12 tháng 1, 2015

Ông Vũ Mão: Tôi cũng có khi tâm tư vì không đồng ý phong cấp “hàm”

4.000 tỷ đồng phụ cấp cho các cấp phó mỗi năm là con số quá lớn với một đất nước đang phải oằn mình gánh nhiều khoản nợ như Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, một số Đại biểu Quốc hội đã đề cập tới chuyện có quá nhiều cấp phó trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, từ các Bộ, ngành tới địa phương; thậm chí có cơ quan “phong bừa cấp phó”, rồi phong cả “hàm phó phòng”.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã, nếu mỗi năm một cấp phó trung bình được nhà nước chi trả 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ thì với 139 nghìn cấp phó trên cả nước sẽ phải chi ngót nghét 4.000 tỷ đồng. Nếu số cấp phó này tăng lên 2, 3, 4, 5 lần thì cũng đồng nghĩa là số tiền ngân sách phải chi ra tăng lên 2, 3, 4, 5 lần.
4.000 tỷ đồng phụ cấp cho các cấp phó mỗi năm là con số quá lớn với một đất nước đang phải oằn mình gánh nhiều khoản nợ như Việt Nam, vậy nên câu hỏi đặt ra là: Có cần thiết phải phong nhiều cấp phó như vậy?
PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để làm sáng tỏ thêm vấn đề này.
Thưa ông, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội vừa qua, Đại biểu đã đề cập tới chuyện có quá nhiều cấp phó khiến cho ngân sách nhà nước mỗi năm gánh tới 4.000 tỷ đồng tiền phụ cấp chức vụ, có những đơn vị được Đại biểu chỉ ra là lãnh đạo còn nhiều hơn nhân viên. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vũ Mão: Tôi thấy rằng sau giải phóng, công tác cán bộ của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, minh chứng rõ nhất là đất nước phát triển và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Công tác cán bộ luôn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng ta, thông thường sẽ qua các bước: Quy hoạch – đào tạo – đề bạt – sử dụng.
Tuy nhiên, trong khoảng 15 năm trở lại đây thì công tác cán bộ của ta có vẻ khang khác, đã có một số trường hợp cán bộ cấp cao dính líu đến các vụ việc sai trái và bị kỷ luật, điều đó cho thấy sự rèn luyện, công tác đánh giá cán bộ của ta đã xuất hiện những chuyện bất ổn cần phải nghiêm túc xem xét lại.
Trong khi đất nước còn quá nhiều khó khăn, tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng và vẫn còn nhiều người nghèo thì chuyện mỗi năm ngân sách phải chi hàng nghìn tỷ đồng phụ cấp cho cấp phó sẽ khiến nhân dân chưa hài lòng.
Gần đây, báo chí đã đề cập có vị cán bộ cấp cao trước khi nghỉ hưu đã ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ. Việc này là tuỳ tiện, biểu hiện tâm không sáng.
Rồi còn bao chuyện không bình thường khác đã diễn ra ở các ngành, các cấp, khiến cho nhân dân bức xúc.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Cán bộ nhà nước lách luật thì còn ra làm sao nữa. Ảnh: Ngọc Quang.
Thưa ông, tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ – ông Nguyễn Thái Bình đã cho biết đã giao cho một Thứ trưởng phụ trách việc rà soát lại cấp phó, trong đó có cả chuyện một số cơ quan phong “hàm Phó phòng”. Nhưng nhiều người cho rằng rất khó dẹp được chuyện này, vì cơ quan nào phong cấp phó cũng có đủ lý do, và rất nhiều mối quan hệ chằng chịt?
Ông Vũ Mão: Tôi hoan nghênh Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào vấn đề đó, nhưng điểm quan trọng nhất là khi nào chốt lại được chuyện này thì Bộ trưởng không nói, như vậy là chưa rõ ràng.
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, phong cấp phó thế là tùy tiện, không tuân theo quy định cứng mà luôn để mở nên mới sinh ra nhiều kiểu “gắn danh lãnh đạo” để được hưởng chế độ, để giải quyết khâu oai với thiên hạ.
Bốn nghìn tỷ đồng là chuyện lớn chứ không nhỏ, cho nên rất cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ trong luật, không thể để mở như bây giờ được, toàn là tiền của dân cả đấy chứ. Chúng ta nói xây dựng nhà nước pháp quyền thì chúng ta phải làm, chứ không thể chỉ hô hào rồi để đấy. Tôi cho rằng phải làm ngay lập tức, chấn chỉnh lại tất cả các cấp về chuyện này thì mới góp phần tạo ra được sự tin tưởng của nhân dân. Muốn làm được thì phải nghiêm từ trên xuống, có những Bộ lúc cao điểm lên tới 9 Thứ trưởng, rồi có Bộ thì 7 Thứ trưởng, như vậy là quá nhiều.
Có người lại lý giải rằng, làm như thế để cán bộ sớm được làm quen với công việc trước khi tiếp quản của người tiền nhiệm chuẩn bị nghỉ hưu. Nếu nói như vậy thì không ổn, có phần mang tính nguỵ biện.
Thời ông công tác tại Văn phòng Quốc hội có chuyện này không?
Ông Vũ Mão: Thời kỳ tôi làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì cấp phó các Vụ trực thuộc rất ít, nhiều lắm cũng chỉ đến 3 phó ở mỗi đơn vị; ngay đến Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì có thời điểm nhiều nhất cũng chỉ là 3 người.
Tôi nhớ trong thời gian ấy cũng đã có sự manh nha muốn phong nhiều cấp phó, nhưng tôi kiên quyết phản đối. Tôi cũng rất dị ứng với chuyện phong hàm ở các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Thời ấy, tôi nhớ có câu chuyện là ở một Vụ đã có 1 Vụ trưởng và 2 Vụ phó rồi, nhưng lại có ý kiến đề xuất cho một số trường hợp được là “hàm Vụ trưởng”, “hàm Vụ phó”. Tôi đặt ra vấn đề: Trong một Vụ đã có Vụ trưởng và có 3 Vụ phó giúp việc, vậy bây giờ phong thêm “hàm” là thế nào? Các đồng chí lập luận rằng phong hàm là vì một số đồng chí làm việc lâu năm, có trình độ, uy tín, nhưng vì đã có Vụ trưởng và đủ Vụ phó rồi thì đề nghị phong hàm.
Tôi dứt khoát không đồng ý thì người ta bảo: Đấy, anh nhìn sang bên mấy cơ quan cạnh ta, ngang tầm với ta, ở đấy người ta có “hàm”, vậy tại sao ở đây không cho? Tôi băn khoăn mãi, nếu không phong thì anh em công tác lâu năm lại tâm tư cho rằng lãnh đạo cứng nhắc, hẹp hòi; còn nếu phong thì chẳng có luật nào quy định, điều chỉnh. Mình là cán bộ nhà nước phải gương mẫu làm đúng quy định của luật, chứ lại đi lách luật thì còn ra làm sao nữa.
Tôi đắn đo mãi và cuối cùng thì vẫn dứt khoát không giải quyết chuyện phong hàm kiểu ấy. Chính vì thế nên một số đồng chí không vui vẻ với tôi, không hài lòng với tôi, thậm chí có đồng chí còn cư xử tệ với tôi. Động đến quyền lợi là sinh ra chuyện như thế đấy, nhưng tôi vẫn không chấp nhận, vì muốn giữ được kỷ cương.
Tôi kiến nghị trước sự việc này, Bộ Nội vụ phải sớm tổng kết và chấn chỉnh, yêu cầu tất cả các đơn vị nhà nước phải làm theo luật. Còn phía Đảng, tôi nghĩ cần vào cuộc để xử lý rốt ráo sự việc này, cần nghiêm túc xem xét lại công tác cán bộ, cái gì thấy khiên cưỡng thì phải chấn chỉnh ngay.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Trang