5 tháng 12, 2014

Tham như Truyền, gian như Mãn


Nguyễn Duy Xuân
1. Ngày xưa có ông quan huyện nổi tiếng thanh liêm. Một lần, dân làng nọ muốn nhờ ông bênh cho được kiện nhưng quà cáp kiểu gì ông cũng gạt đi hết. Cuối cùng, họ tính nước đi cửa sau. Bà huyện mách bảo, ông nhà tuổi tí, dân làng nên đúc một con chuột cống bằng bạc để bà nói khó cho và thế là thắng kiện.
Một hôm, thấy con chuột cống bằng bạc trong nhà, ông huyện thắc mắc. Nghe bà huyện kể lại sự tình, ông huyện mắng vợ là đồ ngốc, sao lúc ấy không bảo ông là tuổi sửu.
Chuyện dân gian, mỉa mai cái sự thanh liêm của quan huyện. Ngày xưa, cha ông nghèo khó, “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” (thơ Chế Lan Viên), thế cho nên “ăn” một con chuột cống bằng bạc kể cũng là tham lắm rồi.
Nay, đất nước giàu sang, tìm được công bộc như quan huyện trong câu chuyện cổ quả thật là khó. Hậu thế bây giờ tiến xa hơn nhiều. Ví như cựu quan Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền ấy, bấy lâu nay, báo chí tốn biết bao giấy mực luận về cái sự “thanh liêm” của ông. Quả thực về điểm này, ông huyện xưa mà sống lại thấy hậu bối “ăn” nhà cửa đất đai thế, chắc phải chết khiếp.
Con chuột cống bằng bạc mà dân làng cống cho ông huyện, giỏi lắm cũng chỉ 3kg là cùng. Theo thời giá bây giờ, nó tương đương 120 triệu đồng. Giá như ông huyện có “ăn” con trâu bạc thì cũng chẳng bõ bèn gì so với mớ tài sản khủng của ông Truyền vừa bị phát lộ. Ông huyện xưa xem ra vẫn còn thanh liêm chán.
2. Dân mình từ già đến trẻ, không ai là không biết đến Cuội, ông tổ nói dối. Nhưng Cuội chỉ nói dối thôi, chả thế mà dân gian bảo “dối như Cuội” là gì?
Cái vị thế bá chủ nói dối của Cuội ngàn đời nay xem ra đã bị hậu thế hạ bệ từ sau cái ngày “anh hùng” Hồ Xuân Mãn bị tước danh hiệu. So với Cuội, ông Mãn trên tài mấy bậc. Cuội xưa ba xạo chỉ để lừa mấy anh trọc phú, mấy kẻ tham lam. Còn nay ông Mãn không chỉ dối mà còn gian. Ông dối gian để lừa dân lừa nước, hám danh, mưu lợi cho riêng mình, bán rẻ cái liêm sĩ cũng chỉ vì lòng tham không đáy.
3. Ông huyện và Cuội xưa chẳng có điểm gì chung bởi lẽ hai vị ở hai đẳng cấp khác nhau. Còn nay ông Truyền, ông Mãn thì khác, hai ông đều là quan chức cao cấp, cho nên đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nói về cái sự tham và gian chẳng thể đong được ông nào hơn ông nào, đúng là kẻ tám lạng người nửa cân. Tuy nhiên vẫn phải phân định rạch ròi để cho con cháu dễ nhớ mà noi gương. Ông nào cũng vậy, trong tham có gian, trong gian có tham. Nhưng xét kĩ thì ông Truyền tham nhiều hơn gian còn ông Mãn thì ngược lại.
Bởi thế, dân mới rỉ tai nhau: Tham như “Truyền”; gian như “Mãn”. Phải chăng đây sẽ là những thành ngữ thời @

Không có nhận xét nào:

Trang