Tác giả: Lê Đăng Doanh
.Những năm đầu của thế kỷ thứ 21 đã chứng kiến những sáng tạo nổi bật làm thay đổi sâu sắc công nghệ, đời sống và tiêu dùng của con người cũng như vị trí của các doanh nghiệp và quốc gia.
Phi thuyền “Tò mò” (Curiosity) lên Sao Hỏa và tháng 11-2014 phi thuyền “Philea” hạ cánh thành công lên một sao chổi là những ví dụ về những thành tựu khoa học của loài người.
Vị thế của các tập đoàn cũng thay đổi theo khả năng đưa sáng tạo vào sản xuất và đời sống: Samsung của Hàn Quốc đã vươn lên trở thành tập đoàn hàng đầu trên thế giới về mạng vi mạch và điện thoại thông minh, thay thế Nokia và Sony vang bóng một thời.
Quá trình “sao đổi ngôi” này đang tiếp diễn trong cuộc chạy đua gay gắt mà phần thắng thuộc về người sáng tạo hơn, đổi mới nhanh hơn. Tuổi thọ của sản phẩm ngày càng bị rút ngắn, bình quân mỗi tháng lại có một mô hình điện thoại di động mới ra đời, kết hợp ba chức năng điện thoại, máy ảnh và máy tính trong một thiết bị, thay thế máy tính xách tay.
Google có tham vọng sẽ cung cấp hàng hóa đặt mua trên mạng tận nhà bằng máy bay không người lái (drone), và Amazon.com cũng có dự án sử dụng drone như thế để cung ứng hàng hóa tận tay người tiêu dùng. Không nghi ngờ gì nữa, những công nghệ đã và sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức bán lẻ cũng như thói quen mua sắm của người dân; tác động rất lớn đến yêu cầu khấu hao, thu hồi vốn và đầu tư vào khoa học – công nghệ của các doanh nghiệp.
Chức năng quan trọng nhất của nhà nước trong thế kỷ thứ 21 là tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho sự sáng tạo, gắn kết khoa học với sản xuất kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, không thiên vị vì tư lợi.
Nhiều sáng kiến quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và kinh doanh như Facebook không được phát minh bởi các tập đoàn mà từ những cá nhân riêng lẻ. Sáng tạo đã trở thành phương thức quan trọng nhất để vươn lên vị trí hàng đầu trong kinh doanh.
Richard Florida đã thử vẽ bản đồ thế giới theo khối lượng GDP được sản xuất ra ở từng vùng và cho ta một bản đồ thế giới “đầy gai”, rất khác biệt với những bản đồ truyền thống.
Ta thấy trên bản đồ này, của cải chủ yếu được sản xuất ra ở những trung tâm sáng tạo với những lao động có chất lượng cao, nhiều vùng mênh mông trên thế giới có tài nguyên và lao động giá rẻ chỉ tạo ra rất ít giá trị mới.
Chức năng quan trọng nhất của nhà nước trong thế kỷ thứ 21 là tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho sự sáng tạo, gắn kết khoa học với sản xuất kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, không thiên vị vì tư lợi.
Nhà nước phải khuyến khích sáng tạo, phải có chính sách coi trọng và thu hút nhân tài(meritocracy) từ khắp nơi trên thế giới, cởi mở với tất cả các phát minh, các đổi mới tạo ra những bước nhảy vọt về khoa học – công nghệ, năng suất lao động, có các đòn bẩy tài chính đưa nhanh sáng tạo vào đời sống và có đội ngũ lao động có năng lực đưa sáng tạo vào cuộc sống. Nước Mỹ vẫn thu hút được rất nhiều nhân tài, 30% doanh nghiệp hoạt động tại Thung lũng Silicon do người Mỹ có nguồn gốc Ấn Độ sáng lập và điều hành.
Israel đã tiến nhanh và trở nên giàu có nhờ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của tầng lớp trẻ, tạo ra tâm lý xã hội coi thất bại là cơ hội để học tập và vươn lên, không chê bai ai vì vấp ngã trong kinh doanh. Họ đã biến triết lý của Alois Schumpeter từ những năm 1950 coi “phá sản là sự tàn phá sáng tạo” thành triết lý sống, hành động của hàng triệu con tim.
Châu Âu đã mất đi khá nhiều ánh hào quang của quá khứ vì cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài. Bộ máy nhà nước cần mẫn của Nhật Bản đã tỏ ra kém năng động hơn nhiều đối thủ khác trong thúc đẩy tiến bộ khoa học – công nghệ. Bốn con hổ châu Á vẻ vang một thời nay cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn gắn liền với đổi mới và sáng tạo, chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Đài Loan đã có thập niên phát triển và tăng trưởng nhanh trong những năm hoàng kim 1990 nhờ công nghiệp hóa dầu và vi mạch bán dẫn nhưng đã trở nên trì trệ từ năm 2000 do không có sáng tạo đột phá về công nghệ mới, các sản phẩm chậm thay đổi, năng suất lao động đình trệ và đời sống người dân ít được cải thiện.
Hàn Quốc là con hổ thành công nhất cũng đang đối mặt với cạnh tranh từ các hãng điện tử Trung Quốc rất thành thạo trong sao chép công nghệ, đưa ra các sản phẩm với giá rẻ bất ngờ.
Samsung rất thành công trong công nghệ điện tử đã không chấp nhận mức lương quá cao so với năng suất lao động ở Hàn Quốc, chuyển sang đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lao động giá rẻ, làm giảm mạnh khả năng tạo việc làm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của đất nước này.
Hồng Kông đối mặt với tình trạng liên kết giữa chính quyền với các tập đoàn bất động sản lớn có ô dù ở Trung Quốc nâng giá nhà ở, người lao động nghèo phải làm việc rất cực nhọc nhưng không mua nổi nhà ở, tạo ra bất bình trong xã hội mà cuộc biểu tình của sinh viên là biểu hiện nổi bật.
Ngay cả Singapore, một đất nước mẫu mực về đổi mới, cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi chính quyền có quan hệ thân hữu với một số doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi.
Các nhà khoa học đều cho rằng Trung Quốc sẽ không thể vươn lên vị trí hàng đầu về khoa học – công nghệ nếu như chỉ tiếp tục sao chép rất thành công công nghệ của các nước khác, nếu thể chế của Trung Quốc không tạo ra không gian sáng tạo đa dạng, rộng mở.
Thực tế cho thấy vinh quang của quá khứ không hề là bảo đảm cho hiện tại và tương lai trong một thế giới năng động và sáng tạo như hiện nay.
Để chuyển sang một xã hội sáng tạo đòi hỏi sự thay đổi của toàn thể hệ thống, song trước hết và quan trọng nhất là thay đổi từ thể chế. Thể chế phải khuyến khích sự sáng tạo của tất cả các thành viên trong xã hội, cởi mở với những cái mới, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, mở ra khả năng phát triển của tất cả các thành viên trong xã hội, không phân biệt quá khứ, thành phần, tuổi tác. Thể chế cần trọng dụng nhân tài, kể cả thu hút nhân tài từ các nước khác, tạo ra một xã hội bao dung với những cái mới.
Nói người để nghĩ đến ta, thể chế lạc hậu của Việt Nam đang gây cản trở nghiêm trọng cho quá trình phát triển năng động của đất nước, dẫn đến tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới và khu vực. Không thể nào tự nhận là ưu việt với tình trạng tham nhũng kéo dài, nghiêm trọng và công cuộc phòng chống tham nhũng chưa đem lại những tiến bộ rõ rệt trong thực tế.
Lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ đã được điểm danh nhưng chưa có biện pháp nào để ngăn chặn hay sửa đổi, không ít doanh nghiệp làm giàu nhờ vào mối “quan hệ” khai thác tài nguyên, đất dai, khoáng sản, không cần quan tâm đến khoa học công nghệ.
Không ít doanh nghiệp giàu lên mà không cần đầu tư cho khoa học-công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Sức hấp dẫn của nước ta chủ yếu vẫn dựa vào lao động giá rẻ, một nhân tố không bền vững và đã được chứng minh là sẽ lỗi thời.
Nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn từ hội nhập quốc tế. Năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta đang kém nhất về thể chế và sáng tạo khoa học – công nghệ. Rất cần quyết tâm chính trị để nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật, tạo ra bước ngoặt cần thiết và cấp bách cho đất nước và dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét