31 tháng 7, 2013

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, một tài năng trong bao niềm cay đắng và vinh quang

                        HỮU ĐẠT

Một buổi sáng đầu tháng 2 năm 2006, tại Hội trường tầng 8 nhà E Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngợp trời hoa. Người mới bước vào hội trường dễ nhầm đây là một cuộc giao lưu do Đài truyền hình tổ chức vì trên sân khấu có một chiếc bàn và một chiếc ghế mây có lưng dựa được dành cho cử toạ. Trên ghế là một vị khách khá xa lạ với lớp trẻ nhưng lại quen thuộc với lớp cán bộ từ tầm trung niên trở lên. Ông ăn mặc giản dị: bộ com lê đã cũ. Chiếc áo trắng bên trong cũng ngả màu. Trước ông là một cây ba toong bằng song ngả vào đùi. Bàn tay trái ông cầm điếu thuốc đưa lên miệng rít liên tục, còn bàn tay phải ông thỉnh thoảng lại che lên ngang tai như cố nghe xem người đang diễn thuyết trên bục phía bên kia sân khấu nói gì. Có lẽ ông đã nghễnh ngãng nên thỉnh thoảng lại nghênh mặt lên để đón nhận những lời chúc tụng nồng nhiệt bay ra trên loa phóng thanh. Hôm nay là ngày người ta tổ chức mừng thọ ông 80 tuổi. Chắc ông không nghĩ có một ngày long trọng như vậy.
Sau bài diễn văn chúc mừng ông, đại diện cho các thế hệ cán bộ và sinh viên lên phát biểu cảm tưởng. Ông được ca ngợi như một nhân vật tiêu biểu trong số các giáo sư đầu ngành của trường. Trong các bài phát biểu đó, người ta không rụt rè nhắc đến người bạn đời của ông. Đó là điều mà cách đây vài chục năm không phải chỉ có những người khác mà chính ông cũng rất ái ngại.
Ông chính là giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.
Ngồi trong Hội trường rộn ràng tiếng cười nói và ngan ngát hoa tươi, tôi bỗng nhớ lại một kỷ niệm cách đây gần ba mươi năm. Hôm đó vào ngày lễ kỷ niệm Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11, theo sự phân công của chi đoàn cán bộ giảng dạy, một cán bộ trẻ tổ Hán Nôm là anh Nguyễn Duy Chính ( hiện nay đã mất) nhận nhiệm vụ viết về giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Do quá vô tư, anh đã hồn nhiên ca ngợi mối tình của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn với người bạn đời người Nga của ông. Thế là, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đang ngồi ở một căn phòng trong ký túc, nghe anh Chính thao thao nói về mối tình của mình qua loa phóng thanh, liền nhăn mặt bảo: “ Ông Chính ông ấy đang bôi bác gì tôi ngoài Hội trường?”...
Vào những năm đó, việc nhắc đến tên Phó giáo sư Nô na Xtankêvich trong các cuộc họp lớn được xem là một việc tế nhị. Lại càng không nên nhắc đến mối tình của bà và giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Tất cả những chuyện liên quan đến hai người chỉ được xì xầm qua tai người này hay người kia. Trong sinh viên, những chuyện đó được khúc xạ nhiều chiều và đôi khi nhuốm màu huyện bí như một thứ thâm cung bí sử. Kỳ thực nó cũng chỉ là một câu chuyện tình như rất nhiều người. Một tình yêu của nhà khoa học, giống như mọi cuộc tình, cũng lãng mạn, đắm say, cũng mang đầy yếu tố của cuộc đời thường nhật, chỉ có điều gian truân hơn, phức tạp hơn. Cũng chính vì thế, sau bao cuộc thăng trầm của lịch sử, của những cuộc thay đổi quan niệm, nay nhìn lại càng thấy nó đẹp hơn và lý tưởng hơn. Đó là cuộc tình vượt lên trước thời gian với một sức mạnh và sự kiên trì hiếm có.
Chắc hẳn đã suy nghĩ tưới điều này cho nên khi đến lượt mình phát biểu, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chỉ tập trung vào ba điều. Trong đó, một điều ông dành để nói về điều bí ẩn trong mối tình của ông. Ông bảo, bây giờ ông cần nói vì tuổi đã cao, nếu không nói thì chẳng may sẽ có lúc muốn nói mà không nói được. Khi đó. đem theo cả những điều bí ẩn sang thế giới bên kia thì tiếc lắm. Ông nhấn mạnh, trước đây ít tháng, có nhà báo đã gặp ông ngỏ ý về chuyện này. Theo ông, đó không phải là họ quan tâm tới ông mà họ muốn “moi tin”. Có tin, báo sẽ bán chạy.
Tôi rất hồi hộp vì sau bao nhiêu năm sống gần với giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, hôm nay bỗng thấy ông lại công nhiên cho thiên hạ biết về chuyện riêng của mình. Biết bao nhiêu thế hệ học trò tò mò muốn biết về cuộc tình sử của ông. Hôm nay, chuyện đó mới được công khai.
Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thì thời đó, những người trực tiếp tác thành cho ông và bà Nô na Xtankêvích gồm các nhân vật như: Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, ông Tôn Quang Phiệt, ông Tôn Gia Ngân. Còn ở nước ngoài có I li a Ê ren bua. Sở dĩ có sự tham kiến của I li a Ê ren bua là vì khi tình hình diễn biến căng quá, Nô na Xtan kê vích đã viết thư xin ý kiến. Sau đó, Nô na Xtan kê vích nhận được thư trả lời của Ê ren bua với sự ủng hộ hoàn toàn.
Hẳn là các thế hệ sau này đến đây đã rõ vì sao mối tình của Nguyễn Tài Cẩn lại có sự góp mặt của nhiều nhân vật quan trọng đến như vậy? Và, vì sao khi anh Nguyễn Duy Chính nhắc đến chuyện này thì lúc đó chính giáo sư lại coi đó là một sự bôi bác?
Thời đó, việc lấy vợ Tây là một chuyện to lớn lắm. Lại càng to lớn hơn với một người làm giáo viên và đã từng có vợ rồi. Nó không phải là chuyện của cá nhân mà là chuyện của quốc gia.
Bởi thế, ngày Nguyễn Tài Cẩn mới từ Liên xô về nước, ông đã nổi tiếng vì có vợ Nga. Khi chúng tôi còn học phổ thông thì câu chuyện tình của ông đã được kể gần như huyền thoại. Đến khi vào đại học, thế nào tôi lại học đúng cái khoa mà có con người mình đã từng nghe danh.Thú thực, ngày đó, chúng tôi rất háo hức muốn biết mặt cô Nô na xtan kê vích. Nhưng mãi tới năm cuối mới được học cô. Sau này ở lại làm cán bộ giảng dạy cùng bộ môn, nhiều năm giữ chức “mõ’ thư ký công đoàn tổ, tôi thường xuyên qua lại đưa lương cho vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và càng thêm hiểu tình cảm của hai người. Càng hiểu, tôi càng kính phục sâu sắc người phụ nữ Nga đã một đời cống hiến cho ngành Việt ngữ học ở Việt Nam và là cái cầu nối quan trọng cho sự giao lưu văn hoá giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên xô( nay là Nga) trong những năm tháng đất nước ta trải qua những cuộc chiến khốc liệt nhất. Bà không chỉ là người bạn đời mà còn là một đồng nghiệp, một trợ thủ đắc lực cho giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong cuộc đời hoạt động khoa học của mình.
Theo giáo sư Lê Văn Quán, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã nổi tiếng từ khi còn công tác ở trường Cao đẳng Sư phạm khu Bốn thời kháng Pháp. Ông được kết nạp Đảng từ năm 1949, từng làm trợ lý đại học rồi làm trưởng phòng giáo dục từ những năm miền Bắc chưa giải phóng. Sau Hoà bình ông được Nhà nước cử đi làm chuyên gia dạy tiếng Việt ở Lê nin grát ( nay đổi lại tên cũ là Xanh Pê téc bua). Tại đây, ông làm quen và yêu cô sinh viên người Nga rất thích thú học và nghiên cứu tiếng Việt. Đó là cô nữ sinh Nô na Xtankêvích, sau này là một trong các nữ phó tiến sĩ đầu tiên về Ngôn ngữ học của Việt Nam và là một chuyên gia đầu ngành về môn Loại hình học.
 Phó giáo sư Nô na Xtankêvích là một người phụ nữ Nga tuyệt vời. Ngay từ những năm sơ tán, sự xuất hiện của bà trên vùng rừng núi Đại Từ Thái Nguyên đã gây ra bao nhiêu sự ngạc nhiên và kính trọng của dân vùng sở tại. Không quản hy sinh, gian khó, cả hai đợt hành quân sơ tán từ thủ đô về vùng núi rừng phía Bắc, bà luôn đội mũ sắt, khoác ba lô cùng lăn lộn với giáo viên và sinh viên Văn khoa đi khắp mọi miền, hoà đồng cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt. Bao nhiêu thế hệ cán bộ và sinh viên đến nay vẫn còn nhớ hình ảnh một người phụ nữ Nga tận tuỵ, buổi sáng cắp giáo án lên lớp giảng bài, buổi chiều mặc quần thâm, đội nón, lội xuống ruộng đài khoai dưới chân đồi cắt rau về nuôi lợn. Giữa khu sơ tán, bà nổi bật lên như một biểu tượng của tình hữu nghị Xô-Việt, của sự chia sẻ chân tình nhất của tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp, tình đồng chí. KHắp cả một vùng đông quê, đâu đâu cũng ngợi khen, kính phục bà. Không kính phục sao được, khi bà từ một đất nước xa xôi vạn dặm, sống trong cuộc sống của một nước văn minh công nghiệp lại có thể chịu đựng được những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến ở xứ xở lạc hậu đói nghèo. Đã đói nghèo lại chiến tranh, bom đạn. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Hết ăn sắn, ăn khoai lại ăn bo bo, mì luộc...nhưng bà không hề hé răng kêu khổ. Bà vẫn vui lòng nhận một suất tem phiếu cán bộ thời bao cấp như tất cả mọi cán bộ giảng dạy đại học Việt Nam. Trong khi, nhiều phụ nữ Âu châu khác cũng lấy chồng Việt Nam đã không chịu nổi khó khăn gian khổ, lấy cớ đưa con về phép rồi không bao giờ quay trở lại Việt Nam nữa. Bà Nô na vẫn một lòng một dạ, thuỷ chung son sắt với đất nước Việt Nam, với người chồng mà bà yêu quí. Điều đó thực là một sự phi thường.
Từ vùng miền núi hoang vu, tên tuổi vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn như một huyền thoại. Người ta thấy lạ, thấy nể một người con gái Nga dịu dàng, duyên dáng mà lại rất trí tuệ. Những ngày đó, người dân địa phương thấy một cán bộ giảng dạy đại học mà lội bùn, cắt đài khoai nuôi lợn đã là việc rất đặc biệt rồi. Nay người phụ nữ đó lại tóc vàng, mắt xanh, nói tiếng Việt rất chuẩn mà cũng làm đủ mọi việc từ A đến Z như một người nông dân Việt Nam thực thụ thì ai chẳng bái phục. Bái phục bà đã đành. Người ta càng bái phục Nguyễn Tài Cẩn. Không biết từ con người ông có ma lực gì mà lại có sức cảm hoá tài tình đến vậy?
Về chuyện tình yêu của ông có nhiều tình tiết mà người đời thêm bớt  theo thời gian đến mức trở thành các huyền thoại. Khi chúng tôi tựu trường cũng được nghe không ít những chuyện ly kỳ về vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Nhưng có một chuyện tôi được nghe ông trực tiếp kể là, ngày cụ Nguyễn Tài Đức thân phụ ông mới ra Hà Nội. Vì mặc cảm với người con dâu “Tây”, cụ đã làm một việc rất khinh suất. Một buổi tối sáng trăng, cụ ra đầu hè vạch quần tè ngay một bãi cố ý để xem cô con dâu phản ứng thế nào. Liệu cô có thể khinh bố chồng là người quê cệch và thiếu văn hoá không? Thấy vậy, Nguyễn Tài Cẩn nhanh trí chạy ra đầu hè và cũng làm một việc giống hệt cha. Sau đó ông giải thích, tiểu tiện đầu hè là một thói quen của cư dân nông nghiệp có truyền thống văn minh lúa nước. Nghe xong, bà gật gù, tỏ ra tâm đắc và coi cái việc đã xảy ra là một việc bình thường.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được coi là loại đa mưu túc trí vào bậc nhất nhì trường Đại học Tổng hợp trước đây. Cách đây vài năm, anh Thành Hưng có viết một câu chuyện vui kể việc giáo sư đi Nhật Tân sắm đào tết trên từ Bản tin ĐHQG HN. Anh kể, khi đi mua đào, giáo sư đi xe đạp và đèo thêm một cái cưa. Chở đào về dọc đường, gặp khách mua, được giá ông liền dừng xe cắt luôn nhánh đào mà khách yêu thích bán lấy tiền gốc...câu chuyện này đọc vui, tếu táo, nhưng tôi không cho là thật mà là một giai thoại. Vậy mà có những chuyện mà người đời cho là giai thoại thì lại là chuyện thật một trăm phần trăm. Chẳng hạn chuyện tình yêu của ông. Nghe nói ngày ông mới về nước, ông phải nằm dài trên Bộ hàng tuần để viết kiểm điểm. Rồi thì chuyện báo chí đăng tin, phản ứng về mối tình của hai người...Ngày nay, các thế hệ sau sẽ hỏi: “Chuyện ta lấy Tây có gì mà ầm ỹ thế? Ngày nào trên ti vi chẳng có những hình ảnh như vậy? Nhất là cái tết gần đây, người ta còn lăng xê một loạt các đôi vợ chồng “vợ ta chồng Tây” để quảng cáo cho sứac hấp dẫn của văn hoá Việt đối với người nước ngoài’. Nhưng xin nói ngay rằng, thời đó, chuyện lấy vợ Tây, chuyện vợ chồng chia tay được nhìn nhận bằng con mắt hoàn toàn khác. Bởi thế, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã gặp không ít khó khăn, thử thách không những chỉ với dư luận xã hội bên ngoài mà ngay cả trong nội bộ nữa. Nhưng ông đã vượt qua tất cả, và chiến thắng tất cả, bảo vệ mối tình trong sáng của mình cho tới trọn đời.
 Tất nhiên, để có được kết quả này, sự đóng góp của bà Nô na Xtan kê vích quả là không nhỏ. Tất cả những ai gặp bà đều có một cảm nhận giống nhau. Bà là một người phụ nữ đôn hậu nhưng trí tuệ và lịch lãm. Không những bà là hiện thân của một tính cách Nga mà còn là một phụ nữ thấm nhuần mọi đạo lý, thuần phong mỹ tục của văn hoá Việt. Chính con người bà, tính cách và phẩm chất của bà đã cảm hoá được người cha chồng là một cụ đồ nho Nguyễn Tài Đức. Lúc vợ chồng Nguyễn Tài Cẩn mới về nước, cụ Nguyễn Tài Đức phản đối rất quyết liệt. Mặc dù chỉ có Nguyễn Tài Cẩn là con trai duy nhất nhưng cụ nhất định không chịu rời Nghệ An ra Hà Nội sống với vợ chồng người con trai mà cụ yêu quí. Nhưng dần dà, nghe bà con họ mạc kể lại, nghe đồng nghiệp của con miêu tả, ông đã đồng ý ra sống với vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và đã cùng vợ chồng ông sơ tán lên Bắc Thái.
Ngày mừng thọ giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tuổi 80, lúc trở về khoa Ngôn ngữ học chúc rượu, ông hứng chí kể lại, sau này cụ Nguyễn Tài Đức rất quí cô con dâu người nước ngoài. Bởi vậy, khi đứa con trai đầu lòng của bà Nô na Xtan kê vích và Nguyễn Tài Cẩn ra đời có một cụ đồ nho vốn là bạn với cụ Nguyễn Tài Đức đem đến một bài thơ chúc mừng. Cụ Đức nhân đó đã hoạ lại bằng một bài thơ đầy ngụ ý nói rõ việc xì xào bàn tán bên ngoài nay không còn ý nghĩa gì cả. Bài thơ đại ý có những câu:
Ngoài cuộc xin đừng liên lẹo
Tan sòng mới biết ai được bài
Muôn năm hữu nghị tình Xô-Việt
Con cháu đầy nhà chút chít lai..
( Đoạn thơ này chúng tôi thoáng nghe giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đọc có một lần nên có thể có đôi từ chưa thật chính xác))
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và bà Nô na Xtan kê vích có được hai người con trai, đều tốt nghiệp đại học tại Liên xô (cũ) và lập nghiệp ở đó. Lúc về hưu, bà Nô na quyết định trở về nước sống với các con. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn  đành rời quê hương yêu dấu của ông để sống ở trời Âu những năm tháng tuổi già. Điều đó cũng hợp với lẽ đời. Cả thời tuổi trẻ, bà Nô na đã hy sinh tận tuỵ vì sự nghiệp của chồng, không sợ gian khổ, chẳng ngại đạn bom. Nay đất nước hoà bình, đời sống toàn dân sung sướng, bà chọn con đường trở về nước để được sống gần gũi các con lẽ nào giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không ủng hộ ? Đành rằng, trong một góc thầm kín của con tim, Nguyễn Tài Cẩn còn có một tâm hồn nhà nho không dễ gì xa gốc rễ, cội nguồn. Nhưng vì tình yêu, vì con cái, ông phải chấp nhận cái cảnh sống ở xứ người lúc về già. Đó là nỗi buồn riêng thăm thẳm trong ông. Theo anh Nguyễn Huy Hoàng ( nguyên cán bộ giảng dạy khoa Văn) kể lại, dạo ông còn ở Xanh Pê téc bua, một lần anh Hoàng và mấy người bạn Việt Nam đến thăm. Ông mừng quá, không kịp mặc quần áo rét chạy ra hiên đón, Hấp tấp thế nào ông trượt chân trên tuyết bị ngã sưng cả gối khiến ai cũng rất thương.
Mấy năm gần đây, gia đình giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chuyển về Matxcơva nên có điều kiện gặp gỡ giao lưu với người Việt nhiều hơn. Nhưng vốn tính ham làm việc, những năm tháng tuổi già, ông vẫn không hề nghỉ ngơi, trái lại còn làm việc nhiều hơn trước. Có đến một nửa số đầu sách và những công trình quan trọng khiến ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đã được ông viết trong giai đoạn này.
Có thể nói, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trải qua gần như cả một cuộc đời lận đận để đạt tới vinh quang. Ông là một số phận của lịch sử trong sự thay đổi và phát triển những quan niệm. Nếu nói đến công lao của ông, trước hết cần nói tới tư tưởng táo bạo mà ông đã khởi xướng trong nghiên cứu ngôn ngữ. Đó là sự chống lại cái tư tưởng cố hữu “dĩ Âu vi trung” được hình thành trong nhiều thế kỷ nghiên cứu ngôn ngữ học ở châu Âu. Bằng những cứ liệu sinh động trong tiếng Việt, một ngôn ngữ tiêu biểu của loại hình ngôn ngữ đơn lập, ông đã chứng minh rằng, nhiều vấn đề lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại cần được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn về sự tồn tại và phát triển của các ngôn ngữ thế giới. Rằng, bức tranh về ngôn ngữ thế giới cần được định vị lại trong nhiều mối quan hệ tương tác của một loạt các vấn đề như: hiện tượng phổ niệm ( phổ quát), vấn đề xác định ranh giới giữa hình vị, từ, âm tiết,...Sự đóng góp tiêu biểu của ông được thể hiện rõ nhất trong nghiên cứu tiếng Việt là việc xây dựng thành công mô hình tổng quát nhất về đoản ngữ. Với ông, đơn vị quan trọng nhất của ngữ pháp tiếng Việt là đơn vị được ông gọi là Tiếng một. Đây là một lý thuyết quan trọng có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nghiên cứu Việt ngữ và cũng là một sơ sở khoa học giúp cho việc giải quyết những hiện tượng phức tạp trong tiếng Việt như : từ ghép, từ láy...
Không ai nghi ngờ gì những thành công quan trọng của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có sự đóng góp rất  tích cực và hiệu quả của Phó giáo sư Nô na Xtan kê vích. Bà không chỉ là một người vợ mà còn là một đồng nghiệp, một bạn tri âm của ông trong nhiều vấn đề chuyên môn. Đọc cuốn “Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá “cũng như một số công trình khoa học khác mà ông công bố, độc giả có thể nhận thấy bóng dáng của bà Nô na Xtan kê vích thấp thoáng ẩn hiện sau mỗi  trang viết của vị giáo sư đầu ngành này với cương vị là một phụ tá và là một người tâm giao với ông. Sự phối hợp trong nghiên cứu khoa học giữa hai người còn có thể thấy cả trong hơi văn của cuốn “Loại hình học các ngôn ngữ” do bà Nô na Xtan kê vích là tác giả. Đúng như câu thơ của cụ Nguyễn Tài Đức, nếu đọc và quan sát kỹ tất cả những bài viết, công trình của Nguyễn Tài Cẩn, người đọc nhận thấy ngay một giọng điệu rất riêng của một liểu văn phong khoa học mang đậm chất “văn phong khoa học Nga”, với những câu đơn mở rộng bổ ngữ, với cách phất triển định ngữ khá dài. Ngược lại, trong các bài viết hay công trình của Phó giáo sư Nô na Xtan kê vích, người đọc cũng nhận thấy một phong cách hành văn khoa học “rất Việt” ở cách lập luận, cách so sánh hoặc cách sử dụng các câu ghép. Có kết quả ấy chính vì có một thời giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là chuyên gia dạy tiếng tại Lê nin grát. Ông là thầy cùa bà Nô na Xtan kê vích về nhiều mặt nhưng cũng lại là người học trò của bà về tiếng Nga. Cuộc gặp ngẫu nhiên về số phận đã tạo nên sự giao lưu ngôn ngữ và văn hoá sâu sắc giữa hai con người, hai mảnh đời trong cái nôi chung của khoa học về ngôn ngữ.
Học trò nhiều thế hệ nhớ tời giáo sư Nô na là nhớ tới một người dong dỏng cao, tóc màu bạch kim và đôi mắt xanh biếc. Bà Nô na không giống các phụ nữ Nga khác là sau khi sinh con và luống tuổi thì to béo, nặng nề. Trái lại, bà vẫn giữ được dáng người thanh thoát, kiều diễm cho đến lúc về già. Với chất giọng xứ Nghệ ( ảnh hưởng trực tiếp của người thầy đồng thời là chồng), mỗi khi phát âm, giọng nói của bà có một sự cuốn hút rất riêng biệt. Khi còn làm cán bộ giảng dạy ở khoa Văn, bà phụ trách dạy môn Loại hình học các ngôn ngữ cho sinh viên năm thứ tư ngành Ngữ. Mặc dù là người nước ngoài, nhưng cách truyền đạt của bà bao giờ cũng dễ hiểu nhờ phương pháp tư duy khoa học chặt chẽ và lối tiếp cận vấn đề rất thông minh. Có thể nói, bà là một nhà khoa học nữ thuộc loại hiếm hoi trong ngành Việt ngữ học. Không phải chỉ làm công việc giảng dạy thuần tuý mà bà còn là một người có vai trò đắc lực trong việc tạo ra cái cầu nối văn hoá giữa Việt Nam và các nước Đông Âu. Bởi ai cũng biết rằng, khi khối Xã hội Chủ nghĩa còn tồn tại, Liên xô được coi như là cánh cửa bản lề để đi vào các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu khác. Mặt khác, mọi cuộc tiếp xúc văn hoá từ các nước này tới Việt Nam cũng phải qua Liên xô. Có một thời, đội ngũ trí thức được đào tạo tại Liên xô được coi là át chủ bài, là lực lượng nòng cốt trong tổ chức và phát triển các trung tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Nhiều nhà trí thức lỗi lạc trở thành những cánh chim đầu đàn của khoa học hiện đại, thậm chí có một số người đã trở thành các lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước cũng đã được đào tạo từ đất nước này.
Thời chúng tôi mới vào trường, có nhiều câu chuyện huyền thoại xung quanh giáo sư Nô na. Có tin đồn, bà là con một vị thứ trưởng Bộ quốc phòng Liên xô, người có vai trò quan trọng trong việc điều phối viện trợ vũ khí quân sự của Liên xô cho Việt Nam trong những năm chống Mỹ.  Vì thế, vợ chồng bà rất được chính phủ Việt Nam vì nể. Lúc sinh thời, nhiều lần thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống tận nhà vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn ở Chợ Giời, gần phố Huế để chúc tết. Chính vì thế mà sau này giáo sư Nguyễn Tài Cẩn mới được “giải thoát” khỏi nỗi ám ảnh của con ma “chuyên môn thuần tuý” luôn rượt đuổi ông. Đây là một câu chuyện khá dài trong trường đời khúc khuỷu của một vị giáo sư mà “tăm tiếng” cũng nhiều, “tai tiếng” cũng không ít trong quá trình hình thành các tư tưởng khoa học. Số là khi mới về nước, Nguyễn Tài Cẩn vốn rất được trọng vọng vì ông là một phó tiến sĩ được đào tạo tại Nga xô. Thời đó, phó tiến sĩ còn hiếm tới mức có thể đem khắc tên vào Văn Miếu Quốc tử Giám cũng không đến nỗi lo bị làm mất không gian hay tốn đá. Khác hẳn thời nay khoa học phát triển tới mức ra cổng có thể gặp ngay một lúc mấy vị tiến sĩ rồi. Nếu đem khắc tên vào đá e nuôt hết cả dãy núi Tam đảo và núi Ba Vì cũng chưa đủ.
          Trong bối cảnh như thế, Nguyễn Tài Cẩn là người có một vị thế khá cao ở trường. Là một đảng viên được kết nạp từ năm 1949, lại kinh qua nhiều công tác ở khu Bốn thời chống Pháp, ông trở thành một điểm sáng được nhiều người chú ý. Về nước chưa bao lâu, ông đảm nhiệm chức tổ trưởng bộ môn Ngôn ngữ học, rồi vào Thường vụ Đảng uỷ Trường. Thời ấy, Đảng lãnh đạo mọi mặt và toàn diện nên vai trò của các Uỷ viên Thường vụ to lớn lắm. Tiếng tăm cũng vang lừng chứ không thu hẹp phạm vi công tác như bây giờ. Cứ đằng thằng theo con đường đó, chắc Nguyễn Tài Cẩn sẽ trở thành một vị thứ trưởng hay bộ trưởng trong tương lai chứ không phải thành nhà khoa học như sau này.
Xét cho cùng đó là số phận. Nếu theo như những bài viết mà anh Đỗ Minh Tuấn ( nhà đạo diễn, nhà thơ, kiêm hoạ sĩ) cựu sinh viên công bố thì, khi anh Tuấn có quan hệ gần gũi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng, anh đã chính thức kiến nghị đề cử giáo sư Nguyễn Tài Cẩn lên làm phó Thủ tướng phụ trách Văn xã, giáo sư Nguyễn Văn Hượu lên làm chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội. Nhưng kiến nghị đó của anh không được chấp thuận. Tổ chức chỉ chấp nhận 2 người khác trong danh sách tiến cử của anh. Bản thân giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng có  mấy lần được đề bạt, nhưng cả mấy lần ông đều khéo léo từ chối để được yên phận với chuyên môn.
Cũng chỉ vì say mê chuyên môn, nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyên môn trong sự nghiệp phát triển của đất nước, ngày đó Nguyễn Tài Cẩn cùng một số vị giáo sư nổi tiếng như Lê Văn Thiêm, Hoàng Phương. Nguyễn Bạt Tuỵ...nêu ra  chủ thuyết đi sâu vào nghiên cứu khoa học, coi việc nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ và sinh viên. Lập tức ông cùng các giáo sư nói trên bị qui vào cái gọi là “tư tưởng chuyên môn thuần tuý” bỏ mất nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chiến lược đào tạo cán bộ theo đường lối của Đảng là “vừa hồng vừa chuyên”.  Giữa lúc bối cảnh chính trị quốc tế có nhiều vấn đề, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội không tránh được những ngọn gió cuồng phong từ phương xa thổi tới, cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ các nhà đại trí thức của trường càng trở nên quyết liệt. Nhóm cán bộ theo tư tưởng “chuyên môn thuần tuý” bị phê phán mạnh mẽ trong nhiều cuộc họp. Bản thân Nguyễn Tài Cẩn cũng “bị kiểm điểm” liên tục. Thậm chí có người còn khép ông vào cái tội “lũng đoạn Ban Thường vụ”. Ông rất buồn, nhưng biết ngỏ cùng ai? Con người đi trước thời đại đã không tìm kiếm được sự ủng hộ của trên với mình, đành âm thầm chịu đựng những trận phong ba bão tố cốt sao trụ vững được mà không bị bật khỏi khoa, khỏi trường. Quân tử nuôi chí mười năm! Ông lui về một làng quê nơi sơ tán ở vùng núi Đại Từ sớm khuya chong đèn đọc sách. Thời gian đó ông trở thành một ông già ẩn dật, rất ít giao tiếp với mọi người. Đồng nghiệp cũng có người tránh ông, không muốn thân mật vì sợ bị “vạ lây”. Cái chuyện lấy vợ người Nga năm xưa tưởng đã ngủ êm đềm trong ký ức nay lại có cơ trỗi dậy thành một câu chuyện luận bàn. Ông sống thắc thỏm trong nỗi ám ảnh với tâm trạng của người thất trận. Ông thất trận là phải. Bởi vì ông và các vị giáo sư cùng chí hướng thời đó làm sao chống lại được những ông như Trần Tống, Trần Quang Huy...những con người kiên trì tư tưởng “vừa hồng vừa chuyên”. Đề cao “chuyên” như ông có nghĩa là hạ thấp “hồng”, là lệch lạc, là phải uốn nắn.
Theo giáo sư Lê Văn Quán kể lại, những năm tháng đó, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sống trong tâm trạng rất u uất. Ông bị đưa ra khỏi Thường vụ Đảng uỷ, bị kiểm thảo nhiều lần. Nghe tin này, Lê Văn Quán đã đến chia sẻ với ông.
Một buổi chiều mùa đông u ám, trong căn nhà người nông dân khu sơ tán,  PTS Nguyễn Tài Cẩn đang ngồi suy tư trước cửa sổ thì chợt thấy một người gầy gò bước vào sân. Ông vừa ngẩng lên thì nhận ra đó là Lê Văn Quán, giáo viên tổ Trung Văn, là người quen biết cũ từ thời còn công tác ở khu Bốn. Nguyễn Tài Cẩn thốt lên một câu hỏi vẻn vẹn có hai từ:
·                                 Hà cố?
Theo nghĩa từ Hán-Việt, câu hỏi này mang tính cật vất “ Vì sao anh lại đến thăm tôi?”. Biết được tâm trạng của ông, Lê Văn Quán lựa lời nói rằng lâu lắm rồi anh em không gặp nhau nên hôm nay qua thăm để biết tin tức. Nguyễn Tài Cẩn gật gù nhìn người quen cũ như có ý hỏi:”Anh không sợ bị liên luỵ với tôi ư?”. Lê Văn Quán mỉm cười. Nụ cười ngụ ý:”Nếu tôi sợ tôi đã không tới”.
Nhờ cuộc viếng thăm này, Nguyễn Tài Cẩn trở nên rất quí Lê Văn Quán. Sau này ông nhiều phen ra tay giúp đỡ Lê Văn Quán để tạo cho cuộc đời Lê Văn Quán những bước ngoặt quan trọng. 
Nay lại nói về giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Sau bước loạng choạng gần như sắp gục ngã, ông vẫn cố sức đứng dậy. Lại thêm quan hệ  hữu nghị Xô-Việt mỗi ngày một thêm thắm thiết và với vị thế của thân phụ bà Nô na Xtan kê vích, ông lại dần dần củng cố được tầm vóc của mình. Những cuộc viếng thăm, những lá thư chúc mừng các ngày tết hay đại lễ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới gia đình ông vô hình trung lại là cái bùa phép thần kỳ. Nhiều người bắt đầu thấy nể rồi sợ ông. Họ đồn nhau, Nguyễn Tài Cẩn là một vị đạo diễn tài ba nấp trong bóng tối. Ông không xuất hiện trên sân khấu chính trị những mọi cuộc xếp đặt nhân sự đều có bàn tay ông nhúng vào. Hư thực thế nào, chắc chỉ có giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là rõ hơn cả. Nhưng khi tôi ở lại trường làm cán bộ giảng dạy thì những tin đồn đại loại như vậy gần như công khai. Nó được nhiều người tin vì sau đó, người ta thấy Nguyễn Tài Cẩn được phong giáo sư. Ông được trọng dụng làm chủ tịch nhiều Hội đồng xét phong quan trọng. Chỉ có điều, khi vị thế của ông lên cao thì xung đột Văn-Ngữ càng trở nên gay gắt. Một lần nữa, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn lại trở thành một trong những điểm nóng của những xung đột. Nhiều cuộc bầu bán, ông bị mất phiếu nghiêm trọng. Mặc dù là con chim đầu đàn của ngành Ngữ học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và cũng là con chim đầu đàn của ngành Ngữ học Việt Nam, nhưng đến khi về hưu ông không hề được một danh hiệu cao quí nào. Thậm chí cả danh hiệu Nhà giáo ưu tú cũng không. Trong khi đó những người cùng tầm cỡ ông của ngành khác như giáo sư Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm... thì đều được phong tặng Nhà giáo Nhân dân cả rồi. Có lẽ giáo sư Nguyễn Tài cẫn cũng chẳng bao giờ quan tâm tới việc mình được phong tặng cái gì. Cho nên, khi tách khoa, tình cờ tôi được chứng kiến một cảnh tượng rất ấn tượng. Hôm đó, vì tổ bộ môn Ngôn ngữ học được trên cho phép thành lập khoa, nên “ra ở riêng” với một số trang thiết bị khiêm tốn. Tôi và mấy bạn đồng nghiệp dọn một chiếc tủ tư liệu ra thì thấy một đống bằng khen vứt lỏng chỏng dưới đáy một chiếc tủ gỗ đã mọt. Tôi cầm một tấm bằng khen đóng trong khung kính lên xem thì đó là tấm bằng khen Thủ tướng chính phủ tặng cho giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Vậy mà ông không hề biết. Tổ bộ môn cũng không hề biết. Và cả khoa Văn, trừ người đi nhận về, cũng không ai biết.
Với cương vị là chủ tịch Hội đồng học hàm, đương nhiên giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có những quyền lực khá cao, dẫu không phải là người quyết định tất cả. Những kết quả của những cuộc xét phong đã tạo nên nhiều dư luận bất lợi cho ông, trong đó có cả những lời oán thán cay nghiệt. Cuối cùng, ông, một con người bề ngoài thì uy thế lẫy lừng, nhưng trong khoa lại mất đi nhiều sự ấm áp cần có, nói cho đúng là mất đi một cái giá tình cảm vô bờ. Một lần nữa ông lại rơi vào trận thế cô đơn. Ngoài một số môn đệ thân tín, ít người gần gũi ông. Từ trong lòng khoa Văn, cuộc xung đột giữa ông và một số người đứng đầu ngành Văn đã tạo ra bờ vực xa cách giữa hai ngành Văn-Ngữ. Trong các cuộc họp, người ta vẫn nhấn mạnh đến sự đoàn kết, nhưng thực chất thì nỗi mặc cảm ngày càng gia tăng. Khi thành lập trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, câu chuyện tách khoa trở thành một vấn đề gay cấn. Những người vô tư thì cho là việc tách đôi thành hai khoa Văn-Ngữ là một điều rất dở. Những người bị cuốn vào mối xung đột dai dẳng nhiều năm thì phấn chấn ra mặt, tuyên bố thẳng thừng ”đây là cơ hội ngàn năm có một” để không phải dội trên đầu một mái nhà chung. Những người hài hoà hơn thì bảo: hai anh em ruột sống chung với nhau mãi rồi, nay đều khôn lớn nên tách ra ở riếng để có cơ hội cùng phát triển. Riêng vị chủ nhiệm khoa Văn đương kim lúc đó đang đi công tác Hàn Quốc là PTS Phạm Quang Long thì tỏ ra bất bình với chuyện này. Khi về Hà Nội, một hôm tình cờ anh nhăn nhó cáu với tôi:
- Sao ông ở nhà mà lại để cho người ta tách khoa. Các ông thật vô trách nhiệm.
Tôi cả cười nói với Phạm Quang Long:
- Tôi nào có vai trò gì. Cũng phát biểu. Cũng phân tích. Đủ cả rồi.Ngay cả như Phó giáo sư Bùi Duy Tân cũng đã nhiều lần phản ứng, nhưng chẳng có kết quả. Thậm chí trên báo Văn hoá Nghệ thuật có phóng viên còn đăng bài phỏng vấn tôi và giáo sư Nguyễn Kim Đính, mượn tôi và giáo sư Đính để khẳng định việc tách khoa là sai lầm.  Sau sự kiện bài báo, tôi được hân hạnh nhận lời nhắc nhở của Hiệu trưởng Phùng Hữu Phú nữa.
          Tuy phản ứng như vậy, nhưng khi lên làm Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV, rồi Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Phạm Quang Long cũng chẳng làm được gì để nhập lại cái khoa mà anh cho là không nên phá vỡ.
          Nay lại nói về giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Có thể nói lòng ông nặng trĩu một nỗi buồn cho đến lúc về hưu. Cũng may, sau thời kỳ Đổi mới, con người cũng trở nên cởi mở hơn với nhau trong nhiều vấn đề, nên công trạng của ông đã được nhìn nhận khách quan hơn. Ông nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh vì sự nghiệp khoa học. Đó là niềm an ủi lớn, trả giá cho lòng kiên trì tột bậc của ông trên con đường theo đuổi sự nghiệp khoa học.
          Ông là người mà về già có nhiều niềm vui nhờ những vinh quang tột đỉnh. Chẳng những đạt được giải thưởng cao quí, ông lại được Trời ban cho một tuổi thọ thuộc loại quí hiếm trong đội ngũ những người làm khoa học. Ngày mừng thọ 80, miệng ông nhả khói như mây và cử chỉ khoáng hoạt lạ thường. Nên mới có thơ rằng:
Miệng thời nhả khói như mây
Mà sao tuổi thọ vẫn ngày ngày tăng.
Phúc cao Trời bể đãi đằng
Muốn cầm cho dứt lại giằng chẳng ra.
Ngữ Văn nghiệp ấy đâu già
Tám mươi  mà vẫn nghĩ là đương trai.(*)
          Quả là 80 tuổi mà vẫn còn ăn nói sinh động như ông, ở đời này rất hiếm. Cái cô sinh viên khi nghe ông nói chuyện ở Hội trường tầng 8 nhà E thốt lên: “Thầy 80 tuổi mà còn nghịch quá. Nghịch hơn cả thanh niên” quả là đã quan sát rất kỹ ông. Lúc ông về Khoa, giáo sư Nguyễn Thiện Giáp nhắc lại câu này, ông hồn nhiên cả cười:
          - Ờ tính mình nghịch lắm. Xưa nay vẫn thế mà. Đến già vẫn không thay đổi.
          Để chứng minh cho câu nói của mình, ông kể chuyện cho chúng tôi nghe. Lần trước ông về Hà Nội, nhân ngồi chuyện trò với một số đồng hương về việc “Mở cửa” ở Nghệ An, giáo sư Võ Quí bảo:
          - Vừa rồi có người ra vế đối về Nghệ An thời “Mở cửa”, anh Cẩn thử đối lại xem.
          Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chăm chú lắng nghe, giáo sư Võ Quí đọc:
          - Nghệ An mở cửa, cầu cấm, cổng rào, cửa chốt.
          Nguyễn Tài Cẩn gật gù một lát rồi đọc ngay:
          - Hà Nội thanh bình, Hồ Gươm, Đống Mác, Hàng Hòm.
          Nghe ông đọc xong, tôi ghé tai ông nói nhỏ:
          - Vừa rồi em mới viết một bài về thầy, nhưng muốn khi nào in thành sách mới tặng để thầy đọc.
Ông nhìn tôi mỉm cười:
          - Cảm ơn. Năm ngoái tôi tặng ông một quyển sách, ông đã nhận được chưa?
Tôi nói, nhận được tồi. Ông vui vẻ tiếp:
          - Tôi không bao giờ quên ông.
Lòng tôi lúc đó tự nhiên rưng rưng. Tôi  nhìn ông và chợt nhớ đến lời của một đồng nghiệp. Nhân chuyện xét phong chức danh của tôi gặp rắc rối, (mặc dù tôi có số điểm vượt xa mức điểm qui định cho một giáo sư, nhưng khi bỏ phiếu tôi vẫn bị một phần ba phiếu chống) người bạn này mới hỏi tôi:
          - Nghe nói việc xét phong của ông gặp khó khăn là có sự chỉ đạo từ bên kia về của Nguyễn Tài Cẩn, đúng không?
Tôi ngớ người ra. Quả thật, với tôi, đó là một câu hỏi rất bất ngờ. Tôi không tin, không bao giờ tin lại có chuyện như vậy. Mặc dù câu hỏi đó cũng có những căn nguyên chứ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Đó là vì, cách đây chục năm, tôi có cho xuất bản cuốn tiểu thuyết” Phía sau giảng đường”. Đây là một cuốn sách phê phán những mặt trái, những mặt tiêu cực trong đào tạo và giáo dục đại học. Trong đó có hai nhân vật chính là đạo diễn Nam Vân và giáo sư Nguyên. Khi cuốn sách vừa ra đời, nó đã gây ra xôn xao nhiều ý kiến. Có người nói, giáo sư Nguyên trong cuốn tiểu thuyết này chính là giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Thậm chí có một giáo sư trong ngành còn nói với một anh bạn cùng lớp với tôi rằng: “ Ông Đạt lại viết cả một cuốn sách chửi thầy mình”. Còn một vị phó giáo sư ở K 18 thì trong một cuộc họp khoá đã công nhiên tuyên bố:
·                                 Không ngờ anh Đạt bây giờ lại viết sách chửi thầy Cẩn.
Khỏi nói về trình độ văn chương của các bậc giáo sư như thế. Rất may, hôm đó có mặt giáo sư Trần Trí Dõi ( lúc đó là phó giáo sư). Anh đã  cười nhạt lắc đầu:
- Ông đúng là ngớ ngẩn. Tốt nhất hãy về đọc lại các sách về lý luận văn học từ A,B,C đi.
Nghe được tin đó, tôi cũng thoáng buồn. Tôi không dám chắc giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã đọc cuốn tiểu thuyết này chưa, nhưng tôi tin, dù có đọc ông cũng không đến nỗi ngây thơ tin rằng tôi viết cuốn sách nhằm bôi bác ông. Bởi vì, ông là một người khá sành về Ngữ văn, lại có khá nhiều bài viết về ngôn ngữ văn học. Trong đó có những bài bàn về bài “Nam quốc sơn hà”, bàn về  thơ lục bát, thơ Nguyễn Trung Ngạn, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thiệu Trị...Một người am hiểu văn học như thế làm sao lại lẫn lộn giữa cuộc đời với văn chương? Mặt khác,  trên thực tế, giữa tôi và giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không hề có oán thù gì. Ngược lại, vợ chồng ông còn rất quí mến tôi. Ngày tôi mới ra trường, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, ông động viên tôi đi vào nghiên cứu ngữ pháp theo ông . Nhưng số phận đã đưa đẩy làm tôi chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy từ vựng học. Được ít năm, do mảng phong cách học bị bỏ trống vì Nguyễn Văn Cảnh xin chuyển về quê, bộ môn phân công tôi sang tiếp nhận môn học này. Trong một số lần đi dạy ở trường Đại học Ngoại ngữ- Thanh Xuân Hà Nội, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thường khen ngợi tôi và coi tôi là một học trò xuất sắc mà ông quí mến. Tôi tình cờ biết được chuyện đó, nhân chuyến đi công tác ở Phnômpênh, được nghe chị Môn giáo viên tiếng Trung và một số người kể lại. Như thế, chẳng có lý gì tôi lại bôi bác ông. Chỉ có điều, có thể do gần gũi với ông mà khi sáng tạo hình tượng giáo sư Nguyên, nhân vật này có đôi nét nào đó phảng phất bóng dáng bề ngoài của ông chăng? Tuy nhiên, khi cuốn sách được anh Hùng( cán bộ gỉang dạy trường Đại học sư phạm đã về hưu) mượn về cho vợ đọc thì tôi lại nhận được một cách tri giác văn bản hoàn toàn khác. Chị nói, nhân vật giáo sư Nguyên sao mà giống với mấy vị trong cơ quan của chị quá. Tôi thở phào. Hoá ra mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống nó tinh tế nhưng cũng phức tạp là vậy. Tuy thế, tôi không khỏi băn khoăn. Đến khi một vài bạn đồng nghiệp ngành Sử nói với tôi, ở ngành đó cũng có khá nhiều giáo sư Nguyên thì tôi mới thấy thanh thản hoàn toàn. Nhưng để cẩn thận hơn, một lần tôi đánh bạo đem cuốn tiểu thuyết cho giáo sư Nguyễn Cao Đàm và nói:
- Thầy thử đọc cuốn sách này và nói thật cho em biết, nhân vật giáo sư trong cuốn sách có phải là một ai đó ở ngoài đời.
Giáo sư Nguyễn Cao Đàm ( khi đó còn là phó giáo sư) cầm cuốn sách chừng mươi ngày. Ông đọc rất kỹ, sau đó cười nói với tôi:
- Thực ra trước khi cậu đưa sách cho mình, mình cũng nghe vài người nói là cậu viết về ông Cẩn. Nhưng đọc xong mình thấy giáo Nguyên ở đây không phải là ông Cẩn. Mình sống với ông Cẩn nhiều năm, mình biết.
Giáo sư Nguyễn Cao Đàm là người chân tình, thẳng thắn, ông chẳng việc gì phải nói xã giao cho tôi vui lòng. Ông không ghét tôi, cũng không sợ tôi. Ý kiến của ông thực sự khách quan.
Nhưng dù sao thì sự kiện trên cũng làm cho tôi nhiều đêm nằm hay nghĩ  tới môí quan hệ giữa tôi với vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Có thể trong một số quan hệ khác, ông đã tạo ra những ấn tượng không thật bình thường. Nhưng trong tôi hình ảnh ông là hình ảnh của một người thầy làm cho tôi thấy thực sự vì nể. Tôi kính trọng sự lao động và tính kiên trì tới mức phi thường của ông, đồng thời cũng có với ông những kỷ niệm đậm đà tình nghĩa thầy trò. Có thể bây giờ lâu ngày ông không còn nhớ, nhưng tôi thì nhớ mãi. Năm đó, chuẩn bị đón tết Mậu Ngọ, thằng con trai lớn của tôi mới ra đời. Tuy rất bận rộn, nhưng là anh “mõ” tổ ( thư ký công đoàn), ngày giáp tết tôi vẫn phải lọc xọc đi chiếc xe đạp tàng ra tận 32 Chợ Giời để đưa lương cho vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Sau lúc chúc tết xong, tôi bỗng thấy giáo sư Nô na Xtan kê vích đưa cho tôi một chiếc bánh chưng vuông khá to mừng tuổi cho cháu. Tôi đang còn vô cùng ái ngại thì giáo sư Nguyễn Tài Cẩn lấy tặng tôi 4 chiếc lá dong lành lặn, rất to và 8 chiếc lạt bánh rất đẹp. Thời bây giờ no đủ, nghĩ chuyện đó thường quá, nhưng ngày đó là thời bao cấp, chuyện đó là một tấm lòng, là một sự quan tâm sâu sắc. Các thế hệ sau sẽ nói với tôi: “Đúng là nhà văn có khác. Chuyện một cái bánh chưng và 4 cái lá bánh thì có gì quan trọng?”. Nhưng nếu ai phải lo bánh tết trong những năm đó thì mới thấy chuyện này ý nghĩa biết nhường nào. Theo phiếu cung cấp, ngày tết mỗi gia đình được mua một bó lá dong gói bánh. Chỉ có những người thân quen hoặc là người nhà của các nhân viên bán hàng thì mới mua nổi loại lá dong tươi, lành lặn. Còn lại đa phần cán bộ chỉ mua được loại lá dong đã héo. Mỗi bó chỉ khoảng hai chục chiếc lá hoặc hơn một chút, nhưng phải bỏ đi đến một nửa vì  bên trong nhiều chiếc vừa rách vừa úa. Còn gạo nếp thì mỗi cán bộ được mua nửa kg, đủ để gói một chiếc bánh to. Đi mua gạo ngoài cửa hàng đã khó, đi mua thịt để gói bánh càng khó hơn. Tôi nhớ, đêm 29 tết, tôi và cô Lý Hoài Thu khoa Văn học cùng chị Điểu ( cán bộ phòng hành chính), chị Huê ( giáo viên khoa Triết ) và một số cán bộ trong khu tập thể từ 3 giờ sáng đã đạp xe ra tận cửa hàng thịt khu Kim Liên (đây là cửa hàng có sức bán nhiều nhất) để xếp hàng mua thịt. Vậy mà đến nơi, quầy nào cũng đã có người đến trước cả rồi. Nhiều người cẩn thận khi đi còn thủ trong túi quần đôi, ba viên gạch chỉ, để ra đặt chỗ cho chắc. Hàng người rồng rắn, xô đẩy nhau như sóng lượn. Mỗi đợt các nhân viên đem thịt ra là ai cũng háo hức chờ đến lượt mình. Nhưng chỉ chừng 40 phút hay 1 tiếng là niềm tin lại vụt tắt vì thịt chỉ bán một lúc là hết. Lại chờ đợi. Lại hy vọng. Rồi lại tắt ngấm niềm tin. Rồi lại bừng lên niềm rạo rực phấn khích vì tưởng như sắp đến lượt mình. Phía trước chỉ có chừng vài chục người mà đến lượt mình lâu quá. Tưởng như phải qua chặng đường dài mấy cây số. Bởi còn bao nhiêu vé ưu tiên chen qua. Ưu tiên người nhà, khách quen. Ưu tiên thương binh, gia đình chính sách. Ưu tiên nhân viên bảo vệ, người quen của nhân viên bảo vệ. Ưu tiên cho thông gia của cửa hàng trưởng...Cán bộ giảng dạy ra cái chốn này xếp hàng thì đúng như thầy Nguyễn Văn Khoả phong cho mấy chữ tắt CBGD (cán bộ giảng dạy) là: chó, bò, gà dê.
Mỗi lần có đợt thịt mới về, những khuôn mặt buồn thiu, mắt đỏ ngầu vì mất ngủ lại bừng sáng như rọi vào đó ngọn đèn 500w của Nguyễn Đức Thuận. Một trận sóng người tràn lên. Ôm nghiến. Ghì chặt. Có lúc tôi thấy nghẹt thở. Ngoảnh lại thấy cô Lý Hoài Thu đang cố dùng hai cánh tay xiết chặt vào sườn tôi như người chết đuối sợ mình sắp chết chìm. Đám người phía sau chồi lền, giằng giựt. Tôi chỉ thấy đôi bàn tay người bạn đồng nghiệp, cùng xóm chới với rồi bật khỏi vạt áo tôi với tiếng kêu thất thanh” Ối, ông Đạt ơi...”. Nhưng tôi hoàn toàn bất lực nhìn người bạn gái loạng choạng như sắp ngã xuống đống bùn nước lét nhét tanh tưởi ngay bên cạnh. Cuối cùng, đến ba giờ chiều ngày ba mươi tết, tôi cũng đem được nụ cười hình thoi trên khuôn mắt nguếch ngoác bùn đất và 5 lạng thịt về nhà chuẩn bị đón xuân. Mười tiếng đồng hồ từ ba giờ sáng đến 3giờ chiều, không ăn sáng, không ăn trưa, chen lấn qua bao vòng vây của trận tiền mới mua được 5 lạng thịt cung cấp. Mua được mấy cái lá dong hay nửa cân gạo nếp cũng phải xếp hàng đến cả ngày...Vậy mà, trong một lúc tôi được giáo sư Nô na tặng cho hẳn một chiéc bánh, được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tặng cho 4 chiếc lá và lạt đủ gói hai chiếc bánh khác. Việc đó thật có ý nghĩa vô cùng. Người nào vô tâm có thể quên. Riêng tôi thì  nhớ mãi. Chẳng những nhớ mà tôi còn kể lại cho những người thân trong gia đình nghe mỗi dịp tết đến như một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của thời bao cấp, của tình cảm thầy trò , tình đồng nghiệp. Mỗi lần nghe xong, ai cũng tấm tắc:” Sao lại có một người đàn bà Nga tâm lý thế nhỉ, tình cảm thế nhỉ? Cứ bảo người Tây họ ít tình cảm vậy mà bà ấy lại biết cho chiếc bánh để mừng tuổi một đứa trẻ người Việt thì quí hoá biết chừng nào!”.
Thiết tưởng, chỉ cần nghe một câu bàn luận đó, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng thấy mình hạnh phúc biết nhường nào. Đối với ông, bà vừa là người vợ. Vừa là người tri âm, tri kỷ. Trong cả mấy thứ tình ấy, không phải cặp vợ chồng cũng có được.
Tất cả những ai đã từng tiếp xúc với giáo sư Nô na Xtan kê vích đều thấy kính trọng bà không chỉ vì bà là một người mực thước, lịch lãm, có học vấn cao mà còn tỏ rõ là người rất nhuần nhị, am hiểu sâu sắc văn hoá Việt Nam, đồng thời cũng có những ứng xử “rất Việt Nam”. Còn nhớ, vào khoảng năm 1993, khi gia đình giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn ngụ ở Xanh Pê téc bua, một lần tôi gọi điện thoại lên thăm ông. Xa quê hương, sống trong thư phòng đầy sách vở mà bên ngoài thì đầy tuyết trắng, mới nghe giọng người Việt nam là ông đã mừng rỡ. Khi biết người đang nói là học trò cũ của mình thì ông càng phấn khích đến cao độ. Ông nói với tôi đủ mọi thứ chuyện về nghiên cứu rồi cả chuyện gần đây ông còn sáng tác thơ ca.Thế mới rõ thật là:
Bao năm tháng ẩn mình nơi xứ tuyết
Lưu luyến quê hương nặng chữ tình
80 tuổi vẫn hỳ hục viết
Cây bút già thắp sáng những bình minh.
Tôi nghe ông đọc liền một lúc cả gần chục bài thơ mà muốn rơi nước mắt. Một người xa quê nghe thơ của một người xa quê nó như thấu đến cả cõi lòng. Cái hồn Á Đông, cái suy tư của một trí thức hiện đại chưa thoát hẳn tâm sự của bậc nho gia trong thơ ông làm tôi bỗng nhớ đến cha tôi vô cùng. Ông cũng là một nhà nho. Cuộc đời ông, con người ông chứa đầy nỗi niềm thế sự. Nghe thơ Nguyễn Tài Cẩn, tôi chạnh lòng nhớ về một quá khứ xa xăm. Thơ Nguyễn Tài Cẩn đã thổi lên trong hồn tôi ngọn lửa, khơi lại bao kỷ niệm thời dĩ vãng tưởng đã thành đống tro tàn.
Cuộc nói chuyện say sưa chẳng mấy lúc đã nuốt trôi 45 phút rồi một tiếng đồng hồ. Thấy tình hình câu chuyện không có chiều chấm dứt mà còn có xu hướng tiếp tục mở ra, giáo sư Nô na Xtan kê vích liền ý nhị đến bên máy đề nghị cho nói chuyện với tôi. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn bị bất ngờ liền nói:
          - Bây giờ cô Nô na muốn nói chuyện với ông một chút, ông cầm máy nhé.   
Giáo sư Nô na cầm máy, hỏi thăm tôi vài câu rồi thân tình bảo:
          - Anh thông cảm với thầy nhé! Thầy xa nước lâu, gặp anh thì thích quá, nói chuyện dứt không ra.Cứ thế này thầy có thể nói liền đến chiều. Mà điện thoại đường dài thì tốn kém lắm. Đã một tiếng đồng hồ rồi còn gì. Hôm nay anh phải mất rất nhiều tiền rồi. Chuyện thơ của thầy thì không thể bàn qua điện thoại được đâu. Khi nào anh rỗi, mời anh lên chơi với thầy thì tha hồ bàn luận.
Vẫn chất giọng Nghệ, chuẩn mực về ngữ pháp như lúc giảng bài về Loại hình học các ngôn ngữ, giáo sư Nô na chào tạm biệt và chúc tôi sức khoẻ. Lúc đó tôi rất cảm động. Cũng trong hoàn cảnh xa quê hương, gia đình, nghe bà nói, tôi không có chút gì cảm giác nghe người nước ngoài mà là nghe một cô giáo Việt Nam một trăm phần trăm đang nói với tôi. Đặt máy xuống, mà tôi lại thấy hiện lên trước mắt đôi bàn tay trắng trẻo của bà đưa cho tôi chiếc bánh chưng mừng tuổi con mình năm nào. Tôi nhớ mãi nụ cười đôn hậu, ánh mắt trìu mến của bà với tư cách là một cô giáo mà mình đã từng được học và sau được vinh dự làm đồng nghiệp. Tôi nhớ mãi cả lời khuyên của bà khi bước chân vào nghiên cứu chuyên môn. Bà nhủ tôi: Nghiên cứu ngôn ngữ hiện có nhiều quan điểm. Muốn thành nhà nghiên cứu thực sự thì đừng tham đọc nhiều theo kiểu chạy theo người nay rồi chạy theo người kia. Nên đọc ít, đọc tập trung và xác định theo một quan điểm, một trường phái nhất định rồi đi sâu theo cách của mình mới có đóng góp.
Mấy chục năm sau, qua thực tế, tôi càng thấy thấm thía lời khuyên của bà là rất chí tình.
Với tôi, văn chương và cuộc đời là hai chuyện tách bạch, là đường biên giới khá rõ ràng. Nhưng khi cầm bút, sự thẩm thấu của cuộc ssống đời thường và hình bóng những người quen vào tác phẩm là chuyện khó mà tránh khỏi. Điều này, không chỉ riêng tôi nếm trải. Trong làng văn, thời mới giải phóng miền Nam, cũng có chuyện xôn xao. Thời đó, đất nước vừa thống nhất, nhà văn Nguyễn Khải cho công bố vở kịch “Cách mạng” của ông. Vở kịch khi công diễn được người xem đón nhận nồng nhiệt. Nhưng nhà văn Nguyễn Khải phải trả giá rất đắt. Ông bị người mẹ kế và các em từ bỏ, không nhìn mặt vì hiểu lầm là đã viết xấu về gia đình...Vậy  những dư luận xung quanh cuốn tiểu thuyết của tôi và giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng là chuyện rất thường. Chỉ có điều, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn lại không nghĩ như một số người xăm xái “cầm đèn chạy trước ô tô”. Ông vẫn quí và nhớ tôi. Năm 2002, sau khi cho xuất bản cuốn sách “Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá”( Nxb ĐHQG HN.2001) từ nước Nga xa xôi, ông đã gửi tặng tôi. Tôi đã đọc rất kỹ cuốn sách này, sau đó viết một bài về công trình này. Bài viết đăng xong, rất nhiều người đọc và tâm đắc. Giáo sư Hoàng Trọng Phiến bắt tay tôi nói rất nồng nhiệt:
- Chú mày khá lắm, viết bài về Nguyễn Tài Cẩn rất hay. Thế mới xứng là học trò của ổng.
Sau đó một năm ông lại gửi tặng tôi cuốn “Tư liệu Truyện Kiều Bản Duy Minh thị 1872” (Nxb ĐHQG HN.2001). Đây là cuốn sách  nghiên cứu rất công phu của ông về các văn bản truyện Kiều dưới con mắt của nhà ngôn ngữ học. Tôi rất thích nó nên đọc rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn giở ra đọc lại để tìm hiểu kỹ thêm các phương pháp luận và thao tác nghiên cứu của ông. Có thể nói, do những hoàn cảnh riêng, tôi không tình nguyện làm “đệ tự ruột” của ông, nhưng mãi mãi tôi vẫn là một học trò của ông. Tôi không phải là người được ông quí nhất trong các môn đệ, nhưng vẫn là người mà ông thỉnh thoảng muốn dốc bầu tâm sự, ít nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Mặt khác, ông và tôi là khoảng cách của hai thế hệ khá xa, không có va chạm về quyền lợi, không có xung đột gì trong cuộc sống. Chẳng lý gì tôi đem bụng dạ  mà viết xấu về ông. Những gì tôi thường nghĩ về ông, ấy chính là trong bài viết trực diện về con người và sự nghiệp của ông đã được đăng tải trên báo. Còn như vấn đề tiểu thuyết...đó là cái sự rắc rối muôn đời. Trong cuộc đời cầm bút của tôi, đâu chỉ có cuốn “Phía sau giảng đường” mà còn nhiều sự kiện khác cũng xảy ra muôn vàn rắc rối nữa. Chẳng hạn, năm 1991, tôi cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “ Hai đầu của bức thư tình”. Cuốn này được hai tác giả viết bài giới thiệu ở Pháp và Mỹ thì ngay sau đó Bộ Ngoại giao Liên xô (cũ) đã có công hàm phản đối sang Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Việt Nam ( thời đó chính là Bộ Công an) và tôi suýt bị trục xuất khỏi nước Nga. Ở trong nước, cuốn sách này được trưng bày trong Triển lãm sách tổ chức tại Vân Hồ năm 1991 trên gian sách có cái tít “Loại sách có vấn đề”. Từ năm 2001 đến 2004, tôi lại cho in một loạt các bài báo khiến cho nhiều giới chức đau đầu, bức bối. Đó là một kiểu phong cách cầm bút cá nhân. Những chuyện đó rắc rối thế nào, phải xem các hồi sau mới rõ.
Nay lại nói về thực chất của mối quan hệ giữa giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và các học trò của mình và với văn chương. Đó là câu chuyện tinh tế, không thẻ chỉ ít dòng là có thể cắt nghĩa cho thật thấu đáo. Để có thể thêm một góc độ nhìn nhận kỹ lại những chuyện này, xin độc giả hãy đọc lại bài viết chúng tôi đã công bố cách đây mấy năm.

NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN TÀI CẨN
trong “ Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá” 
Công trình khoa học Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá  của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là một công trình khá đồ sộ được nhà xuất bản ĐHQG HN tập hợp xuất bản năm 2001.
Là một nhà nghiên cứu tài ba, có uy tín lớn trong giới ngôn ngữ học nước ta được quốc tế biết đến, ngoài 7 công trình khoa học có giá trị to lớn ảnh hưởng đến các khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn cho công bố nhiều bài viết quan tâm đến ngữ văn, đến lịch sử phát triển của tiếng Việt. Những bài viết này là những tìm kiếm và phát hiện khoa học, dù đã được công nhận hay đang còn là vấn đề cần tiếp tục thảo luận hay phát triển thêm, đều là những ý tưởng khoa học được hình thành từ một lối tư duy sắc sảo và từ cách làm việc cẩn trọng, tỷ mỉ. Nó chẳng những có ích đối với các nhà nghiên cứu, với các tầng lớp sinh viên, nghiên cứu sinh mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của ngôn ngữ, văn tự và văn hoá nước nhà.
Đặc điểm nổi bật nhất của công trình vừa kể trên chính là sự phong phú về đề tài và tính đa dạng trong cách viết, trong cách thể hiện. Đây cũng chính là một chứng tích nói về phẩm chất của một nhà khoa học xã hội vừa tâm huyết với nghề, vừa có ý thức rất rõ về tinh thần dân tộc và luôn mong đem trí tuệ khoa học để phục vụ tinh thần ấy. Công trình là sự triển khai các mảng đề tài trong thế vừa đa dạng vừa có những liên kết rất chặt chẽ với nhau, chứng tỏ những nỗ lực rất cao của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Ông luôn đặt các vấn đề khoa học theo hướng mở và cố gắng tìm kiếm các giải pháp để trình bày các ý tưởng của mình. Ở phương diện này, người đọc thấy cách viết của ông luôn biến hoá, năng động chứ không máy móc, cứng nhắc. Đây là một phương pháp tư duy khoa học sớm được hình thành ở ông. Cho nên, ngay từ những năm 1960 ông đã luôn trăn trở và rồi trở thành một trong các nhà ngôn ngữ học đầu tiên ở Việt Nam dám vượt qua bức tường khổng lồ của tư tương “dĩ Âu vi trung” vốn thịnh hành khá lâu trong nghiên cứu ngữ học để nghiên cứu tiếng Việt. Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá tuy là một công trình khoa học nghiêm túc, người đọc vẫn tìm thấy sự hấp dẫn riêng, một phong cách riêng của Nguyễn Tài Cẩn. Phong cách ấy là sự kết hợp hài hoà, hợp lý giữa tư duy khoa học có tính hệ thống lô gích chặt chẽ với từ duy văn chương có phần khoáng đạt trong cách trình bày. Có nghĩa là, trong quá trình bộc lộ ý tưởng khoa học, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn luôn gắng sức tìm các cách viết, cách diễn đạt dễ hiểu nhất để trình bày các vấn đề khoa học tưởng như khó nhất. Tiêu biểu cho cách viết này là kiểu phong cách trình bày và luận giải vấn đề thể hiện qua các bài như: Về tên gọi con rồng của người Việt, Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm, Bàn thêm về vấn đề chữ Phạn trong các chùa chiền miền Bắc Việt Nam, Về một số ván in đầu thời Lê sơ( 1434-1443) vừa phát hiện được ở Linh Tiên quán, Thử phân định thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm,Niên đại và giá trị của  bản in Đại Việt sử ký  toàn thư do GS Demiéville còn giữ lại được ở Paris,Thử tìm hiểu thêm về bài Vũ trúngơn thuỷ của Thiệu Trị…  Mặc dù đọc những bài này, đôi khi người ta vẫn tìm thấy những câu văn có vẻ “Tây tây”, nhưng là lối văn Tây đã được Việt hoá theo kiểu riêng của Nguyễn Tài Cẩn với những từ xuất hiện có vẻ như là những “nét rườm” mà lại tạo ra một dấu ấn đậm đà về cá tính của một nhà nghiên cứu lão luyện. Giọng văn nghiên cứu của ông, vì thế, không xa rời chuẩn mực của phong cách khoa học, mà lại uyển chuyển, không đơn điệu, khô khan hay buồn tẻ. Nói cho công bằng, không phải mấy nhà khoa học đã chọn được lối viết dễ hiểu như ông để trình bày những vấn đề hóc búa, phức tạp. Trái lại có không ít nhà ngữ học thường đưa người đọc vào những bát quái trận đồ của những con chữ vốn được hình thành từ kiểu tư duy máy móc, đầy chất kinh viện tới mức chẳng còn giữ được các chuẩn mực thông thường, chưa nói nó còn vi phạm vào những qui tắc nghiêm ngặt của tư duy lô gích. Kết quả là, những vấn đề vốn đơn giản, qua nhào nặn của họ, lại trở nên rắc rối khó hiểu vô cùng.
Có thể nói, sự kết hợp năng động trong phương pháp tư duy của Nguyễn Tài Cẩn đã đem lại nhiều thành công rất độc đáo ở ông. Nổi bật nhất về sự kết hợp này là cuộc khảo sát đầy công phu đối với một văn bản nghệ thuật thơ ca được in dưới dạng hình tròn bát quái của Thiệu Trị. Đó là bài “Vũ trung sơn thuỷ”. Bài thơ chứa đựng những “trò chơi kỹ sảo” tinh vi, với số lượng từ ngữ có hạn nhưng lại tạo ra vô vàn cách kết hợp khác nhau tuỳ theo việc người ta phát hiện ra những mối quan hệ bên trong của các từ ngữ đó như thế nào. Nhờ sử dụng các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học hiện đại kết hợp với phương pháp truyền thống, giáo sư Nguyễn Tài Cẫn đã đưa ra một giải thuyết vừa có tính lý thuyết vừa có tính thực tế về các khả năng tối đa để đọc, đúng hơn là, để từ một bài thơ được xếp theo hình bát quái của Thiệu Trị có thể tạo ra 128 bài thơ khác nhau. Cụ thể, theo ông, khả năng tối đa có thể có là đọc thành thất ngôn, ngũ ngôn đều gồm 64 bài: 32 thất ngôn bát cú, 32 thất ngôn tứ tuyệt, 32 ngũ ngôn bát cú, 32 ngũ ngôn tứ tuyệt.
Những kết quả nghiên cứu công phu của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về bài thơ nói trên cũng như ngôn ngữ thơ ca cổ đại nói chung ( như thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…) cho phép coi ông không chỉ là một nhà ngữ pháp thuần tuý mà còn là một nhà thi pháp học  thực thụ, ít nhất là  trong lĩnh vực thi pháp ngôn ngữ của thơ ca cổ- trung đại Việt Nam.
Mặc dù các bài nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn rất đa dạng nhưng bao giờ ông cũng tập trung vào những cụm đề tài nhất định và xoay quanh các vấn đề ngữ văn theo cách nhìn của một nhà ngôn ngữ học có trình độ uyên thâm về chữ Hán. Các nghiên cứu này có loại đi sâu về lịch sử, về ngữ âm tiếng Việt, về từ nguyên…có loại nghiêng về giải quyết các hiện trạng còn đang phức tạp, gây ra nhiều tranh cãi. Đó là các hiện trạng không chỉ của riêng địa hạt nào, đòi hỏi phải có cách nhìn liên ngành mới có thể đi đến những kết luận hay những nhận định có tính khả quan. Cái mới về mặt khoa học  được thể hiện trong các bài viết được tập hợp ở công trình này chính là việc xem xét, phân loại các hiện tượng hay thể loại văn học đều dựa trên thực tế văn bản, trong đó ngôn ngữ là yếu tố được xem xét hàng đầu.
Người làm khoa học vừa phải có sự cần cù, tỉ mỉ, lại vừa phải biết phát huy năng lực tư duy trừu tượng để từ các cứ liệu tưởng chừng như đơn lẻ, rời rạc, có thể phát hiện tìm kiếm ra cái chung mang tính qui luật phổ biến. Đọc các công trình của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, người đọc không chỉ khâm phục mà còn học được ở ông cách thức làm việc của một nhà khoa học thực thụ. Trong hệ thống nghiên cứu của ông, bên cạnh những bài nghiên cứu có tầm cỡ chiến lược như: Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt, Văn hoá chữ Hán và ngôn ngữ Việt Nam, Vai trò của các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt hiện đại, Về chữ Nôm thời Quốc âm thi tập    …người đọc còn gặp cả những bài viết đi vào các vấn đề rất cụ thể, chi tiết. Đó là các bài: Về việc dùng hai động từ “vào”, “ra” để chỉ sự di chuyển đến một địa điểm ở phía nam hay phía bắc, Cách đọc tước hiệu “Bố cái Đại vương”. Bốn câu thơ đáng chú ý trong tập thơ đi xứ xưa nhất hiện biết…
Những bài viết đi sâu khảo cứu văn tự ( chữ viêt) thể hiện rất rõ tri thức, sự uyên bác về khả năng học vấn của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Đây là một mảng nghiên cứu có rất nhiều phát hiện khoa học rất đáng trân trọng của ông. Bài: Bàn thêm về vấn đề chữ Phạn trong các chùa chiền miền Bắc Việt Nam không chỉ có ý nghĩa  đối với nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt mà còn gợi mở cho chúng ta biết một số vấn đề về lịch sử Phật giáo ở Việt Nam, về giao lưu văn hoá, về bản lĩnh và áp lực của cấu trúc tiếng Việt trong quá trình tiếp nhận các yếu tố  của văn tự, văn hoá nước ngoài. Cũng như vậy, bài: "Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm" không chỉ thuần tuý là việc miêu tả văn tự của một ngôn ngữ ( ở đây là tiếng Việt) mà là sự vươn xa hơn trong cách nhìn, đặt chữ Nôm trong bối cảnh của sự ra đời và phát triển các kiểu chữ viết trên thế giới và khu vực. Ông mạnh dạn nêu lên quan niệm cho rằng, muốn khảo sát chữ Nôm thì cần phải đặt nó bên cạnh chữ cổ Ai Cập, chữ Hán, chữ cố Xê-mi-tích, chữ Mai-a, chữ cổ Mê-dô-pô-ta-mi. Trong khi lý giải con đường phát triển của văn tự Nôm, ông không quên so sánh nó với một số kiểu chữ khối vuông ở châu Á cùng nằm trong địa bàn chịu ảnh hưởng của tiếng Hán như tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật, tiếng Choang…Để có được các bảng biểu công phu như vậy ông phải làm cả những công việc tưởng như rất đơn giản mà lại vô cùng quan trọng. Đó là việc đếm. Ông đếm từ một đến mười, rồi từ mười đếm một trăm, cứ như thế trong tương quan của các con số ông lần tìm dấu vết của những qui luật đã bị phủ mờ sau tháng năm lịch sử.
Như vậy, đọc công trình khoa học của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, người đọc có thể ngược dòng thời gian trở về cội nguồn dân tộc không phải bằng cảm giác trực quan mà bằng nhận thức khoa học trên nền tảng của lý luận ngữ văn truyền thống kết hợp với phương pháp luận hiện đại trong nghiên cứu ngôn ngữ. Ngoài ra, phần tư liệu khoa học với những văn bản được sưu tầm công phu được trình bày trong cuốn sách cũng là những tài liệu rất quí. Sẽ là thiếu sót, nếu như không nhắc đến vai trò tích cực của giao sư N.N. Stankêvich, người đồng nghiệp thân cận và là người bạn đời của ông. Bà không chỉ là một chuyên gia rất giỏi về tiếng Việt mà còn là một người dành cho tiếng Việt một tình yêu thiêng liêng khiến người đọc không thể không cảm động và trân trọng.
Về cuộc đời giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, chỉ có lịch sử mới là người phân giải được đầy đủ và đúng đắn. Những diễn biến trong cuộc đời cùng những vinh quang mà ông đạt được luôn gắn liền với biến cố tư tưởng của thời đại. Nhưng dù có thế nào ông vẫn là một tấm gương sáng với tư cách là một nhà khoa học trong tinh thần lao động nghiêm túc và bền bỉ. Ông cũng là một người yêu nước Nga Xã hội Chủ nghĩa một cách thành tâm. Bởi thế, luận về cuộc đời ông, đời sau mới có thơ rằng:
Một thời say đắm nước Nga
Đến lúc về già sang sống trời Âu
Tóc sương đã  nhuộm kín đầu
Ai thay ông nối nhịp cầu Việt-Xô?

Không có nhận xét nào:

Trang