20 tháng 12, 2014

Đẽo chân cho vừa giày...(!?)

ĐVO - Cách tính giá thuê nhà mấy triệu/tháng là không có cơ sở, là quản lý nửa vời và đi ngược với cơ chế thị trường hiện nay. Chính sách này ngay từ đầu đã bị sai lệch bản chất, không đồng bộ và đi cùng với nó là cơ chế trách nhiệm không rõ ràng.
Xe công, nhà công... trên thế giới đều thực hiện theo cơ chế khoán vào lương, VN cũng có chính sách nhưng không làm được do vướng lợi ích. Năm 2006, ông Trần Quốc Thuận, khi đó là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (tương đương hàm Thứ trưởng) là người đầu tiên và duy nhất đi làm bằng xe ôm, taxi theo cơ chế khoán xe công. Cơ chế này thế giới đã làm và Việt Nam cũng có nhưng không ai thực hiện.
Để có câu trả lời, tòa báo xin đăng tải bài viết của ông dưới góc nhìn của người trong cuộc.
* TRẦN QUỐC THUẬN
"Rượu càng ngon thì giá càng chát"
Là người trong cuộc, là người của cơ quan Văn phòng Quốc hội, hơn 10 năm đảm nhiệm cương vị theo công tác xây dựng pháp luật, giúp đỡ công tác giám sát đoàn ĐB HĐND các địa phương.
Cũng có lúc phụ trách cả kế hoạch chi tiêu tài chính. Khi nhìn vào bảng kế hoạch chi tiêu, rất nhiều điều bất cập được thể hiện. Chính tôi đã yêu cầu đối chiếu bảng chi tiêu xăng của cán bộ thì thấy có xe đi cả trăm, ngàn cây số trong một tháng. Thật sự ngỡ ngàng, tôi cũng không biết họ đã đi những đâu, vi vu trên các nẻo đường nào, giám sát ra sao...
Để trả lời những thắc mắc, chính tôi đã bám đoàn cùng đi giám sát địa phương, tôi đã tìm được câu trả lời. Tôi thấy, cuộc sống công chức sướng nhất là được đi du lịch mà không mất tiền. Những cuộc giám sát này "rượu càng ngon thì giá càng chát". Xót ruột lắm. Trong khi đó, cuộc sống của người dân quá khổ, kiếm được một đồng một ngày còn khó.
Từ đó mới có cơ chế khoán. Từ tháng 5/2007, Thủ tướng đã ban hành quyết định cho phép các chức danh tương đương thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công vào lương. Sau đó, tháng 9/2007, Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định cơ chế và cách tính chi phí khi thực hiện khoán xe công. Như vậy, việc khoán xe công mới thành chính sách.
Ông Trần Quốc Thuận
Nhưng từ năm 2006, khi thực hiện thí điểm cơ chế khoán, từ một cán bộ cấp cao, đi xe Camry 2.4, chuyển sang đi xe ôm, taxi và nhận mức khoán 4,5 triệu /tháng (tương đương với mức lương của Thứ trưởng khi đó) bao gồm toàn bộ chi phí xăng xe, lương lái xe.
Chi phí tối đa cho một tháng chỉ hết khoảng 2/3 số tiền khoán, như vậy tháng nào cũng có thể tiết kiệm được từ 2-3 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm về hưu, tôi đã tiết kiệm được cả trăm triệu để sửa sang nhà cửa. Nhưng đó là đồng tiền trong sạch và không ngại sự gièm pha của dư luận.
Rất nhiều người đã bất ngờ, ngạc nhiên "tại sao lại có một cán bộ cấp cao đi làm bằng xe ôm"? Một lãnh đạo cấp cao còn đương chức đã ái ngại nói với tôi "tôi đổi xe Camry 3.0 cho anh để anh đi làm bằng xe công, đừng đi xe ôm nữa. Khó xử lắm". Lời đề nghị không thành, vì một chủ trương không thể ra rồi không có người thực hiện, nói mà không làm là không đáng được tôn trọng.
Nhưng vì sao cơ chế có mà không ai thực hiện? Một năm có tiết kiệm được trăm triệu từ cơ chế khoán, song thực tế nếu đi xe công, dừng xe có người mở cửa phục vụ thì "vị thế" của người trên xe cũng được nhìn với ánh mắt khác. Cái người ta được từ xe công là sự quỵ lụy, là dễ thăng tiến, dễ xin nhà, xin xe... cái lợi quá lớn nên không dễ để từ bỏ. Đó là lý do vì sao, gần đây có chuyện xe công đi lễ hội, đi cafe, ăn nhậu.
Trên thế giới, quy định những người được hưởng chế độ chính sách, dịch vụ công được quy định rất rõ ràng. Đó phải là những người làm trong cơ quan Chính phủ, những cơ quan có nhiệm kỳ như ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.
Để quản lý tài sản công một cách hiệu quả nhất, hầu hết các nước đều thực hiện cơ chế khoán như khoán nhà công vụ, xe công vụ đối với các chức danh lãnh đạo trong Đảng, Chính phủ chỉ trừ một số lãnh đạo cấp cao vì nhiệm vụ an ninh, an toàn và vì thể diện của quốc gia.
Chính sách khoán đã thành công và giúp nhiều nước phát triển, đời sống người dân văn minh, hiện đại hơn, nhưng tại Việt Nam chỉ xoay quanh mỗi chuyện quản lý nhà công mà vẫn cứ ì xèo bao nhiêu năm làm mãi không được? Đó là vì giải pháp có nhưng không ai thực hiện. Còn không thực hiện được là do vướng lợi ích nhóm.
Cũng có khi, cố duy trì vì "chiến lược cò mồi". Tức là muốn bẫy nhưng con cò khác, người ta phải đâm chột mắt một còn cò, buộc dây và đưa ra đồng. Tức là mối quan hệ lợi ích đan xen là nguyên nhân cơ chế không thực hiện được.
"Đẽo chân cho vừa giày"
Không phải sau vụ việc cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, cựu thanh tra Trần Văn Truyền mới nói tới việc thực hiện chính sách khoán. Trước đó, nhiều ý kiến đã đề cập tới việc khoán nhà công vụ và nhiều dịch vụ công vụ khác.
Tôi cũng cho rằng nên khoán nhà công vụ vào lương, nhưng mức lương đó phải được tính đúng, tính đủ. Không cần thiết phải đưa ra một mức lương 14 hay 17 triệu cho một lãnh đạo cấp cao để bày tỏ sự mẫn cán, chứng minh là người đầy tớ của người dân. Đưa ra một mức lương mẫu mực như vậy là không cần thiết. Giải pháp tối ưu là trả lương theo cơ chế thị trường, trả thẳng lương Bộ trưởng 100-200 triệu đồng/tháng và phải chấp nhận không có chế độ gì hết.
Chỉ giữ dịch vụ công với một số lãnh đạo cấp cao vì an ninh, an toàn và vì thể diện quốc gia.
Như vậy, mỗi năm lương Bộ trưởng cũng được 1,2 tỷ, 5 năm hết nhiệm kỳ cũng có 6-7 tỷ, trừ chi phí, chi tiêu cũng tiết kiệm được tiền tỷ. Ai cũng được lời từ chính sách khoán chứ không thiệt chút nào.
Nhưng hiện nay, lại có hiện tượng đưa ra mức lương thấp, rồi giải thích là tính giá thuê 2 triệu đồng /tháng là phù hợp với mức lương 14 triệu của Bộ trưởng, chẳng khác nào cố đẽo chân cho vừa giày. 
Đưa ra lương thấp để được ở nhà công vụ, tìm cách hóa giá với giá bèo, bán lấy tiền xây dinh thự lớn.... nếu tất cả còn nhập nhèm, không minh định, luẩn quẩn trong mớ tù mù như vậy thì không thể giám sát và xử lý được.
Nếu chúng ta đã đi theo nền kinh tế thị trường, tất cả nên để cho thị trường quyết định, thuê nhà công vụ phải theo giá thị trường. Không có chuyện "uốn éo "lương theo giá thuê nhà, chính sách nửa vời, quanh co để lừa dối dư luận.
Hiện nay còn tình trạng đua nhau nâng hàm, nâng cấp để được phân nhà, ở nhà công vụ. Đó là hình thức tham nhũng. Nhà công vụ chỉ phục vụ cho một số đối tượng, hết nhiệm kỳ là hốt hết ra khỏi nhà không có chuyện bám trụ vì bất cứ lý do này, hay lý do khác.
Chính sách nửa vời
Cách tính giá thuê nhà mấy triệu/tháng là không có cơ sở, là quản lý nửa vời và đi ngược với cơ chế thị trường hiện nay. Chính sách này ngay từ đầu đã bị sai lệch bản chất, không đồng bộ và đi cùng với nó là cơ chế trách nhiệm không rõ ràng.
Tức là, tham nhũng, lãng phí còn dài dài. Tôi đã từng khảo sát tại một bệnh viện ở nước ngoài, khi tôi hỏi mô hình này hay quá không biết Việt Nam có qua khảo sát không thì nhận được câu trả lời: Có. Và VN có quan khảo sát thật nhưng chỉ dòm dòm, ngó ngó rồi đi.
Nghĩa là với chính sách này không thể xử lý được tình trạng tham nhũng và vẫn sẽ không có ai chịu trách nhiệm. Thiếu tầm nhìn, thiếu cơ chế đảm bảo để làm. Cần phải cải cách thể chế, có cái nhìn, chính sách toàn diện hơn. 
Tr.Q.Th (Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Không có nhận xét nào:

Trang