Trần Tuấn
TP - Cuối cùng người đàn ông vâm váp như gấu tưởng mối mọt không đục nổi ấy cũng mệt. Mệt nặng, chứ không phải chỉ là “thấm mệt” như đôi lần tôi nhận ra sau những “khúc ngoặt” chính trường nào đó. Suốt mấy hôm nay, vô vàn người dân Đà Nẵng và các nơi, cho đến cánh báo chí ai nấy cứ thấp thỏm ngong ngóng đón ông trở về nhà sau chuyến chữa bệnh nơi xa. Trở về, như lâu lắm ông chưa kịp về…
Ông Nguyễn Bá Thanh với người dân làng phong Hòa Vân (quận Thanh Khê) tháng 9/2012. Ảnh: Nguyễn Huy.
Đà Nẵng suốt cả tuần chợt mưa chợt nắng, thoắt nóng lại lạnh. Câu cửa miệng thường hay nhắc của nhiều người là hai chữ “ông Thanh”. Ông Thanh về chưa?. Báo nói tối ni ổng về. Không, tin mới, chuyến bay dời lại qua ngày mai rồi… Hai ngày nay, ở sân bay, bệnh viện, đường phố, quán cà phê, cứ nghe tiếng xe hú còi là ai nấy lại nhốn nhao đổ xô ra…
Cánh phóng viên báo chí dầm dãi mưa nắng túc trực ở những “yếu địa”, cả trên nóc những nhà tầng, nhiều buổi quên ăn uống. Có nhóm phóng viên ở qua đêm luôn tại sân bay. Tin tức cập nhật trên báo giấy báo online cứ nóng dần. Các trang facebook cũng nóng không kém, liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh. Nhưng rồi tất cả vẫn là phải chờ. Có khi hơn 8 giờ tối, tôi ngang qua nhà ông Thanh, thấy quán cà phê bên cạnh nhà nhiều phóng viên trẻ cùng nhiều người dân vẫn đang “bám trụ”.
Từ tuần trước, hay tin bệnh tình ông Thanh trở nặng, nhiều người dân Đà Nẵng tổ chức lễ cầu an cho ông tại các tịnh thất, chùa chiền. Lặng lặng, tự nguyện như cầu nguyện cho chính mình.
*
Ngẫm, cái sự xuất-xử, đi-về của ông Thanh kỳ lạ, như nhiều chuyện trong cuộc đời ông vậy. Đến bệnh tật, vốn dĩ bình thường ai cũng có thể bị, thế mà với ông cũng rộ lên các loại tin đồn. Để đến chiều hôm trước, tại Hà Nội, Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương tổ chức họp báo, chính thức bác bỏ tin đồn thất thiệt trên mạng cho rằng ông Thanh…“bị đầu độc” !
Cái sự xuất–xử chốn quan trường mà ông từng ngâm nga đọc trước hơn 4.500 cán bộ lãnh đạo từ bé con con cấp phường xã trở lên. Rằng là “Sinh ra vốn dĩ là dân/Phấn đấu dần dần cũng được thành quan/Hết quan rồi lại hoàn dân/Hoàn dân rồi lại dần dần vào quan”. Một thứ dân gian hiện đại đầy thông minh dí dỏm, cũng không kém phần “ngang dọc” như khí chất của ông vậy.
Buổi nói chuyện bữa đó của ông Bí thư Đà thành diễn ra tại cung thể thao Tiên Sơn tầm ngày giờ này của 3 năm trước (2012), được truyền hình trực tiếp trên đài Phát thanh – Truyền hình thành phố. Cả Đà Nẵng bỏ việc ngồi trước ti vi suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ, quên cả ăn trưa. Một bất ngờ, đó là cuối buổi nói chuyện, ông Thanh kêu gọi tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ một cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, phải bán nhà chạy chữa bệnh cho con nhưng vẫn không đủ. Lập tức thùng phiếu được trưng dụng để nhận tiền quyên góp của từng người, được tổng cộng 256 triệu đồng. Dậy lên một không khí xúc động, bùi ngùi…Những việc làm như vậy, nếu là cán bộ lãnh đạo nào khác, thì dễ bị đánh giá là nhằm “lấy lòng” để chuẩn bị cho công cuộc “hồi quan hoàn dân” của mình. Nhưng với ông Thanh hoàn toàn không.
Tôi từng chứng kiến ông tự tay đọc ghi địa chỉ rồi lệnh cho trợ lý chạy đến từng nhà của những cán bộ cũ để biếu suất quà Tết do riêng ông chuẩn bị, dù họ chỉ là những chuyên viên bình thường và đã về hưu từ lâu. Nên cả tuần nay, tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), 126 hộ dân là những người đàn bà nghèo đơn thân thay nhau theo dõi tin tức, làm lễ cầu an cho ông, cũng không phải gì lạ. Bởi từ mấy năm nay, những căn hộ chung cư tươm tất khang trang họ đang ở là do ông Thanh chủ trương xây dựng và cấp tặng.
“Tôi may mắn được gặp bác Thanh hai lần. Đó là Tết năm 2008 và năm 2009, khi đó bác Thanh cùng một người nữa lặng lẽ đến tặng quà Tết cho nhiều hộ ở đây. Thấy bác ăn mặc giản dị, đi với bác tài xế chúng tôi không khỏi ngạc nhiên nhưng bác cười xòa, bác bảo chỉ muốn lặng lẽ đến thăm các cô bác ở đây, bác không muốn ồn ào, vì thế mọi người cứ nói chuyện tự nhiên như người nhà. Bác bảo chúng tôi cuộc sống ở đây có tốt không, có cần giúp đỡ gì thì cứ nói, bác sẽ giải quyết”- chị Nguyễn Thị Thanh, bồi hồi nhớ lại.
Một trong những câu mang “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh, nói trước 4.500 cán bộ thành phố, đó là “Dân nhớ anh đã làm được gì, chứ không phải nhớ anh đã làm được chức gì”. Muôn đời người dân vẫn luôn tỉnh táo, sáng suốt…Xây chung cư cho người thu nhập thấp, phụ nữ nghèo đơn thân, gặp mặt răn đe các “vũ phu”, nói chuyện với tù nhân vừa ra trại, cảm hóa thiếu niên hư, miễn phí điều trị cho bệnh nhân suy thận, miễn phí giữ xe bệnh viện…, xây bệnh viện ung thư miễn phí với bệnh nhân nghèo…, tất tật mọi việc ông Thanh làm bình thường cứ như người ta thở ra hít vào.
Nhắc đến vũ phu, nhớ một chuyện từ hơn 20 năm trước khi ông Thanh còn là giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ). Lâu lâu thấy cô nhân viên văn phòng mặt mũi bầm tím, ông gặng hỏi thì chỉ nghe bảo bị té ngã. Ông cho điều tra thì biết cô này bị chồng đánh, mà anh chồng cũng là lái xe tại cơ quan.
Sau vài lần gặp nhắc nhở vẫn chứng nào tật ấy, một bữa ông kêu tay lái xe vào phòng mình, khóa trái cửa lại… Kết quả tay lái xe thấm thía thế nào là đòn đau, từ đó không dám thượng chân hạ tay với vợ. Gặp ông, tôi hỏi ông không sợ bị kiện, bị kỷ luật à. Ông tỉnh bơ: “Trước khi làm, tôi đã báo Đảng ủy trước rồi”.
Người dân Đà Nẵng ngóng chờ ông Thanh trở về.Lại nhớ chuyện nữa, với Sở Nông nghiệp dưới thời của ông. Số là hồi những năm 1992-1993, vùng Gò Nổi (xã Điện Quang, Điện Bàn) có một Nhà máy ươm tơ liên doanh với Công ty dâu tằm của tỉnh. Bà con xã viên góp vốn mỗi người mấy chỉ vàng. Sau đó thất bát do không có đầu ra, bà con đòi lại tiền năm này qua năm khác không được. Tiền nhà nước lắm thủ tục giấy tờ, muốn “nhả ra” đâu có dễ.
Tôi (khi đó còn làm ở báo C.A QN-ĐN) được giao xử lý đơn của dân. Gọi hỏi ông Thanh, ông bảo cho phóng viên theo ông vào Điện Quang giải quyết. Anh chàng phóng viên hôm sau về kể, ngang đường ổng biểu lái xe ghé về nhà. Rồi thấy ổng mở tủ lấy ra một đùm nilon đựng… vàng, ngó chừng cứ 10 chỉ (dạng nhẫn đeo tay) lại cột một sợi dây cao su.
Vào Điện Quang, ổng kê bàn ngồi, kêu bà con xếp hàng mang giấy nợ lên, ổng trả vàng đến đâu, gạch sổ đến đấy. Sau tôi hỏi, ông Thanh bảo vàng “mượn của bà già, đem trả cho bà con để có vốn mà làm ăn tiếp chứ. Còn mình đi đòi sau cũng được”.
*
Thời đại của internet ngày càng nhiễu loạn, lắm thêu dệt. Nên với ai cũng cứ loạn lên những giai thoại, đồn đoán ly kỳ. Chứ không như hồi xưa, khi ông còn là anh chủ nhiệm hợp tác xã phụ trách kỹ thuật, giống má, hay ông giám đốc nông trường chè heo hút trên núi. Cái thời ai nấy trần mình ra làm. Làm mà chẳng đợi ai biết đến. Nhưng số phận đưa ông vượt thoát khỏi khung cảnh núi non đồng ruộng ám khói sương lam rơm rạ ấy để ra những hồ, những sông rồi bể lớn hơn.
Tất tật là do cá tính của ông, đó là không bao giờ chùn bước, không chấp nhận thói “bầy hầy” được chăng hay chớ. Thế nên năm 1996, Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân nhìn thấy tư chất lẫn tư duy hành động trong con người ông, cất nhắc từ giám đốc Sở Nông nghiệp sang làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh QN-ĐN cũ), dù cũng nhiều ý kiến phản đối. Để xuất lộ hoàn chỉnh một Nguyễn Bá Thanh như đã biết.
Ông là người đàn ông gan góc lẫn gai góc, và lắm khi còn sân si. Cái thứ “sân si” này cũng lạ. Nghe như là giai thoại, nhưng là thật, là những vụ ông kêu “quốc tế đại sư” cờ tướng vốn là lính thể thao thành phố ra đấu cờ với mình. Rồi đá banh với lính, đọ quần vợt với các cao thủ…, ít khi nào ông “chịu thua”.
Hồi đó báo Tiền Phong có chuyên mục “Giữa đường thấy chuyện” vào thứ Năm hằng tuần chuyên châm chích chuyện đời. Ông cũng được tôi “phơi” lên mục này mấy lần. Mỗi lần như vậy, ông hậm hự điện, nói “mi chơi rứa cũng ngon đó hỉ”. Nhưng sau cũng có nhiều những “va đập” chẳng đặng dừng, thậm chí có lúc tôi bị địa phương đề nghị “thu thẻ vĩnh viễn”. Nhưng tôi dần hiểu ông hơn.
Nhớ hai năm trước, ông cho tôi cái hẹn làm việc trong vòng 30 phút. Nhưng cuộc chuyện say sưa kéo dài đến gần 2 tiếng đồng hồ, đến nỗi tôi phải giục ông stop để sang họp với Thành ủy đang chờ. Tính ông vậy, gặp không khó, nhưng ngồi lâu với ông không dễ. Lần ấy, ông đã có quyết định ra trung ương.
Trước khi tạm biệt, tôi bảo hay là anh viết hồi ký đi. Nếu cần thì tôi giúp ông chấp bút một cách vô điều kiện. Bởi giữa tôi và ông với tất cả những “va đập” trực tiếp, gián tiếp với nhau suốt hơn 20 năm, riêng tôi có thể viết dư 200 trang sách về ông mà không cần hỏi thêm một câu nào. Ông cười, bảo cũng có mấy ông “nhà veng” (nhà văn) ở Hà Nội đề nghị giúp ông viết hồi ký, nhưng ông trả lời rằng cứ từ từ, còn chưa tính đến… Không biết từ đó đến nay, ông đã tính đến việc ấy chưa?.
Giờ phút này đây, sau biết bao chuyến ra đi của một cuộc đời sôi nổi, Đà Nẵng quê nhà đang chờ đón ông trở về. Và cầu chúc cho ông vạn sự an lành…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét