19 tháng 1, 2014

Suy ngẫm về cái sự “hành… là chính”?

Cơ quan hành chính Nhà nước và công chức Nhà nước đã sử dụng các thủ đoạn hành chính để lừa dối chính cơ quan Nhà nước và công dân để tạo ra những bước trượt dài trong lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước.


Năng lượng Mới số 290
Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính Nhà nước viết: “Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức phải được giao nhiệm vụ rõ ràng… Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ và phải được giao quền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ”.

I. Hành chính phục vụ thay hành chính cai trị

Việt Nam có hai căn cứ để xây dựng nền hành chính phục vụ là nước ta được tổ chức theo nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân là người nộp thuế để nuôi hệ thống cơ quan Nhà nước, các công chức Nhà nước. Nếu có tư duy rõ ràng như thế thì cấu tạo, hoạt động và hiệu quả của bộ máy hành chính không như hiện nay, một nền hành chính mang tính uy quyền và nặng về cai trị.
Việc ban hành các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính của chúng ta, nếu thấm nhuần tư duy lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ quan trọng hơn là nền hành chính uy quyền hay gọi là nền hành chính cai trị thì các quy phạm pháp luật đó phải đảm bảo được các nguyên tắc: đại bộ phận nhân dân muốn có được quy phạm đó trong đời sống, quy phạm đó mang tính hiện thực trong đời sống và các hành vi vi phạm của một số cá thể hoặc một thiểu số công dân phải nhận được lần lượt xử lý bằng ba loại chế tài từ cơ quan quản lý: giáo dục thuyết phục, cảnh báo và cuối cùng mới là xử lý. Đối chiếu với thực tiễn, hệ thống hành chính của chúng ta đã ban hành nhiều loại quy phạm và không được nhân dân đồng tình, không có giá trị áp dụng trong đời sống xã hội. Rất nhiều văn bản quản lý hành chính sau khi ban hành đã bị Bộ Tư pháp kiến nghị hủy bỏ, có nhiều quy phạm khác lạ với cách sống người Việt Nam. Đơn cử như, cha mẹ cấm con cái không được đi chơi khuya thì bị phạt vi phạm hành chính vì cản trở quyền tự do công dân.
Trong xử phạt vi phạm hành chính thì các quy phạm hầu như chỉ quan tâm đến việc duy nhất là xử phạt tiền. Mỗi lần thay đổi là một lần tăng mức phạt tiền. Trong khi đó, nguyên tắc xử phạt hành chính thì cảnh cáo hành chính mới là hình thức xử phạt chính, xử phạt tiền chỉ là hình thức xử phạt bổ sung. Lâu dần, các nhà quản lý hành chính đã quên mất hẳn một nhiệm vụ quan trọng của mình là giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn, răn đe.
Có thể phân tích tại đây một thí dụ rất phổ biến: các doanh nghiệp do những hoàn cảnh khác nhau mà chưa nộp báo cáo tài chính , báo cáo thuế. Tất nhiên, hành vi này là sai trái. Thay vì cơ quan thuế có văn bản hoặc ít nhất là gọi đến doanh nghiệp nhắc nhở thì họ đã âm thầm làm biên bản vi phạm và quyết định phạt. Không chỉ thế, họ còn kéo dài thời gian để áp dụng các tình tiết tăng nặng mức phạt doanh nghiệp. Và, sau có đó là câu chuyện thương lượng?
Nền hành chính cai trị đã tạo ra một hệ thống cán bộ công chức không biết “cười” với nhân dân. Hơn mức như thế, khi công dân có việc liên quan đến hành chính thì họ áp dụng phương pháp hướng dẫn nhiều lần, mỗi lần một chút. Thí dụ, một doanh nghiệp muốn tạm ngừng hoạt động trong thời gian luật định là việc đơn giản, nhưng không đơn giản khi thực thi.

Một thí dụ khác: chỉ riêng báo cáo thuế và tài chính thì có khi vài tháng cơ quan thuế lại thay đổi biểu mẫu một lần. Hành chính cai trị đã dẫn đến hậu quả là nó tự làm hỏng hệ thống cán bộ công chức của mình. Những vấn đề như trên là nghiêm trọng, nhưng nghiêm trọng hơn là cơ quan hành chính Nhà nước và công chức Nhà nước còn sử dụng các thủ đoạn hành chính để lừa dối chính cơ quan Nhà nước và công dân để tạo ra những bước trượt dài trong lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước. Cơ quan hành chính dùng thủ đoạn hành chính là việc đi ngược lại mọi nền quản lý hành chính. Để chứng minh nó, chúng tôi xin nêu ra hai thí dụ điển hình.
GS.TS Nguyễn Hữu Chí, chủ sở hữu Công ty JPET, chuyển bộ hồ sơ và con dấu của công ty và nhờ người quen làm giúp thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh. Người quen đó đã làm bộ hồ sơ giả đưa tên những người rất lạ vào chiếm 70% giá trị công ty. GS Chí phát hiện hồ sơ giả, khiếu nại. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trưng cầu giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an). Viện này xác định hồ sơ giả. Phòng Đăng ký kinh doanh số 1 thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư buộc phải ra quyết định hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này. Nhưng trước khi hủy thì phòng này đã để pháp nhân hình thành trên hồ sơ giả làm một giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khác. Họ đã hủy bản chứng nhận đăng ký kinh doanh không còn hiệu lực. Công ty JPET của GS Chí bị chiếm đoạt vẫn hoàn bị chiếm đoạt.

Đường Trần Khát Chân, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hoan)

Một thí dụ khác: lợi dụng Nhà nước đầu tư xây dựng đường Trần Khát Chân. Lợi dụng dự án này Ban Quản lý các dự án xây dựng quận Hai Bà Trưng tự bịa ra một dự án lấy đất đai hai bên đường Trần Khát Chân và ký hợp đồng bán 3.000m2 đất cho 2 doanh nghiệp với giá 1,2 lạng vàng SJC/m2. Khoản tiền thu được là 3.600 lạng vàng. Ban Quản lý không nộp vào kho bạc Nhà nước mà gửi vào ngân hàng rút ra tiêu gần hết. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phát hiện, giao cho UBND thành phố Hà Nội xử lý. UBND thành phố Hà Nội không những không xử lý cán bộ, không thu tiền cho Nhà nước mà còn hợp thức hóa bằng việc cho doanh nghiệp thuê diện tích đất mà họ đã mua. Do vi phạm quyền lợi của công dân, công dân khởi kiện.
Tại vụ án hành chính, công dân phát hiện tham nhũng trước tòa án. Thẩm phán Tòa án Hà Nội trả lời: việc tham nhũng này không thuộc chức năng tòa án giải quyết. UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện thủ đoạn hành chính: khai báo trước Tòa án là Hà Nội chưa giải quyết khiếu nại nên không thuộc chức năng của tòa án. Công dân khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ, Hà Nội có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ là UBND thành phố Hà Nội đã giải quyết rồi nên không thuộc chức năng của Thanh tra Chính phủ. Thủ đoạn hành chính này nhằm tước đoạt các quyền khiếu nại và các quyền khởi kiện của công dân. Khi phát hiện hành vi sai trái của UBND thành phố Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao tái thẩm vụ án và khẳng định UBND thành phố Hà Nội đã giải quyết, phục hồi quyền khởi kiện của công dân. Cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội làm giả hồ sơ nộp cho tòa án. Mặc dù Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đại diện tại tòa đã nghi ngờ hồ sơ này, 3 vị thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn căn cứ vào hồ sơ giả để bác yêu cầu của công dân. Từ một người vi phạm, hành xử hành chính như trên kéo theo một dây vi phạm pháp luật.
Đã là nhiệm kỳ thứ tư, Chính phủ đưa việc giảm biên chế và cải cách hành chính vào chương trình nghị sự. Nhưng biên chế ngày càng phình to, hiệu lực quản lý không đạt yêu cầu, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức suy thoái. Điều đó gây bức xúc trong nhân dân và cản trở tiến trình phát triển quốc gia.
Hệ thống quản lý hành chính nhà nước ta đã có “một quán tính”, một sức ỳ quá lớn. Mà quán tính ấy, sức ỳ ấy lại mang tính phe nhóm che đỡ cho nhau (!).

II. Nguyên tắc hành chính im lặng là hành chính đồng ý

Nguyên tắc này được nhiều quốc gia áp dụng, nhằm tăng trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các công chức làm việc tại các cơ quan này. Nguyên tắc đó được hiểu một cách đơn giản như sau: mọi quy trình hành chính, nhà nước đều quy định và thông báo công khai quy trình, thời gian thực hiện quy trình và các điều kiện tối thiểu của các bên tham gia quan hệ hành chính; cơ quan quản lý hành chính nhà nước mang quyền đồng thời phải hiểu là có nghĩa vụ đáp ứng các thỉnh cầu của công dân, của tổ chức.
Công dân và các tổ chức có nghĩa vụ đáp ứng điều kiện tối thiểu đã quy định (nếu liên quan đến tài liệu, giấy tờ thì cơ quan quản lý hành chính có mẫu sẵn) và hết thời hạn quy định, cơ quan nhà nước không ban hành một trong ba loại văn bản: đồng ý, không đồng ý, hoặc yêu cầu bổ sung, hướng dẫn thủ tục thì công dân hoặc tổ chức có quyền thực hiện theo đúng điều mà mình đã thỉnh cầu coi như cơ quan hành chính đã đồng ý. Các phát sinh tiếp theo là hành vi đã thực hiện mà không được cơ quan quản lý trả lời của công dân 


được coi là hành vi hợp pháp. Mọi hậu quả pháp lý cơ quan hành chính được thỉnh cầu mà không đáp ứng phải gánh chịu.
Công bằng mà nói, hầu hết việc giải quyết các quan hệ pháp luật giữa một bên là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, một bên là công dân và tổ chức khác ở nước ta đã được quy trình hóa, thông báo các điều kiện cần thiết khi một bên mong muốn tham gia quan hệ và quy định thời hạn để thực hiện quy trình. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không đúng như vậy.
Nghiêm trọng hơn, thời hạn để giải quyết, nhất là các giải quyết về khiếu nại, tố cáo thì hầu như cơ quan quản lý hành chính không tôn trọng. Từ không tôn trọng về thời hạn dẫn đến nhiều hậu quả: nhân dân suy diễn và phải tìm cách hối lộ cho nhân viên công quyền để họ phải làm một việc lẽ ra họ phải làm (!); Nhân viên công quyền dựa vào tâm lý nói trên để tạo cửa quyền. Và, cuối cùng là làm cho nhân dân mất hết lòng tin vào cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý là, hầu hết các quy định về thời hạn thực hiện các quy trình hành chính đều bị vi phạm. Sự vi phạm này không chỉ ở các cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà ngay cả cơ quan tư pháp cũng vậy. Thể hiện rõ nhất là các vụ án hành chính, dân sự, kinh tế… thời hạn giải quyết đã quy định trong luật tố tụng đều bị bỏ qua. Lâu dần, các cơ quan này không coi là một ràng buộc pháp luật.
Đáng sợ nhất là những vụ việc do cả một hệ thống làm sai, khi phải giải quyết, cấp trên đùn đẩy cho cấp dưới và ngược lại. Cuối cùng các cấp đều im lặng để công nhận hành vi trái pháp luật. Tại khu tập thể H312, đường Nguyễn Cơ Thạch, huyện Từ Liêm, Hà Nội, cơ quản quản lý xây dựng tại địa phương đã để cho nhiều ngôi nhà có diện tích rất nhỏ mọc lên, có ngôi nhà do hoàn toàn lấn chiếm đất mà có. Ngôi nhà nhỏ thì khi cấp giấy chứng nhận, chính quyền lấy hình chiếu của ô văng để tăng diện tích đất, ngôi nhà lấn chiếm đất, chính quyền cũng hợp thức hóa. 8 năm công dân bị xâm phạm quyền lợi do các hành vi trên khiếu nại, chính quyền im lặng. Thậm chí, các cơ quan ngôn luận cũng bị né tránh. Những việc không được im lặng thì chính quyền im lặng! Không mấy người tin rằng, việc làm sai trái này chỉ do thiếu trách nhiệm.
Chỉ cần áp dụng nguyên tắc hành chính im lặng là hành chính đồng ý và công chức phía cơ quan công quyền phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức xử lý tương ứng thì ít nhất xã hội ta có thể loại bỏ được 60-70% những vụ tham nhũng nhỏ thông qua phong bì.

III. Nguyên tắc trách nhiệm người đứng đầu

Người đứng đầu các cơ quan hành chính chỉ bị xử lý chủ yếu khi có hành vi tham nhũng hoặc vi phạm các quy phạm đạo đức. Nước ta hầu như chưa xử lý các hành vi đưa ra các quyết định hành chính sai hoặc không ban hành quyết định hành chính mà lẽ ra các quyết định hành chính phải ban hành hoặc không thực hiện đúng quy trình, thời hạn… là các cửa thoát trách nhiệm của công chức mang quyền hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính, nghiêm trọng hơn là những người này coi thường các quan hệ hành chính mà mình thay mặt cho nhà nước tham gia; giải quyết các quan hệ hành chính một cách tùy tiện và cuối cùng là không lựa chọn được những công chức hành chính và những người đứng đầu các cơ quan hành chính đủ năng lực và chuyên nghiệp.
Do thiếu năng lực và không chuyên nghiệp dẫn đến người đứng đầu hoặc người được ủy quyền thay mặt nhà nước giải quyết các quan hệ hành chính không quyết đoán. Họ giải quyết các quan hệ hành chính theo kiểu quyết định dựa theo số đông. Để có đủ chứng cứ cho việc dựa theo đám đông, họ phải liên tục và thường xuyên tổ chức các cuộc họp, triệu tập rất nhiều cán bộ của các ngành chuyên môn để nghe phát biểu, giữ biên bản cẩn thận đối phó với công dân và đối phó với cơ quan cấp trên.
Những quy định hành chính sai đôi khi gây những hậu quả về vật chất nghiêm trọng. Sau khi Luật Bồi thường Nhà nước được ban hành, những công chức mang quyền phải chịu hậu quả pháp lý về việc ban hành quyết định sai. Phương pháp bồi thường của chúng ta là ngân sách bồi thường và công chức làm sai bồi thường cho ngân sách. Những quyết định hành chính sai làm thiệt hại cho công dân nhiều tỉ đồng thì công chức làm sai phải bồi thường bằng giải pháp trừ dần lương. Lương một đời công chức cũng không thể bù đủ bồi thường. Ở các nước dân chủ tư sản, người mang quyền hành chính nhà nước thường là người có tài sản. Ở nước ta, về mặt lý thuyết, người mang quyền nhà nước là người vô sản. Vì thế giải quyết trách nhiệm về vật chất là việc xung đột giữa lý luận và thực tiễn.
Thông điệp của Thủ tướng về cải cách hành chính là quyết liệt, những mục tiêu là rõ ràng. Tuy vậy, xây dựng một bộ máy hành chính mới nhằm đạt được những tiêu chí mà Thủ tướng nêu ra là cam go vì hệ thống quản lý hành chính nhà nước đã có “một quán tính”, một sức ỳ quá lớn. Mà quán tính ấy, sức ỳ ấy lại mang tính phe nhóm che đỡ cho nhau (!).
                                                                                                          Vũ Hoàn Nguyên

Không có nhận xét nào:

Trang