Nhà báo Thu Hà:Thưa quý vị, không một quốc gia, một dân tộc nào phát triển hùng mạnh mà thiếu vắng văn hóa. Văn hóa là cốt lõi của sức mạnh mềm, là yếu tố đóng vai trò quyết định sức mạnh, vị thế, uy tín quốc gia. Gia tăng sức mạnh này là chiến lược quan trọng để hoàn thành nhiều mục tiêu lớn của dân tộc. Đây cũng là nội dung tọa đàm tổng kết các vấn đề văn hóa-xã hội cuối năm của Tuần Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu hai khách mời là Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và nhà báo Phạm Kim Dung (Kỳ Duyên). Nếu nhìn lại các vấn đề văn hóa-xã hội của dân tộc một năm qua, điều gì khiến các chị suy nghĩ, trăn trở nhất?
"Tiếng Việt còn, nước ta còn"
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Có câu nói rất nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh “Tiếng Việt còn, nước ta còn”, chương trình Điều còn mãi của VietNamNet, khi ca sĩ Nguyên Thảo cất lên ca khúc “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy, có câu “Tôi yêu nước tôi, từ khi mới ra đời…” khiến tôi cảm động đến gai người.
Tiếng Việt còn, nước ta còn. Văn hóa còn, nước ta còn. Một điểm đặc thù của văn hóa, là được tiếp nhận, được sàng lọc rất lâu qua hàng nghìn năm, hàng thế kỷ. Văn hóa là “mưa dầm thấm đất”.
Nói đến văn hóa không thể tách rời kinh tế-xã hội. Kinh tế-xã hội nào, văn hóa ấy. Văn hóa là cơ sở để bảo đảm cho nhân cách, vị thế, tầm vóc một dân tộc. Một con người, dù giàu có nhưng không quan tâm chăm chút vốn văn hóa thì xét cho cùng chỉ là trọc phú. Một dân tộc nếu chỉ giàu mà không chăm chút văn hóa chắc chắn không thể bền vững, bởi nó không thấy rõ cái bản sắc của dân tộc đó. Văn hóa là sản phẩm của cơ chế quản lý, của sự phát triển kinh tế-xã hội. Nó được điều chỉnh trong mối tương quan xã hội đó.
Trở lại câu hỏi của Thu Hà, nhìn lại văn hóa-xã hội năm qua, tôi thấy có điểm sáng là việc Đà Nẵng, Hội An vươn lên để được chọn là nơi đáng sống nhất; trong nhóm địa danh du lịch yêu thích nhất. Đó là một cách quảng bá cho văn hóa Việt. Có những di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Có những con người cụ thể với những việc làm cụ thể đầy tính nhân văn, văn hóa, ý nghĩa, như Nhóm Cơm có thịt của Trần Đăng Tuấn, chương trình Lục lạc vàng của Đài truyền hình VN.
Bên cạnh đó, trong thời kinh tế thị trường này, lại có những khái niệm rất buồn, đó là “văn hóa tham nhũng”. Tham nhũng đâu phải là văn hóa, thực tế là phản văn hóa, là mặt trái của văn hóa. Vậy mà bây giờ người ta “thừa nhận” tham nhũng như một nét văn hóa thì nguy quá.
Đó là thái độ vô cảm của người Việt với nhau khi đồng loại gặp rủi ro, tai họa có thể gặp mọi nơi, mọi chỗ. Như số đông con người xông vào hôi của; cướp tiền, cướp bia…. Đó còn là chuyện đánh chửi, xúc phạm thầy cô giáo, đuổi chém thầy thuốc. Sự phản văn hóa nhiều khi chính là tội ác. Thật đau đớn khi phải đọc, phải nghe không biết bao vụ trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành. Có gì đau đớn hơn khi những đứa trẻ tiểu học, ngay ở HN, khi đến trường, luôn phải được cảnh báo đi vệ sinh không được đi một mình.
Những mặt tối đó, những hiện trạng đó đã được chính các nhà tâm lý xã hội gọi là sự “rối loạn những giá trị”.
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Không thể phủ nhận, những thành tựu về kinh tế của đất nước so với hơn chục năm về trước quả thực tốt hơn rất nhiều. Nhưng thật tiếc, khi những bất ổn xã hội vẫn tồn tại.
Nhớ những năm nghèo khổ, cuộc sống rất thanh bình, có trật tự xã hội. Con người sống tình nghĩa, san sẻ bao dung.
Tôi nhớ hồi 18 tuổi, nửa đêm tôi đi bộ một mình từ Cửa Nam lên khu văn công Mai Dịch mà chẳng có vấn đề gì. Nhưng bây giờ khác lắm.
Kinh tế khá lên đáng lẽ văn hóa phải lên theo thì ngược lại những gì đang được báo chí phản ánh, các ĐBQH phản ánh lại cho thấy văn hóa ta đang xuống cấp, đang lệch chuẩn...
Người dân rất muốn hỏi lãnh đạo các cấp là tại sao kinh tế lên mà văn hóa lại xuống? Bởi nếu tìm được câu trả lời thì sẽ tìm được lời giải đáp để chữa chạy những lệch lạc hiện nay.
Bên cạnh những quyết sách phát triển kinh tế-văn hóa cũng cần có những quyết sách để gìn giữ và phát triển văn hóa bởi đó chính là nền tảng, là cốt lõi của mỗi xã hội. Mỗi một gia đình hạnh phúc êm ấm thì xã hội sẽ bền vững, quốc gia sẽ có nhiều cơ hội phát triển hưng thịnh.
Hiện nay, các mối quan hệ đã bị đổ vỡ rất nhiều. Những chuyện xảy ra được báo chí dẫn lại cho thấy những chuyện đau lòng như con cái không kính trọng cha mẹ, thậm chí là chửi bới, hành hạ, giết cả bậc sinh thành. Trong các quan hệ xã hội thì con người bỗng nhiên trở nên dễ giận dữ, dễ dẫm đạp lên nhau. Ngày càng thiếu vắng sự tương kính giữa người với người.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (trái)
Tôi tin rằng, các vị lãnh đạo luôn mong muốn và đang có những định hướng làm sao để xã hội ngày càng tốt lên, không chỉ kinh tế mạnh lên, mà văn hóa cũng gìn giữ được. Mong là vậy, muốn là vậy nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa làm được?
Vừa rồi, những thông tin về vị nguyên tổng thanh tra chính phủ, người luôn lên tiếng kêu gọi chống tham nhũng vậy mà ông ấy lại là người tham nhũng; rồi còn chuyện ông cựu bí thư Huế khai man và có vấn đề về tư cách. Vẫn biết đó chỉ là những con sâu, không phải phổ biến, nhưng một vài vị như vậy, cũng làm người dân suy nghĩ và mất mát niềm tin.
Lòng tự trọng chính là sức mạnh, là nội lực, góp phần quan trọng đưa nước Nhật hùng mạnh như ngày nay.
Có lòng dân, là có tất cả
Nhà báo Thu Hà:Từ những trăn trở của các chị, có thể thấy rằng những chấn thương tâm lý hiện đại đang gặm nhấm và bào mòn dần sức mạnh của đất nước mình. Vậy, theo các chị nguyên nhân là do đâu và ai phải chịu trách nhiệm?
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Ngày xưa chúng ta có các đoàn thể chính trị xã hội và chúng tôi trưởng thành từ đó. Tuy nhiên, các đoàn thể thời chúng tôi rất nghiêm. Muốn là thành viên, cần phải chuẩn bị và phấn đấu, rèn luyện quyết liệt, chuẩn bị cho mình nhiều điểm tốt, và những điểm tốt này phải được xã hội, được tập thể công nhận.
Tiếc rằng bây giờ đâu đó người ta phấn đấu đơn giản quá, dễ dàng quá, nhiều khi để tìm cơ hội thăng tiến, vì chức tước hơn là để đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng chung. Trong khi những người có khí tiết, có lòng tự trọng vì không chịu đi cổng sau nên thường bị thua thiệt. Năm rồi ở Hà Nội từng có người nói công khai khi họp về giá chạy việc, chạy chức. Nếu không có lửa thì làm sao có khói.
Dân tộc mình trong chiến tranh người người đã xả thân, đùm bọc lẫn nhau không tiếc máu xương. Tại sao giờ đất nước hòa bình, cuộc sống khấm khá hơn thì bỗng đâm ra sống ích kỷ, chỉ biết thu vén, lòng tham trở nên vô đáy không biết thế nào là đủ. Con người dễ sinh nóng giận, mạt sát, dễ dẫm đạp lên nhau, chẳng ai tin ai. Đó là bởi lòng tham là sự ích kỷ nhỏ nhen, là bởi quan điểm sống và mục tiêu sống đã quá khác trước.
Tôi là người đã viết kịch bản và sản xuất bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là phim “Nhìn ra biển cả”. Bộ phim về thời trẻ của Chủ Tịch. Để làm bộ phim này tôi đã đọc rất nhiều tư liệu về cuộc sống bình dị, nhân ái, bao dung của Cụ. Chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn tấm gương của Cụ như thế mà dọn mình. Có được lòng dân là có được tất cả. Khi mà lòng dân đã thu phục được bằng những tấm gương đạo đức chí công vô tư, bằng sự liêm khiết chính trực thì chính quyền ắt sẽ bền vững, đưa ra quyết sách gì nhân dân cũng ủng hộ.
Chẳng phải đâu xa, ngay chuyện phim ảnh cũng có thể thấy, nhiều bộ phim mang tính nhân văn nhưng lại rất khan người xem, trong khi đó, những bộ phim khai thác nhiều, khai thác sâu về đề tài cướp, giết, hiếp… lại luôn trong tình trạng cháy vé. Sống ào ạt, làm ào ạt, sống vội, sống gấp quen rồi… Chậm lại chút, nghĩ ngợi chút dường như là một điều xa xỉ..
Cái lệch chuẩn còn thể hiện ở việc nhiều người đang bị rơi vào bẫy hư danh. Một đất nước hướng theo học vị thì tốt nhưng mà phải là học vị thật chứ không thể là học vị “mua” hoặc sao chép cốt lấy cái bằng làm le với thiên hạ.
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Cái chấn thương tâm lý lớn nhất trong xã hội hiện nay là gì? Chính là suy giảm niềm tin. Ngay với một đứa trẻ, mất niềm tin đã là một chấn thương lớn lắm khi trẻ mới bước vào đời. Thậm chí là nỗi ám ảnh, và có khi nó đi theo suốt trong cuộc đời. Cho nên có một câu nói “mất niềm tin là mất tất cả”.
Còn với một XH như chúng ta, cách đây mấy năm tôi nghe ĐBQH Dương Trung Quốc, trong một phát biểu trên báo, ông nói đến sự u ám của niềm tin. Còn bây giờ, tôi thấy niềm tin đó không chỉ là u ám, mà là “mất mát”. Vì liệu người dân có thể có niềm tin không khi mà ngay vị cán bộ cao cấp của đất nước cũng phải nói : “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ…”
Nhà báo Thu Hà: Thế hệ của các chị, cơ sở để đặt niềm tin là gì?
Nhà báo Kim Dung/ Kỳ Duyên: Thế hệ chúng tôi khi đó sống rất lý tưởng. Trong nhà trường tiểu học, thì có 05 điều Bác Hồ dạy. Những năm tháng chiến tranh, ở nơi sơ tán, là hoàn toàn hồn nhiên sống theo lẽ sống “03 sẵn sàng”. Hay là “đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần”. Các tác phẩm văn học , từ trong nhà trường cho đến cuộc đời cũng tác động nhiều đến từng cá nhân. Lúc đó chúng tôi sống trong một môi trường lành mạnh, XH cũng lành mạnh hơn rất nhiều.
Giờ đây, không ít người có niềm tin ở… tiền. “Có tiền mua tiên cũng được- có cả một tổng kết dân gian mang tính triết lý đáng buồn như thế. Rồi “Không thể mua được bằng tiền, nhưng có thể mua bằng… rất nhiều tiền”. Con người giờ đây tin ở sức mạnh đồng tiền thế cơ mà.
Nhà báo Phạm Kim Dung/Kỳ Duyên (trái)
Dù thực ra trong xã hội, vẫn luôn tồn tại những điều tốt, vẫn luôn có những con người tốt bụng, sẵn sàng làm những điều, những việc từ thiện, nhân ái nhưng dường như đồng tiền giờ đây có sức chế ngự mạnh hơn. Người ta bảo giờ là “thời Kim Tiền”!
Có những quan chức tham lam, lạm dụng quyền chức vơ vét, dối trá cướp công đồng đội, thực chất là đã tự tha hóa. Những con sâu ấy đã làm vẩn đục môi trường sống của XH, làm người dân bất bình, phẫn nộ và hoài nghi tất cả. Nên thấy đó là nỗi hổ thẹn của một dân tộc. Bởi họ đã không coi pháp luật là gì. Họ tự cho mình quyền “ngồi trên pháp luật”.
Hãy nhìn nguy cơ mất niềm tin thực sự là nguy hiểm, bởi nó ảnh hưởng đến tầm vóc, nhân cách và làm suy yếu dân tộc.
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Thế hệ chúng tôi bây giờ thuộc diện “cổ lai hy” rồi. Nhưng không phải cái gì cũ cũng đều bỏ đi. Có những cái cũ tốt thì cần giữ lại. Chả thế mà có người cứ đùa vui (nhưng cũng có sự thật trong đó) rằng “bao giờ cho đến ngày xưa?” Ngày xưa thanh bình ơi, ngày xưa trong trẻo ơi, ngày xưa tình nghĩa ơi, ngày xưa trọng đạo nghĩa hơn tiền bạc ơi… Bao nhiêu cái ơi ấy, bây giờ có gọi cũng chả thấy hay ít thấy trả lời. Thật tiếc!
Nhà báo Thu Hà:Vừa rồi bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh có thông báo, hơn 80% gia đình Việt Nam đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Các chị có bình luận gì về con số này và thực tế cuộc sống đang diễn ra?
Nhà báo Kim Dung/ Kỳ Duyên: Tôi chợt nhớ đến con số của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình rằng, 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ. Con số đó sẽ là sự.. tương hỗ tương thích hơn 80% gia đình văn hóa.
Con số đó chỉ phản chiếu thêm đó là bệnh thành tích, chưa phản ánh được sự thật là các gia đình văn hóa hay không?
Không ai phủ nhận mục đích của cuộc vận động Xây dựng gia đình văn hóa là tốt, vì gia đình là tế bào của XH. Tuy nhiên, đất nước đã chuyển sang cơ chế thị trường, mọi thang bậc giá trị, tiêu chí văn hóa cần gắn kết với thời cuộc mới. Không thể dùng cái tiêu chí cũ để đo các thang bậc giá trị mới.
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Khen thưởng đúng thì động viên được rất nhiều. Nhưng nếu chỉ chạy theo thành tích mà ban phát sự khen búa xua thì lại hỏng.
Cạnh sự khen cũng cần biết lắng nghe. Một con người còn luôn luôn phải tu dưỡng sửa đổi mình để tốt lên huống hồ một đất nước. Cái cốt lõi là phải biết lắng nghe những lời nói phải, tránh sự qui chụp cho rằng thế là do họ không tốt với mình, là không ưa mình, ghét mình, cao hơn nữa là “phản bội” mình nên mới nói thế.
Hãy bỏ qua hiện tượng mà nhìn vào bản chất. Ví như có người hay nói nghịch nhĩ nhưng khi có việc khó khăn là thấy họ có mặt ghé vai ngay. Cuộc sống muôn màu như thế đấy. Phải biết tỉnh táo mà nhìn đúng người, đúng việc. Nói là vậy nhưng chẳng phải lúc nào và bao giờ cũng minh mẫn và tỉnh táo được. Nghe khen–dù biết là khen không thật–vẫn cứ thích hơn là nghe chê…
Trớ trêu thay!
TUANVIETNAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét