-“Muốn một xã hội văn minh, văn hóa còn ở chỗ biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến đa chiều. Đối thoại là cực kỳ cần thiết để hiểu nhau hơn”, nhà biên kịch Hồng Ngát.
Hư học luôn gắn với hư danh”
Nhà báo Thu Hà: Chúng ta luôn tự hào là dân tộc cần cù, sáng tạo, biết hy sinh, nhưng những gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay cho thấy, nhiều người trong chúng ta dường như đã đánh mất sự cần cù, ngại nói đến hy sinh và chẳng bận tâm đến sáng tạo?
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Dân tộc nào cũng có người giỏi, người kém, kể cả dân tộc chậm tiến nhất cũng vẫn có những người xuất sắc. Tôi cho hiện tượng mà bạn hỏi phụ thuộc rất lớn vào môi trường xã hội và cung cách quản lý.
Việt Nam vốn là dân tộc hiếu học. Nhưng ở góc độ khác, dưới những tác động tiêu cực, thậm chí có những cái do chính sách tác động, mà sự hiếu học hiện nay được GS Hoàng Tụy gọi rất chính xác- là “hư học”. Hư học đương nhiên gắn liền với “hư danh”
Cái sự “hư danh” này cộng với mục đích học của ngành giáo dục là để thi, nên nó điều chỉnh động cơ học tập của người trẻ rất ghê. Các bậc cha mẹ chuẩn bị cho kỳ thi từ tiểu học, mà kỳ thi đáng sợ nhất là tuyển sinh ĐH. Tốt nghiệp ĐH rồi nghĩ đến thi thạc sĩ, tiến sĩ. Cái bằng Ths, Ts là một tiêu chí để có thể lọt vào “đội ngũ kế cận”, làm quan. Ts Alan Phan từng có bài viết, thất vọng về giới trẻ, họ có máu làm quan hơn máu làm ăn. Đó là một thực tế buồn.
Nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay thì thấy, học sinh của chúng ta đang học rất khổ, sợ học, nhưng vẫn phải học, đến mức có dạo báo chí đã phải kêu, trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ. Đất nước có 26.000 tiến sỹ, nhưng vì sao thành quả phát triển nước vẫn bị xếp hạng thua kém. Thậm chí thua cả các nước trong khu vực. Toàn bộ lõi của kinh tế-xã hội-văn hóa đất nước nằm ở nguồn nhân lực được đào tạo, đó là giáo dục. Người ta có thể chui ống cống để nuôi con ăn học. Sự hy sinh lớn lao như vậy mà sao đất nước vẫn nghèo, nhân lực lao động vẫn thấp.Năm 2000 tôi từng viết một bài tổng kết về giáo dục của thế kỷ 20. Tôi đã tổng kết thế này, 50 năm giáo dục XHCN nhưng chúng ta mới chỉ đạt đến dạy chữ (một cách hạn chế) chứ chưa đạt đến dạy người. Là vì mục đích nền giáo dục của chúng ta có vẻ hay về mục tiêu, nhưng toàn bộ hoạt động giáo dục trong nhà trường cuối cùng chỉ nhằm mỗi mục đích-thi cử. Chả thế, Bộ giáo dục được gọi là Bộ thi cử. Vì sau khai giảng năm học mới là đã phải bắt đầu nghĩ đến các kỳ thi.Các bạn thử nghĩ xem, một dân tộc, một đất nước sính bằng cấp, lo thi ĐH ngay từ lớp 1 thì là tốt hay xấu, đúng hay sai? Và người Việt khi có bằng cấp cao thì lại lo để có ghế, có quyền lực. Ở đâu, máu làm quan quá nặng thì đương nhiên máu làm ăn sẽ… yếu đi.Tôi vẫn nghĩ đất nước cần có sự tỉnh táo để nhận biết mình đang xếp hạng đứng ở đâu trong bức tranh toàn cầu về phát triển, xác định điểm mạnh, điểm yếu để từng bước điều chỉnh xu hướng bằng chính sách vĩ mô, trọng người giỏi, người tài. Nếu không sẽ rất lãng phí cho một nguồn nhân lực tới 2.000 tiến sĩ mà rất ít nghiên cứu sáng tạo. Thậm chí nếu có sáng tạo, chế tạo, quyền sở hữu lại thuộc những người nông dân chân đất.Không thể tiếp tục kéo dài nguy cơ tụt hậu, thua kém láng giềng. Đó không chỉ là bổn phận, chức trách mà còn là văn hóa của người đứng đầu trước vận mệnh đất nước.
Trách nhiệm “chỉ lối đưa đường”
Nhà báo Kim Dung, nhà biên kịch Hồng Ngát (từ trái qua phải).
Nhà báo Thu Hà:Thưa các khách mời, khi nhìn lại những bất cập hiện nay trong đời sống văn hóa xã hội, một GS cho rằng, trách nhiệm là của ba thành phần gồm nhà sản xuất văn hóa (nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu), nhà phê bình (những người trợ giúp quần chúng thẩm định, gạn lọc và tiếp thu các tác phẩm văn hoá) và người tiêu dùng văn hóa (tức là tất cả chúng ta). Xin được nghe ý kiến của các chị.
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Tôi có cảm giác 3 thành phần này chưa gặp nhau. Nhà sản xuất văn hóa cứ sản xuất, nhà phê bình cứ phê bình và người tiêu dùng văn hóa cũng vậy.
Ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của các nhà phê bình. Lẽ ra họ phải là người “chỉ lối đưa đường” cho người sản xuất văn hóa cũng như người tiêu dùng văn hóa. Làm sao sản xuất ra được những sản phẩm chuẩn mực hướng tới giá trị chân thiện mỹ. Đồng thời cũng hướng người tiêu dùng biết phân biệt và lựa chọn sản phẩm văn hóa tốt, tránh những sản phẩm tầm thường, độc hại.
Nhiều người trong chúng ta còn rất ngại đọc, trong giới cũng ngại đọc của nhau. Thế hệ chúng tôi ngày xưa có thể chép cho nhau những áng thơ đẹp, bài hát hay rồi cùng nhau ngẫm ngợi, bây giờ tuy vẫn còn nhiều người như vậy nhưng vật chất lên ngôi, văn hóa dường như không được coi trọng nữa.
Không thể phủ nhận, sự háo danh của một số người giờ rất nặng. Tôi vẫn thường đùa là bằng khen chỉ có ý nghĩa một lần duy nhất là khi mình nằm xuống thì họ cho vào điếu văn và đọc, chứ không để làm gì cả. Vậy mà đây đó người ta chẳng lo làm, lo cống hiến, chỉ tìm cách chạy chọt để mua hạng, nâng hạng khen thưởng.
Người có tài, cống hiến hết mình mà không biết nói năng, chạy chọt cũng dễ bị chìm khuất. Một xã hội ưa nghe khen, thích xu nịnh sẽ là cơ hội tốt cho người chỉ nói giỏi, nói khéo mà không chịu làm, không biết làm.
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Vì xã hội đang phát triển theo kinh tế thị trường nên ngay trong lĩnh vực văn hóa nói chung, nghệ thuật sáng tác nói riêng phải chấp nhận sự đào thải của thị trường. Thiết chế xã hội nào cũng có hai mặt. Ngay cả ở nước Mỹ cũng có phim hạng 03. Nhưng vấn đề là quản lý văn hóa phải điều tiết, tập trung để ra những tác phẩm xứng tầm với dân tộc và thời đại.
Ở các nước phát triển cũng tồn tại luôn luôn hai mặt song hành các tác phẩm có giá trị nâng cao trình độ cảm thụ, phản chiếu những giá trị chân- thiện-mỹ và các tác phẩm mang tính giải trí, thời thượng. Vấn đề là ngành chức năng phải đủ tầm quản lý, biết cách đầu tư có hiệu quả, để ra được các tác phẩm, sản phẩm tốt.
Trí thức mới trả lời được câu hỏi này
Nhà báo Thu Hà: Trí thức luôn là một thành phần quan trọng, đóng vai trò định hình tư tưởng, dẫn dắt xã hội. Ngày nay trong xã hội ta, tầng lớp trí thức đang ngày càng đông đảo, nhưng vì sao nhiều hành xử trong xã hội vẫn thiếu vắng sự văn minh?
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Một câu hỏi thú vị và khó. Ngay định nghĩa thế nào là trí thức cách đây nhiều năm đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi ồn ào. Trí thức được coi là tầng lớp lớp tinh hoa của xã hội. Nhưng chưa bao giờ là tầng lớp dẫn dắt văn minh văn hóa xã hội. Mặc dù họ có kiến thức, phông văn hóa….
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Trong quá khứ, trong ca dao, thành ngữ đã từng có những câu tổng kết để thấy vai trò trí thức: Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.
Đặc biệt nữa, văn minh đất nước Việt Nam là văn minh lúa nước, với dấu ấn tư duy tiểu nông khá nặng, phản ánh trong cung cách quản lý của nhiều lĩnh vực. Mặt khác, tính lan tỏa của tầng lớp này, tuy có thể có những gương mặt ảnh hưởng lớn, nhưng phần lớn thuộc về quá khứ như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn thất Tùng, Ngụy Như Kon Tum... và đóng khung trong lĩnh vực của họ. Còn thời đại hiện nay, số trí thức nổi bật để trở thành tấm gương lan tỏa thì quá ít và nhạt nhòa. Vì sao? Chắc chỉ trí thức mới trả lời được câu hỏi này.
Xã hội biết đến và kính phục họ nhưng để tác động đến đông đảo nhân quần lại không phải là nhiệm vụ của trí thức, mà đó là nhiệm vụ của ngành văn hóa. Tuy nhiên, với phong trào, vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa thì tác dụng của những phong trào này ra sao, hẳn chúng ta đều thấy rõ. Cho dù bộ trưởng bộ Văn hóa có tổng kết tới 83% gia đình đạt văn hóa.
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc tầng lớp trí thức – bao gồm cả các vị lãnh đạo chính trị, quân sự - đã có đóng góp cực kỳ to lớn vào thắng lợi chung của đất nước. Không có trí thức làm sao hoạch định chính xác chiến lược, chiến thuật cách mạng; không có trí thức làm sao chế tạo được vũ khí hiệu quả từ các binh công xưởng nằm sâu trong rừng; không có trí thức làm sao hạ bệ được các pháo đài bay siêu hiện đại B52?
Đến thời kỳ xây dựng hòa bình, vai trò của trí thức có phần chững lại vì chính sách bao cấp tràn lan – không chỉ bao cấp trong phân phối lương thực, thực phẩm, mà còn bao cấp cả trong suy nghĩ tư duy. Trí thức phần nào trở nên cùn mòn, thụ động, không ít khi thiên về “ăn theo nói leo”, lấy hư danh, lấy “vinh thân phì gia” làm mục tiêu hướng tới…
Nhiều người trong số họ không còn là tấm gương cho xã hội noi theo. Sự bát nháo, loạn chuẩn trong hành vi ứng xử của xã hội không còn là chuyện hiếm gặp. Trong giới trí thức– kể cả những người xưa nay vốn được nể trọng như thày giáo, thày thuốc, cũng tồn tại không ít những vị quá coi trọng đồng tiền, không từ nhiều chiêu trò rút ruột ví tiền còm cõi của người dân tội nghiệp, khiến các danh vị cao quí xưa trở thành đáng bị coi thường hôm nay.
Quản mà như không quản mới giỏi
Nhà báo Thu Hà:Vậy chúng ta cần dọn mình thế nào?
Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Văn hóa chỉ là một thành phần của kinh tế-xã hội. Văn hóa chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn từ mối quan hệ hữu cơ này và ngược lại, nó cũng đóng góp sản phẩm của nó vào kinh tế-xã hội với tất cả hay dở, tốt xấu của thời kinh tế thị trường.
Vậy chúng ta cần phải dọn mình thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, xã hội nào, văn hóa ấy. Kiểm soát con người trong xã hội không gì tốt bằng kiểm soát bằng thượng tôn pháp luật, bằng thiết chế quản lý. Mọi cuộc vận động chỉ mang tính hình thức, duy ý chí, rất ít hiệu quả, thậm chí nhiều khi còn nói dối lẫn nhau, rất phản tác dụng. Sống và làm theo theo Hiến pháp và pháp luật là con đường để chúng ta có được trật tự, có được ổn định.
Đương nhiên, môi trường xã hội phải lành mạnh, và tất cả chúng ta, từ quan chức cấp cao đến thường dân đều phải tuân thủ những quy phạm đó, không ai có thể giẫm đạp hoặc “ngồi xổm” lên pháp luật.
Tôi cứ loay hoay suy nghĩ mãi, chúng ta đã có rất nhiều cuộc vận động này nọ vậy mà dường như sự rối loạn những giá trị vẫn diễn biến. Đây đó trong xã hội, các vụ tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo đang làm nản lòng những nỗ lực của xã hội.
Tại vì sao mức sống thì tăng lên mà chất lượng sống lại tụt xuống? Đã tới lúc không thể kiểm soát bằng các cuộc vận động, những lời kêu gọi hình thức, bằng những phong trào văn hóa mà ngay các vị quan chức phụ trách cũng không tin sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Mà phải kiểm soát bằng cơ chế quản lý, thiết chế quản lý xã hội. Con người và các tổ chức chính trị phải được kiểm soát bằng pháp luật và pháp luật phải nằm trong hình thái cơ chế xã hội đổi mới, phù hợp với những giá trị hiện đại, dân chủ, văn minh, công bằng, văn hóa.
Mà như vậy, giải pháp cho văn hóa không phải là ở văn hóa mà là ở những chính sách… ngoài văn hóa.
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Ngay từ ngày đầu lập quốc, chúng ta có rất nhiều nghị quyết, khẩu hiệu. Mục tiêu phấn đấu sao cho: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một điều vô cùng tốt đẹp. Đến bây giờ đã đạt được chưa ?
Một xã hội văn minh, văn hóa không đơn giản chỉ là việc bắt buộc, cưỡng ép người ta phải theo cái này, làm cái nọ. Mà thực tế đã chứng minh, sự hùng mạnh của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc được ấp ủ từ những hành vi của các công dân từ nhỏ tuổi cho đến người người già. Không có sự phân biệt hay ưu tiên. Cần củng cố cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp để triệt tiêu tham nhũng cũng như gia tăng trách nhiệm của những người đứng đầu.
Muốn một xã hội văn minh, văn hóa còn ở chỗ biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến khác nhau. Đối thoại là cực kỳ cần thiết để hiểu nhau hơn. Chính sự tử tế, chính lối sống văn hoá, và quan hệ tương kính cùng đức tin là nền tảng tạo nên sức mạnh mềm cho mỗi quốc gia phát triển hùng mạnh.
Quản lý mà như là không quản lý mới là giỏi. Đây là chìa khóa thành công của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore và dân tộc Do thái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét