Kỳ 1: Từ hai vụ án lịch sử
* HOÀNG HẢI VÂN
Nước Mỹ không có luật báo chí. Toàn bộ hoạt động báo chí ở nước này được “điều chỉnh” bởi một điều khoản, đúng hơn là ghép vào một điều khoản, đó là Tu chính án thứ nhất (The first Amendment) của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Toàn bộ hoạt động báo chí ở Mỹ được điều chỉnh ngay tại Hiến pháp nước này - Ảnh: Shutterstock.
Tu chính án này ghi: “Quốc hội sẽ không ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận hay báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình” (nguyên văn: Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances).
Như lời văn của nó chỉ rõ, Tu chính án thứ nhất không nhằm quy định báo chí được phép làm gì và không được phép làm gì, nó chỉ “răn đe” không cho chính quyền động tới báo chí. Tất nhiên các nhà báo Mỹ không có đặc quyền, họ vẫn “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” như những công dân khác.
Một Tu chính án chỉ có 45 chữ nhưng lại thâu tóm toàn bộ các quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và biểu tình. Nó rất chung chung, mơ hồ và đa nghĩa, chắc chắn rất khó đưa vào cuộc sống, nếu không có tòa án độc lập.
Lịch sử tự do báo chí của nước Mỹ bước qua những cung bậc thú vị liên quan đến các “vụ án”. Thời còn là thuộc địa của Anh, việc “phỉ báng” các quan chức, dù nội dung có đúng hay không, đều phạm tội hình sự. Cho đến năm 1734, khi diễn ra một vụ án, đó là vụ Zenger. John Peter Zenger, một chủ báo tờ New York Weekly Journal cho đăng một bài công kích viên Thống đốc Hoàng gia Anh tại đây, chỉ trích ông này bất tài và nhận hối lộ. Zenger đã phải vào tù về tội phỉ báng. Nhưng người bào chữa cho Zenger, luật sư Andrew Hamilton đã làm đảo ngược tình thế khi chứng minh những lời “phỉ báng” của Zenger là không sai. Với sự bào chữa đầy thuyết phục của Hamilton, tòa đã tuyên Zenger vô tội. Vụ án này đã tạo một bước ngoặt về pháp lý, từ đây trong những vụ kiện về tội phỉ báng (ngày nay đều là các vụ kiện dân sự), nguyên đơn chỉ có thể thắng kiện nếu chứng minh lời phỉ báng đó là sai sự thật. Giá trị pháp lý đó tồn tại cho tới ngày nay, tuy rằng trước năm 1964 các tòa án vẫn xử theo luật của từng bang, chưa thống nhất trong liên bang.
Vào năm 1964 lại diễn ra một vụ án lịch sử liên quan đến quyền tự do báo chí. Đó là vụ New York Times kiện Sullivan. Vụ kiện bắt nguồn từ một trang quảng cáo đăng trên tờ New York Times của một số mục sư nhằm quyên tiền để bào chữa cho nhà hoạt động nhân quyền lừng danh nước Mỹ - mục sư Martin Luther King, sau khi ông bị bắt giam. L.B Sullivan, người phụ trách Sở Cảnh sát thành phố Montgomery, bang Alabama, cho rằng nội dung quảng cáo đã nói không đúng về các hành vi của lực lượng cảnh sát và phỉ báng mình, nên đã kiện New York Times và các mục sư ra tòa. Xét thấy nội dung quảng cáo có một số thông tin không đúng, tòa án đã quyết định cho Sullivan thắng kiện, buộc các bị đơn phải bồi thường cho ông này 500 ngàn USD. New York Times và các mục sư kháng cáo lên Tối cao Pháp viện.
Tòa tối cao cho rằng không thể dùng các quy định điều chỉnh về tội phỉ báng (defamation, libel) để áp đặt hình phạt đối với việc phê phán hành vi ứng xử của các công chức, rằng dù nội dung phê phán có sai sót nhưng việc yêu cầu những người phê bình các quan chức phải bảo đảm độ chính xác trong phát biểu của họ là hành động “tự kiểm duyệt”. Tòa cũng cho rằng, những công chức Nhà nước muốn thắng kiện trong trường hợp này không chỉ phải chứng minh những nội dung được đăng tải là sai mà còn phải chứng minh những người đăng tải nội dung này là “có ác ý” (actual malice). Nhận thấy rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ tờ New York Times và các mục sư đã “có ác ý” khi đăng nội dung đó, vì vậy Tòa tối cao phán quyết New York Times và các mục sư thắng kiện.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ án lịch sử này có giá trị như một điều luật, và hơn thế nữa, nó có giá trị ngang với một điều khoản của Hiến pháp, để từ thời điểm này áp dụng cho tất cả các vụ kiện về tội phỉ báng: một nguyên đơn là quan chức Nhà nước muốn thắng kiện nhất thiết phải chứng minh rằng những lời phỉ báng của bị đơn là sai, đồng thời phải chứng minh được cái sai đó là “có ác ý”. Từ vụ kiện này, Tối cao Pháp viện đã chính thức thông qua thuật ngữ “actual malice” để đưa vào giải thích ý nghĩa của Hiến pháp.
Phán quyết về vụ New York Times kiện Sullivan trở thành một án lệ, không chỉ áp dụng cho các công chức nhà nước mà Tối cao Pháp viện còn mở rộng cho cả “những nhân vật của công chúng”, bao gồm các ngôi sao giải trí, các nhà văn nổi tiếng, các vận động viên thể thao và những người “thường xuyên thu hút sự quan tâm của giới truyền thông”.
Như vậy là, kể từ năm 1964, tại nước Mỹ, người bình thường kiện báo chí về tội phỉ báng chỉ cần chứng minh việc phỉ báng đó không đúng sự thật là thắng kiện. Nhưng đối với những người nổi tiếng, muốn thắng kiện phải chứng minh đồng thời 2 việc: thông tin sai sự thật và thông tin sai sự thật đó là “có ác ý”. Phê phán những người nổi tiếng ở Mỹ mà không đúng sự thật nhưng không “có ác ý” thì luật pháp nước Mỹ “chấp nhận được”. Hệ quả của phán quyết này còn có tác dụng ngăn chặn thói hiếu danh, vì làm một người nổi tiếng ở Mỹ phải chấp nhận một chút hạn chế về tự do so với làm một người bình thường.
Năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm diễn ra sự kiện trên, Ban biên tập tờ New York Times (NYT) có bài xã luận nêu bật ý nghĩa của phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ kiện này. New York Times cho rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện đã “lập tức thay đổi pháp luật về tội phỉ báng ở Hoa Kỳ”, rằng đây là sự “bảo vệ rõ ràng và mạnh mẽ nhất cho tự do báo chí trong lịch sử nước Mỹ”, rằng “ngày nay chúng ta hiểu về tự do báo chí phần lớn là từ vụ Sullivan”. Tuy nhiên, theo New York Times, nhà nước vẫn có thể viện dẫn nhiều lý do để đảo lộn tinh thần của vụ Sullivan “khi mà chính quyền Obama đã thực hiện ở mức độ cực đoan việc truy tố những người bị nghi ngờ làm rò rỉ tài liệu mật, thậm chí còn thu giữ hồ sơ tài liệu của các nhà báo”, dù New York Times khẳng định nước Mỹ vẫn nằm trong các nước có tự do báo chí “thông thoáng nhất thế giới”. (*) (còn tiếp)
-----------
Kỳ 2: Cuộc chiến lịch sử giữa báo chí và chính phủ Mỹ
(Tiếp theo) - Ben Bradlee, nhà báo lừng danh nước Mỹ, nguyên Chủ bút tờ Washington Post vừa qua đời ngày 21-10-2014 ở tuổi 93. Người Việt Nam chúng ta phải chịu ơn ông, vì chính ông và tờ báo của mình cùng tờ New York Times, đã tạo ra một sự kiện báo chí lớn nhất thế kỷ 20, góp phần ngăn chặn các mưu đồ mở rộng chiến tranh Việt Nam.
Chủ tịch Washington Post Katharine Graham (trái) và Chủ bút Ben Bradlee (phải) tươi cười sau khi thắng kiện - Ảnh: aticle.wn.com
Nhân vật trung tâm của sự kiện báo chí này là tiến sĩ Daniel Ellsberg, một chuyên viên cao cấp của tập đoàn nghiên cứu chiến lược Rand và là sĩ quan cao cấp của Lầu Năm Góc, người đã xóa bỏ lời thề trung thành với cấp trên để trung thành với đất nước, khi công bố toàn bộ 47 tập với 7.000 trang tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam - những tài liệu nói lên sự dối trá của 5 đời Tổng thống Mỹ.
Ellsberg không tin mình sẽ được tòa án bảo vệ, nhưng ông chấp nhận tất cả. Đầu tiên ông chưa nghĩ là sẽ công bố những tài liệu đó trên báo chí, mà tìm cách đưa cho Quốc hội. Ông đã lần lượt tiếp xúc với 3 nghị sĩ danh giá và nổi tiếng chống chiến tranh lúc đó là Fullbright, McGovern và Mathias, nhưng những người này, mặc dù ủng hộ ông, nhưng đã từ chối, vì họ không đủ tầm cỡ đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích đảng phái của họ. Không còn cách nào khác, ông phải thông qua một nhà báo ông quen biết, là ký giả Neil Sheehan, để bí mật chuyển tài liệu đến tờ New York Times.
Ngày 13.6.1971, New York Times khởi đăng tài liệu trên trang nhất. Nước Mỹ chấn động. Ngày 15.6, khi đăng đến kỳ thứ 3, Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell gửi một bức thư đến tòa soạn yêu cầu ngừng đăng và giao lại bản sao tài liệu. New York Timestừ chối. Ngay trong chiều hôm đó, theo đề xuất của Bộ Tư pháp, tòa án quận cấp liên bang tại New York ra lệnh cấm New York Times đăng tiếp tài liệu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một lệnh cấm của tòa án liên bang ngăn cản một tờ báo in một câu chuyện nhiều kỳ. New York Times kháng án.
Theo đề nghị của một người bạn, Ellsberg liên lạc với Washington Post, hỏi họ có cần tài liệu đó không và nếu có họ có đăng được không, chủ bút Ben Bradlee nói : “Trong trường hợp tôi có được những tài liệu đó và nếu chúng không được đăng trên số báo ngày hôm sau, thì tờ Washington Post sẽ có một chủ bút mới”.
Ngày 18.6, Washington Post khởi đăng loạt bài đầu tiên. Lập tức Bộ Tư pháp yêu cầu ngừng đăng. Washington Post từ chối. Chính phủ Mỹ đưa Washington Post ra tòa, nhưng tòa bác yêu cầu của Chính phủ. Ngay trong đêm, Chính phủ Mỹ kháng cáo. Tòa trên bác phán quyết của tòa dưới, yêu cầu xử lại. Ngày 21.6, Tòa dưới xử lại và lại bác yêu cầu của Chính phủ, Washington Post được đăng tiếp. Ngày 22.6, New York Times cũng thắng, tiếp tục đăng Hồ sơ. Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó, mà phải đưa lên tòa tối cao.
Trong thời gian này, Washington Post chuyển một bộ tài liệu đến Thượng nghĩ sĩ Mike Gravel. Gravel là thượng nghị sĩ duy nhất dám nhận Hồ sơ và làm tất cả những gì ông có thể để đưa ra Quốc hội và phân phát cho báo chí. Ông dũng cảm làm điều đó mà không có bất cứ sự bảo đảm nào về quyền miễn trừ cho hành động của mình, ông có nguy cơ mất chức. Nhưng nhờ đó mà sau khi New York Times và Washington Post đăng tải tài liệu và bị cấm, 17 tờ báo khác đồng loạt vào cuộc. Các đài truyền hình và phát thanh cũng vào cuộc, thách thức chính quyền Mỹ. Ngay cả tạp chí TIME, là tờ luôn ủng hộ chính quyền Mỹ tiến hành chiến tranh, vẫn không đứng ngoài cuộc. Toàn giới truyền thông Mỹ nhập vào dàn đồng ca.
Ellsberg phải hoạt động bí mật để tránh sự truy tìm của FBI, không phải ông sợ bị bắt, mà để tranh thủ thời gian phân phát thêm tài liệu. Ngày 25.6, người ta ký lệnh bắt giam ông nhằm đưa vào hồ sơ trước khi Tòa tối cao họp về vụ New York Times vàWashington Post. Ông đã chủ động đến tòa án liên bang, không để cho FBI bắt dọc đường và được tại ngoại sau khi nộp 50.000 đô la bảo lãnh.
Chiều 30.6.1971, Tối cao pháp viện với 6 phiếu thuận, 3 phiếu chống, đã hủy bỏ tất cả các lệnh cấm và gạt bỏ mọi trở ngại cho việc đăng tải Hồ sơ Lầu Năm góc. New York Times và Washington Post thắng kiện. Tòa phán rằng, “không có đủ cơ sở để Tổng thống có thể nói rằng an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng do việc xuất bản thông tin đó. Tòa cho rằng, Hiến pháp đã có một sự dự liệu quan trọng nhằm chống lại sự can thiệp quyền tự do báo chí. Trong khi có thể thuyết phục Tòa rằng việc báo chí xuất bản các tài liệu mật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thì Chính phủ đã thất bại trong việc chứng minh điều đó trong trường hợp cụ thể này”. “Sự dự liệu quan trọng” đó là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Nhưng người ta không tha cho Ellsberg. Một bản cáo trạng quy cho ông 12 tội danh và ông phải đối mặt với 115 năm tù.
Chính quyền Nixon đã cho tiến hành nhiều hoạt động bẩn thỉu nhằm bôi nhọ thanh danh của Ellsberg, trong đó có việc đột nhập văn phòng bác sĩ tâm lý đánh cắp hồ sơ để cải sửa bệnh án nhằm quy cho ông bị bệnh tâm thần…Tất cả những hoạt động trái pháp luật đó đều được đưa ra công khai tại tòa án. Và ngày 11.5.1973, Tối cao pháp viện tuyên bố hủy bỏ phiên tòa và yêu cầu “dưới chính quyền đương nhiệm, các bị cáo sẽ không bị xét xử thêm một lần nữa về cùng những cáo buộc này”. Khi ấy Daniel Ellsberg mới vô tội.
Các hoạt động phi pháp nhằm bôi nhọ thanh danh của Daniel nằm trong chuỗi scandal tai tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ - vụ Watergate. Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell, người đứng ra khởi tố Ellsberg, bị truy tố. Một tuần sau, Quốc hội tiến hành điều trần vụ Watergate. Nixon từ chức. Quốc hội nắm quyền kiểm soát. Người thay thế Nixon là Gerald Ford tuân thủ quyết định của Quốc hội chấm dứt chiến tranh Đông Dương. (*)
Cuộc chiến lịch sử này giữa báo chí và chính quyền Nixon, đã gây tác động mạnh mẽ đưa phong trào phản chiến dâng cao, góp phần giảm biết bao xương máu của người Việt và người Mỹ. Chính tự do báo chí ở Mỹ đã tham gia thúc đẩy hòa bình cho Việt Nam.
Bài học về tự do báo chí ở Mỹ là bài học Hiến định, nó không dành cho các nhà báo. Nhưng Hiến pháp tự nó không làm cho tự do báo chí được thực thi. Jane E. Kirtley, giáo sư Đại học Minnesota, trong bài viết Cơ sở pháp lý của tự do báo chí Hoa Kỳ đã dẫn lời Đại thẩm phán Potter Stewart trong một lần phát biểu với một nhóm luật sư, quan tòa và các nhà báo: “Các bạn hãy nghĩ xem các quyền này từ đâu tới ? Không phải con cò đã mang nó đến, mà chính là các quan tòa”. (*)
------------
(*) Nguồn của những trích dẫn lấy từ:
+ Daniel Ellsberg, Secrets : A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers
– Bản tiếng Việt (Những bí mật về chiến tranh Việt Nam), NXB CAND, Hà Nội, 2006;
+ Website Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
----------------
Kỳ 3: Báo chí có 'sứ mệnh' gì?
- Những điều mà Tocqueville đề cập từ nửa đầu thế kỷ 19 về vai trò của báo chí trong xã hội dân chủ đến nay vẫn còn là câu chuyện thời sự
Là nhà chính trị học và là một triết gia yêu tự do, nhưng Tocqueville thú nhận ông “không có được cái tình yêu trọn vẹn” đối với báo chí. Ông đánh giá cao vai trò của báo chí vì “tôn trọng việc nó ngăn chặn được những cái xấu hơn là vì những cái tốt đẹp nó tạo ra”. Ông viết :
“Cá nhân vào thời dân chủ dễ dàng bị tống ra khỏi bầy đoàn, và anh ta dễ dàng bị xéo dưới chân. Ngày nay, một công dân bị đè nén áp bức chỉ còn có một phương tiện tự vệ, đó là gửi lời kêu gọi tới toàn thể dân tộc; anh ta chỉ có một phương tiện thực thi điều đó, đó là báo chí. Vì thế mà tự do báo chí quý giá vô cùng cho các quốc gia dân chủ hơn là cho các quốc gia khác; riêng báo chí là đủ để chữa chạy vô số điều xấu xa có thể gây ra bởi quyền bình đẳng. Sự bình đẳng làm cho con người xa cách nhau và làm cho con người yếu kém đi; nhưng báo chí đem đặt bên cạnh mỗi con người hèn yếu đó một vũ khí cực mạnh mà kẻ yếu nhất và kẻ bị xa lánh nhất cũng đều có thể đem sử dụng. Quyền bình đẳng tước đi mất của mỗi cá nhân khả năng hỗ trợ những kẻ có chung số phận; nhưng báo chí cho phép kêu gọi tất cả các công dân và đồng loại tới ứng cứu”.
Ta có thể ngạc nhiên khi thấy Tocqueville không tin tự do có thể được bảo vệ bằng các thiết chế dân chủ. Ông viết tiếp : “Để bảo đảm có độc lập cá nhân cho những con người sống ở các quốc gia dân chủ này, tôi chẳng tin cậy vào những cuộc đại hội nghị chính trị, cũng chẳng tin gì vào những quyền hành của nghị viện, và chẳng tin gì hết vào tuyên ngôn về chủ quyền tối thượng của nhân dân. Tất cả những trò đó trong chừng mức nào đó đều có thể dung hợp được với sự nô lệ của cá nhân con người; nhưng có tự do báo chí thì cảnh nô lệ đó sẽ không diễn ra hoàn toàn được. Báo chí là công cụ dân chủ hàng đầucủa tự do.
Lời của Tocqueville khiến ta suy tưởng về sứ mệnh của báo chí, nếu chúng ta nghĩ báo chí cũng có những “sứ mệnh”. Nhìn vào thực tế những gì diễn ra trên báo chí Việt Nam mấy chục năm qua, ta có thể thấy vô số những “ứng cứu” hữu ích, từ Cái đêm hôm ấy … đêm gì? nói lên cảnh lầm than cơ cực của người dân quê bị chèn ép khiến cho các nhà lãnh đạo phải thức tỉnh đến việc bảo vệ một Nguyễn Mạnh Huy ba lần đỗ đại học vẫn không được đi học vì bị trói buộc bởi “chủ nghĩa lý lịch” khiến cho Nhà nước phải thay đổi chính sách; từ việc vạch trần hành vi phi pháp của các quan chức cấp cao bảo kê cho "tập đoàn tội ác" Năm Cam đến việc kêu gọi giải oan cho một Nguyễn Thanh Chấn 10 năm bị tù oan; từ những cuộc điều tra báo chí phanh phui các hành vi tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp người dân đến việc nâng niu một bé Bo bị bỏ rơi trên taxi …, và biết bao những cảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa đã nhờ báo chí mà gượng dậy, biết bao cảnh bất công đã nhờ báo chí mới lấy lại được công bằng, biết bao các chính sách “tốt” nhờ báo chí được phát huy, biết bao chính sách “xấu” nhờ báo chí mới được xóa bỏ…
/ Nhưng khi các nhà báo nghĩ mình là thứ “quyền lực thứ tư” gì đó,
và tự cho mình có những “sứ mệnh” lớn hơn,
nhất là những “sứ mệnh” đó không dựa trên sự thật,
thì báo chí lập tức có vấn đề/
Đó là những sứ mệnh chính đáng của báo chí, những điều làm cho dân chúng thấy hài lòng và các nhà báo đang hành nghề không thấy hổ thẹn, còn những bạn trẻ có ý định trở thành nhà báo thấy nghề báo là nghề có tương lai.
Nhưng khi các nhà báo nghĩ mình là thứ “quyền lực thứ tư” gì đó, và tự cho mình có những “sứ mệnh” lớn hơn, nhất là những “sứ mệnh” đó không dựa trên sự thật, thì báo chí lập tức có vấn đề. Cho nên không thể không nói đến “mặt trái” của báo chí.
Một khảo sát ở Mỹ vào năm 2002 liên quan đến Tu chính án thứ nhất, kết quả có tới 42% số người được hỏi cho rằng báo chí “quá tự do” (**). Điều đó cho thấy không chỉ các quan chức mà một bộ phận khá đông người dân Mỹ cũng không mặn mà lắm với tự do báo chí. Thật khó chịu khi cuộc sống riêng của mình hàng ngày cứ bị truyền thông “chọc ngoáy”. Biết làm sao được, muốn sống trong một xã hội tự do thì phải chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro gây ra bởi tự do báo chí.
Nhưng những “rủi ro” mà báo chí mang lại là… không kể xiết, không chỉ có những “chọc ngoáy” đời tư gây khó chịu, mà còn có những rủi ro gây chết người hàng loạt. Điển hình là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”. Đó là "sự kiện" do chính quyền Johnson ngụy tạo, bịa đặt ra việc Hải quân Bắc Việt tấn công tàu chiến Mỹ USS Maddox (DD-731) tại hải phận quốc tế đêm 4.8.1964, lấy cớ đó để thuyết phục Quốc hội Mỹ ra nghị quyết cho phép leo thang chiến tranh Việt Nam, bằng việc mở rộng hoạt động quân sự ở miền Nam và ném bom miền Bắc.
Báo chí Mỹ, đầu tiên là các tờ báo lớn, tiếp đó là một loạt đài lớn báo nhỏ, đều khẳng định việc “tấn công” này là có thật. Sự vô trách nhiệm của báo chí Mỹ đã tiếp tay cho chiến tranh, tiếp tay cho việc giết chết hàng triệu người Việt Nam và hàng chục ngàn binh lính Mỹ. Sự kiện báo chí lớn nhất thế kỷ 20 mà chúng tôi đề cập ở kỳ trước được coi là kết quả của sự thức tỉnh lương tri của các nhà báo Mỹ.
Một số nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho rằng, nếu hồi năm 1964 báo chí Mỹ có thái độ khách quan và biết đặt ra những nghi vấn khi đưa tin thì chưa chắc Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép mở rộng chiến tranh. Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng hồi đó không phải các nhà báo không có những “thông tin khác”, vấn đề là những thông tin đó đã không hề được đăng.
Nhà văn Mỹ Mark Twain nói một câu rất hay: “Lời nói dối có thể đi nửa vòng trái đất trước khi sự thật xỏ chân vào giày”. Trong trường hợp này, lời nói dối đã “phủ sóng” gây bao đau thương chết chóc, còn sự thật thì cho đến mấy chục năm sau chiến tranh mới có thể “xỏ chân vào giày”, khi những tài liệu về sự kiện này được đưa ra ánh sáng.
Rất tiếc, cho đến gần đây báo chí Mỹ và phương Tây vẫn lặp lại sai lầm cũ khi đồng loạt đưa tin ủng hộ những chứng cứ ngụy tạo của chính quyền G. Bush khi tấn công Iraq (***) (còn tiếp)
------------
(*) Alexis de Tocqueville, Nền Dân trị Mỹ, NXB Tri Thức.
(**) Dẫn theo Jane E. Kirtley, Cơ sở pháp lý của tự do báo chí Hoa Kỳ, website ĐSQ Mỹ tại VN
(***) Xem thêm: Mỹ đã dựng lên cuộc chiến Iraq như thế nào?, (TNO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét