Một dạo, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, có những đêm khuya chương trình phát lại giọng hát ca trù như mê dụ người nghe của nghệ nhân Quách Thị Hồ hay Nguyễn Văn Khôi. Nghe khúc “Hương Sơn phong cảnh”, “Tỳ Bà Hành”... mà như thấy núi, thấy mây, thấy tiếng suối tuôn chảy róc rách. Nhưng bây giờ thì thưa lắm rồi và những nghệ nhân ấy cũng đã rời nhân gian về nơi thiên cổ, đem theo những kỹ nghệ ca trù vang bóng một thời.
Năng lượng Mới số 292
Số phận của một “hồng nhan”
Nếu để ý sẽ thấy rằng, một dạo ca trù bị xem là “trò chơi hư hỏng, trụy lạc” và cấm đoán vì nó bị cho là liên quan đến mại dâm. Chua xót thay khi hai tiếng “ả đào” nhã nhặn cho đến hôm nay lại bị hiểu chệch đi thành “đào” để chỉ những người làm nghề buôn hoa bán phấn.
CLB Ca trù Thăng Long một tối thứ Bảy. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc (78 tuổi), dưới ánh đèn dầu bảng lảng, trên manh chiếu cói, danh ca Nguyễn Thị Chúc hát khúc “Tỳ bà hành”, phỏng thơ của thi sĩ Bạch Cư Dị. Cả không gian như lắng lại, thời gian như lùi sâu về quá khứ xa xưa. Bà chính là một trong những danh ca hiếm hoi còn sót lại của thế kỷ XX trên đất Hà Thành. Nếu so sánh thì có thể thấy rằng, cuộc đời thăng trầm của danh ca Nguyễn Thị Chúc chính là quãng thăng trầm của một bộ môn nghệ thuật trứ danh: Ca trù.
Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức trong một canh hát ca trù
Bà Chúc vốn con nhà nòi, cả bố và mẹ đều là những ca nương, kép đàn nổi riếng ở phố Khâm Thiên một thưở. Khâm Thiên thời ấy nổi tiếng là khu phố cô đầu, tối tối đỏ đèn với các canh hát ả đào, nơi cả cô đầu hát lẫn cô đầu rượu cùng phục vụ khách - người thì bằng tiếng hát, người thì bằng nhan sắc. Ca trù ngấm vào miếng ăn, hơi thở của bà từ khi còn trong nôi. Lên 12 tuổi, bà đã bắt đầu đi hát ở quán ca trù của gia đình. Tuổi 18, với giọng hát mê đắm cùng nhan sắc mặn mòi, Chúc trở thành một trong những ca nương nức tiếng Hà Thành.
Giới phê bình nghệ thuật dân gian nhận định rằng, hiện nay chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và nghệ nhân Phó Thị Kim Đức còn khả năng trình diễn ca trù ở đẳng cấp cao. Nhưng cùng thời với bà Chúc, bà Kim Đức năm nay cũng đã 85 tuổi rồi. Dù già yếu nhưng khi nói về ca trù, bà Kim Đức vẫn thông tuệ và say mê như thưở trước. Theo bà, ca trù là một nghệ thuật rất cao: “Không chỉ là nghệ thuật ca hát mà nó còn là văn học nữa, người nào hiểu văn sẽ yêu ca trù, sẽ thấy nó cao cấp, hàn lâm, khoa học”.
Nhắc đến hát ả đào, người ta nghĩ đến một thú ăn chơi trác táng, còn cô đầu là loại người “lấy khách - khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu - nhà giàu hết của”.
Hỏi bà Kim Đức về chuyện đó, bà bực bội: “Nhà nào mà chẳng có cô đầu rượu. Tôi làm nghề, tôi chỉ biết hát thôi, kệ người ta. Hát xong thì tôi về, chứ biết đâu chuyện “công đoạn ba”. Chắc là cũng có, những cô không nghề nghiệp gì nhưng có sắc, xin vào làm cô đầu rượu… vớ vẩn lại vớ được ông chồng giàu!”. Tuy thế bà cũng khẳng định, vẫn có nhiều nhà hát mà khách đến chỉ vì muốn được thưởng thức ca trù thật sự, “nghe sạch, nghe hay”, chứ không phải vì muốn tìm kiếm “món lạ”. Và bà nhấn mạnh: “Ngày xưa, nghe ca trù phải tới 70-80% khách hiểu và yêu ca trù, không phải như bây giờ, mấy ai hiểu về cái hay, cái đẹp của nó”.
Đào nương hát hay sẽ được quan khách thưởng bằng tiền, bỏ phong bì đặt cẩn thận vào đĩa (thời ấy chưa có vỗ tay, tặng hoa, ném xu lên sân khấu). Bà Kim Đức và ông Phó Đình Kỳ đều là “sao” ngày ấy, được thưởng rất nhiều: “Hồi ấy 500 đồng tiền Đông Dương là lớn lắm, mà hai anh em tôi có khi mỗi tối cũng kiếm tới 400-500 đồng”.
12 tuổi, cô bé Kim Đức, tóc búi, áo dài quần trắng giản dị, không son phấn, đã đi hát ca trù hằng đêm như thế. Rất nhiều người đã nghe và say tiếng hát của “cô Đức”, trong số ấy có những gương mặt mà mãi về sau bà mới biết họ là các trí thức - đảng viên Cộng sản, như các ông Vũ Đình Tụng, Phạm Lưu Bổng, Nguyễn Đăng Quốc, Nguyễn Công Truyền…
Nhưng, thời ấy đã qua lâu rồi!
Sau Cách mạng Tháng Tám, ca trù, với những tiếng xấu phải gánh chịu, bị gộp chung vào với “các tàn dư của chế độ phong kiến” và bị xóa bỏ dần theo hướng “để cho chết”. Tất cả đào nương đều lặng lẽ chôn vùi thân phận, giấu phách, bỏ đàn. Bà Kim Đức tản cư, sau đó về thành làm nghề sản xuất và buôn đồ nhựa một thời gian. Năm 1962, bà được nhận vào công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam với công việc hát chèo, ngâm thơ. Năm 1993, bà được phong danh hiệu NSƯT, cũng với chức danh nghệ sĩ chèo.
Ca trù đang chết!
Những dấu lặng buồn trong đời sống của môn nghệ thuật mang cả hồn dân tộc đang làm Unesco… phát hoảng. Cách đây mấy năm, UNESCO vinh danh ca trù là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” còn Bộ VH-TT&DL đã lập tức công bố “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ ca trù”. Trước cơn hấp hối của một di sản quý giá, ai mà không sốt ruột cho đành. Vậy nhưng, chúng ta có cứu được ca trù ra khỏi tình trạng “khẩn cấp”?
Không phát hoảng sao được khi có những cán bộ của Sở Văn hóa lúc đi kiểm kê, họ không biết gì về nghệ thuật ca trù. Người dân hát điệu “Lý chiều chiều” thì bảo là ca trù, hát “Cô ba cô bảy” thì nói là hát dâng hương cửa đình. Người đi kiểm kê không biết người dân đang hát ở thể cách gì, thậm chí có chuyện nhiều người hát cũng không biết chính mình đang hát ở thể cách gì.
Ca trù bị rơi vào quên lãng từ phía những nhà quản lý văn hóa!
Điều đáng buồn là, ca trù lại bị bỏ lửng ngay trên chính cái nôi của nó là Hà Nội. Làng Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là địa phương có truyền thống ca trù, nhưng vận động được người theo học để nối tiếp truyền thống ca trù còn khó hơn lên trời.
Sau khi danh hiệu do UNESCO công nhận cho ca trù bớt nóng đi một chút thì cũng là lúc các cụ nghệ nhân bị… quên lãng. Những người trẻ được vận động đi học ca trù về cũng không biết biểu diễn cho ai nghe. Có cụ nghệ nhân còn ứa nước mắt bảo rằng, sẽ đem trả lại danh hiệu nghệ nhân dân gian vì nhận chẳng được gì mà cũng chẳng làm thế nào cứu được ca trù nữa.
Cũng là vô duyên khi nói ra thực tế rằng, bấy lây nay các cơ quan quản lý cứ hô hào là sẽ có chế độ đãi ngộ này nọ cho những nghệ nhân ca trù, rằng cứ yên tâm hát, đừng lo… chế độ. Thế nhưng, tại sao bao năm nay, nhiều lần nâng lên, đặt xuống, các nghệ nhân vẫn tiếp tục phải chờ đợi.
Chính GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng phải thốt lên rằng: “Bộ Văn hóa, Sở Văn hóa cũng vào cuộc nhưng không có kế hoạch cụ thể nào. Phải có một chế độ cho các nghệ nhân, dù ít thôi nhưng phải cụ thể. Tôi cũng đã có nguyện vọng mỗi nghệ nhân có một sổ bảo hiểm y tế nhưng vẫn chưa có. Chúng ta bỏ rơi những thứ rất đáng quý”.
Còn quá nhiều việc phải làm trong chặng đường sắp tới nếu không muốn UNESCO rút lại danh hiệu “Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại” dành cho ca trù. Điều quan trọng là các nhà quản lý văn hóa cần nhận thức rằng: Danh hiệu UNESCO dành cho các di sản không phải là một bằng khen mang tính thành tích, mà đó là một trách nhiệm lớn lao về bảo tồn di sản một cách đúng đắn.
Hải Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét