PGS-TS Văn Như Cương đã có buổi giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online với chủ đề "Gặp gỡ cuối năm - Giao lưu trực tuyến liên tục 10 giờ". Tại buổi giao lưu này, không ít độc giả boăn khoăn, hoài nghi về chất lượng giáo dục... Tất cả được mổ xẻ dưới góc nhìn của một nhà giáo trọn đời tâm huyết với giáo dục.
Bớt lãng phí để đầu tư cho giáo dục
Bạn đọc Nguyễn Trung Quốc hỏi PGS-TS Văn Như Cương: “Hiện nay tình hình tham ô đã xâm nhập đời sống "như chuyện thường ngày" làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, từ khâu thi cử đến đào tạo, công khai có, trá hình có. Thưa PGS chúng ta (trong đó có ngành giáo dục) cần làm gì để đảm bảo chất lượng đào tạo đề ra?
PGS-TS Văn Như Cương, trả lời: Tình hình tham nhũng tất nhiên ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Tuy nhiên theo tôi, việc lãng phí trong giáo dục còn cao hơn tham nhũng và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Lãng phí trong giáo dục thể hiện ở nhiều dự án, tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng không đi đến kết quả là bao nhiêu, đi nước ngoài quá nhiều cũng chỉ để "chơi".
Họp hành quá nhiều, rồi các phong trào kiểu hình thức cũng quá nhiều, thi đua, bình bầu khen thưởng quá nhiều...
|
Giáo dục phổ thông còn nặng nề, gây căng thẳng cho học sinh. Học sinh TP.HCM sau giờ thi tốt nghiệp THPT 2013 |
Theo tôi đó là những lãng phí mà nếu ta tiết kiệm, làm tốt thì sẽ có dư tiền phục vụ việc dạy học.
Chị Ngô Thị Huyền boăn khoăn: những nguyên nhân chủ quan nào dẫn tới sự tha hóa trong giáo dục, văn hóa? Cần phải làm gì để khắc phục sự tha hóa đó?
PGS Văn Như Cương cho rằng, đây là vấn đề của toàn xã hội, trong đó giáo dục phải nhận trách nhiệm rất lớn. Báo chí, truyền thông, phim ảnh cũng có phần trách nhiệm không nhỏ.
Bởi vậy, vấn đề là sự thay đổi của cả hệ thống về vấn đề giáo dục, văn hóa.
Có nên để phim Hàn Quốc tràn ngập trên truyền hình của ta hay không, điều này rất đáng suy nghĩ. Đó là trách nhiệm của những người đứng đầu Bộ Văn hóa.
Giáo dục đại học tuột dốc
PGS nhận định về giáo dục, phổ thông và đại học: Chất lượng giáo dục phổ thông tuy còn có những mặt yếu, nhưng không hoàn toàn kém cỏi.
|
PGS Văn Như Cương tại buổi giao lưu ảnh: Nguyễn Khánh TTO |
Còn về giáo dục đại học, thì thực sự là bi đát. Bởi vì chương trình học không bảo đảm cho những người tốt nghiệp ra có thể làm được việc. Cho nên, cải cách giáo dục bậc đại học là vấn đề giải quyết câu hỏi: học cái gì để người học ra cuộc sống có thể tìm được việc làm?
Ông Hoàng Minh Tân đặt vấn đề: "Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói rằng, đột phá đổi mới từ Bộ GD-ĐT đầu tiên". Vậy theo ý kiến riêng của PGS thì đó là những đột phá nào?
PGS cho rằng: Cần phải cải tiến ngay từ "bộ não" của ngành GD-ĐT. Ở đó không cần có những công chức giáo dục sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Mà cần những nhà sư phạm, nhà giáo dục có tâm huyết thực sự với sự nghiệp trồng người.
Loại được tham nhũng, đời sống giáo viên mới nâng lên
“Chúng tôi đã nghe nhiều về dự án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nhưng chưa biết nội dung cụ thể và mức độ mới như thế nào. Tôi xin hỏi với dự án lớn đó thì trình độ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất như hiện nay có phù hợp và đáp ứng được yêu cầu đổi mới không? Khi triển khai dự án đó thì đời sống của giáo viên có được đổi mới tương xứng không”, bạn đọc Dương Thanh, 42 tuổi hỏi.
|
Theo PGS Văn Như Cương thì giáo dục phổ thông của ta còn yếu chứ không đến nổi kém cõi... |
PGS Văn Như Cương: Trong đề án có đề cập tới việc đổi mới về chất lượng giáo viên, nâng cao đời sống giáo viên. Trên thực tế vấn đề đời sống giáo viên, nhiều lần đã được đặt lên bàn để thảo luận, nhưng theo tôi thì khó có thể nâng cao một cách thực sự đời sống giáo viên được.
Bởi vì chúng ta không có nhiều tiền, 20% ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đã quá nhiều. Muốn nâng cao đời sống giáo viên thì chỉ có cách chống tham nhũng và chống lãng phí. Nhưng tiếc thay, đó là công việc lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà giải quyết được.
Vô cảm do giáo dục mà ra
Bạn đọc Nguyễn Hưng Thắng, đặt vấn đề: Rất nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn trong xã hội, từ trẻ em cho đến người lớn, từ nông thôn đến thành thị. Rất nhiều người sống chỉ biết đến lợi ích của bản thân, mà không quan tâm đến lợi ích của người khác, của cộng đồng. Theo thầy, nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng này là gì? Phải chăng tham nhũng, chạy chức chạy quyền là cội nguồn?
PGS Văn Như Cương: Điều bạn nói chính là thói vô cảm đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Hầu như mọi người chỉ biết mình, không quan tâm tới người khác.
Trước kia thời chống Mỹ không hề có chuyện ấy. Hồi ấy chúng ta thực sự là "Một người vì mọi người, mọi người vì một người".
Truyền thống tốt đẹp đó do cuộc sống khắc nghiệt, do chiến tranh tàn khốc đã tạo nên cho con người sẵn sàng đùm bọc nhau.
Bước sang thời hòa bình, bước sang cơ chế thị trường thì truyền thống đó có những thay đổi cũng là điều dễ hiểu. Bây giờ trước mắt là cuộc sống ngày càng phải ấm no, nhà cửa phải khang trang, đi lại phải đàng hoàng, con cái phải học hành chỗ tốt nhất...
Điều đó dẫn tới tâm lý chỉ lo cho mình, gia đình mình. Để chống lại thói vô cảm, cần có nhiều hoạt động, cần nhiều sự giáo dục, cần nhiều những tấm gương và xây dựng lại một văn hóa cộng đồng tốt hơn nữa.
Quốc Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét