2 tháng 7, 2013

Con cái nổi loạn – gia đình ở đâu?

“Thật đau đớn khi xã hội hiện đại phải đối diện với những hiện tượng như của cô gái này: Tự mình tạo ra việc lạm dụng cơ thể của chính mình” – Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Lệ Hằng (GĐ Trung tâm Phát triển trẻ em và kỹ năng sư phạm gia đình) trao đổi với VietNamNet xung quanh việc một cô gái trẻ tung clip khoe thân, phát ngôn gây sốc trong cộng đồng mạng gần đây.


PV: Một cô gái trẻ tung clip thả rông ngực, phát ngôn gây sốc dọn đường vào showbiz đang làm “điên đảo” cộng đồng mạng suốt những ngày qua, ở góc độ một chuyên gia tâm lý, bà nhìn nhận sự việc này như thế nào?
TS Lệ Hằng: Trong quá trình phát triển trưởng thành để làm Người, trẻ em và ngay cả người lớn đều phải trải qua những giai đoạn khủng hoảng tâm lý, và đương nhiên khi càng trẻ, sự khủng hoảng dễ dẫn đến những nổi loạn do chưa đủ sự chín chắn về nhận thức để kiềm chế bản thân trước thôi thúc đầy cám dỗ của dục vọng cơ thể. Khao khát thể hiện mình để thu hút mạnh mẽ sự chú ý của cộng đồng là một biểu hiện dục vọng như vậy.
Khoan bàn tới hiện tượng này ở khía cạnh đạo đức, xét ở góc độ tâm lý, tôi cho rằng đây là một hành vi tâm lý bất thường, nếu không nói là một hiện tượng tâm bệnh lý cho dù nó được tính toán một cách tỉnh táo.

TS Nguyễn Lệ Hằng.

Việc chủ động tung ra nhiều clip liên tiếp như cố tình nhận về mình sự lên án của cộng đồng là một hành động tự gây khoái cảm tổn thương mình. Có lẽ, dù là một kịch bản với bất cứ mục đích gì, cô gái này cũng chưa thấy hết được những hậu quả mà cô có thể phải trả giá trong tương lai. Những clip được tung lên trên Internet, tuy là thế giới ảo nhưng những tác động gây ra cho con người không ảo tí nào. Hai luồng ý kiến cổ súy hay ném đá đều không thật sự thỏa đáng trong việc nhận xét về hiện tượng này.
Theo tôi, hiện tượng này nên được phân tích dưới góc độ cảm thông, nhân bản hơn. Khi chúng ta biết rằng cô gái thuộc thế hệ 9x, những hành động của cô có thể phản ánh một cách thể hiện trong khoảnh khắc trạng thái không điển hình của con người ví như hình ảnh một đứa trẻ đang vùng vẫy hỗn loạn trong biển mênh mông của quá trình trưởng thành hoàn toàn vô định.
PV: Thưa bà, có nên đánh giá hành động cô gái sẵn sàng phô bày cơ thể – mà ở đây là bộ ngực của mình trước bàn dân thiên hạ ở khía cạnh đạo đức? Điều này có ảnh hưởng tới giá trị của một người con gái?
  TS Lệ Hằng: Thực ra tôi luôn luôn nhìn những vấn đề này ở góc độ tâm lý nhiều hơn là ở những khía cạnh khác. Khi cảm giác xấu hổ không còn ở một người con gái vào cái lúc cô ấy có thể phơi bày thân xác mình cho cộng đồng thì cũng chính khoảnh khắc đó, cô ta đã rời xa khỏi tính Người. Bởi một trong những đặc tính chỉ có và duy nhất trong thế giới loài Người, đó là: tính riêng tư (động vật không có điều này).
Sự phân tích này hi vọng là một cách tiếp cận của chúng ta – những người đã trưởng thành đối với những người trẻ, không nên vội vàng quy chụp về đạo đức hoặc phán xét những giá trị theo “khuôn vàng thước ngọc” đôi khi đầy định kiến. Sự cảm thông trên nền tảng những kiến thức khoa học đúng đắn mới có cơ may giúp cô gái trẻ này nhận thức được hành vi của mình là sự bất thường về tâm lý, hành vi tâm lý này cũng phản ánh một sự gấp gáp trong lối sống muốn là phải được, phải có ngay lập tức, phải thể hiện ngay lập tức. Ví như việc cô gái này khi gặp được cơ hội thể hiện mình, đã sẵn sàng làm tất cả cho dù là tạo ra một màn kịch để bước chân vào thế giới giải trí. Sự suy xét khôn ngoan của lý trí đã hoàn toàn bị dẫn dắt bởi ham muốn của bản thân.
PV: Bà nghĩ sao trước nếu sự thật khoe thân, hay gây sốc là cách để cô ấy thể hiện đam mê, cá tính, dám sống thật với bản thân của mình?
TS Lệ Hằng: Những ký ức liên quan đến những dục vọng với những bộ phận cơ thể tương ứng gần như đi theo suốt cuộc đời của con người. Càng trẻ những ký ức ấy càng sâu đậm và ảnh hưởng của nó mạnh mẽ tới mức quy định nhiều tới cách nhìn, lối sống, phẩm cách của con người trong suốt cả cuộc đời. Sự tổn thương kéo dài trong đời sống tinh thần lúc trưởng thành ở nhưng trẻ em bị lạm dụng tình dục hoặc bị bạo hành là những minh chứng rất thuyết phục về điều này.
Giờ đây, thật đau đớn khi xã hội hiện đại phải đối diện với những hiện tượng như của cô gái này: Tự mình tạo ra việc lạm dụng cơ thể của chính mình.
Thực tế, những hành vi bất thường về tâm lý liên quan đến việc thể hiện dục vọng cá nhân đều trở thành những ẩn ức lặn rất sâu trong não trạng của con người và rất khó khăn để gỡ bỏ nó, ngay cả sau khi nhận thức được vấn đề, cùng nỗ lực mạnh mẽ của bản thân với không ít sự hỗ trợ của những chuyên gia tâm lý.
Một cô gái “xấu” vẫn có cơ hội để trở thành một cô gái “tốt” nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu mệnh đề trên được đảo ngược trong sự tính toán lạnh lẽo (có thể ở cô gái này) rằng trước khi là cô gái “tốt” ta cứ là cô gái “xấu” đã, còn nhiều thời gian mà, đến khi ta thu hút được nhiều người, ta chuyển đổi cũng không muộn… Có thể cô ấy chưa ý thức được nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều di chứng tâm lý khi đã vượt qua giai đoạn nổi loạn và trưởng thành hơn trong cuộc sống. Và cho dù sau này xã hội dang tay đón nhận những thay đổi tích cực (nếu có từ cô) thì việc cô có vượt qua được chính mình không là điều không thể phỏng đoán. Song có một điều hoàn toàn có thể chắc chắn được rằng một thứ bệnh tâm lý sẽ diễn ra.
PV: Thưa TS, những sự việc như thế này cảnh báo điều gì trong xã hội?
TS Lệ Hằng: Tôi không dám chắc đằng sau clip của cô gái này là câu chuyện gì, do ai hay tự cô ấy đạo diễn. Song phải khẳng định ngay rằng hành vi tâm lý bất thường này không đại diện chung cho giới trẻ của Việt Nam, nhưng những câu chuyện như thế này cũng không phải là hiếm. Và chắc chắn sẽ còn những câu chuyện tương tự xảy ra.
Nếu chúng ta luôn luôn ở trong một trạng thái giật mình vì những điều như thế này thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã không hoàn thành trách nhiệm cảnh báo cho thế hệ trẻ.
Nếu coi hành vi tâm lý bất thường này là một câu chuyện buồn thì theo tôi nó phản ánh sự thiếu liên tục bồi đắp về việc xây dựng một văn hóa nền phổ quát, một hệ thống giáo dục còn quá nhiều vấn đề, và giáo dục gia đình thì mờ nhạt.
Để khắc phục những hành vi tâm lý bất thường của con trẻ trong quá trình phát triển trưởng thành, tôi ưu tiện chọn giải pháp về giáo dục gia đình. Bởi trong 20 năm đầu tiên của đời người, đời sống tâm lý phát triển của trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ gia đình. Vậy, vị trí của những người làm cha, làm mẹ là ở đâu trong câu chuyện này?
Hãy lắng nghe con để hiểu con hơn, hãy học kĩ năng làm cha làm mẹ theo từng độ tuổi của con một cách nghiêm túc. Hãy tỉnh táo, yêu thương con trước những cám dỗ từ hệ thống Internet đang len lén lẻn vào ngôi nhà của bạn.
Theo tôi, việc nương theo con rồi mới uốn nắn là một kỹ thuật sư phạm có thể làm hài hòa được việc bảo toàn cá tính của con với những định hướng giá trị sống mà bạn muốn con mình nhận thức được.
PV: Cảm ơn TS Lệ Hằng, chúc bà tiếp tục giữ được niềm say mê về giáo dục!
(BVNN)

Không có nhận xét nào:

Trang