14 tháng 1, 2015

HÀ TĨNH HÁT DẶM

THANH MINH
Lời tòa soạn:Ví, Giặm từ lâu đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Cùng với các ông Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, ở Hà Tĩnh còn có một người nữa, cùng là bạn của các ông, ông Nguyễn Hưu, bút danh là Thanh Minh. Nguyễn Hưu [1914 – 1986] là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà báo và là nhà folklore; Nguyên là Hội trưởng hội Văn nghệ Hà Tĩnh, Ủy viên chấp hành Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh. Bên cạnh các hoạt động sáng tác văn chương, dịch thuật, ông có quá trình nghiên cứu Ví, Giặm từ khá sớm và có nhiều đóng góp. Nhân dịp Ví, Giặm được UNESCO công nhận Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết “Hà Tĩnh hát Dặm” của ông viết từ năm 1959, vừa cung cấp tư liệu cho bạn đọc, vừa là tỏ lòng tri ân tới ông và các bậc tiền bối đã nặng lòng với Ví, Giặm./.
- “Ai về Hà Tĩnh thì về,
Mặc lụa xứ Hạ, uống chè Hương Sơn.”
Nhân dân Hà Tĩnh từ xưa, vốn có tinh thần yêu thích văn nghệ, và khả năng văn nghệ cũng khá dồi dào.
Con người có vẻ “gân guốc”, “cọc cạch” bẩm thụ khí đất của núi Hồng, sông Lam ấy, trong lòng vẫn dồi dào một nguồn tình cảm mát lành.
- “Núi Hồng ai đắp mà cao,
Sông Lam ai xới, ai đào mà sâu?”
- “Tới đây so sắc so tài,
So cao Bàn-độ, so dài Hoành-sơn.”
- “Chữ rằng nhân kiệt, địa linh,
Có Hoành-sơn, Bàn-độ mới sinh ra nhân tài.”
Đó là những câu thơ bình dân, từ miệng của những người lao động đọc ra để nói lên cái giàu đẹp của địa phương, tuy là trong một phạm vi nhỏ nhưng là một bộ phận của tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Hà Tĩnh có Nguyễn Du với tập Truyện Kiều tuyệt tác. Nhưng Nguyễn Du đâu có phải đơn thuần là một thiên tài cá nhân. Truyện Kiều đâu có phải là một tuyệt tác trên trời rơi xuống. Nguyễn Du sống trong lòng nhân dân Hà Tĩnh, hưởng thụ được truyền thống văn nghệ của đất nước núi Hồng, sông Lam, tắm gội được tinh hoa của nguồn sống quê hương tươi đẹp. Những câu thơ trong Truyện Kiều biểu hiện một sự kết tinh lâu đời của những câu ca dao, những câu “hát phường vải”, những câu “ví đò đưa” trên đồng ruộng, trên bãi núi, trên dòng sông, từ cửa Hội đến đèo Ngang.
Tình cảm của Nguyễn Du là tình cảm của lao động. Kỹ thuật của Nguyễn Du là kỹ thuật của nhân dân.
Nguồn sống tình cảm dạt dào và rắn chắc của nhân dân Hà Tĩnh, nhân dân Việt Nam, qua hàng ngàn năm đã un đúc ra tác giả Nguyễn Du để rồi xây dựng nên tác phẩm Truyện Kiều.
Cũng như nhân dân Việt Nam hay hát, tiếng hát ngân lên từ Mục-nam-quan đến bãi Cà-mâu, người dân Hà Tĩnh chung một dòng máu ấy, cũng đã hát lên được tiếng hát của đất nước mình, của địa phương mình.
*
Đặc biệt Hà Tĩnh là quê hương của “hát dặm”. Ở đây, tôi xin giới thiệu sơ qua một vài nét nhỏ trong cái kho tàng “hát dặm” phong phú của tỉnh nhà.
Hát dặm – nâng lên một mức quy mô hơn là kể vè – là một bộ môn, là một hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ cập, và có lẽ là lâu đời nhất ở Hà Tĩnh. Trong mọi sinh hoạt lao động, chiến đấu hàng ngày, lúc nào, ở đâu cũng có thể cất lên tiếng hát dặm say sưa và ấm cúng.
Thời đại cũ, hầu hết bà con nông dân ta đều không biết đọc, biết viết nhưng “đối cảnh sinh tình”, nhiều anh nhiều chị đã ứng khẩu hát lên thành chuyện.
Nhớ lại, có những anh em gặp buổi ngày ba, tháng tám, túng thiếu cùng bần, phải tha phương cầu thực, ngẫu nhiên gặp một đám tế thần, một đám mừng lão, ăn cưới, hoặc một đám hội hè, hý hạ nào là có thể vào ứng khẩu hiến một bài chúc tụng. Những bài này không có chuẩn bị trước, hay có chuẩn bị thì cũng chỉ được dăm bảy phút, đủ để tìm hiểu tính chất đám hội, đặc điểm của địa phương mà thôi. Người biểu diễn vừa hát vừa xếp ý vừa đặt câu, vừa gieo vần, cả mấy việc cùng làm một lúc.
Như tới một gia đình, muốn lấy tài nghệ làm quen phút đầu, anh em đã hát chúc một bài:
“Tràng cảnh lưu liên, (?)
Anh em mừng tràng cảnh lưu liên.(?)
Được hai chữ vững bền,
Được bốn trự bình yên,
Mừng hai cội thung huyên,
Thăm cả bến liền thuyền,
Được giai lão bách niên,
Được con có của nên,
Được tử kế phụ truyền,
Ruộng bách mẫu chi điền,
Cò thẳng cánh bay chuyên…
… Tay tui túm hai đồng tiền,
Một bề trắng, bề đen,
Giằn giữa đĩa thanh thiên,
Khấn bụt với cầu tiên,
Được mọi sự vẹn tuyền,
Khỏi thay hướng đổi nền,
Tài với đinh lượng vượng,
Đinh với tài lượng vượng.”
Loại này là loại văn thù phụng, thường dùng trong những lúc ngẫu nhiên cần phải giao tiếp, ca ngợi. Cố nhiên nó mang nhiều tính chất “đi chùa nào chúc chùa ấy”, thỏa mãn cho cái thị hiếu của mọi người. Cái đó không lấy gì làm lạ. Vì sống trong chế độ cũ, bị nhào nặn trong khuôn khổ của hệ thống tư tưởng phong kiến, người nông dân lao động chúng ta, vì ép buộc, vì ảnh hưởng không thể thoát ly được cái thực tế của xã hội ấy. Và chúng ta ngày nay cũng cảm thông là những lời chúc tụng trên không xuất phát từ cái thực chất của lòng người. Nêu lên đây một vài câu mục đích để giới thiệu phần nào cái khả năng “bẻ chuyện” mau lẹ của nhân vật hát dặm mà thôi. Quả nhân vật hát dặm có biệt tài “xuất khẩu thành thơ”.
*
Muốn đi sâu vào tình cảm để nhìn được tính chất lao động đấu tranh, để thấy rõ được bối cảnh lịch sử, chúng ta cần nhắc lại những câu, những đoạn người ta thoải mái, hoặc uất ức hát lên trong giờ phút tự do nhất của lòng người.
Tới đây, chúng ta hãy đi vào một vài khía cạnh của tình cảm trong hát dặm:
Thôn Xuân-Liệu (thuộc xã Đại-Lộc, huyện Can-Lộc) bùn chua nước mặn – ruộng đất cũng như các thôn xóm khác – đã bị chủ chiếm đoạt gần hết, người nông dân Xuân-Liệu phải sinh sống thêm bằng nghề bắt con cua đồng, con cáy hôi, đem về giã giã, phơi phơi làm “ruốc cua”, “ruốc cáy” để bán cho bà con. Trong cuộc sống vất vả và có cạnh tranh nhau chút ít ấy, người ta hát:
“Đất Đồng-Môn dệt vải,
Đất Cổ-Đạm vắt nồi,
Bố-Chính vắt bình vôi,
Đất Xuân-Liệu bầy tui,
Ra bắt nạm cáy hôi…
… Về đâm đâm, phơi phơi.
Tay tui múc miệng mời,
- Ruốc tui ngon lắm bà ơi,
Ngon bằng năm ruốc họ,
Ngon bằng mười ruốc họ.”
Gặp lúc mưa thuận gió hòa, được mùa, no ấm thì người ta phấn khởi và tin tưởng, thấy trước được kết quả lao động của mình:
“Trời mưa cho một trộ,
Nước đầy đội, đầy đồng,
Nước mặn chảy dưới sông,
Nước ngọt chảy trên đồng…
… Khoai to cổ nứt vồng,
Ló nặng hạt dài bông,
Mùa tháng năm cũng được,
Mùa tháng mười cũng được.”
Là một hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ cập của quần chúng, hát dặm cũng đã góp công nhiều trong việc xây dựng và bảo tồn cái vốn “thuần phong mỹ tục” trong dân gian. Những tay hát dặm có tài, thường cũng có dùng khả năng của mình vào việc giáo dục. Đôi vợ chồng ngủng ngẳng, bỏ đi bỏ về, được nghe một vài câu hát dặm thấm thía, giải quyết được tâm trạng của mình, có thể trở lại hạnh phúc đầm ấm; Người hát dặm khuyên:
“… Đành đường chồng vợ,
Đã vẹn đạo xướng tùy,
Giừ lão giả yên chi,
Lẽ ra ăn rồi ngũ khì,
Chốn lắm phượng nhiều quy.
Chốn ăn nhởi đang thì,
Lưa chi nữa mà bì,
Nhưng thấy chuyện éo le,
Thấy đôi chuyện chia lìa
Tui là con khéc méc tư bì,
Nên khoác áo tui đi,
Bàn cho nghĩa cậu tình dì,
Áo bén cúc bén khuy,
Lái bén phao bén chì,
Nghĩa cậu bén tình dì,
Tui mừng riêng cho cậu mự,
Tui riêng mừng cho cậu mự.
Cậu đành đường chồng vợ
Mự vẹn đạo lứa đôi,
Nắp lại bén duyên cơi,
Vung lại bén duyên nồi,
Lược lại bén đàng ngôi,
Đạo chồng chín vợ mười,
Có chi hơn rứa nựa…”
Nâng lên một mức, người ta đặt những bài vè về lịch sử, địa lý, ngụ ngôn, hiệu triệu, các mẩu chuyện sinh hoạt v.v… có bố trí quy mô, có kết cấu chặt chẽ, đạt một phần yêu cầu của văn chương chính quy, nhưng vẫn không giảm tính chất và kỹ thuật của hát dặm.
Bài vè ngụ ngôn “Lục súc tranh công” là một công trình lớn trong kho tàng hát dặm. Bài vè dài trên 350 câu giằng dặc, mà các bà các chị ngày xưa không biết đọc, biết viết, đã ghi chép lại trong trí nhớ của mình, và hát lên lúc nào cũng được.
Một loài vật tự kể công lao của mình, hoặc đả kích lại một loài khác đã cố lột hết cái sở trường của mình, và cái nhược điểm của bạn.
Trâu kể:
“Làm nên giàu nên khá,
Làm nhà cửa kho tàng,
Cây gỗ trên đại ngàn,
Trâu kéo về mới được,
Thiên thiên, rồi mạch mạch,
Ruộng cạn có ruộng sâu,
May nhờ có sức trâu,
Cày bừa ra cho đó,
Làm nên khoai nên ló,
Làm nên độ nên bông,
Vạn vật chi ngoài đồng,
Trâu làm ra có của,...”
Lợn đánh ghen với gà, cũng đã vạch tính xấu của gà ra một cách khá linh hoạt:
“... Chỉ được tài ve gấy,
Nghe tiếng gáy e e,
Nghe tiếng gáy cánh tròe,
Nghiêng bên này bên nọ,
Chỉ được bộ chuốt mồng chuốt mỏ,
Mắt lúng liếng lùng liềng,
Mắt lúng liếng trập triềng,
Thật như đồ kẻ cắp,
Miệng tí túp tí tắp,
Ngặp vô rồi nhả ra,
Ve con gấy đàn bà,
Không ai hơn hắn nựa,…”
Bài vè “Lục súc tranh công” là một tác phẩm. Về kỹ thuật, tác giả đã nhìn vào tính tình, bản chất của mỗi loài súc vật một cách tinh vi và tế nhị. Về nội dung, tác giả đã khéo vận dụng những con vật gần nhất, để miêu tả sự dèm pha nhau, cắn xé nhau, giành giật nhau trong hàng ngũ của người nông dân. Đây không có điều kiện đi sâu vào bài “Lục súc tranh công”, sỡ dĩ nêu lên một vài nét như thế, là để thấy khả năng của văn chương hát dặm cũng như sức phản ánh tình trạng xã hội qua con mắt châm biếm, qua tinh thần chiến đấu của nhân dân lao động.
*
Sống dưới ách áp bức bóc lột tàn tệ của giai cấp thống trị, cuộc đấu tranh gay gắt, khi bồng bột, lúc âm ỷ, nhưng bao giờ đống than cũng vẫn nung nấu trong lòng người nông dân chất phác, cần cù, nhưng anh dũng và bất khuất. Với chế độ “gươm kề cổ súng kề vai” bọn thống trị cũng không tài nào ngăn cản được những câu hát “tố khổ” ấy.
Những câu hát dặm sau đây về người vợ lẽ đã thành những bản cáo trạng sống:
“Quyền bán với quyền mua,
Thì là em không có,
Đâm gấu với xay ló,
Thì em đã có phần,
Đập đất với sương phân
Đâm xay rồi nấu náng...”
“... Gẫm như người đi ở,
Chỉ sáu tháng thì thôi,
Cái thân em ở đời,
Hỏi làm sao chịu được,
Chồng sai đi múc nước,
Vợ bảo lấy que tăm,
Trải chiếu soạn đi nằm,
Đọi dì hai chưa rửa,
Đọi hai dì chưa rửa,
Có ba, bốn thúng ló,
Chị trồng đầu chân xay,
Cám em bắc lên đây,
Rau thì em chưa xắt,
Mớ rau rìu chưa xắt,
Em làm công việc vặt,
Vừa đến hết canh ba
Em mới ngã lưng ra,
Con chim kia vừa kêu,
Con gà rừng vừa gáy,
Chồng em thức dậy,
Bảo nấu cơm đi cày,
Gạo em vừa đâm xay,
Đã soạn gánh cho bà đi chợ...”
“... Đầu dần chí dậu,
Không kịp dứng kịp ngồi,
Đập đất vại chưa thôi,
Khoai tháng tư cỏ mọc,
Lúa đội cồn cỏ mọc,
Một mình em với cuốc,
Ra dầm dãi ngoài đồng...”
“... Con voi to sức nghỉn,
Còn ẩn bóng chưa ra,
Gẫm thân em đàn bà,
Nắng đứng trưa phải chịu,
Nắng giải sườn phải chịu,…”
Làm lụng, hầu hạ quần quật suốt ngày đêm thì như thế, còn ăn uống và hưởng thụ ân ái thì:
“… Cơm một ngày hai bữa,
Em không kịp ngồi đòn,
Xách cái đọi ra lon
Ăn trái cà ba mánh,
Ba trái cà một mánh,
Tiết mùa đông giá lạnh,
Tiết mùa hạ nắng nồng,
Em không được nằm chung,
Hơi đàn ông nặng nhẹ?...”
Lại có bài hát dặm lên án đám lý hào nhũng lạm:
“...Hỏi ra cho minh bạch,
Mới hiểu rõ nguồn cơn,
Ai cũng oán cũng hờn,
Tại phân thu lý trưởng,
Tại hương hào, lý trưởng.
Ông kia đà thủ xướng,
Ông nọ lại tùy tòng,
Hợp mọt ý một lòng,
Chỉ mưu toan ích kỷ,
Chỉ kiếm đường ích kỷ...”
“...Lúc khai đinh điền bộ,
Hội họp kể mấy ngày,
Rượu thịt đánh no say,
Hết năm quan biên sổ,
Hết mười đồng biên sổ…”
Tình cảnh dân tám huyện trong tỉnh phải đi đào sông Rác (huyện Cẩm-Xuyên), cũng được ghi lại tỉ mỉ, đầy đủ trong bài dặm:
“… Mùa màng thì mất mát,
Sưu thuế cực trăm phần,
Sao không nghĩ cho dân,
Kẻ đi nguyên về bị,
Kẻ đi lành về bị,
Các thầy chánh thầy lý,
Bắt được người không tha,
Người vô số hàng hà,
Chỗ phần đất làng ta,
Không mần, đập tuốt da,
Nỏ nói năng mô được,
Thế nỏ mần mô được,
Bắt đào sâu 8 thước,
Tiền hậu lĩnh phát ra,
Đã ăn sạch lương nhà,
Trông ngày qua nỏ chộ,
Đợi hai ngày nỏ chộ….”
Năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Vua Hàm-nghi chạy ra Hà Tĩnh, phong trào Cần-vương nổi dậy. Trước tiên là Cậu-ấm Lê-Ninh và cụ Phan-đình-Phùng khởi binh. Nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Hát dặm cũng không bàng quan trước một biến cố lịch sử nước nhà lớn lao như thế. Bài vè về Cậu-ấm-Ninh hiện nay người ta vẫn nhớ thuộc lòng:
“Anh hùng lập chí công danh,
Trọng vì việc nước mà khinh việc nhà.
Khi bôn bá thừa xa,
Nào ai ai không hãi.
Cậu một niềm trung ái,
Xuống tỉnh Nghệ thám tình hình,
Về xuất của mộ binh,
Mộ Phù Long hai vệ,
Mộ Yên Trường hai vệ…”
Hát dặm đã ghi lại và góp công vào cuộc kháng chiến ban đầu của dân tộc, những nét rất nhọn sắc.
Nói tóm lại, mọi biến cố của lịch sử nước nhà, mọi sinh hoạt đấu tranh sản xuất của nhân dân qua từng thời đại, đều được ghi lại chân thành trong những câu văn hát giặm của người dân Hà Tĩnh. Hàng trăm hàng ngàn bài hát dặm, hoặc dặm vè còn truyền khẩu lưu hành trong nông thôn.
Ngoài những bài hát có tính chất địa phương, ghi lại một mẩu sống của một vùng, được nhân dân vùng đó nhắc nhở, còn có một số bài như “Phụ tử tình thâm”, “Mẹ giòng lệch gối nghiêng chăn”… được phổ biến rất rộng rãi, khắp trong các huyện không nơi nào là không có người biết hát. Cố nhiên những bài, những đoạn còn được lưu truyền đó là những bài tiêu biểu, đã được nhân dân sàng lọc, yêu thích và giữ gìn. Còn những bài ứng khẩu thù phúng, tán dương trong sự giao thiệp ngẫu nhiên, hát xong là quên đi ngay, thì thật là hàng hà sa số, không thể nhớ hết, mà cũng không thể chép được.
*
Tôi còn muốn giới thiệu thêm một vài nét về tình yêu trai gái ngày xưa, đã được biểu hiện trong văn chương hát dặm.
Chúng ta thấy ở thời đại nào, địa phương nào, thì tình yêu trai gái, hạnh phúc tuổi trẻ, vẫn là một lẽ sống tha thiết của con người. Đó là một chân lý, một động lực thúc đẩy mãnh liệt cuộc đấu tranh lao động sản xuất của loài người tiến lên. Ca dao cũ của ta, văn chương cổ điển của ta đã nói lên rất thắm thiết. Hát dặm cũng đã dành một phạm vi xứng đáng cho nguồn sống lành mạnh và tươi đẹp này.
Mặc dầu cuộc sống gặp nhiều trở ngại, khó khăn, nhưng người nông dân lao động chúng ta vẫn có nhiều những phút cảm thấy tâm hồn lâng lâng, đòi hỏi một cái gì của tuổi trẻ nồng nàn và đầm ấm.
Thường sau những buổi làm việc mệt nhọc, căng thẳng, gặp đêm trời trong gió mát, anh chị em tụ họp nhau, cùng nhau hát dặm đối đáp để biểu hiện tình cảm của tuổi thanh xuân. Ngay cả trong lúc lao động như đi cấy, đi củi, đạp nước đêm trăng, người ta cũng vẫn vui làm vui hát. Hoặc gặp những tháng, công việc đồng áng tương đối rỗi rãi, người ta rủ nhau đi hát thi từ làng này đi hát tận làng khác, có khi phải đi xa hàng 6, 7 cây số, những hễ tối đến là đi, rồi mờ sáng lại về, để đảm bảo công việc hàng ngày. Trong những cuộc hát thi này thường mỗi bên nam nữ đều có những người hát giỏi, có tài kể chuyện mau lẹ, ứng đối bạt thiệp, làm quân sư. Những quân sư này là những người có biệt tài, tiếng tăm được truyền khắp đó đây. Có người đã già, 40 – 50 tuổi, đã có con có cháu, nhưng nhiều lúc vẫn say sưa đi hát dặm đêm này đêm khác, giúp cho dân làng mình để chiến thắng phe bạn.
Các cuộc hát thi nam nữ này cho chúng ta thấy khả năng văn nghệ của nhân dân thật là đồi dào. Không bao giờ người ta hát lại chuyện cũ. Người ta chào nhau, hỏi nhau, trả lời nhau về tên tuổi quê hương, lai lịch đều bằng những câu hát tình tứ và dí dỏm. Rồi người ta trao đổi tâm tư, biểu lộ tình yêu một cách thật thà kín đáo. Cũng có lúc vì thua được, đâm ra sĩ diện, người ta hát những câu châm biếm nhau, hoặc hát những câu ngoắt ngoéo để cho phe bạn lúng túng khó trả lời. Gặp những lúc này thì kết quả là giận nhau, có khi chửi mát nhau bằng một vài câu hát, rồi bỏ cuộc ra về. Nhưng sau đó lại làm lành với nhau, ít khi có thành kiến. Giận yêu mà lại!
Trai gái lao động, nhân vật các cuộc hát dặm đối đáp ở sân nhà, gốc cây, ở bờ ruộng, ở ven suối, ở bãi đồi, vẫn giữ được tính chất lành mạnh của tình yêu. Nhiều cuộc tình duyên chân chính tốt đẹp được xây dựng.
Muốn giới thiệu đầy đủ một cuộc hát thi, chúng ta cần phải nhắc lại tất cả những câu, những đoạn từ khi bắt đầu chào hỏi nhau, cho đến lúc kết thúc mãn cuộc, tình tiết, văn chương diễn biến phiền phức, với một bài nghiên cứu nhỏ không thể đạt được yêu cầu.
Ở đây tôi chỉ mong giới thiệu được phần nào tình yêu trong lao động đã biểu hiện trong văn chương hát dặm như thế nào mà thôi.
Để tỏ tình yêu tha thiết, các anh các chị đã hát:
“… Nghe đồn chợ Cầu hơn độ,
Nghe đồn chợ Trổ hơn vưng
Gạo chợ Chế cầm thưng
Bạc chợ Thượng cầm chừng
Tui với bạn ta chung lưng
Tui góp vô năm quan tiền đồng
Bạn góp vô năm quan tiền đồng
Ai chung nữa cũng không
Vô đàng trong ta chạm gạo
Ra đàng ngoài ta chạm gạo…”
Tình yêu không tách rời lao động. Biểu lộ tình yêu như thế này thì thật là trong sáng vô cùng. Trai gái yêu nhau, trai tìm tới gái, người ta đã dùng hình ảnh bến nước thuyền tình. Thuyền tìm đến bến, không bao giờ bến lại đi tìm thuyền! Những người nông dân, với thi tứ dồi dào, còn dùng một hình ảnh khác gần gũi hơn, mộc mạc hơn, rắn chắc hơn:
“… Tiết thanh nhàn thong thả,
Muốn thăm hỏi vài câu,
Cuốc thánh thót kêu sầu,
Gió phảng phất đêm thâu,
Nhớ trong sách đã lâu,
Chuyện “Tư Mã phượng cầu”,
Thương thì chạc mũi tìm trâu,
Trâu mô đi tìm chạc mũi…”
“… Ra trửa chợ Trung Lang,
Thấy cống cáng nghênh ngang,
Rèn cái đục cái chàng,
Về rạ xách cơm mang,
Lên giữa núi đại ngàn,
Chặt cơn lim cơn vàng,
Kéo ra khỏi cửa tràng,
Thuê hiệp thợ đại hàng,
Cưa tấm mỏng tấm dang,
Để bắc cầu ta sang,
Bắc cầu ngân đón bạn,
Bắc cầu kiều đón bạn.”
Có anh được tin người “trong ý” mình đã có lứa có đôi, vội cáu tiết lên, bực nhọc và ngộ nghịch:
“… Têm một quả trầu không,
Bỏ vô quả con rồng,
Đi băng đội băng đồng,
Qua năm, bảy khúc sông,
Qua chín mười đội đồng,
Nghe tin em đã có chồng,
Anh quăng lắc vô bụi,
Anh vạt tùa vô bụi…”
Việc thề trăng hẹn gió thì thật là tuyệt vời, không công thức, rập khuôn theo kiểu “cắt tóc”, “chia gương” hoặc “thêm hương” “nối sáp”, nặng lời cũng không nói “không bao giờ anh quên được”, hay “một túp lều nát một trái tim vàng” Ở đây các anh đã nói những câu rất là rắn chắc; tình chung thủy không gì bì được:
“… Răng giừ lươn lên rừng mần ổ,
Vượn chôống nôốc đi buôn,
Ròi độ gạy cành cơn,
Nước đổ thấm lá môn,
Chuột khoét thủng Hoành sơn,
Anh với em mi xa ngái,
Đôi lứa mình mi xa ngái…”
Để trách móc tình yêu lơ đãng, bạn tình không gửi lời thề ước, các anh đã dùng những hình ảnh thật là gần gũi và trong sáng:
“… Trước bạn nói bạn thương,
Cau dành để trên buồng,
Trù để sẵn ngoài nương,
Lợn ục ịch trong truồng,
Nếp dành để trong rương,
Giừ bạn nói bạn không thương,
Cau chanh hạt trên buồng,
Trù chậy cuống ngoài nương,
Lợn bỏ cảm trong chuồng,
Nếp hôi nhỉ trong rương,
Bạc tình chi rứa bạn?
Chi bạc tình rứa bạn…”
Nêu lên sức lao động sáng tạo (chiến đấu và sản xuất) ghi lại những biến cố lớn của lịch sử nước nhà, phản ánh những nét sống của từng địa phương, tố cáo những điều trái khoáy trong cuộc đời, biểu lộ chân thành tình yêu của tuổi trẻ… Hát dặm có đủ mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống bao la và vĩ đại.
Trở lên là hát dặm của ngày xưa. Từ Cách mạng tháng 8, hay xa hơn nữa là từ trong các phong trào yêu nước, hát dặm trở nên một lợi khí tuyên truyền và giáo dục tinh thần dân tộc trong quãng đại quần chúng nhân dân. Hàng ngàn bài hát dặm vận dộng cách mạng của các chiến sĩ được lưu hành bí mật bằng cửa miệng, được truyền khắp thôn xóm.
Trong thời kỳ kháng chiến hát giặm đã đi theo nhân dân từ đồng ruộng phì nhiêu của hậu phương, ra tuyền tuyến. Với sự động viên và hướng dẫn của các cơ quan tuyên truyền, hát dặm đã trở nên một món văn nghệ không thể thiếu được trong các cuộc tập trung. Cụ Lê Bá Tuân đã được mệnh danh là “Lê Bá Vè”, là một hiện tượng của hát dặm trong thời kháng chiến chống Pháp.
Hát dặm đã nói lên vai trò nông dân trong cuộc đấu tranh võ trang giành độc lập dân tộc.
“… Ngoài tiền phương súng nổ,
Đa số là nông dân,
Trong xưởng máy nhọc nhằn,
Nơi đồng ruộng kiệm cần,
Nào lật đất, trau phân,
Nhân lực góp trăm phần,
Tài lực góp trăm phần,
Vật lực góp trăm phần,
Trong kháng chiến nguy nan,
Nông dân ta đủ mặt,
Bạn dân cày đủ mặt…”
Hát dặm cổ vũ mọi phong trào kháng chiến: vận động tòng quân, phục vụ tiền tuyến, xây dựng hậu phương.
Nhắc nhủ người ta đi vào nếp sống mới, biểu dương chế độ hôn thú tự do:
“O Huệ nhà ta,
Tuổi vừa đôi tám việc thất gia đã kề.
Có anh Diệp bên tê,
Toan rấp ranh đi hỏi,
Đã mượn người đi hỏi,
Việc nên chăng ông nói,
Con thành cửa thành nhà,
Phận con gái đàn bà,
Hâm từng mô nóng nấy,
Hâm từng nào nóng nấy.
Việc gả hay việc lấy,
Tùy ý nguyện của con,
Mai mồm méo mồm tròn,
Hắn phân vân thầy mẹ,
Hắn phàn nàn thầy mẹ…”
Hòa bình lập lại, tình quân dân mặn nồng, hình ảnh người chiến sĩ cầm súng đã trở nên thiêng liêng, đẹp đẽ nhất trong lòng người. Các cô thanh thiếu nữ thành thị cũng như nông thôn hướng tất cả mơ ước của mình vào những người bộ đội trẻ tuổi. Tuy nhiên trong đó không khỏi có nhiều lệch lạc cần uốn nắn. Người thanh niên mơ người chiến sĩ là đúng “gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân”, nhưng một thời gian gần đây nguồn mơ của các cô lại chỉ đổ dồn vào lớp cán bộ trên (có dày đen và áo bốn túi), hát dặm đã nhẹ nhàng phê bình với những câu dí dỏm:
“… Ta phải bàn cho kỹ,
Ta hãy nghĩ cho sâu,
Ván ai bắc nên cầu,
Vải bền sợi nhờ nâu,
Trù đậm vị nhờ cau,
Bấc thắp đượm nhờ dầu,
Cứ nghĩ túi với bâu,
Ai tài chi thông cảm…”
Cải cách ruộng đất trên toàn miền Bắc tuy đã hoàn thành căn bản, nhưng ta đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, gây tổn thất nặng nề. Không khí căng thẳng ở nông thôn từ trước tới nay chưa từng có.
Chính sách sửa sai của Đảng của Chính phủ còn gặp nhiều bế tắc, hát dặm cũng đã xông vào góp phần của mình:
“… Bây giờ con nói với mẹ,
Vợ phải nói với chồng,
Cháu phải nói với ông,
Làng xóm hỏi cho thông,
Để cùng nhau ta sửa chữa,
Toàn dân mình sửa chữa.
Chuyện không may mà lợ,
Biến chi lai dạ, vô thường,
Việc khổ cực đau thương,
Ai hay chi mà muốn,
Ai dại gì mà muốn…”
*
Hát dặm Hà Tĩnh rất dồi dào và sinh động. Cùng với hát ví hát dặm là một bộ môn văn nghệ dân gian của nhân dân Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh. Hát dặm có khả năng phản ánh sinh hoạt nhân dân, động viên nhân dân sản xuất và chiến đấu. Hát dặm được nhân dân tỉnh nhà yêu thích, nâng niu, ấp ủ, bồi đắp từ bao đời nay.
Người công tác văn nghệ địa phương không thể bỏ quên hay coi nhẹ. Trong phong trào khai thác vốn cũ dân tộc hiện nay, hát dặm trước tiên phải được khai thác, phục hồi nâng cao chất lượng và phát triển, đúng với địa vị của nó.
_______________
* In trong tập “Đất nước Hồng Lam” – Ty Văn hóa Hà Tĩnh – 1959.
** Chữ “Dặm” trong “Hát dặm” – Nguyễn Đổng Chi lúc đầu viết Dặm (“Hát dặm Nghệ-Tĩnh” - 1942), sau lại viếtGiặm (“Hát giặm Nghệ-Tĩnh” – Tái bản - 1963). Hiện nay có người viết Dặm, có người viết Giặm tùy theo cách hiểu. Thật ra, đến nay Hát dặm/ giặm chưa có một định nghĩa dứt khoát. 

Không có nhận xét nào:

Trang