* ĐOÀN KHẮC XUYÊN
Từng là tổng thanh tra chính phủ, mà chức năng là đi thanh tra việc tuân thủ pháp luật, quy định của người khác, cơ quan khác; là cựu chủ tịch một thành phố lớn, thủ đô “ngàn năm văn vật”..., họ thuộc hàng quan chức cấp cao và lẽ tự nhiên được người dân trông đợi luôn nắm vững và tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật, quy định của Nhà nước hơn bất kỳ ai khác. Bởi đơn giản, không nghiêm với chính mình, làm sao họ có thể đòi hỏi cấp dưới và người dân bình thường chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của Nhà nước?Nhưng, thực tế cho thấy, chưa nói đến lòng tự trọng vốn đang ngày càng trở thành thứ của hiếm, qua những việc họ làm, họ tỏ ra không thua kém bất kỳ ai trong việc dựa vào cương vị của mình để khai thác, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhà nước nhằm thỏa mãn lòng tham về nhà cửa, đất đai, tài sản công.
Lòng tham đã chiến thắng lòng tự trọng, chiến thắng danh dự của những con người mà do cương vị họ nắm giữ, do trình độ nhận thức về luật pháp và quy định của Nhà nước, do sự thấu hiểu đáng ra phải có về lẽ phải trái, dẫu sao cũng cần nghĩ đến danh dự của mình nếu chẳng may việc làm khuất tất bị phát hiện. Một quan chức có lòng tự trọng sẽ không tìm cách qua mặt Nhà nước để chiếm hữu những nhà, đất mà bản thân mình biết rõ là không đúng quy định. Một quan chức biết giữ danh dự của mình, biết lẽ phải trái, sẽ tự động trả lại nhà công cho Nhà nước một khi mình hết giữ chức vụ (như một số vị lãnh đạo cao cấp nhất đã làm) thay vì nại cớ là không có ai đòi hoặc mặc cả phải được ở nhà này nhà kia mới chịu trả. Thử hỏi, nếu ai cũng làm như họ thì pháp luật, quy định còn có giá trị gì và để cho ai tuân thủ?
Mặt khác, những vụ việc như vụ ông cựu Tổng thanh tra Trần Văn Truyền khi đương chức được chính quyền TPHCM và tỉnh Bến Tre cấp nhà, đất không đúng quy định và vụ ông cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên không chịu trả nhà công theo đúng quy định sau khi thôi chức mà UBND thành phố suốt tám năm không đòi lại được cho thấy có sự nể nang, tương nhượng lẫn nhau trong bộ máy quản lý.
Tương nhượng lẫn nhau chỉ vì không muốn làm mất lòng người khác, nhất là khi người đó đang nắm chức quyền hoặc là “đồng chí cũ”, như tâm lý thường thấy nơi không ít người Việt (“một sự nhịn là chín sự lành”) hay còn vì lý do nào khác nữa là điều cần tìm hiểu sâu hơn, nhưng chắc chắn là trong quản lý nhà nước sự tương nhượng này khiến cho luật pháp, quy định của Nhà nước bị vô hiệu hóa và nguyên tắc “pháp bất vị thân” trở thành một khẩu hiệu suông.
Hậu quả của việc bộ máy quản lý nhà nước vi phạm những quy định do chính mình đề ra là sự xói mòn lòng tin của người dân vào luật pháp, quy định của Nhà nước và vô hình trung khuyến khích việc vi phạm ngày càng phổ biến hơn.
Quản lý nhà nước kém hiệu lực, một căn bệnh trầm kha lâu nay, phải chăng bắt nguồn một phần quan trọng từ chính sự không nghiêm với bản thân mình của không ít quan chức trong bộ máy nhà nước và từ sự không nghiêm của bộ máy quản lý với người trong bộ máy của mình? Và nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, thật khó để có thể hy vọng vào việc bảo đảm sự công minh, công bằng trong thực thi pháp luật, chính sách, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng được nhà nước pháp quyền. Một nhà nước không bảo đảm được sự công minh và công bằng trong thực thi pháp luật, chính sách sẽ luôn phải đối mặt với sự bất bình của người dân và sự bất ổn xã hội do hiệu lực quản lý kém.
Để chống tham nhũng hiệu quả, luật pháp tất nhiên sẽ phải trừng phạt nghiêm minh những kẻ tham nhũng, ăn cắp của công, biến của công thành của tư. Nhưng bên cạnh đó, ở chiều kích sâu xa hơn, cũng cần xây dựng một thứ “văn hóa quan trường” đề cao lòng tự trọng, sự liêm sỉ và danh dự trong giới quan chức; một thứ “văn hóa quan trường” đề cao sự nghiêm ngặt với chính mình để có thể nghiêm ngặt với người khác, kiên quyết không tương nhượng với mọi sự vi phạm nguyên tắc, quy định theo kiểu “tôi dễ với anh để anh dễ với tôi”. Không cần đâu xa xôi, một nhà nước pháp quyền trước hết phải biết đặt “pháp” lên trên hết, với bất kỳ ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét