28 tháng 12, 2014

Tận mắt thưởng thức món ăn làm nên thương hiệu xứ Lạng

“Tay cầm bầu rượu nắm nem. Mải vui quên hết lời em dặn dò". Nằm ở phía đông bắc miền núi Việt Nam, các thủ đô Hà Nội 150 Km, Lạng Sơn là một tỉnh địa đầu biên giới. Mỗi lần đặt chân đến du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ, hữu tình mà còn bởi những món đặc sản khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi.
Con đường nối liền với kinh thành Thăng Long và ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa từ thời phong kiến đã tạo nên sắc màu ẩm thực của xứ Lạng. Những món ăn thẫm đẫm hương vị và không giống ở bất cứ nơi nào.
Bánh cuốn trứng Bà Oanh
Không được nhiều người biết đến như bánh cuốn Hải Phòng hay bánh cuốn Thanh Trì nhưng bánh cuốn trứng Lạng Sơn vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong bữa sáng cho thực khách khi đến thăm xứ Lạng êm đềm.
Về cơ bản cách làm bánh cuốn trứng không khác biệt nhiều so với các loại bánh cuốn ở nhiều địa phương trên cả nước, chỉ khác nhau ở nhân bánh bên trong. Bánh cuốn trứng cũng chọn những hạt gạo tẻ trắng ngần xay mịn làm bột. Sau đó, người ta đem thứ tinh bột thơm mùi đồng ruộng này hòa với nước thành một hỗn hợp không quá đặc mà cũng không quá loãng như thế sẽ giữ được độ dẻo đặc trưng của bột gạo.
Khi chiếc bánh trên nồi vừa chín tới, giở nắp vung ra đập vào hai bên của lá bánh hai quả trứng gà, đậy nắp lại một chút, chờ cho lớp lòng trắng đục lại, dính vào mặt bánh còn phần lòng đỏ lúc ấy chỉ cần vừa đủ chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp cho quả trứng không bị vỡ. Bánh cuốn xong nóng hổi bày ra đĩa, rải thêm chút thịt băm nhuyễn xào với hành khô ăn nóng chấm cùng nước thịt kho thật là tuyệt vời.
Thơm lừng heo quay lá mác mật
Heo quay chín, chặt từng miếng xếp ra đĩa, hương vị của lá mác mật toả thơm ngát. Nước chấm dùng với món này là trái mác mật, muối, bột ngọt hoặc dùng nước mắm ớt bỏ trái mác mật vào sẽ làm món ăn thêm trọn vẹn.
Cái độc đáo của món này chính là hương vị của lá mác mật. Đây là loại cây cho lá và trái rất thơm, hương lạ và thường được dùng trong các món ăn của các dân tộc Nùng, Tày nước ta.
Heo quay mác mật cũng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết, sinh nhật hay vào nhà mới của dân tộc Nùng, Tày.
Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn mang văn hóa Trung Quốc, nhưng qua bàn tay của người dân Lạng Sơn nó đã được biến tấu và trở thành món ngon và đôc đáo trong mỗi bữa cơm sang trọng, tiếp đón khách phương xa hay lễ tiệc của người dân vùng này.
Để có món khâu nhục đúng vị, điều quan trọng là phải chọn được miếng thịt ba chỉ ngon của con lợn 60-70 kg là vừa. Thịt ba chỉ được cạo sạch lông, rửa sạch để ráo nước và cắt miếng to khoảng 0,5kg cho vào nồi luộc chín tới.
Thịt sau khi luộc sơ được tẩm giấm, xì dầu và húng lìu để lên màu bóng mượt rồi dùng tăm tre nhọn đâm thật kỹ lên bì lợn để bì có khả năng hấp thụ nước cho thật mềm. Sau đó, thịt được đem quay và quết mật ong hoặc chao vàng trong chảo.
Gia vị của món khâu nhục rất cầu kì. Lá tàu soi (một loại rau muối mặn của người Hoa, Tày, Nùng ở Lạng Sơn), đem rửa cho hết sạn và độ mặn, băm nhỏ rồi trộn đều với tương tàu, xì dầu, húng lìu, tỏi giã nhỏ xếp xuống dưới đĩa, trên là khoai môn hoặc khoai lang.
Tuy là món ăn quá quen thuộc của người dân xứ Lạng nhưng khâu nhục vẫn là món ăn mà ai cũng “gật gù” khen ngon.
Phở chua Lạng Sơn
Được biết đến như là món ăn “hàn thực”nên phở chua được ưa chuộng nhất vào mùa thu và mùa hè. Phở chua được coi là món ăn đặc sản đáng tự hào của người Lạng Sơn, bởi vậy nó là món không thể thiếu trong các dịp đón khách quý tới nhà.
Nguyên liệu của món phở chua cũng khá kỳ công với hai phần: nguyên liệu khô và phần nước. Phần khô trước hết phải kể đến là bánh phở được làm se lại sao cho vừa dẻo vừa dai, khoai tây thái chỉ đảo qua dầu ăn cho thật giòn và vàng rộm lên, gan lợn cũng thái mỏng bằng lòng bàn tay rán cháy cạnh,… Phở chua được ăn kèm với các loại thịt cay như: thịt ba rọi, thịt vịt hay dạ dày quay được tẩm ướp tỏi và các gia vị khác tạo nên một hương vị riêng của tô phở.
Rau cải ngồng
Cho đến bây giờ, cứ ai lên Lạng Sơn, ngoài việc mua sắm mặt hàng gia dụng, lúc về đều không quên mua thêm một túi cải ngồng, bao giờ cũng vậy, cứ đi về là phải mang cải ngồng. Cải ngồng đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đặc sản khi lên Lạng Sơn và trong hành trang mang về làm quà cho những người thân trong gia đình.
Khi ăn món cải ngồng Lạng Sơn sẽ thấy vị hơi đắng lúc ban đầu rồi sau đó là vị ngọt, man mát mà ai cũng phải khen ngon. Để ăn ngồng cải, người ta cũng chế biến như đối với các rau thường dùng, có thể xào, luộc hay nấu tùy ý thích mỗi người. Nhưng cách làm ngon nhất, hấp dẫn nhất vẫn là xào chung với thịt bò.
Bánh Ngải
Bánh ngải thường được làm nhiều vào dịp Tết Thanh minh, những dịp mừng lúa mới. Còn những ngày bình thường bánh ngải được bán tại các phiên chợ quê với giá 2000 đồng/cái.
Bánh ngải thuộc món bánh chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, mát, không ngấy. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường và mùi thơm lừng của hạt vừng hòa quyện vào nhau. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể quên mùi vị của loại bánh dân dã này.
Rượu Mẫu Sơn
Trong vắt như nước suối, đậm đà, không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc…ai đã từng uống một lần thì mãi không quên được, đó là rượu Mẫu Sơn xứ Lạng. Rượu Mẫu Sơn do chính tay người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 800-1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống, được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (được lấy từ những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m), thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt,… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp.
Hạnh Thuý

Không có nhận xét nào:

Trang