Nhắc đến Hang Tám cô nằm lặng lẽ trên đỉnh Trường Sơn, thuộc xã Sơn
Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) không ai không biết. Đây là một địa danh
lịch sử, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 8 thanh niên xung phong trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
Hang Tám Cô –
một địa danh lịch sử nổi tiếng.
Những con số 8
khó lý giải
Men theo con
đường độc đạo đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình, chúng tôi đến với địa
danh lịch sử Hang Tám cô, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch vào một ngày nắng
gắt Quảng Bình. Đường lên với hang dập dìu những cánh bướm vàng, làm xoa dịu đi
cái nóng nực của gió Lào đang hun thổi.
Nói về cái tên
Hang Tám cô, đồng chí Nguyễn Thái Hùng – một cán bộ quản lý di tích cho biết,
thực ra cái tên Hang Tám cô đã có từ trước khi vụ hủy diệt ngày 14/11/1972 xảy
ra. Đưa cánh tay chỉ về phía con đường chạy qua khu di tích, anh Hùng bảo: Con
đường này được mở ra vào năm 1966, để nhằm phục vụ “che bộ đội, vây quân thù”
trong thời gian diễn ra chiến tranh. Chính con đường độc đạo này đã phá đi thế
độc chiến của địch. Mỗi mét đường là công sức, mồ hôi và cả máu của những thanh
niên xung phong (TNXP) mở đường.
Chính vì vai trò
cực kỳ quan trọng của nó, nên khi địch phát hiện ra đã không ngừng đổ bom mìn
xuống để bắn phá, cày nát nó. Không biết bao nhiêu chiến sỹ, TNXP đã hy sinh
trên đoạn đường này. Để đảm bảo an toàn đến con chuột cũng không thể lọt qua,
hơn 1.000 chiến sỹ đã nằm lại con đường ấy.
Hang Tám cô vốn
dĩ là một hang đá. Vì cách hang khoảng 30m có một trạm giao liên nên hang đá
này đã trở thành nơi ăn ở sinh hoạt của các TNXP. Mỗi đợt có 8 người thay nhau
tiếp quản trạm giao liên. Theo tương truyền, cái tên Hang Tám cô có từ khi 8 cô
gái đến đây nhận việc. Sự tinh nghịch, lém lỉnh của các cô gái đang độ xuân thì
đã đọng lại trong lòng người đi qua, kẻ đi lại, nên họ gọi luôn là Hang Tám cô.
Cứ khoảng 2, 3
năm lại thay đổi “nhân sự” một lần, các cô gái ấy ra đi nhưng cái tên của hang
vẫn mang dấu ấn của những người con gái TNXP ấy. Cái tên gọi tắt nhưng gần gũi
ấy đã mở ra nhiều chuyện kỳ lạ, khó hiểu về sự trùng hợp ngẫu nhiên sau này, mà
đến nay chưa ai lý giải được.
Ngày 14/11/1972,
máy bay Mỹ ném bom vào cửa hang làm 5 đồng chí pháo binh đang chuẩn bị xe xuất
quân hy sinh ngay tại chỗ. Trước tình huống nguy nan đó, 8 TNXP (gồm 4 nam, 4
nữ) của trạm giao liên đã chạy vào Hang Tám cô ẩn nấp. Bom mìn đã làm một tảng
đá to sập xuống che lấp cửa hang, giam những con người ấy trong bóng tối.
Sau nhiều nỗ lực,
nhiều cách giải cứu được đưa ra, nhưng tảng đá vẫn chắn lại một cách sừng sững,
ngăn cách kẻ trong - người ngoài. Thế rồi, từng người từng người một ra đi vì
đói, khát, bệnh sau 9 ngày bị giam giữ. Đến năm 1996, cửa hang được xẻ đôi, hài
cốt của các anh chị mới được cất bốc mai táng. Nhưng đau đớn thay, hầu hết
không còn nguyên vẹn nữa vì chuột, mối và thời gian đã phá hủy khá nhiều xương
cốt của họ.
Cây Mối tình
Trường Sơn.
Hào hùng và
linh thiêng
Thực hư những dòng chữ gửi lại của một linh hồn liệt sỹ
Sau những nén nhang gửi lại đền cầu mong vong linh các liệt sỹ sớm siêu thoát, tôi đặc biệt chú ý tới những dòng chữ nguệch ngoạc được viết trên một tờ giấy A4, ép plastics cẩn thận, treo ngay trong tủ kính các di vật của người lính Trường Sơn. Đi tìm tác giả của dòng chữ đó, tôi khá ngỡ ngàng khi được anh Hùng cho biết, đây là những dòng nhắn gửi lại của một vong linh liệt sỹ đã hi sinh trên trục đường này.
Năm 2011, trước lễ 40 năm truy điệu ngày mất của các liệt sĩ trong trận ném bom 14/11/1972, nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Th. từ miền Nam ra thăm di tích. Qua các câu chuyện tâm sự, các liệt sỹ có chia sẻ những dòng này căn dặn con cháu. Thư viết:
-Hạn chế hương hỏa (Tiền, vàng mã…)
-Nên tượng trưng.
-Tôi Lương (Đội trưởng của 8 TNXP hy sinh tại hang và cũng là người ra đi cuối cùng - PV): Thay mặt anh em, đồng đội về nói ra những mong muốn.
Thể hiện lòng thành tâm, không nên cầu kỳ hình thức.
Chúng ta nên noi gương Bác Hồ Cần – Kiệm – Liêm – Chính.
Từ đó, người ghé đền đến thành tâm thắp một nén nhang như lời dặn của người đã khuất.
|
Sau này thống kê
lại số xe tăng và xe tải đã sử dụng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ năm 1972
trên đoạn đường này, người ta khá giật mình khi thấy một con số 8 tròn trịa.
Tuy nhiên, đó chưa phải là số 8 cuối cùng xuất hiện ở địa danh này.
Nhìn lên buồng
chuối rừng mọc nơi cửa hang, đếm đi đếm lại, người viết cũng chỉ thấy được có 8
nải. Anh Hùng cười vui giải thích, những cây chuối rừng mọc đây rất lâu rồi,
cây này lớn lên, trổ buồng, rồi ngã xuống, cây khác lại mọc lên.
Qua bao nhiêu
“thế hệ”, mỗi cây chúng đều ra một buồng 8 nải. Nhưng với những người trông
coi, gần gũi di tích này, họ lại tâm niệm việc luôn tươi xanh của những cây chuối
bên cửa hang giống như là một sức trẻ bền bỉ từ những con người đã nằm lại nơi
đây.
Tuy nhiên, vì sao
những cây chuối này chỉ cho 8 nải mà không phải là ít hay nhiều hơn, đến nay,
những người cán bộ này vẫn chưa thể lý giải được.
Buồng chuối 8 nải
khiến mọi người ngạc nhiên thì chuyện tắc kè đẻ 8 trứng còn ám ảnh gấp bội.
Theo những người cán bộ lâu năm của khu di tích, từ lâu lắm rồi, ở đền có một
đôi tắc kè đến trú ẩn. Mọi người gọi đó là đôi tắc kè Trường Sơn. Chúng về làm
bạn với những cán bộ nơi đây dễ gần 10 năm có lẻ.
Cách đây không
lâu, cặp tắc kè ấy đẻ trứng ngay trong hang. Những quả trứng tắc kè dính chặt
vào tường, ngay chính giữa gian thờ của đền. Lạ lùng thay, khi đến con số 8
trứng, tắc kè cái dừng lại, kết thúc cuộc “vượt cạn” của mình trước sự ngỡ
ngàng của tất cả mọi người.
Vài tháng sau, từ
8 quả trứng đó nở ra 8 chú tắc kè con, không hỏng một quả nào. Những người
viếng đền giai đoạn đó không ngừng bàn tán xôn xao, tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm
về sự trùng hợp ngẫu nhiên đến lạ kỳ ấy.
Rồi vào đêm Lễ kỷ
niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, trong khi đông đảo lãnh đạo
Đảng, Nhà nước và hàng nghìn khách thập phương về dự (được chiếu phát trực tiếp
trên đài truyền hình) đang lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã nằm lại
trên tuyến rừng Trường Sơn này thì bất ngờ từ trong hang, những tiếng “tắc kè,
tắc kè” vang lên trong vắt. Nhưng điều khó thể tin được, những âm thanh dứt
khoát, dõng dạc ấy phát ra đúng 8 lần rồi im bặt, để lại sự ngỡ ngàng cho tất
cả những người có mặt hôm đó.
Chính những điều
trùng hợp khó lý giải đó đã khiến nơi đây trở thành một mảnh đất thiêng, bất kỳ
ai đi qua, dù vội đến mức nào cũng dừng xe lại, lên đền thắp
hương.
Loan Nguyễn -
Gia Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét