Sẽ có 120 người trẻ ra quân hôm nay trong chiến dịch mang tên “Đường Táo quân”. Họ là cán bộ trẻ, sinh viên, học sinh của Thủ đô Hà Nội. Họ làm gì? Họ đứng cạnh các con sông là điểm “đen” về vệ sinh môi trường dịp tiễn ông Công, ông Táo về giời để tuyên truyền và cùng người dân bảo vệ môi trường!
Hôm nay là cao điểm thả cá chép về với sông hồ. Đây cũng là thời điểm các túi ni lông được vứt vô tội vạ trong “chiến dịch thả cá về giời”. Với thông điệp “Thả cá, không thả túi ni lông”, vượt lên những việc làm cụ thể, các tình nguyện viên đang góp phần thay đổi thói quen xấu, nâng cao ý thức của mọi người trong bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Các tình nguyện viên đã nghĩ và làm một việc ý nghĩa và sẽ tốt đẹp hơn thế nếu nhận được sự hưởng ứng của mọi người. Tất nhiên, mọi chuyện không dễ ngay từ phút đầu tiên.
Một tình nguyện viên tham gia chiến dịch này từ ngày 20/1, với nhiệm vụ khuyên người dân không vứt đồ thờ cúng xuống sông và phân loại rác thải đúng cách, chia sẻ: Có người đàn ông “vô danh” đã tặng thùng nước uống đóng chai và cảm kích khi thấy các tình nguyện viên làm việc không vì lợi ích cá nhân. Một tình nguyện viên khác cho biết, có người bất hợp tác, nói khích “rỗi hơi”, “không có việc gì làm…”.
Hai cách hành xử trên của người dân cho thấy rằng, cuộc chiến bảo vệ môi trường không đơn giản và không thể để các tình nguyện viên đơn độc. Đây không phải việc riêng của các bóng áo xanh tình nguyện mà là của toàn xã hội.
Bầu không khí này không của riêng ai. Và các con sông cũng vậy. Việc làm này đáng ra ai cũng nên (và phải) làm, không chỉ cứ một nhóm nai lưng ra mà người khác vô tư, vô can. Nếu hỏi: Có muốn hít thở không khí trong lành không? Có muốn bị đầu độc bởi mùi hôi thối từ các con sông, từ đất đai không? Muốn hứng chịu lũ lụt, hạn hán hay các thiên tai khác từ biến đổi khí hậu không? Chắc chắn một trăm phần trăm người được hỏi sẽ trả lời là “không muốn”, “không bao giờ muốn”.
Tiền phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét