1 tháng 1, 2014

“Điệu ví dặm là em”

Giữa sự phong phú và đa dạng của đời sống âm nhạc hiện đại, nhưng tôi không thể nào quên được cảm xúc lần đầu nghe “Điệu ví dặm là em” – một ca khúc hay viết về Hà Tĩnh
Những giai điệu mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, đằm thắm, sâu lắng nghĩa tình hoà quyện trong mỗi lời ca cứ lan tỏa vào tâm hồn tôi một cách tự nhiên và say đắm. Sau đó, tôi mới biết rằng bài thơ “Giữa Sài Gòn nghe hát dân ca xứ Nghệ” in trong tập thơ “Vệt thời gian còn lại” của Lê Quang Thắng (có bút danh Lê Văn) chính là khởi nguồn cảm hứng cho Nghệ sĩ ưu tú Quốc Nam, nguyên là Trưởng đoàn Ca kịch Hà Tĩnh sáng tác ca khúc trên.
Những năm tháng tuổi thơ gắn bó với quê hương Hà Tĩnh, được thấm đẫm trong cái man mác, bâng khuâng, nặng nghĩa tình của câu hò, điệu ví, có lẽ vậy mà sống giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội nhưng Lê Quang Thắng vẫn dâng trào cảm xúc khi nghe hát dân ca xứ Nghệ. Đó là chất xúc tác để những nỗi nhớ, niềm thương luôn ẩn sâu nơi đáy lòng của những người con xa quê được bộc bạch chân tình, da diết trong bài thơ “Giữa Sài Gòn nghe hát dân ca xứ Nghệ”.
Bài thơ giản dị, mộc mạc trong cách dùng từ, hình ảnh, giọng điệu… song lại thiết tha, sâu lắng trong cảm xúc. Với Lê Văn, Hà Tĩnh là quê hương thứ hai nhưng nguồn cảm xúc thân thương về mảnh đất nghĩa tình này vẫn luôn như mạch nước ngầm mát ngọt thao thiết chảy trong anh. Và anh đã gửi tiếng lòng của mình vào hồn thơ để thân tặng những người con xa xứ.Hai khổ thơ đầu là cảm xúc, tình cảm của “đứa con ở nơi xa” khi nghe hát điệu ví quê nhà.

Rồi một chiều chợt nhớ quê hương
Nghe em hát dân ca xứ Nghệ
Câu hát ru như một lời thủ thỉ,
Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa
Làn điệu quê hương giữa bộn bề bận rộn,
Đất quê mình còn nghèo lắm, người ơi!
Sao điệu ví lại mượt mà nghĩa tình đến vậy,
Nao nao lòng đứa con ở nơi xa…” 

Điệu ví dặm quê nhà đã thấm đượm vào tâm hồn để rồi khi xa quê lập nghiệp anh vẫn không nguôi da diết, nhớ thương. Bởi vậy, ở phương trời Nam xa xôi, chỉ cần nghe làn điệu quê hương, tâm hồn đa cảm của anh giống như đàn căng dây mới khẽ chạm vào đã ngân lên bao thanh âm cảm xúc. Nhạc sỹ Lê Hàm rất có lí khi cho rằng: “Dân ca ví, giặm có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Và dù đời sống có phát triển đến đâu chăng nữa thì cội rễ của những câu hát dân ca ngọt bùi này cũng đã ăn sâu vào tâm hồn những người con quê hương để mỗi lúc đi xa, nghe câu hò ví, giặm lại nao nao thương nhớ quê nhà…”. Người xứ Nghệ bao đời nay gắn bó thủy chung với điệu hò, câu ví để được sống với những cung bậc cảm xúc tinh tế, nhạy cảm nhất trong tâm hồn. Với Lê Quang Thắng cũng vậy, tình quê đã gắn bó máu thịt và đằm sâu trong trái tim anh, buổi chiều nay nghe em hát dân ca Nghệ Tĩnh chỉ là “cơ duyên” làm “sống dậy một hồn thơ” để anh giãi bày tình cảm “răng mà thương mà nhớ” với quê mình. Làn điệu quê hương man mác trong bài thơ như một sợi dây liên kết nguồn mạch cảm xúc và tiếng lòng của đứa con ở nơi xa. Bởi điệu ví dặm là “đặc sản”, là hồn quê xứ Nghệ, nó gắn liền với những gì quen thuộc, thân thương, nghĩa tình của con người nơi đây. Cho nên “Anh qua bao miền quê. Điệu hò theo chân bước. Chiều nay nghe em hát. Mà bồi hồi trong tim” đâu chỉ là cảm xúc riêng của Lê Văn. Âm điệu man mác, thủ thỉ, tâm tình trong câu ca em hát như nhịp cầu nối liền ngày xưa với ngày nay, đưa tâm hồn tác giả trở về “bến bãi tuổi thơ xưa” ăm ắp kỉ niệm để càng thêm nhớ, thêm yêu một miền quê. Tình quê lắng sâu trong anh đã bật lên thành lời “Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi!”. Đúng vậy, Hà Tĩnh tuy còn nghèo về vật chất nhưng rất giàu đời sống tinh thần, đó cũng là thông điệp ẩn chứa trong nỗi nhớ, niềm thương của Lê Quang Thắng – một doanh nhân, một nhà thơ luôn nặng lòng với cố hương. Có lẽ vì vậy mà khi nghe điệu ví thắm đượm tình quê đã làm “nao nao lòng đứa con ở nơi xa”. Bài thơ phải chăng là lời tri ân đối với quê hương Hà Tĩnh – mảnh đất đã góp phần dung dưỡng thể chất và tâm hồn tác giả?
Đọan thơ tiếp theo là tình cảm của con người Hà Tĩnh được thể hiện qua lời của em – nhân vật trữ tình trong bài thơ. Lời thơ tha thiếtnhư hoài niệm mà cũng rất đỗi tự hào như muốn gọi mời khiến cho “Ai lạ ai quen – sao nỡ không về”? 
“ Mời anh về Hà Tĩnh
Khúc hát sông quê – điệu hò ví dặm
Ai đi xa mô đó
Nghe thân thuộc như dòng sông tuổi nhỏ
Ai lạ, ai quen – sao nỡ không về”
Cao trào của cảm xúc được kết đọng trong hai khổ thơ cuối.
Em cứ đùa em “nỏ cho” và “nỏ lấy”
Sao mềm lòng ngồi hát để anh nghe
Khúc dân ca có từ trong máu thịt
Không thể dối lòng làm sống dậy một hồn quê
Tôi viết tặng em bài ca lần đầu gặp gỡ Bởi chia xa không nói được nên lời Nhưng điệu ví theo anh về mãi mãi Anh cứ mơ hồ – điệu ví dặm là em.
Tác giả đã khéo léo lồng vào trong câu thơ “Ai đi xa mô đó”, “Em cứ đùa anh nỏ cho và nỏ lấy” một số từ địa phương (mô, nỏ) có âm sắc nặng trầm nhưng lại đằm sâu tình người, tình quê khiến cho Hà Tĩnh càng thêm gần gũi, thân thương. Là những người con sinh ra và lớn lên ở quê hương xứ Nghệ chúng ta càng thấm thía hơn ai hết về tiếng Nghệ “Gió Lào thổi rạc bờ tre. Từ trong giọng nói đã nghe nhọc nhằn. Chắt từ đá sỏi đất cằn. Nên yêu thương mới sâu đằm đó em” (Nguyễn Bùi Vợi). Có lẽ vậy nên dẫu nghe em nói “trọ trẹ” mà sao vẫn “mềm lòng” để rồi một miền quê đã sống dậy trong hồn thơ Lê Quang Thắng.
Phải chăng“Em” – nhân vật trữ tình là người con gái quê hương trong tâm tưởng được hóa thân vào câu ca điệu ví để chủ thể trữ tình gửi gắm nghĩa tình, tri ân về một miền quê? Hay là anh đã mượn điệu ví dặm để nói lên tình cảm với quê hương, với người mình thương? Cũng có thể “Em” là cô gái đặc biệt, có thật đã chuyển tải hồn quê từ những câu hò điệu ví làm cho cảm xúc của anh hóa thành thơ, để rồi khi chia xa, âm hưởng điệu ví em hát đã “theo anh về mãi mãi”, “anh cứ mơ hồ điệu ví dặm là em”. Chúng ta không cần thiết đi tìm đáp án cho những điều trên, chỉ biết rằng ở đây có một sự hoà quyện giữa thực và ảo; giữa mơ ước, khát khao và hiện thực nhưng đằm sâu hơn cả vẫn là sự hòa quyện giữa tình cảm riêng tư với nỗi nhớ, tình yêu quê hương thiết tha, sâu nặng. Tôi nghĩ, chính điều đó đã khiến Nghệ sĩ ưu tú Quốc Nam đã tìm thấy sự đồng điệu với hồn thơ của Lê Quang Thắng để kết thành giai điệu hay, giàu chất trữ tình. Khi phổ nhạc, nhạc sĩ có thay đổi một sốt từ ngữ trong bài thơ để âm điệu mềm mại, mượt mà hơn. Và chúng ta cũng phần nào hiểu được lí do vì sao nhạc sĩ Quốc Nam đã lấy gần nguyên bản câu kết bài thơ để đặt tên cho đứa con tinh thần của mình với tên gọi đầy ý nghĩa “Điệu ví dặm là em”. 
Có thể nói bài thơ “ Giữa Sài Gòn nghe hát dân ca xứ Nghệ” đã tạo cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ Quốc Nam và những nốt nhạc cùng giai điệu của nhạc sĩ đã chắp cánh cho những câu thơ của Lê Quang Thắng được thăng hoa. “Điệu ví dặm là em” chính là sự cộng hưởng giữa tâm hồn thi sĩ và nhạc sĩ, sự hòa quyện giữa thơ và nhạc. Đến lượt mình, tác giả của bài thơ lại tìm thấy sự đồng điệu với giọng ca thể hiện thành công ca khúc này để rồi cảm xúc của anh lại neo đậu bến quê và thêm lần nữa hóa thành thơ:
“Khi em hát không còn là em nữa
Em hóa thân trong điệu ví quê nhà
Cuốn theo gió mây về với người xa xứ
Lay động lòng người ôi tiếng hát mẹ ru”

                                                                                                             Theo báo Hà Tĩnh

Không có nhận xét nào:

Trang