Cầu nguyện hay van xin chỉ giúp con người cảm thấy được bình an trong nhất thời đau khổ mà thôi, chứ không giúp con người thực sự giảm bớt hay thoát ly được phiền não và khổ đau…
Mỗi khi gặp những chướng duyên hoặc những bất hạnh nào đó, con người thường nói câu cửa miệng: “Trời ơi...” hoặc câu: “Tại sao lại có chuyện bất công quá vậy, hả trời?”. Đây là cách nói của những người không theo tôn giáo nào. Nếu không “trời ơi...” thì họ sẽ van xin, khấn vái, cầu nguyện “đấng thiêng liêng” nào đó để cứu độ và phù hộ cho được tai qua nạn khỏi.Thực tế cho thấy rằng, có những người cầu nguyện được tai qua nạn khỏi nhưng có những người không được tai qua nạn khỏi, cho dù có cố gắng cầu nguyện hay gọi “trời ơi...” đến mức nào đi chăng nữa.
Những lúc cầu nguyện nhưng không được tai qua nạn khỏi, con người bèn tự an ủi, hoặc nghe người khác giải thích là: Tại vì cầu nguyện chưa khẩn thiết lắm, chưa chí tâm chí thành lắm, hoặc là lúc đó “ông trời” bận đi cứu giúp người khác, cho nên không nghe lời van vái, lời nguyện cầu của mình. Lời giải thích có tính cách tiêu cực như vậy, thực tế chẳng giúp ích gì cho cuộc sống tâm linh của con người.
Cầu nguyện hay van xin chỉ giúp con người cảm thấy được bình an trong nhất thời đau khổ mà thôi, chứ không giúp con người thực sự giảm bớt hay thoát ly được phiền não và khổ đau. Cũng giống như miếng thuốc cao dán, chỉ trị được phần ngoài da, chứ không dứt trừ được căn bệnh trầm kha. Cuộc sống của con người cứ quanh đi quẩn lại những chuyện đau khổ khổ đau như vậy nhiều đời nhiều kiếp, không có lối thoát.
Thực sự, nguyên nhân của những chuyện khổ đau đau khổ trên thế gian này, không phải do “trời” nào gây ra cả, mà chỉ vì con người quá ích kỷ, thường hay suy nghĩ đến “cái ta” hay “cái bản ngã” quá nhiều. Chứ không có “trời” nào có thể giúp con người được hết khổ đau, nếu chính con người không chịu từ bỏ lề lối suy nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, trong thời đại khoa học tiến bộ hiện nay, những sự tin tưởng nơi trời, như là một đấng đầy quyền lực, một đấng toàn năng đã và đang dần dần tan biến. Không nhiều người còn tin như thế và họ tin vào nhân quả trong đạo Phật.
Luật nhân quả không chỉ áp dụng cho riêng một ai, cho riêng tín đồ của một tôn giáo nào cả mà luật nhân quả là một lẽ thực, là chân lý. Nó không lệ thuộc thời gian hay không gian, luôn luôn áp dụng, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào.
Trong nhà Phật có câu: “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Theo đó, những việc con người tạo tác, những việc con người suy nghĩ, từ thân - khẩu - ý. Đây chính là những nguyên nhân, gây ra những kết quả hay hậu quả, mà con người sẽ thừa hưởng, sẽ nhận lấy hay sẽ gánh chịu.
Những sự cố gắng tu tâm dưỡng tính, tìm học để hiểu ra chân lý, các nguyên nhân đem lại kết quả, là đời sống an lạc và hạnh phúc ngay tại thế gian này cho mình và cho những người chung quanh.
Nếu con người hiện đang sống khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc đó là đang thụ hưởng “kết quả” của phước báo nhiều đời nhiều kiếp trước và do chính mình tạo tác. Chứ không do trời nào ban phước cho hết, cũng không do cầu nguyện van xin, nhắc nhở kêu gào mà được.
Và ngược lại, nếu như con người hiện đang gặp nghịch cảnh, gặp khổ đau, đó là đang gánh chịu “quả” của nghiệp báo nhiều đời nhiều kiếp trước, do chính mình tạo tác. Chứ không do trời nào giáng họa cho hết, cũng không do cầu nguyện van xin, rên la thảm thiết, mà tránh khỏi được.
Thực ra, chỉ có những phước báo do tạo tác việc phước thiện là có thể giúp con người được tai qua nạn khỏi mà thôi. Tuyệt nhiên không có trời nào làm chuyện bất công bằng, đến giúp đỡ mình theo lời van xin, cầu nguyện cả.
Vì thế cho nên thay vì cầu nguyện, than vãn với “ông trời” con người hãy tích phước và tạo phước. Bằng cách làm các việc thiện, nói các lời thiện, nghĩ các điều thiện, tức là giữ gìn ba nghiệp than, khẩu, ý được thanh tịnh. Có như vậy chúng ta sẽ giảm thiểu nghiệp báo đã tạo, bớt phiền não và khổ đau của đời mình một cách tích cực vậy.
(Lược ghi bài giảng của Tỳ kheo Thích Chân Tuệ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét