Nhà văn Đắc Trung
Mỗi lần đạp xe qua trụ sở " Thanh tra Chính phủ " trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội tôi lại nghĩ đến " Phủ Khai Phong " trong phim " Bao Thanh Thiên " của Trung Quốc được phát sóng nhiều lần trên các kênh truyền hình Việt Nam.
" Phủ Khai Phong " thuộc triều Tống do Bao Công đảm chức Phủ doãn; là biểu tượng của sức mạnh và sự bền vững của nhà nước pháp quyền có chức năng thanh tra, điều tra phá án, xét xử nghiêm minh mọi hành vi phạm pháp.
Thủ tục rất đơn giản: người kêu oan hoặc khiếu kiện chỉ việc đến tự đánh vào mặt quả trống lớn treo trước phủ, lập tức được mời vào. Có đơn thì trình, không có đơn hoặc mù chữ thì nói. Bao Công đích thân nhận và nghe. Công Tôn Sách ghi chép đầy đủ. Ai nghèo từ xa đến còn được phủ giúp nơi ăn ở hoặc lộ phí đi về. Xét thấy có án là khẩn trương điều tra.
Bộ máy gọn nhẹ: chỉ mình Bao Công, quan đại thần làm chủ. Giúp việc văn thư, trợ lý pháp luật và chăm lo sức khỏe là Công Tôn Sách. Giúp việc điều tra là Triển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ, Vương Hầu, Mã Hán cùng mấy chục sĩ tốt.
Phẩm chất năng lực đều cao: Bao Công nổi tiếng " Thiết diện vô tư " là rường cột của xã tắc, " hắc tinh " của lũ gian thần, được nhà vua tin cậy ban " Thượng gươm bảo kiếm " có quyền " tiền trảm, hậu tấu ", khắp thiên hạ tôn vinh là " Bao Thanh Thiên ". Công Tôn Sách tinh thông pháp luật nhiều mưu hay kế giỏi, chu đáo, cẩn thận được mệnh danh là " Công Tôn Tiên Sinh ". Triển Chiêu võ nghệ cao cường, thẳng thắn cương trực vốn là hiệp khách giang hồ ngưỡng mộ Bao Công nhân cách lớn, hết lòng tận tụy vì nước vì dân mà theo, được nhà vua phong chức Ngự Miêu. Trương Long, Triệu Hổ, Vương Hầu, Mã Hán và tất cả sĩ tốt đều " Dĩ công vi thượng " đồng tâm hiệp lực sẵn sàng sả thân vì xã tắc.
Chức năng lớn, công việc nhiều: số người chỉ thế thôi mà bất kể vụ việc lớn nhỏ nếu vi phạm pháp luật là can thiệp đến cùng đảm trách đủ các khâu từ điều tra, giam giữ, truy tố, xét xử và thi hành án.
Pháp luật không có vùng cấm: mục đích " Vì nước vì dân " lấy " Dĩ công vi thượng " làm phương châm hành động. Bao Công xử án quyết không để oan sai, sót người lọt tội, thực thi pháp luật " Không có vùng cấm ". Những vụ án động trời mà ngày nay ta gọi là " đặc biệt nghiêm trọng " đều được điều tra cẩn thận, xét xử công minh. Kẻ phạm tội bất kể ai, từ cháu ruột của mình, cho tới hoàng thân quốc thích: phò mã con rể vua ( Trần Thế Mỹ ), Thái sư bố vợ vua ( Quách Hòe ), thậm chí ngay cả nhà vua ( Vụ án " Đả Long Bào " ) nếu có tội đều chiểu theo pháp luật nghiêm trị. Sẵn sàng trả mũ áo từ quan trước áp lực can thiệp vô luật của Thái hậu, hoặc Hoàng đế; thậm chí chấp nhận chết để bảo vệ công lý ( vụ án " Tống Địch Thanh" )
" Phủ Khai Phong " là biểu tượng điển hình của kỷ cương pháp trị. Triều Tống tồn tại hơn ba trăm năm. Xã tắc yên ốn, quốc thịnh dân an là nhờ các bậc minh vương như Tống Thái Tổ, Tống Thái Tôn, Tống Nhân Tôn, Tống Thần Tôn luôn kiên trì chủ trương trị quốc bằng pháp luật; nhờ những quan tư pháp thanh liêm chính trực như Bao Công, Vương An Thạch; nhờ những cơ quan công quyền như " Phủ Khai Phong ". Những vua sau, khi Tống Thần Tôn, Bao Công, Vương An Thạch... qua đời pháp luật rệu rã, kỷ cương phép nước buông lỏng triều Tống suy tàn rồi mau chóng rơi vào tay giặc phương Bắc như Liêu, Nguyên thống trị.
Từ lâu trong thâm tâm tôi vẫn coi " Thanh tra Chính Phủ " như " Phủ Khai Phong ". " Thanh " là trong sáng ( thanh minh ), " tra " là xem xét - xem xét mọi việc một cách trong sáng; lại là đơn vị thuộc Chính phủ, cơ quan hành pháp cao nhất. Vậy thì cán bộ ở đây chắc chắn phải được tuyển chọn cẩn thận lắm, nhất là lý tưởng vì nước vì dân và phẩm chất đạo đức. Chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao rất quan trọng và nhiều năm họ đã làm được không ít việc lớn. Giám sát, đôn đốc thường xuyên thanh tra định kỳ hoặc đột xuất uốn nắn những việc làm chưa đúng, phát hiện những sai phạm, kiến nghị xử lý hành chính hoặc truy tố ra pháp luật, thu hồi nhiều tài sản cho công quỹ. Họ đã có những đóng góp không nhỏ để giữ gìn kỷ cương phép nước tạo được niềm tin cậy trong nhân dân.
Nhưng rồi cách đây bẩy năm tại chính cơ quan Thanh tra Chính phủ xảy ra vụ tiêu cực lớn liên quan tới cả người đứng đầu tổ chức. Nghiêm trọng đến mức một phó Tổng thanh tra cùng mấy vụ trưởng bị cách chức và truy tố trước pháp luật thì nhân dân không khỏi băn khoăn. Lẽ nào phẩm chất đạo đức của cán bộ thanh tra đã xuống cấp đến thảm hại như thế? Lẽ nào cơ quan giữ vai trò chống phá tiêu cực lại bị chính tiêu cực hạ gục? Điều đó khiến niềm tin của nhân dân đối với tổ chức và cán bộ thanh tra bị tổn thương nghiêm trọng. Tưởng rằng sau vụ bê bối ấy sẽ được chấn chỉnh, khắc phục. Nhưng tới nay qua hàng loạt bài đăng trên Báo " Người cao tuổi " nhân dân thật không ngờ nhiều tiêu cực vẫn tái diễn nghiêm trọng liên quan tới không ít quan chức; từ việc khuất tất bao biện trong kết luận thanh tra một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu Khí, Điện Lực, Xăng Dầu... đến việc đề bạt cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức vào vị trí lãnh đạo chủ chốt...
Những việc làm trên khiến lòng dân không chỉ băn khoăn mà thật sự lo lắng cho vận nước. Một chế độ mà những người thực thi pháp luật hỏng làm cho pháp luật cũng hỏng theo thì sự sụp đổ tất không tránh khỏi. Vì thế tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức cán bộ thanh tra phải được đặt trên hết. Tự tu rèn phải làm thường xuyên và rất nghiêm khắc. Liệu những cán bộ thanh tra, từ người đứng đầu tổ chức đến mọi nhân viên có dám khai trung thực tài sản của mình: trang trại lớn? Biệt thự nguy nga? Đất đai, nhà cửa? Tiền gửi ngân hàng? Cổ phần, cổ phiếu...từ nguồn thu nào? Có tự nhận việc làm sai trái khi thực thi công vụ để đổi lấy những khoản tiền bất chính? Có dũng cảm tố cáo hoặc chống lại áp lực bao che của mọi thế lực để bảo vệ kỷ cương phép nước? Có đủ bản lĩnh thấy sai, nhận sai và sửa sai? Có học Bao Công trả mũ ô-sa làm đơn từ chức nếu không hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó?
" Phủ Khai Phong " xưa thủ tục rất đơn giản, bộ máy gọn nhẹ, phải đảm nhiệm nhiều việc, trọng trách nặng nề mà họ làm được biết bao việc lớn. Ngành Thanh tra của ta quy mô đồ sộ như thế mà chức năng nhiệm vụ chủ yếu chỉ làm thanh tra thôi lẽ nào lại bất lực trước tiêu cực, thậm chí còn bị chính tiêu cực tấn công, hạ gục? Lẽ nào những người làm thanh tra không cẩm thấy nhân cách và lương tâm nghề nghiệp bị xúc phạm?
Suy cho cùng thành bại vẫn quyết định bởi phẩm chất con người.
Liệu ngành Thanh tra có quyết tâm nghiêm khắc thanh tra chính mình, kiên quyết đào thải " những phần tử thoái hóa biến chất " trong đội ngũ nhằm sạch hóa chính mình trước khi thanh tra và làm sạch hóa người khác? Sao chưa thấy ngành Thanh tra nhận trách nhiệm và nêu biện pháp khắc phục, xử lý những tiêu cực lớn diễn ra ở chính cơ quan mình?
Những câu hỏi này kính chuyển đến Tổng Thanh tra Chính phủ.
Xem phim " Bao Thanh Thiên " tôi tự nhủ: dù cách ta đã gần hai nghìn năm, nhưng về những mặt nào đó ước gì " Thanh tra Chính phủ " ngày nay được như " Phủ Khai Phong " ngày xưa?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét