12 tháng 1, 2015

Trò chuyện với GS. Nguyễn Minh Thuyết về lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính Trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thành bại hay không đều ở cán bộ”. Quên lời dặn của Bác, sẽ làm hỏng công việc chung.
Tại Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho biết sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nhân sự kiện này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận góc nhìn của GS.Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần chọn được lãnh đạo giỏi
Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào trước sự kiện lần đầu tiên Trung ương lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Việc lấy phiếu tín nhiệm với một số chức danh trong Đảng, trong chính quyền là việc mà Hội nghị Trung ương 4 đã nêu ra từ hơn 2 năm trước đây, nhưng cho đến nay mới là lần đầu tiên thực hiện ở Trung ương.
Vào thời điểm này, khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang chuẩn bị hoàn thành nhiệm vụ tại khóa XI và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XII thì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa tới.
Theo tôi, nếu được thực hiện tốt thì việc làm này sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, khôi phục lòng tin của nhân dân. Sau này, nếu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ thì sẽ còn tốt hơn nhiều.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Công tác cán bộ của ta tuy đã làm đúng quy trình, nhưng nhiều khi quy trình ấy rất “hình thức”. Ảnh Ngọc Quang
Việc lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực trong các tổ chức Đảng khi thực hiện công tác nhân sự, thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy đây là một việc rất đáng hoan nghênh, nhưng vấn đề là cách lấy phiếu như thế nào, rồi thể hiện chính kiến và xử lý kết quả thế nào thì có lẽ sẽ phải cần có thời gian để hoàn thiện, nhằm đạt tới mục tiêu cao nhất là lựa chọn ra được những người lãnh đạo có đủ đức, đủ tài đưa đất nước tiến nhanh, theo kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Những năm gần đây, Đảng bộ, Hội đồng nhân dân các tỉnh cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm rồi, nhưng kết quả thì tôi thấy chưa thật thuyết phục. Hầu hết các vị làm việc ở những vị trí ít va chạm thì phiếu cao, còn những vị làm ở những vị trí va chạm nhiều thì dễ bị phiếu thấp. Qua đó, phải cân nhắc, xem xét lại đánh giá đó đã chính xác chưa, tuyệt đối tránh đánh giá theo cảm tính.
Muốn đánh giá được chính xác thì người bỏ phiếu cần có thông tin cụ thể, càng cụ thể càng tốt. Tôi nghĩ phải đánh giá một người so với vị trí, nhiệm vụ được giao, chứ không nên đánh giá ai cũng giống ai. Ví dụ: Cán bộ ở tầm chiến lược thì đánh giá thế nào? Cán bộ thực hiện thì đánh giá năng lực tổ chức thực hiện thế nào?
Tuyển chọn, đào tạo cán bộ vẫn còn cảm tính
Thưa Giáo sư, nhân câu chuyện chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XII, ông đánh giá như thế nào về công tác tổ chức cán bộ của Đảng ta, những gì đã làm được và những gì còn đang tồn tại cần phải thay đổi?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong quá trình tuyển chọn nhân sự vào công việc cụ thể, nhất là bố trí vào các chức danh lãnh đạo, chúng ta đã chọn được một số người có đức có tài. Tuy nhiên, cũng có những lãnh đạo chưa tương xứng với vị trí, như người ta thường nói là “nhầm vị trí” hay “nhầm ghế”. Thú thật là dự một số buổi họp mà chủ trì hoặc chỉ đạo là lãnh đạo cấp cao, tôi nghe không hiểu vị đó đang nói gì, thậm chí không hiểu làm cách nào vị đó lên được đến chức ấy.
Từ đó, có thể thấy rằng, công tác cán bộ của ta tuy đã làm đúng quy trình, nhưng nhiều khi quy trình ấy rất “hình thức”. Chuyện cảm tính trong bầu chọn các vị trí lãnh đạo vẫn xảy ra.
Ngoài chuyện cảm tính thì cũng có những yếu tố khác chi phối công tác cán bộ rất mạnh, như dân gian đúc kết mà ngay lãnh đạo cao cấp của ta giờ cũng nhắc tới, đó là: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Khi dân gian đã đúc kết ra một câu vè như vậy thì chứng tỏ hiện tượng này không phải cá biệt mà nó đã lan rộng trong đời sống.
Trong tất cả mọi việc, con người bao giờ cũng là nhân tố quan trọng nhất. Trong nhân tố con người thì người lãnh đạo là quan trọng nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thành bại hay không đều ở cán bộ”. Quên lời dặn của Bác Hồ sẽ làm hỏng công việc chung.
Giáo sư đánh giá thế nào về công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị Trung ương 4?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở nước ta có nhiều vấn đề được các cấp lãnh đạo và người dân nhìn rõ thực trạng, tìm được nguyên nhân và đề ra được giải pháp đúng, nhưng thực hiện thì rất yếu.
Tôi nói ngay một chuyện rất nhỏ là tuyển dụng công chức, viên chức nhiều năm qua ai cũng nói có tiêu cực, địa phương nào cũng thấy có người kêu tiêu cực, nhưng thanh tra, kiểm tra lại hiếm khi chỉ ra được. Có lần, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã phản ánh dư luận trong cán bộ, nhân dân là ở thủ đô chạy công chức mất cả trăm triệu, thế mà mấy đoàn kiểm tra đi kiểm tra cơ sở không tìm thấy gì.
Có một thực trạng rất đáng buồn là một số cán bộ bây giờ được học hành nhiều hơn ngày trước, bằng cấp cao hơn cán bộ ngày trước, nhưng so với cán bộ có chức vụ tương đương trước đây thì yếu hơn nhiều cả về đức lẫn tài. Lâu lâu, chúng ta lại thấy một số quyết định, quy định ở bộ, ngành hay tỉnh nào đó, cứ đưa ra là bị dư luận phê bình, phải bãi bỏ. Qua hiện tượng này cũng đủ thấy năng lực của lãnh đạo và cán bộ tham mưu như thế nào rồi.
Tại sao như vậy? Rõ ràng là chúng ta tuyển chọn cán bộ không chuẩn, quá trình đào luyện cán bộ cũng không chuẩn.
Nói tới đào luyện cán bộ, tôi thấy việc luân chuyển cán bộ là đúng và cần thiết. Thực tế cho thấy một số lãnh đạo đã kinh qua công tác ở địa phương khi về Trung ương phát huy rất tốt vai trò của mình. Như ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có người đã ví ông ấy “tự lấy đá ghè chân mình”. Nhưng đó là vì ông Vinh từng công tác ở địa phương nên rất hiểu khó khăn của cấp cơ sở, bởi vậy ông ấy kiên quyết cắt bỏ đặc quyền đặc lợi của những công chức liên quan tới chuyện duyệt đề án phát triển tại các địa phương.
Tuy nhiên, cũng có một số cán bộ đi luân chuyển chỉ được “nhúng” qua thực tế địa phương thôi, và chính cán bộ ấy cũng biết rõ rằng đi rồi lại về nên họ làm việc khó hết mình, chỉ cốt giữ sao cho an toàn để còn quay về. Luân chuyển để đào luyện cán bộ như vậy thì rất khó có cán bộ vững vàng.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
(Theo Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Trang