- Khi lực lượng cảnh sát biển tiếp cận được tàu chở hàng lậu, đối tượng vi phạm mang cả tiền tỷ ra mua chuộc chúng tôi hòng chạy tội - Thiếu tá Phạm Mạnh Ngân, Bộ tư lệnh Vùng 1 Cảnh sát biển kể.
Thế trận ngư dân trên biển
2014 là năm có nhiều sự kiện lớn để lực lượng Cảnh sát biển (CSB) chứng tỏ vai trò, nhiệm vụ quan trọng của mình trên mặt trận bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo chủ quyền, anh ninh trên biển.
Đại tá, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 1 CSB Trần Văn Hậu tâm sự với VietNamNet: “Những ngày Biển Đông dậy sóng vừa qua đúng là thời điểm vô cùng căng thẳng, đầy áp lực với lực lượng CSB, Kiểm ngư, Biên phòng chúng tôi. Song, luôn đồng hành với chúng tôi còn có bà con ngư dân, vai trò của ngư dân có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển".
Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế biển mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Hiện cả nước có 126.000 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó 10.000 phương tiện hoạt động thường xuyên, trực tiếp trên các vùng biển xa bờ, vùng đánh cá truyền thống. Ngành thủy sản hàng năm đã đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 6-7 tỷ USD.
Giữa đại dương mênh mông, nơi tận cùng hải phận của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước sóng gió là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các tổ, đội đánh bắt hải sản của bà con ngư dân hiện hữu như những “bản, làng” trên biển, là cột mốc chủ quyền Việt Nam trên biển.
Trong quá trình đánh bắt hải sản, họ vừa là những người lao động cần cù, vừa là lực lượng cảnh giới, phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng về tình hình trên biển và tham gia tìm kiếm cứu nạn, góp phần ngăn chặn xâm nhập trái phép của các tàu thuyền nước ngoài vào vùng biển Việt Nam.
Khi có tình huống phức tạp xảy ra, ngư dân hỗ trợ, phối hợp với các lực lượng CSB, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng đấu tranh tại thực địa để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển, giữ nghề “cha truyền con nối”, làm chủ ngư trường truyền thống.
Đại tá Trần Văn Hậu chia sẻ: Tháng 12/2012, từ nguồn tin báo của ngư dân, CSB Việt Nam đã tóm gọn 11 cướp biển người nước ngoài, giải cứu toàn bộ thuyền viên của tàu Rafiap (quốc tịch Malaysia).
Nhóm cướp biển này đã táo tợn cướp tàu chở dầu của Malaysia, lấy đi 1.200 tấn dầu FO, đồng thời sơn lại toàn bộ vỏ ngoài thân tàu, lắp logo mới để tránh bị lực lượng chấp pháp phát hiện. Đây là một trong rất nhiều vụ việc mà CSB Việt Nam kịp thời ngăn chặn, phá giải kịp thời.
Căng mình trong bão gió
Theo Phó phòng pháp lý Bộ tư lệnh Vùng 1 CSB, Thiếu tá Phạm Mạnh Ngân, địa bàn phụ trách của Vùng 1 rất rộng, bao gồm 10 tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, trong đó, những khu vực như vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng luôn là điểm nóng của các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường lựa chọn những thời điểm khó khăn, khắc nghiệt nhất như đêm tối, bão gió… hòng qua mặt các lực lượng chấp pháp. Vì thế, càng những thời điểm đó, lực lượng CSB càng phải căng mình làm nhiệm vụ”.
Với đặc thù riêng của địa bàn hoạt động trên biển, theo Thiếu tá Phạm Mạnh Ngân, việc bị mua chuộc, đe dọa an toàn tính mạng đối với cán bộ, chiến sỹ CBS là điều thường xảy ra.
“Có những đối tượng chở thuốc lá ngoại nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, chúng đầu tư nhiều tỷ đồng để “độ” cả xuồng cao tốc vận chuyển hàng lậu. Khi có lực lượng cản trở, chúng sẵn sàng húc thẳng xuồng vào tàu CSB. Có những đối tượng sẵn sàng mang cả tiền tỷ mua chuộc hòng thoát tội”.
Ngày 8/3/2014, Phòng trinh sát Vùng CSB 1 tiếp cận tàu HP-3456 (Hoàng Thịnh 05) chở 53.222 lít dầu FO. Số hàng này không có hóa đơn, chứng từ. Ngày 19/3, Vùng 1 tiếp nhận hồ sơ tàu Trường Nguyên 36 từ Cục Cảnh sát Đường thủy - Bộ Công an (C68) chở hơn 2.000 tấn than cám, không có hóa đơn chứng từ.
Toàn bộ số hàng hóa này sau đó đã được tịch thu, bán đấu giá, nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
“Khi tiếp cận các đối tượng này, họ thường kéo dài, câu giờ… để bộ phận trên bờ có đủ thời gian để hoàn tất, dựng hồ sơ, chứng từ cho khớp. Chưa hết, họ còn sử dụng mối quan hệ để gây áp lực. Một trường hợp còn mang tiền bằng đúng giá trị số hàng hóa để “thỏa thuận”, “bôi trơn” cho CSB hòng chạy tội” - Thiếu tá Phạm Mạnh Ngân chia sẻ.
Kiên Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét