22 tháng 1, 2015

Tham nhũng dự án ODA: “Chi thoải mái như Việt Nam”!?

Tác giả: Bích Ngọc (thực hiện)
KD: Chả có dân tộc nào mà cha ông thời hiện đại lại vô trách nhiệm với hậu thế trong tương lai như dân tộc Việt chỉ vì những kém cỏi trong năng lực, tầm nhìn và thiết kế mô hình? Từ Giáo dục cho đến xây dựng một môi trường XH lành mạnh.
Tham nhũng tràn lan thế này, thì người Việt trẻ họ sẽ lớn lên, sống và làm việc với tâm thế người làm chủ hay kẻ ăn cắp? :
——–
Rõ ràng những khoản nợ là người dân phải gánh chịu còn những người chịu trách nhiệm hạ cánh an toàn mà không phải chịu trách nhiệm gì.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương đã tỏ ra vô cùng quan ngại trước những thông tin mà Ngân hàng thế giới vừa công bố về tình trạng khiếu nại liên quan đến tham nhũng trong các dự án ở Việt Nam.
Theo đó ông cho rằng vốn ODA thực chất là một khoản vay mà chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai, và kèm theo điều kiện cho vay là những điều khoản có lợi cho các nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA. Do vậy việc sử dụng không hợp lý, tham nhũng có nghĩa là đang đẩy gánh nặng lên lưng con cháu về sau.
VN chống tham nhũng chưa hiệu quả
PV: – Thưa ông, liên quan tới việc sử dụng nguồn vốn ODA mới đây Ngân hàng thế giới cho biết, cơ quan này đã nhận tới 189 khiếu nại liên quan đến tham nhũng trong các dự án ở Việt Nam. Số khiếu nại này chỉ đứng sau Ấn Độ, với 306 khiếu nại. Ông bình luận như thế nào về con số này? Xét ở góc độ vĩ mô, điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới nguồn ODA trong tương lai?
TS Lê Đăng Doanh: – Có thể thấy rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là thông tin đáng nói lên nhất sau thông điệp mà Ngân hàng thế giới đưa ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chống tham nhũng ở Việt Nam chưa hiệu quả.
Việc Việt Nam không chống được tham nhũng sẽ làm nản lòng nhiều nhà tài trợ. Bằng chứng là cơ quan tài trợ của Anh đã ngưng, và tổ chức SIDA của Thụy Điển cũng đã cân nhắc các hoạt động tài trợ vốn cho Việt Nam.
Đứng ở góc độ quốc gia, nhiều nước khác cũng nản vì cơ chế của họ là phải giải trình với Quốc hội về việc sử dụng nguồn vốn đi tài trợ, hiệu quả ra sao. Họ không chứng minh được sự hiệu quả thì chắc chắn sẽ không được chấp nhận.
Do đó việc để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng tại các dự án sử dụng vốn ODA sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam cũng như tiếng nói với các nước trên diễn đàn quốc tế.
Thông điệp Ngân hàng Thế giới đưa ra hết sức quan trọng. Nó cho thấy sự quan ngại của cơ quan này cũng như các nhà tài trợ đối với tình trạng tham nhũng của Việt Nam là rất lớn.
PV: – Có một nghịch lý là, dù những sai phạm về ODA đã hơn một lần được chỉ thẳng, những sai phạm đều rõ ràng, có địa chỉ… nhưng phía Việt Nam luôn bị động trong việc phát hiện các sai phạm này. Điều này có thể được lý giải như thế nào thưa ông? Từ những vụ việc đã xảy ra, ông thấy cách Việt Nam phản ứng với những cáo buộc tham nhũng các dự án ODA thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: – Có một điều rõ ràng là các sai phạm, tham nhũng trong sử dụng nguồn vốn, các dự án ODA chưa khi nào Việt Nam tự phát hiện được mà chỉ là do báo chí hay các tổ chức nước ngoài, hoặc lộ ra từ một vụ việc có liên quan.
Điều này chứng tỏ cơ chế chống tham nhũng của Việt Nam đang kém hiệu quả không phát huy được tác dụng dù rằng chúng ta đã nói rất nhiều.
Ngay cả các vụ việc tham nhũng trong nước phần nhiều cũng là do báo chí, người dân tố cáo. Còn thực tế các cơ quan thanh tra phát hiện được rất ít. Điều này cho thấy chúng ta đang nói rất hùng hồn nhưng hiệu quả lại hạn chế.
Thậm chí ngay cả khi có những cáo buộc từ phía đối tác thì cách phản ứng với cáo buộc đối với tham nhũng này cũng theo kiểu thiếu cuống quýt. Việt Nam thường không từ chối, không bác bỏ mà nói sẽ nghiên cứu. Điều này cho thấy chính các cơ quan nhận được cáo buộc này cũng không dám quả quyết về sự trong sạch của cán bộ mình.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ (nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM) bị kết án tù vì nhận hối lộ liên quan dự án ODA. Ảnh: TL
Hiểu lầm tai hại
PV: – Nhiều chuyên gia đã chỉ thẳng, Việt Nam có sự ngộ nhận về ODA, coi đó là một nguồn viện trợ không hoàn lại nên đầu tư chưa hiệu quả. Thưa ông, liệu có thể coi đây chính là một trong những nguyên nhân tạo ra những tham nhũng, tiêu cực trong các dự án ODA hay không và vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: – Đây là một sự hiểu lầm rất tai hại khi nghĩ rằng đây là khoản biếu không.
Trên thực tế nguồn tài trợ ODA là tiền vay. Mà thường thì những khoản tiền vay được hay xin được thì chi tiêu rất tùy tiện mà không biết rằng chúng ta đang tiêu những khoản tiền sẽ phải gánh trên lưng của con cháu sau này.
Phải thừa nhận một điều chúng ta đang sử dụng nguồn vốn rất lãng phí và tùy tiện. Điều này từng được Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nêu thẳng trên diễn đàn Quốc hội về tình trạng ăn nhậu vô tội vạ ở nước ta nhưng rồi vẫn quyết toán được.
Trong khi đó ở nhiều nước cuối tháng 12 người ta không mời được cơm vì ngân sách chưa có. Chính vì tình trạng chi mạnh tay và thoải mái như ở Việt Nam nên mới có chuyện nợ công rồi tăng chi.
Cá nhân tôi cũng từng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của những người bạn nước ngoài. Họ ngạc nhiên trước việc ăn nhậu, tiệc tùng, tiếp khách của Việt Nam.
Có những dịp kỷ niệm mới đây mà Đại sứ quán các nước được mời tới 2 tuần liền với những bữa tiệc hoành tráng mà họ không hiểu được nguồn tiền chi trả cho những khoản này.
Việc thiếu kỷ luật trong chi tiêu sẽ là nguyên nhân khiến chúng ta lún sâu vào những khoản nợ nần. Do đó chúng ta cần phải nghiêm túc hơn nữa. Với tham nhũng phải có biện pháp nghiêm chỉnh hơn.
PV: – Nhìn lại về nguồn ODA, chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề như sau: sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng vốn, tham nhũng ODA. Trong khi đó, Việt Nam đã bắt đầu phải đi vay để trả lãi vay và trả nợ nước ngoài, nợ công đã tiệm cận mức trần. Ai sẽ là người phải gánh chịu hệ quả trực tiếp từ những vấn nạn trên? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm vì để người dân phải gánh chịu hệ quả như vậy?
TS Lê Đăng Doanh: – Rõ ràng những khoản nợ là người dân phải gánh chịu còn những người chịu trách nhiệm sẽ hạ cánh an toàn, không phải chịu trách nhiệm gì.
Chính phủ đã trình trước Quốc hội rõ ràng con số, năm 2013 vay 40.000 tỉ đồng để đảo nợ, năm 2014 là 70.000 tỉ đồng và sẽ tiếp tục vay đảo nợ trong năm 2015…
Đảo nợ là nói theo thuật ngữ của ngân hàng, nhưng nói theo cách thông thường của người dân là phải vay chỗ nọ đập chỗ kia. Là tình trạng giật gấu vá vai.
Và tình trạng này kéo dài thì như tôi đã nói ở trên là chúng ta đang tiêu tiền đẩy gánh nặng lên lưng con cháu sau này.
Trong khi đó nếu để nói về trách nhiệm thì từ trước đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm trừ ông Trần Văn Truyền, Tuy nhiên, phương án xử cũng rất nhẹ nhàng.
Từ những vụ việc đã qua tôi chưa tìm thấy điểm nào để thuyết phục mình rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam sẽ được cải thiện sớm, nghiêm khắc và triệt để như những gì mong muốn.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Không có nhận xét nào:

Trang