả. Thì cái độ ngạc nhiên của ông tới đâu khi mà ông nghe thấy cái số tiền như vậy và một quan chức gọi là đã từng đứng đầu cái cơ quan điều tra của cả một ngành công an ạ?
NQA: Đối với tôi thì tôi không ngạc nhiên nhiều lắm bởi vì những cái chuyện như thế là những cái chuyện cơm bữa ở Việt Nam còn có bằng chứng lôi ra được cụ thể một trường hợp như thế nào thì cũng không phải là dễ bởi vì như vậy đấy là trường hợp chính những người gọi là chịu trách nhiệm về toàn bộ bộ máy điều tra xét hỏi như thế thì họ có rất nhiều kinh nghiệm, đầy đủ các kinh nghiệm nghiệp vụ để làm phá bỏ mọi các cái dấu hiệu bằng chứng hoặc là bằng chứng hoặc là… họ là chuyên gia, là bậc thầy trong cái chuyện này mà.
PV: Ở đây thì theo ông mọi chuyện nó sẽ dừng lại ở đâu, chẳng hạn như là trong cái quá trình điều tra ông… chẳng hạn như bây giờ giả sử có cái cuộc điều tra ông thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chẳng hạn thì ông có nghĩ rằng nó sẽ còn liên quan tới những người khác thậm chí ở những cái cấp cao hơn. Chẳng hạn như bên Trung Quốc họ sờ tới cả Ủy viên Bộ Chính trị, tức là một trong mười mấy người quyền lực nhất cả nước thì ở Việt Nam liệu có thể xảy ra tình huống đó không ạ?
NQA: Tôi không dám dự đoán cái gì cả nhưng mà rõ ràng ở trong trường hợp này tôi suy đoán trâu bò húc nhau thì không phải là ruồi muỗi mà có thể là nhặng cũng chết.
PV: Khi mà theo dõi vụ án này ý thì tôi cũng một cái câu hỏi của một người phóng viên thôi, tức là giả sử như không có một người nào đó, bây giờ chưa thể khẳng định là ai làm lộ cái tin là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận khởi tố và bắt giam ông Dương Chí Dũng thì sẽ không có vụ án mà họ vừa xử 2 ngày qua là Dương Tự Trọng đúng không ạ, tức là không có chuyện bỏ trốn mà sẽ bị bắt luôn (NQA: Chắc chắn! Chắc chắn!). Thế mà bây giờ nếu mà lần ngược trở lại các cái diễn biến ở Việt Nam thì tôi cũng đặt câu hỏi là nếu như mà không có một cái chủ trương thành lập các cái đại công ty như vậy, trong đó có Vinalines thì liệu ông Dương Chí Dũng có bị lâm vào cái tình trạng như hiện nay không ạ? Đặt một cái chữ “nếu” như vậy thì ông nghĩ sao?
NQA: Không, không… chắc chắn là không. Tôi đã nói nhiều lần rằng trừ ông Dương Chí Dũng này thì sẽ có dăm ba ông Dương Chí Dũng khác bởi vì cái cơ chế nó đẻ ra những Dương Chí Dũng như vậy. Cho nên là vấn đề, nếu mà Việt Nam có muốn học Tập Cận Bình để mà đả cả hổ lẫn đả cả ruồi thì có đả đến đâu chăng nữa thì nó vẫn sinh ra hổ và sinh ra ruồi. Vấn đề của nó chính là ở chỗ đó! Nếu mà không có cái chuyện mà đặt gọi là “khu vực kinh tế – nhà nước làm chủ đạo”, vì chính vì cái chủ đạo đó mà phải có những cái quả đấm sắt mà biến thành gọi là những bọc giẻ như là Vinashine, Vinalines thì sẽ không có ông Phạm Thanh Bình của Vinashine, cũng không có ông Dương Chí Dũng của Vinalines. Và cái đấy nếu mà muốn truy như thế tất nhiên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của những người ra đường lối cả, nhưng mà thực sự những người đấy là những người sinh ra nguồn gốc của tất cả những cái này.
PV: Tức là ông nói rằng chính những cái chính sách kinh tế của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì mang lại những cái hậu quả, những cái hệ lụy mà các cái nhân vật như là Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng phải gánh chịu?
NQA: Đường lối đấy là của ĐCSVN, không phải là một mình ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một người thi hành cái đường lối đấy mà thôi, cho nên phải truy lên đến tận đó.
PV: Thế nhưng mà khi nói về ĐCS tức là mọi thứ nó lại mù mờ bởi vì đảng nó không có một cái khuôn mặt rõ ràng nào cả, đúng không ạ?
NQA: Xin lỗi, có một khuôn mặt là mười mấy ông trong Bộ Chính trị chứ, và có khuôn mặt là ông Tổng Bí thư chứ. Cái người mà gọi là kiên quyết giữ vững cái đường lối đấy phải là ông Tổng Bí thư chứ.
PV: Thế nhưng mà chính ông Tổng Bí thư và các tùy tùng của ông đó trong đó có cái chuyện ông lập ra Ban Nội chính thì lại có vẻ như được dư luận xem là đang thúc đẩy những vụ án như thế này thì phải chăng nó cũng có những cái mâu thuẫn?
NQA: Tôi nghĩ rằng dư luận, người dân cũng phải tìm cách học, cũng phải tìm cách hiệu chỉnh và cũng phải hiểu thấu đáo vấn đề chứ không phải như vậy là theo cảm tính. Và như vậy mình đang ghét tham nhũng chẳng hạn, thấy làm mạnh chống tham nhũng thì lúc đấy ủng hộ. Nhiều khi vì cái ngộ nhận của chúng ta, chúng ta ủng hộ những cái hết sức là dở. Nếu mà cái chủ trương chống tham nhũng đấy mà lại đưa đến một cái chuyện hành xử coi thường cái hệ thống tư pháp, có một người ra lệnh “hốt”, “nhốt” bất kể ai. Tôi nghĩ chẳng hạn như vậy có cái … ông Ngọ chẳng hạn, dẫu sao cái đấy cũng là một cái lời mà Viện kiểm sát có thể khởi tố nhưng mà phải để cho ông ý cái quyền để ông ý chứng minh. Ông ấy buộc cơ quan điều tra phải … ông ấy phản đối lại, v..v… chứ không thể theo một kiểu là có một ý chí của ông nào đấy, quyết thế này, tất cả mọi thứ đều là những cái phiên tòa trình diễn cả thì đấy lại là một bước đi hoàn toàn là ngược.
PV: Nếu như mà như ông nói thì tình hình trong những cái thời gian tới nó sẽ ra sao bởi vì cái Hiến pháp đó thì nó đã lại khẳng định một lần nữa doanh nghiệp nhà nước thì vẫn cứ là chủ đạo và các cái vấn đề đất đai vẫn y như cũ cả thì cái đó theo ông trong thời gian tới liệu nó lại có xuất hiện thêm những nhân vật như vừa bị xét xử hay không ạ?
NQA: Chắc chắn là sẽ xuất hiện và chỉ có một cách giải quyết tận gốc rễ là đến năm 2016 này, ĐCSVN có một cái Đại hội và nếu mà họ khôn thì họ thay đổi cái đường lối của họ và cũng rất may là cái Hiến pháp vừa rồi được coi là một cái sự sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thôi chứ thực sự nó vẫn được gọi là “Hiến pháp năm 1992 sửa đổi” cho nên cũng hoàn toàn có khả năng vì là giữa 2016 hay là 2017 chẳng hạn thì lại sửa lại lần nữa.
PV: Qua theo dõi diễn biến mấy phiên tòa gần đây đấy thì ông có thấy nó có cái gì khác đi so với cái hồi mà chuyện chống tham nhũng nó còn thuộc quyền của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng so với bây giờ nó thuộc quyền của Bộ Chính trị, tức là của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những cái người mà người ta gọi là ở phe của ĐCS?
NQA: Nó chỉ phản ánh mỗi một cái… về cơ bản là không có gì khác. Nó chỉ khác mỗi cái là cái phe nào, cái người nào là thúc đẩy đứng đằng sau và tạo ra một cái động cơ để mà làm thôi chứ còn nó không thay đổi bởi vì trước… về cơ bản là nó cũng như thế.
PV: Dạ, và như cái ý của ông nói mà tôi có thể hiểu được là nếu như cơ chế vẫn cứ như hiện nay thì những cái nhân vật như là Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng sẽ vẫn cứ tồn tại và có thể mọc ra ở đâu đó trong cả cái hệ thống đó.
NQA: Hoàn toàn chính xác!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét