Ba ơi, đến bây giờ chạm vào bàn phím tay con vẫn run lên và tim nghẹn đắng.
Ánh mắt ba vẫn như đang nhìn con, hơi thở của ba vẫn phả vào con ấm áp. Hình dáng ba cắn răng chống lại từng cơn đau, giá mà xóa được sẽ nhẹ nhàng biết bao!
Ai có thể ngờ ba lần choáng gục xuống bàn sau một cơn đau nhẹ lại là dấu mốc của nỗi buồn dai dẳng trong con. Ai có thể ngờ khuôn mặt hồng hào của ba bỗng xanh và ánh mắt thăm thẳm u hoài trên tầng cao bệnh viện một ngày mưa sa.
Ba và con. Ảnh minh họa. |
Mỗi lần về thăm ba rồi ra đi, là một lần nước mắt con tuôn dọc hành trình. Con sắp mất một nửa của tất cả trong đời. Mẹ luôn bảo, rằng ba đã dậy ăn uống vui đùa cùng thằng Bin thằng Quý. Rồi khi đặt điện thoại xuống, nước mắt mẹ lại chảy ngược vào tim. Mẹ giấu nỗi niềm cơ cực hơn quãng xưa kiếm ăn hàng bữa vào ngày mưa giá ngón chân bám đường trơn tấy xước. Con bất an từng giờ, đêm nào cũng chập chờn giấc ngủ, hễ điện thoại reo bỗng ớn lạnh rùng mình.
Khoác ba-lô, cuốc bộ về đến ngôi nhà thân yêu, gần ba rồi, tưởng đến cảnh áp mặt lên khuôn ngực của ba, lại muốn “bỏ chạy”. Con không đối diện nổi với cơn đau luôn giày vò ba. Nhìn ba con muốn khuỵu xuống. Ba gần tuột khỏi tay chúng con rồi. Con muốn hét lên, muốn lạy Phật đến tàn hơi lực kiệt, con muốn đổi tuổi thọ của mình… Nhưng nhân quả trong căn mạng mỗi người không đơn giản như con nghĩ. Thân xác vô thường, nhưng mất ba con sẽ côi cút giữa đời và biết ai dẫn về cõi Phật. Ba nằm đó như một sự hối thúc con phát tâm tu tập, như lửa cháy trên đầu thoát bể khổ trầm luân; con thì đường đạo còn xa thẳm mịt mù.
Chữ hiếu nặng tựa Thái sơn nào đã báo đáp. Đôi bàn tay ba gây dựng dành dụm nuôi chúng con, bao cái khổ đổ lên đầu. Như một chuyến đò cuối nhường chúng con sang sông còn ba đứng lại với bão tố cuộc đời quăng quật.
Con cố giữ tâm trong lặng niệm Phật, nước mắt lại duềnh lên nổi sóng. Tất cả quá muộn rồi phải không? Câu hỏi cứ xoáy vào con như mũi tên tẩm độc… Ba đã rướn cạn sức mình vì những đứa con. Qua rồi thời lăn lộn giữa nắng hè và giá rét đầu đông, ba sau giờ đứng lớp lại lên đồng chăm lúa; như con tàu gồng mình kéo những toa ngược về miền sáng. Gia đình đã thoát cảnh khổ, không còn bữa cơm độn toàn khoai sắn và mẹ không còn nhường chút cơm cháy cho con ấm bụng nữa.
Những đứa con của ba đều trưởng thành, đều có thể mua cho ba những thứ xưa kia ao ước, sao ba không ở lại? Chúng con lớn lên, ba mẹ chỉ mong có việc làm dẫu xa xôi hiếm lần đoàn tụ. Đến ngày ba đau, bao nhọc nhằn mẹ lại gánh giùm trên đôi vai nhức nhối. Chưa bao giờ ba được thấy năm đứa con bên mình như thế. Nhưng cuộc hội ngộ không dài. Cuộc hội ngộ buồn và quá nhiều nước mắt. Con nắm tay ba thấm lạnh giữa tuyệt vọng trần ai.
Trong tâm thức non nớt của con, ba vẫn dạo quanh khuôn viên bệnh viện vào tầm sáng sớm, dưới hàng phượng chói đỏ góc trời. Rồi ba cũng về lại quê hương. Ba lẫm chẫm đến bên từng gốc cây mình vun trồng. Ba nhìn giá sách trong nỗi buồn của sự bất lực. Ba ra lớp học mấy mươi năm gắn bó bao thế hệ học trò. Những đứa trẻ ngày xưa về bên ba, ngồi lặng sợ ba buồn bởi người thầy nay đâu nói được lời nào. Ba lại gượng dậy vào một ngày ấm nắng, cầm viên phấn nhưng nó tuột khỏi tay như một dấu chấm than buốt nhói. Ba tựa lưng vào cửa sổ lớp học. Tường vôi rệu vỡ, mạng nhện chăng kín tấm bảng không còn đen nữa… Những bàn ghế chật kín, vở học trò nay ngổn ngang mục rã.
Con lặng điếng người nhìn nước mắt ba chảy xuống âm thầm. Kết thúc rồi ba ơi, những tháng ngày xoa đầu lũ trẻ. Kết thúc rồi một chặng huy hoàng ba cõng chữ lên non. Kết thúc quãng đời mà sự hiến dâng trở thành nỗi đam mê bỏng cháy. Bụi phấn không còn rơi mà tóc ba trắng ngần ảo ảnh lấm cả vào áo con, lấm cả lên vành khăn sô…
Bầu trời sập xuống tối tăm; chuyến xe không kịp đưa con về chạm vào hơi thở cuối cùng của ba. Thời khắc một bộ phận thể xác con bị tách lìa cắt cứa. Lại nhớ ánh mắt ba buổi trước. Nếu nói và cử động được ba sẽ níu con, bảo gắng ở lại. Con vẫn khoác áo từ biệt để rồi ánh mắt kia mờ đục sương sa. Ba vẫn đang ngủ trên giường như mỗi lần con về tầm gần sáng. Nhưng giờ là một giấc ngủ dài vô tận, ba sẽ không thức bởi giọng nói của con. Ba sẽ không trở dậy lắng nghe con niệm Phật. Sẽ không trở dậy nữa, không bao giờ.
Ba đi về miền xa xăm. Giá con gửi được một ít hành trang ba đỡ lạc lõng trên cuộc lữ mù tăm bến đỗ. Cứ nghĩ đến cảnh ba quằn quại bên kia trong những cảnh giới xấu, mắt con lại ứa lệ xót xa.
Ba bây giờ nằm yên dưới mộ. Những đứa học trò khóc gọi thầy ơi… Con lội trong khu vườn nhỏ mà như lạc giữa mênh mang sa mạc. Tết vừa rồi cây đào trước hiên đâm hoa rực rỡ lạ kỳ, con đã linh cảm điều gì rất tệ. Thuở đói khổ vườn thảy đều rau củ, nay ba chỉ trồng đào vun niềm mơ ước giùm con. Từ những cây hồng gai nhỏ nhắn đến chậu hoa rêu bám. Từ căn nhà cấp bốn bao nhiêu năm tích góp mới thành đến cái chuồng gà ba gom gạch nửa quanh xóm và tự xây… đâu đâu cũng thấm ướt mồ hôi của ba; đều chịu tang rũ xuống hao mòn.
Ai có thể ngờ một ngày đẹp trời những đứa con lại chống gậy bước lùi. Con không cản được chuyến xe cứ lầm lụi lăn bánh đưa ba về cõi khác. Và mẹ và chị và anh em đầy sức vóc chúng con cũng không thể níu được xe tang. Con đường đến huyệt của ba ngắn dần và rồi những nắm hoa tươi vung lên xao xác.
Gió đông bắc đang tràn về. Mẹ xo ro trong tấm áo còn mới nguyên của ba lần tìm hơi ấm. Con phủ phục dưới trời mây xám lạnh. Cồn Lối về chiều gió vi vu ai oán. Những tháng ngày ba đau vẫn có mẹ; đứa con nơi xa nhất cũng trở về lau nước mắt giùm khi tay ba tê liệt. Và con, thức một đêm thôi đủ gầy rạc hình hài. Nay mình ba nằm giữa cồn hoang trăm ngả. Không ai thức cùng ba, mẹ cũng không trằn trọc vén màn sờ khuôn ngực ba mong từng nhịp tim yếu nữa. Một màu đen vô tận bao trùm…
Chiếc giường ba nằm, manh chiếu xô lệch nhăn nheo. Con chạm tay vào chỉ còn một nắm hư không nhòa theo nhang khói. Nằm bên di ảnh nửa đêm tỉnh giấc thấy ba vẫn cười hiền mãi mãi. Khuôn mặt ba không còn hằn vết đau nữa, nhưng tim con ứa máu.
Ba mang theo cơn đau bất tận, mang theo khổ ải để chúng con hưởng một tương lai tươi sáng. Bao nhiêu năm biền biệt, làng quê vẫn những con người thuần phác, họ đến tiễn ba, thu xếp mọi việc xuôi dòng. Nếu ba nhìn thấy chắc sẽ trách chúng con sao lâu không về thăm bà con lối xóm. Ngày xưa ba từng nói làm một người bình thường rất khó, đến giờ con mới hiểu. Ai trách con là trách ba, ai khinh khi con cũng bằng khinh khi ba. Người đời chửi mắng con nghĩa là con bất hiếu.
Con có lỗi với ba khi chưa thật tốt với mọi người. Bức thư ố vàng ba viết từ nhiều năm trước, lời dặn cuối khuyên con đừng bao giờ quên họ tộc. Con là hình ảnh của ba, là ánh sáng của ba lại chưa thể soi con đường phía trước. Xin được khóc như con thú non lạc đàn giữa rừng khuya hiu hắt. Nam-mô A Di Đà Phật, vạn đức Hồng danh vang trong tiếng nấc vô tận loang xa.
Tất cả rồi huyễn mộng. Thân xác rồi cũng tan theo đất đá bụi mờ. Ba hãy xả bỏ trần ai cùng con lên chùa nương vào ánh hào quang vô lượng. Bể khổ càng vẫy vùng càng ngập ngụa bi thương. Con sẽ luôn ở bên để ba cùng đạo tràng nhất tâm niệm Phật hướng về cõi tịnh. Vẫn biết bản thân cũng chưa cứu nổi mình khỏi ô trược đầm lầy. Đến bao giờ hiếu đễ mới vẹn toàn giữa lúc con như cánh chim thương tích khơi vơi giữa biển gió, giữa lúc gia sản của con bây giờ là khăn tang, là tấm áo sô và chiếc nón cời liêu xiêu bên đời lưu lạc, ba ơi...
Theo Giác Ngộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét