Biết phản biện chính sách, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí mới là cách làm từ thiện hữu hiệu nhất.
Cuối năm, mùa đông giá lạnh cũng là mùa nở rộ các hoạt động thiện nguyện. Lướt qua khắp các diễn đàn, chúng ta dễ thấy những lời kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở mọi nơi, với lời kêu gọi nhường cơm sẻ áo.
Thống kê số nghèo, không dễ
Những người đứng ra kêu gọi và tổ chức các hoạt động từ thiện đòi hỏi sự nhiệt tình từ những tấm lòng vàng trong xã hội. Đó luôn là hành vi đáng trân trọng.
Song, hãy nhìn vào thực tế, tính đến cuối 2013, tổng số hộ nghèo trên cả nước lên tới 797.000 hộ, chiếm tỷ lệ 7,80%; tổng số hộ cận nghèo là 1.443.000 hộ, chiếm tỷ lệ 6,32%. Đó là những con số lớn và mới là con số trên giấy tờ. Tình hình thực tế có thể đáng buồn hơn.
Ngay những người làm chính sách cũng thừa nhận, thống kê cái nghèo không hề dễ. Cái đói thì rất trực quan, dễ hình dung, nhưng cái nghèo thì nhiều khi lại… mơ hồ. Tạm đủ ăn, đủ mặc, nhưng phải chật vật mưu sinh cũng là nghèo. Có chút cơ nghiệp nhưng nuôi con đi học, người nhà ốm đau cũng là nghèo. Những người nghèo, họ sống âm thầm và ít khi được các tổ chức thiện nguyện biết đến. Số lượng này cũng khó thống kê, nên hoạt động từ thiện phải lớn đến mức nào mới đủ để giúp đỡ hết cho những số phận ấy?
Có những vùng là cái rốn của đói nghèo, khi năm này qua năm khác cuộc sống vẫn không cải thiện là dù được các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. Áo ấm, chăn bông, sách vở, mì tôm… đủ giúp họ ấm lòng qua mùa đông, nhưng để thoát nghèo, họ không chỉ cần có thế.
Dù rất trân trọng các hoạt động từ thiện của nhiều nhóm, nhiều tổ chức với tư cách các hoạt động xã hội có ích và có đóng góp không nhỏ cho cộng đồng, song xét đến cùng, trong đấu tranh với nghèo đói, người đóng vai trò chủ đạo phải là nhà nước. Thông qua những nỗ lực phân bổ thu nhập, chi tiêu và đầu tư công hiệu quả, nhà nước mới có thể thực hiện việc xóa đói giảm nghèo trên diện rộng.
Một nền kinh tế hiệu quả hơn, đầu tư tốt hơn đồng nghĩa với sự thịnh vượng hơn về mặt kinh tế, và vì thế tỉ lệ đói nghèo cũng sẽ giảm xuống.
Cách làm từ thiện hữu hiệu nhất
Cụm từ xóa đói giảm nghèo quá quen thuộc trên truyền thông dễ gợi lên suy nghĩ rằng Việt Nam đã đạt những thành tựu trong công cuộc này. Song, thử suy nghĩ ngược lại, liệu tình trạng nghèo đói có còn dai dẳng như hiện nay, dù đã được giảm xuống đáng kể, có thực sự là một kết quả đáng tự hào?
Một nền kinh tế hiệu quả hơn, đầu tư tốt hơn đồng nghĩa với sự thịnh vượng hơn về mặt kinh tế, và vì thế tỉ lệ đói nghèo cũng sẽ giảm xuống. Trong khi đó, những dự án đầu tư thiếu hiệu quả, chậm tiến độ, tăng chi phí, đầu tư ngoài ngành tràn lan đang là vấn đề gây nhức nhối. Bên cạnh đó, giống như một con sâu đục ruỗng từ bên trong, tham nhũng khiến cho một phần lớn ngân sách của nhà nước, cũng là tiền thuế của nhân dân, thất thoát. Thay vì được sử dụng vì các mục đích cộng đồng, tham nhũng sẽ chảy vào túi một số ít người.
Bên cạnh đó còn có sự lãng phí trong chi tiêu, do chi vào những dịp không cần thiết, với quy mô không cần thiết, khiến cho ngân sách vốn đã eo hẹp lại còn bị sử dụng kém hiệu quả. Ai cũng biết chi tiêu công là cần thiết, và chi tiêu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng đáng lẽ phải tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới kinh tế, và cần chú trọng phân bổ công bằng. Như gần đây, dư luận không khỏi băn khoăn về kế hoạch xây dựng chuỗi tượng đài tốn kém của Hà Nội, bởi nó là một kế hoạch chi tiêu tốn kém và vô ích.
Những vấn nạn đó tác động thế nào tới nền kinh tế hẳn ai cũng có thể hình dung. Có thể nói, đói nghèo trở nên nghiêm trọng hơn và khó xóa bỏ hơn là kết quả của một nền kinh tế còn yếu kém do tham nhũng, lãng phí, đầu tư thiếu hiệu quả. Gốc rễ của vấn đề nằm ở đó, và đối phó với đói nghèo cũng phải từ gốc.
Mong rằng việc làm từ thiện nên được nhìn tỉnh táo hơn. Chúng ta không nề hà đóng góp một phần thu nhập để chia sẻ khó khăn song để giúp đỡ họ một cách hiệu quả và dài hạn hơn nữa, không chỉ nên dừng lại ở việc san sẻ giữa các cá nhân.
Mỗi người cần trở thành những cử tri có tiếng nói và quan tâm tới quyền lợi của công dân nhiều hơn, để thực hiện tốt hơn việc giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, đòi hỏi sự minh bạch trong chính sách sao cho đồng vốn- tiền thuế của nhân dân được sử dụng hiệu quả.
Biết phản biện chính sách, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí mới là cách làm từ thiện hữu hiệu nhất.
Xã hội hóa là sự chia sẻ trách nhiệm với nhà nước, nhưng cũng nên hiểu xã hội hóa là sự chia sẻ quyền hạn đối với người dân. Có như vậy mới tránh khỏi câu nói đùa cũng sâu cay rằng, xã hội hóa là khi mọi thứ thuộc về nhân dân, nhưng riêng một số lĩnh vực khác (về tiền tệ) thì lại thuộc … quản lý nhà nước.
Khương Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét