26 tháng 1, 2015

Phải cảnh giác, chủ động và kiên quyết bảo vệ chủ quyền

“Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc ‘gặm nhấm’ và mưu đồ tạo ra ‘vết dầu loang’ trên biển. Nếu chúng ta không có sự chủ động ứng phó, đặc biệt tranh thủ sự ủng hộ của khối ASEAN và cộng đồng quốc tế thì hậu quả sẽ rất khó lường…
Theo tôi cần phải có một lực lượng giám sát quốc tế để xem xét các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặt khác, chúng ta cần cảnh giác cao độ để đảm bảo cho nền an ninh – quốc phòng của Việt Nam ngày càng vững chắc" – tướng Lê Mã Lương.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và giới quan sát chính trị bày tỏ quan ngại, đồng thời lên tiếng bác bỏ những luận điệu bịp bợm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. 
Yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động sai trái
Trước hành động Trung Quốc đẩy mạnh cải tạo đất đai trên các đảo đá ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng các công trình ở Trường Sa, bà Phạm Thu Hằng - phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 22/1 cho biết, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam…
Trung Quốc xây dựng nhiều công trình trên bãi Chữ Thập (Ảnh:Rappler) 
“Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của ViệtNam, nghiêm túc thực hiện tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC)", bà Hằng nói.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 23/1, Báo điện tử GDVN dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh cho hay, nước này bác bỏ những cáo buộc có liên quan đến những vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông tại cuộc họp báo hôm 22/1. 
Bà Oánh nói: "Trung Quốc luôn khẳng định rằng tất cả các nước bất kể kích thước lớn hay nhỏ đều bình đẳng. Chúng tôi chống lại sự bắt nạt của các nước lớn với các nước nhỏ, đồng thời chúng tôi cũng cho rằng các nước nhỏ không nên có những đòi hỏi vô lý"?! 
Phát biểu của bà Oánh được đưa ra hôm 22/1 tại Manila, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia tố cáo Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) khổng lồ ở Biển Đông.
Philippines cũng lên án hoạt động biến đá thành đảo nhân tạo bất hợp pháp Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, một số nước có quyền và lợi ích liên quan theo quy định - PV) 
Trước đó, từ 2013, Trung Quốc bắt đầu cải tạo và xây dựng nhiều công trình trên các bãi san hô và đá ngầm ở Trường Sa như Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Chữ Thập.
"Đừng nghe Trung Quốc nói, hãy hành động trước khi họ làm" 
Trước những động nói trên, giới quan sát chính trị trong nước bày tỏ quan điểm lo ngại, đồng thời lên tiếng bác bỏ, lên án hành động vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Việt Nam và các nước có lợi ích trên biển, được luật pháp quốc tế thừa nhận, cần đưa ra giải pháp nhanh, kịp thời, mẽ hơn nữa, nhằm chống lại tham vọng bành trướng từ phía Trung Quốc.
Hôm 23/1, trao đổi với Báo điện tử GDVN, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên tư lệnh Quân khu 4 nhận định: “Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, họ đang cố tình, bất chấp luật pháp và sự lên án của cộng đồng quốc tế, trong việc thực hiện ý đồ bành trướng phi pháp trên Biển Đông. Tôi hoan nghênh Bộ Ngoại giao Việt Namtrong việc đưa ra tuyên bố cứng rắn, thể hiện rõ nét quan điểm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền hợp pháp trên biển của chúng ta...Tuy nhiên, những tuyên bố chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng cho rằng, những phát ngôn từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/1 là không đúng với thực tế đang diễn ra trên Biển Đông: “Từ trước tới nay, việc nước lớn áp đặt tư tưởng, chủ quyền đối với các nước yếu hơn đã xảy ra nhiều. Ngược lại, chả có nước nhỏ nào, bỗng dưng đi sinh sự với các nước lớn, nhằm tranh chấp chủ quyền khi đó là thứ không phải của họ. Do vậy, việc Trung Quốc cho rằng họ làm đúng pháp luật là trò lừa gạt, nhằm đánh lừa dư luận…"
"Nếu Trung Quốc chiếm được đảo, xác lập chủ quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, thì trong tương lai gần, họ sẽ vũ trang quân sự cho các vị trí này. Lúc đó, chúng ta có muốn lên án, sử dụng các biện pháp khác để lấy lại thì cũng rất khó. Do đó, đừng nghe Trung Quốc nói, hãy hành động trước khi họ làm", Tướng Thước lo ngại.
Từ những nhận định trên, Tướng Thước cho rằng Việt Nam cần đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn, trong khuôn khổ đấu tranh hòa bình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ: "Chúng ta không thể nói suông để bảo vệ thứ chúng ta có, nếu không huy động tổng thể các giải pháp chính trị, ngoại giao… Trong đó phải đặc biệt quan tâm và tính toán thật kỹ các hoạt động đấu tranh pháp lý trên thực tế. Tôi nghĩ nếu chúng ta không hành động sớm và nhanh hơn nữa, thì e rằng sẽ không kịp".
Đồng quan điểm trên, mới đây, trong bài phân tích được đăng tải trên Báo điện tử GDVN, Thiếu tướng Lê Mã Lương - nguyên là Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam cho rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ việc "gặm nhấm" và mưu đồ tạo ra "vết dầu loang" trên biển. Nếu chúng ta không có sự chủ động ứng phó, đặc biệt tranh thủ sự ủng hộ của khối ASEAN và cộng đồng quốc tế thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Tướng Lê Mã Lương đưa ra giải pháp nhằm ổn định tình hình, trên Biển Đông trong những năm tới: “Theo tôi cần phải có một lực lượng giám sát quốc tế để xem xét các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặt khác, chúng ta cần cảnh giác cao độ để đảm bảo cho nền an ninh – quốc phòng của Việt Nam ngày càng vững chắc".
“Tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết dân tộc, bởi chỉ khi có sức mạnh đó, không có kẻ thù nào có thể chia rẽ, đánh bại được chúng ta”, Tướng Lê Mã Lương nêu quan điểm.
Cuối cùng, để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, thời gian tới chúng ta phải tăng cường các trang thiết bị, các phương tiện chiến đấu hiện đại cho các lực lượng để tăng hiệu quả chiến đấu và khả năng sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xấu xảy ra…
Nguồn: Theo GDVN/

Không có nhận xét nào:

Trang