-Điều mà dân cần ở lãnh đạo, bất kể cấp bậc nào là tài - tâm- ý chí. Cả ba điều cấu thành nên tiêu chí chuẩn mực của một người đứng đầu, không đồng tiền nào mua nổi.
LTS: Đề xuất luật hóa chuyện chạy chức chạy quyền của PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia mới đây tiếp tục gây tranh luận. Xin giới thiệu bài viết của tác giả Thịnh Hà để bạn đọc cùng trao đổi.
Đề xuất của nguyên Viện trưởng Viện khoa học hành chính dựa trên hai căn cứ chủ yếu: "Đã là kinh tế thị trường thì chạy là tất nhiên, luật hóa cho tiền chạy nổi lên, dễ kiểm soát" và "trên thế giới ai cũng chạy chức chạy quyền, kể cả Obama".
Vị GS “quên” mất rằng, cũng là chạy nhưng chạy một cách công khai, đàng hoàng bằng chính sức lực, tài năng và ý chí của mình để về đích khác hẳn với chạy tắt, chạy dối gian – chẳng hạn đua xe đạp, đến đoạn đường vắng cho người và xe lên ô tô, chạy vượt lên trước rồi thả xuống.
Từ cái cách tư duy khập khiễng ấy, mà dẫn tới hàng loạt suy diễn xa rời bản chất.
Thứ nhất, đâu phải chỉ đến lúc xuất hiện nền kinh tế thị trường thì người ta mới lo chạy chức quyền. Sử sách ghi rõ từ bao đời nay, các triều đại vua Việt đều cấm chuyện mua bán quan tước, coi đó là chuyện khuất tất không thể chấp nhận.
Thứ hai, ông Tri đã nhầm một cách rất chân thành ở chỗ cách ‘chạy’ vào Nhà Trắng của Tổng thống Obama không giống như ông nghĩ. Tranh cử chức tổng thống tốn rất nhiều tiền vì cần chi phí cho quảng bá hình ảnh, đi lại, tổ chức… Thế nhưng, dù là ai, tốn bao nhiêu tiền đi nữa, nhất định phải có thực tài. Nói chính xác là tài năng của ứng cử viên phải được đa số chấp nhận.
Thứ ba, dùng tiền để vận động tranh cử không hề đồng nghĩa với mua, bán, trong khi ông Tri cho rằng có thể mua để đồng tiền NỔI lên, dễ quản lý. Từ thuở có nhà nước cách đây hàng ngàn năm, chẳng có chế độ nào chấp nhận cách mua quan bán tước cho tiền… nổi lên (và tóm lấy) kiểu như thế.Điều mà dân cần ở lãnh đạo – bất kể cấp bậc nào là tài- tâm- ý chí. Cả ba điều cấu thành nên tiêu chí chuẩn mực của một người lãnh đạo, không có đồng tiền nào mua nổi.
Cứ giả sử như việc này mà được luật hóa thật, thì điều đầu tiên cần làm đó là phải lập "sàn" giao dịch chạy chức - chạy quyền mà cái giá của nó không thể nào lượng định nổi bởi có chức bằng tiền tức là đầu tư. Đã là đầu tư thì phải tìm cách sinh lợi. Muốn sinh lợi thì phải tăng cường kiếm chác. Quan càng tham vọng kiếm nhiều, dân càng khổ, xã hội hỗn loạn…Hệ lụy tiếp đó là xã hội thêm trì trệ, rối mù, tình trạng tắc trách không được giải tỏa, sự phức tạp càng tăng.
Trong khi đó, người có nhiều tiền không có nghĩa là người có tài kinh bang tế thế. Tiền do làm ăn bất chính, do buôn bán ma túy, do thừa kế… chẳng liên quan đến khả năng tề gia, trị quốc.
Cái vòng luẩn quẩn đã hiện ra: Ông Tri cho rằng cơ chế hiện nay không cho phép người trưởng non kém ‘thích’ người phó tài nên càng cần phải luật hóa chuyện… chạy. Ông giải thích sao nếu kẻ bỏ ra nhiều tiền để có chức nhưng vẫn hoàn toàn kém tri thức, khả năng để điều hành một bộ máy phức tạp. Người như thế liệu có thể xử lý vấn nạn trưởng kém không thích phó giỏi lâu nay.
Muốn chọn được người thực tài, có đức, biết rõ điều hơn, lẽ thiệt, hãy có cơ chế cho dân bầu cử dân chủ.
Đừng đổ lỗi cho kinh tế thị trường. Nhiều nước rành rành nền kinh tế thị trường sao ít khi có tham nhũng, ít khi thấy quan chức yếu kém?
Những văn bản trên trời, những đề xuất lạ đời mọc ra ngày càng lắm. Phải chăng hầu hết những sai phạm về cái gọi là ý tưởng ấy cũng bắt nguồn từ chỗ “chạy” mà ra? Những ý tưởng ích nước lợi dân chẳng tiền nào mua được cho dù có chạy bằng cả cơ nghiệp.
Trên đời, có hai cái trong nhiều thứ không thể mua được, đó là đức độ và hiểu biết. Đã là không mua được, thì tại sao lại cần luật hóa cho dễ bán mua?
Thịnh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét