* TÔ VĂN TRƯỜNG
Trong lịch sử khi mà chính quyền quan liêu, thực dụng; đạo đức suy đồi, kỷ cương phép nước không nghiêm, đạo đức xã hội băng hoại thì những cuộc hành quyết tự phát của đám đông giận dữ đã từng được ghi nhận ở nhiều quốc gia . Phải chăng đó vừa là cách xả bức xúc vừa báo hiệu những cơn bão đang tích tụ năng lượng tàn phá ?
Đọc truyện Thủy Hử (Trung Quốc), ta thấy rất nhiều câu chuyện dân với dân xử như chuyện ở Thanh Hóa và các tỉnh lân cận xử "cẩu tặc" bằng cách đánh chết người hoặc thiêu sống cùng với phương tiện xe Honda đi trộm chó. Cách đó, họ gọi là "Thế thiên hành đạo" hay còn nói nôm na là xử theo "luật rừng"!.
Điều đáng buồn là ta cách thời ấy mấy thế kỷ rồi mà xã hội lại có quá nhiều tặc:Lâm tặc, sa tặc (cát tặc), khoáng tặc, vàng tặc, cẩu tặc, dâm tặc, đinh tặc, quan tặc...nói chung là loạn tặc. Ngày xưa chỉ có thời loạn người ta mới dùng khái niệm "loạn tặc" để chỉ cảnh nhiễu nhương mà dân lành phải chịu. Đáng buồn hơn là những chuyện trái ngang ấy lại xảy ra ở đất nước có văn hóa, nghìn năm văn hiến là điều đáng suy nghĩ! Mỗi người dân đều nhuần cái bề dày văn hóa đấy, có điều là họ … bỏ ngoài tai , phải chăng vì … cùng đường và văn hóa chẳng bỏ vào nồi mà nấu ăn trừ cơm được !
Đánh chết trộm chó và kẻ trộm chó bắn lại người tấn công mình là một hiện tượng ngày càng phổ biến ở nông thôn miền Trung, tất cả đều nói lên tâm trạng hung dữ, quá khích, mà trước đây không có.
Chó được coi là một tài sản, một sinh vật giữ nhà trung thành, một kho thịt tiềm năng, tùy theo quan điểm của mỗi cá nhân. Chó làm được nhiều việc hữu ích, ở các nước chó còn được sử dụng chăn cừu, kéo xe trượt tuyết, làm vật thí nghiệm vv…Tôi có người bạn đàn anh hồi trai trẻ học ở nước Đức (hồi đó đang thời “oanh”, bây giờ là thời “liệt” rồi!), được mấy nàng Nhật Nhĩ Man xinh đẹp cưng nựng, vuốt má “anh bảnh và ngoan như con chó”, quả thật ngay lúc đó anh bạn tím mặt nhưng về nhà suy ngẫm lại, cái mũi phổng lên bằng trái bưởi !
Trộm chó không phải chỉ có riêng ở nước ta nhưng mục đích hoàn toàn khác nhau. Ăn trộm chó vì mục đích khoa học là một hành động khá phổ biến ở phương Tây. Nhiều phòng thí nghiệm sống được nhờ việc trộm chó.
Ở Việt Nam, đánh chết kẻ trộm chó, xem ra mạng người thật rẻ rúng. Sự kiện đầy màu sắc dã man và mông muội này cho thấy mấy xu hướng sau:
1. Nạn trộm cắp đã là xấu nhưng ăn trộm chó để phục vụ các quán nhậu tuy trong nước có người còn hiểu được nhưng quốc tế hầu hết người ta không ăn thịt chó. Đây là cái mà khi hội nhập Việt Nam phải tự soi mình để sửa.
2. Chỉ vì mất chó mà đánh hội đồng đến chết người chứng tỏ cái ác đã mang bộ mặt của đám đông, đã trở thành một đặc điểm tâm lý đám đông ở Việt Nam (ít nhất là ở một số tỉnh phía Bắc). Mạng con người không bằng con chó dù đó là kẻ trộm.
Hai người trộm chó bị bắt và đánh chết tại chổ cùng chiếc xe bị thiêu cháy
(Ảnh trên mạng)
3. Chẳng phải vô cớ mà đã có người đi tù vì tội đánh chết kẻ trộm chó nhưng cả làng vẫn không ngán. Người đáng trách trước tiên phải là bọn trộm chó. Tại sao trong xã hội còn vô số những người khác cũng nghèo và nghèo rớt mồng tơi nhưng người ta vẫn phải cố gắng lao động để kiếm cái ăn thì những kẻ trộm này lại chỉ muốn cướp không thành quả lao động chân chính của những người chịu khó lao động vất vả và phải hàng ngày chắt chiu tằn tiện.
4. Thật đáng trách những nô bộc hàng ngày sử dụng thuế của dân mà không thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự một cách nghiêm túc theo đúng chức trách được giao phó.
5. Đâu là nguyên nhân của xu hướng đám đông vừa coi thường pháp luật ( hay không còn tin vào cơ quan công quyền? ) để dành quyền tự xử một cách tàn bạo và mông muội như vậy? Thiết nghĩ các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội có câu trả lời thỏa đáng.
Điều cốt lõi là người dân đã đưa một dấu hiệu rất rõ ràng, họ không còn lòng tin ở pháp luật Việt Nam nên mới tự xử. Hôm nay, trộm con chó bị đánh chết, ngày mai trộm con bò cũng bị đánh chết, ngày mốt tới con gà, ngày kia chửi nhau, cũng bị thịt luôn, thì nguy lắm, xã hội trở thành đại loạn.
Nhân đụng chạm tới chó thì phải nhắc lại câu “chó sủa là chó không cắn”, từ đó suy ra khi chính quyền hỏi người dân về cuộc sống, họ chỉ ậm ừ (người ậm ừ = chú cún gầm gừ), táp lúc nào không hay! Vậy nên, mọi nhà đều lựa nuôi những chú cún xủa vang lừng. Có ai dám nuôi mấy chú cún chỉ lừ lừ, gừ gừ đâu !
Giải pháp ư? Trong xã hội nhiễu nhương, loạn tặc này, vá đầu này nối đấu kia thì cũng cố lây lất, qua lại. Hay nói sâu xa hơn, bằng câu hết sức dân giã “đắp chiếu ngắn, kéo chùm kín đầu thì lại hở chân”!
Xin mượn lời của Trưởng Ban trụ sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị - Hòa thượng Thích Thiện Tấn để kết thúc bài viết này: “Đối với người theo đạo Phật thì không bao giờ nên ăn thịt chó, vì chó là bạn thân thiết nhất của con người, canh giữ nhà cửa, vui cùng với chủ, buồn cùng với chủ, là nhân vật đầu tiên mừng rỡ đón ở cửa khi chủ về đến nhà, nhưng tất cả những điều đấy chỉ là lý do nhỏ thôi. Khi con người ốm đau bệnh tật ho lao, khạc đờm, nôn mửa, đại tiện vì những căn bệnh như kiết lỵ, trúng độc, nhiễm khuẩn, chó đều dọn sạch, những thứ đấy đi đâu? Vào bụng nó hóa thành xương thịt nó, máu huyết nó, còn con người lại thích thú khi được ăn thịt chó, mong muốn ăn thịt chó uống tiết canh. Hãy suy nghĩ kĩ về điều này, có nên ăn thịt chó nữa hay không ?”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét