22 tháng 1, 2015

Tác hại muôn mặt của nạn mua bán quan chức

Tác giả: Nguyễn Đình Cống (theo BVN)
KD: Ai cũng thấy mua bán quan chức, tham nhũng, là tệ nạn của XH. Và đã có không biết bao nhiêu cách làm, giải pháp, phong trào, cuộc vận động để đẩy lùi. Tiếc thay, chúng vẫn … trơ gan cùng tuế nguyệt. Vậy thì vấn đề không còn là ở giải pháp, mà ở ngay thiết chế quản lý có những khuyết tật, là nơi nảy nở các tệ nạn này. Mà một trong những khuyết tật đó là cơ chế xin- cho. Vậy thì làm sao hy vọng đẩy lùi? Chuyện viễn tưởng phi khoa học! :
—————
Mua bán quan chức là viết theo thời xưa, theo thói quen, còn ngày nay ở một số nơi, đến cái việc lao công và hộ lý trong bệnh viện cũng phải bỏ ra vài chục triệu để lo lót chứ chẳng phải là quan chức gì cả. Lại nghe chuyện tốn hàng trăm triệu để chạy một chỗ đứng ngoài đường, để có một chỗ làm trong trường mầm non là khá phổ biến, còn để có chức quan, có khi phải chi hàng tỷ, hàng chục tỷ.
Tệ nạn nói trên có sức mạnh phá hoại xã hội một cách ngấm ngầm đến tận gốc, làm mất ổn định xã hội một cách toàn diện, từ đó tạo ra tác hại muôn mặt trong mọi lĩnh vực đời sống.
Để xã hội ổn định và phát triển cần thực hiện nguyên lý cơ bản là “Ai làm việc gì phải lo làm cho tốt, cho đầy đủ trách nhiệm công việc đó”. Thế nhưng với tệ nạn trên nhiều người không lo làm công việc theo chức năng mà phải để nhiều tâm trí và sức lực cho một việc quan trọng hơn, cần thiết hơn, đó là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để moi tiền của công, để bóp nặn người khác nhằm thu hồi vốn đã bỏ ra. Trong các lý thuyết về kinh tế có khái niệm “thời gian thu hồi vốn”. (Hẳn ba trăm lạng kém đâu. Ấy là vừa vốn, còn sau thì lời- Truyện Kiều). Đã tự nguyện hoặc bị bắt buộc bỏ vốn ra để làm cái gì đó mong kiếm lợi thì việc đầu tiên là lo thu hồi vốn, tránh “mất cả chì lẫn chài”.
Tại sao một hộ lý tìm cách moi tiền bệnh nhân. Tại sao một cảnh sát tìm cách bóp nặn lái xe. Tại sao…, tại sao…, có thể đặt hàng trăm câu hỏi tại sao tương tự. Câu trả lời chung cho phần lớn trường hợp là “để thu hồi vốn”. Nhưng sau khi thu hồi được vốn rồi thì việc moi tiền, bóp nặn trở thành thói quen. Mà “gieo thói quen thì gặt tính cách”.
Trong số những người buộc phải chi tiền để chạy việc làm, chạy chức vụ, chạy bằng cấp có không ít nguyên là người tử tế. Thời gian đầu khi phải moi tiền, phải bóp nặn người khác họ tự thấy xấu hổ, tự thấy ngượng ngùng nhưng rồi dần dần quen, một số trở thành những kẻ vô cảm, những tội phạm được bảo lãnh.
Có người vì nhờ vào hoàn cảnh hoặc điều kiện nào đó mà không phải chi tiền lo công việc, họ tiến thân bằng quan hệ, bằng sự may mắn hoặc bằng năng lực, họ không có nhu cầu thu hồi vốn. Tuy vậy trong số họ có một ít nhờ vào địa vị thuận lợi vẫn tìm cách moi tiền, bóp nặn người khác. Khi được hỏi tại sao làm thế, họ trả lời: “cả xã hội làm thế, cấp trên làm thế, mình dại gì không làm khi có điều kiện, xã hội nhơ bẩn, riêng ta giữ mình trong sạch mà làm gì, lại mang tiếng dại khờ”.
Những người vì buộc phải thu hồi vốn mà vẫn còn một chút lương tâm đáng được xem vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân còn những kẻ đã mất hết lương tâm hoặc không có nhu cầu thu hồi vốn mà vẫn tìm cách moi tiền và bóp nặn thì chỉ là một lũ đê hèn, không những đáng bị loại bỏ mà còn đáng bị phỉ nhổ.
Nạn mua bán quan chức (chỗ làm, điểm số, bằng cấp, danh hiệu, vinh dự…) có cùng nguồn gốc với tệ nạn tham nhũng, được sinh ra và nuôi dưỡng bởi chế độ độc quyền, toàn trị. Đến lượt mình, chúng lại sinh ra hàng muôn vạn con, cháu, chắt, chút là những tệ nạn cụ thể ở các mức độ khác nhau, tất cả đều có tác dụng chung làm phá hoại xã hội từ gốc.
Rất nhiều những việc xấu xa hàng ngày, từ việc để nước ngoài thao túng và lấn chiếm, việc để bị thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, việc công trình vừa làm xong hoặc đang làm đã bị hư hỏng, gây tai nạn, việc có nhiều vụ án oan sai, nhiều cái chết không rõ ràng trong các trại giam, việc để hàng giả, sách lậu tràn lan, việc nạn trộm chó hoành hành, nạn bạo hành gia đình, nạn chảy máu chất xám và rất nhiều việc xấu xa khác khó kể hết đều có nguồn gốc là nạn tham nhũng và mua bán quan chức
Thử phân tích chuyện hoành hành của nạn sách lậu và nạn trộm chó. Nhìn rất gần không thấy những chuyện này liên quan gì đến tham nhũng, có nhìn xa một chút mới thấy. Trong hệ thống chính quyền có người, có tổ chức được giao nhiệm vụ ngăn chặn, loại bỏ các tệ nạn này để giữ ổn định xã hội nhưng họ đã không làm hoặc làm chưa tròn nhiệm vụ. Vì sao vậy, vì họ đang phải lo làm việc quan trọng hơn là tìm cách thu hồi vốn.
Chuyện ông bố bạo hành, đánh đứa con 10 tuổi thâm tím mặt mày. Người ta càng thương đứa bé bao nhiêu càng lên án sự độc ác của người bố bấy nhiêu và chẳng thấy nó liên quan gì đến việc mua bán quan chức. Nhưng hãy thử phân tích nguyên nhân sâu xa.Tôi tạm dựng lên kịch bản như sau : Ông là thương binh, rất yêu thương con mình. Chiều hôm ấy ông đi xe máy lên cơ quan huyện để xin giải quyết chế độ thương tật .
Người cán bộ ông gặp đang tìm cách thu hồi vốn nhưng từ sáng đến chiều chưa nhận được đồng nào mà ông cũng không mang theo phong bì, thế là ông bị hoạnh họe, bị hạch sách, phải kìm nén tức giận ra về. Khi lấy xe lại thấy mất mũ bảo hiểm, đang tức giận nên cứ thế đi về. Đi được một đoạn lại bị tuýt còi.
Anh cảnh sát đang lo thu hồi vốn mà từ sáng đến giờ mới túm được con mồi đầu tiên, tưởng kiếm được ít nhiều nhưng chẳng có gì, anh không chịu nghe ông trình bày mà còn xỉ nhục, tạm giữ xe, đuổi ông đi bộ về . Tức quá mà không làm gì được ai, cổ họng khô rát mà không có tiền giải khát. Ông hy vọng về đến nhà, thấy cửa nhà sạch sẽ, con ông rót nước bưng cho ông. Thế nhưng về đến nhà thấy nhà cửa bẩn thỉu, con ông đang chúi mũi vào trò chơi điện tử bên hàng xóm, trong nồi, trong ấm không còn giọt nước nào. Thế là cái giận này chồng lên cái giận khác và con ông trở thành nạn nhân gián tiếp của hai người đang lo thu hồi vốn.
Trong chuyện trên, nói ông đánh con vì quá nóng giận là không sai, nói con bị đánh vì ham chơi cũng có phần đúng nhưng cơn nóng giận của ông có xuất phát từ hai con người là thủ phạm của tệ mua bán quan chức. Nếu người cán bộ nọ, anh cảnh sát kia không vì lo thu hồi vốn mà đối xử tử tế thì đâu đến nỗi.
Ngoài việc tạo nên một số đông công chức ở mọi cấp, mọi ngành mất đạo đức vì chỉ chăm chú vào moi tiền và bóp nặn, không thể và không muốn làm tốt công việc chính , nạn mua bán quan chức còn làm cho :
+Nhiều người mất hết niềm tin vào đạo lý, vào chế độ. Nhiều người không lo tập trung vào lao động sáng tạo mà tốn công sức và trí tuệ cho việc tìm cách né tránh hoặc lợi dụng sự đểu cáng.
+ Nhiều gia đình nghèo điêu đứng vì đã phải vay nợ cho con đi học, chưa trả được, nay không thể vay thêm nợ lo việc làm.
+Nhiều ứng viên vào các công việc không lo trau dồi chuyên môn mà lo chạy tiền đút lót. Điều này kéo theo việc hạ thấp năng lực của các tổ chức, dẫn đến việc làm sai, làm bậy khá phổ biến, khi bị phát hiện và lên án thì đổ lỗi cho năng lực yếu kém.
+Phát triển nạn chảy máu chất xám, những người tài giỏi mà biết tự trọng không chịu bỏ tiền để chạy việc mà tìm cách làm cho nước ngoài.
+ Nạn mua bán quan chức không công khai, không minh bạch làm nặng thêm thói dối trá, gian lận. Có nhận xét cho rằng hiện nay thói dối trá, gian lận đã trở thành cứu cánh của người dân và biện pháp của quyền lực. Nếu quả thật như vậy thì quá nguy hiểm.
Rất nhiều… rất nhiều tệ nạn, khi truy tìm nguyên nhân sâu xa thường tìm thấy bộ mặt của tham nhũng, của việc mua bán quan chức. Nhưng càng chống , càng có nhiều biện pháp quyết liệt và rộng khắp thì nó càng phát triển, chống được chỗ này thì lại thò ra chỗ khác nhiều hơn, lớn hơn. Vì sao vậy. Theo tôi vì mới chỉ chống ở ngọn, chống một cách hình thức chứ chưa chống tại gốc, chưa có quyết tâm hoặc chưa muốn, chưa dám “đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Trong bài “Nguyên nhân gốc của nhiều tệ nạn” tôi đưa ra phán đoán, nguyên nhân gốc là sự kết hợp giữa tính xấu của con người và sự độc quyền sai lầm của nhà nước. Trong các tính xấu thì tính tham lam, tranh giành nhằm lợi cho riêng mình, không quan tâm đến thiệt hại cho người khác là nặng nề nhất. Trong sự độc quyền thì độc quyền về tư tưởng là nguy hiểm nhất, mà sự độc quyền này lại có nguồn gốc từ chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Tôi ngẫm nghĩ và thấy vẫn còn may cho đất nước, cho dân tộc vì nhìn ra xung quanh thỉnh thoảng còn thấy ở địa phương này, ở cơ quan nọ, ở những người kia vẫn còn giữ được phần nào sự liêm chính, không để cho nạn tham nhũng, nạn mua bán quan chức làm hủy hoại đạo đức và năng lực. Trong số những người đi tiên phong đấu tranh vì một nền dân chủ chân chính có nhiều người dũng cảm, rất đáng khâm phục. Những nơi đó, những người đó là những ngọn nến, những đốm sáng. Hy vọng những nguồn sáng ấy sẽ phát triển để dần dần xua tan bóng tối.

Không có nhận xét nào:

Trang