12 tháng 1, 2015

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Mỗi người một hướng, làm sao con đò sang sông

Ngày 9.1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Uỷ viên Bộ Chính trị – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Uỷ viên Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các bộ, ngành và ban tuyên giáo các địa phương, đoàn thể dự hội nghị.
Tâm trạng nhân dân theo nhịp bước của việc thực hiện NQ TƯ 4
Nhìn nhận lại năm 2012, Tổng Bí thư (TBT) cho rằng chúng ta đồng thời phải xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc: Sản xuất đình trệ, nợ xấu ngân hàng, thị trường vàng, ngoại tệ, đối ngoại, biển Đông, nhất là sau khi thông qua Luật Biển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
“Trong khi đó thì tâm trạng của cán bộ đảng viên, nhân dân, lúc thì phấn khởi, hồ hởi, lúc hồi hộp chờ đợi và lúc thì băn khoăn lo lắng, thậm chí hụt hẫng, theo nhịp bước của việc thực hiện NQ TƯ 4”. Ông đề nghị “phải nhìn thẳng vào sự thật”. Trong khi đó, tình hình thế giới thì diễn biến phức tạp, rất nhanh, nhiều bất thường.
Trong tình hình đó, hoạt động của tuyên giáo đã làm được gì? – Tổng Bí thư đặt câu hỏi. Tổng Bí thư tổng kết: Báo cáo của các đồng chí gồm 8 kết quả ưu điểm, 10 hạn chế yếu kém, 5 nguyên nhân, 7 nhiệm vụ, 6 giải pháp. Công tác tuyên giáo đã đạt được nhiều kết quả- theo Tổng Bí thư- có lúc ông cảm thấy toàn dân bàn việc nước, tham gia với TƯ, với Quốc hội, Chính phủ ngay từ quá trình dự thảo, cho đến khi ra đời thực hiện và giám sát. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng công tác tuyên giáo vẫn “cần rút kinh nghiệm sâu hơn” khi chất lượng một số hoạt động còn chưa như mong muốn, nhất là chưa nắm chắc tư tưởng tình cảm, tâm trạng trong các tầng lớp nhân dân, để có đề xuất, biện pháp tạo đồng thuận cao hơn. Tuyên truyền chưa sâu, chưa đủ sức thuyết phục, chưa kịp thời. Đấu tranh tư tưởng vẫn là một khâu yếu, nhất là đối với những thông tin xấu, độc hại trên các mạng, các blog cá nhân.
Tư tưởng thông làm việc mới thoải mái
Tổng Bí thư yêu cầu cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò của công tác tuyên giáo. “Xây dựng Đảng bắt đầu từ đâu? Lênin trả lời bắt đầu từ việc ra đời một tờ báo. Bác Hồ bắt đầu từ báo Thanh Niên để tuyên truyền, giáo dục, truyền bá tư tưởng. Tư tưởng vô cùng quan trọng. Những người làm công tác tư tưởng phải là những người lính xung kích đi tiên phong. Nhân đây tôi xin nói, bây giờ các thế lực bên ngoài thấy chúng ta chăm chút công tác tư tưởng, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc thì họ bảo là bất đồng chính kiến chúng ta lại đi trừng trị, rằng như thế vi phạm vào quyền con người!”.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư nói: “Tôi rất suy nghĩ về những con số mà Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn vừa nói. Chưa bao giờ chúng ta có một đội ngũ làm công tác tư tưởng đông đảo như bây giờ, phương tiện hiện đại nhanh nhạy như bây giờ, vậy mà mình lại để “trận địa” như thế. Phải làm sao? Hơn 800 cơ quan báo chí. Hàng ngàn ấn phẩm. 17 ngàn nhà báo. Một đội quân tuyên truyền miệng. Cả một hệ thống chính trị, dân vận. Nhưng xảy ra chuyện gì mình có nắm được cụ thể không; có định hướng được dư luận không; có tạo ra đồng thuận không? Hay bản thân mình cũng chập chờn, không biết thế nào lại đi hỏi, rồi bàn tán râm ran trong xã hội?
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác tư tưởng không được duy ý chí. Không phải tư tưởng làm được tất cả, nhưng tư tưởng có thông thì làm việc mới thoải mái. Nhận thức có thống nhất thì mới thành hành động đoàn kết nhất trí cao được. Còn mỗi người nghĩ một khác, mỗi người thích đi một hướng thì làm sao chở con đò sang sông được. Tư tưởng là lĩnh vực rất trừu tượng. Nhiều lần tôi nói rồi, người ta nghĩ thế này nhưng người ta nói thế khác… Nói thế lại không làm thế. Cuối cùng nhận định vẫn là tuyệt đối trung thành, rất kiên định. Suy thoái đâu, không tìm ra ai. Trong khi đó, Đảng nhận xét là một bộ phận không nhỏ suy thoái. Rõ ràng đã nhận xét một bộ phận không nhỏ suy thoái, vậy thì công tác tư tưởng phải làm gì?
“Nếu chúng ta không đổi mới, không vươn lên, rõ ràng là bất cập” – Tổng Bí thư kết luận.
***
Quá trình thảo luận- nhất là qua ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư- đã giúp chúng ta nhận thức rõ nguyên nhân cơ bản của những kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực nhất trong năm 2012, là: Nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối, phương châm của Đảng về các lĩnh vực công tác; bám sát thực tiễn; xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm; chủ động phát hiện vấn đề, kiến nghị, đề xuất giải pháp và chủ động chỉ đạo giải quyết; trân trọng, tiếp thu ý kiến phản biện chủ động tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai; đề cao tính thuyết phục; chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ v.v…
Hội nghị chúng ta cũng đã tập trung thời gian, phân tích, thẳng thắn, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu sót trong năm qua; nhấn mạnh một số hạn chế, yếu kém, thiếu sót chủ yếu: Phát hiện, tham mưu, đề xuất, xử lý một số vấn đề còn chậm; chất lượng một số mặt công tác chưa cao như tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế còn lúng túng; chưa khắc phục được một số hạn chế trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; việc đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch chưa đáp ứng yêu cầu; thông tin đối ngoại, bảo vệ chủ quyền biển đảo có lúc, có nơi chưa thật sự nhanh nhạy, thiếu sắc bén; công tác định hướng nghiên cứu lý luận chưa đạt kết quả như mong muốn. Chúng ta đã phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan do hạn chế về sự nhạy bén, tính chủ động; do công tác phối hợp với một số ngành, địa phương- trong một số trường hợp cụ thể- chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Mà cái gốc là năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo còn phải phấn đấu thật nhiều mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trích phát biểu kết luận của đồng chí Đinh Thế Huynh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ.

Không có nhận xét nào:

Trang