Hoàng Tuấn Phổ
Theo blog Tuấn Công thư phòng
Theo blog Tuấn Công thư phòng
Bộ luật Hồng Đức được xem là tiến bộ nhất, khoa học nhất của nghìn năm phong kiến nước ta. Các triều vua Lê kế tiếp dẫu ban thêm một số điều có tính bổ sung, về cơ bản vẫn tuân theo hình luật Hồng Đức. Chắc chắn bộ luật Hồng Đức không phải là một “sáng tác” hoàn toàn mới(1).
Tuy không còn Hình thư đời Thái tổ, Thái tông, Nhân tông để đối chiếu, nhưng bằng phương pháp gián tiếp, chúng ta có thể biết luật Hồng Đức kế thừa như thế nào luật Thuận Thiên(2).
Ví dụ : Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép việc đời Lê Thái tông : “Có bảy tên can tội tái phạm ăn trộm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử trảm. Bọn đại tư đồ Lê Sát thấy giết người nhiều quá, trong lòng ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa, cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người sợ không phải việc đức tốt. Kinh Thư có câu: “Yên chỗ lòng nên dừng của ngươi” (An nhữ chỉ). Sách Truyện có câu: “Giết chỗ nên dừng rồi sau lòng mới định” (Tri chỉ nhi hậu hữu định). Thần xin thuật lại nghĩa chữ “chỉ” để bệ hạ nghe: chỉ nghĩa là yên chỗ đáng dừng, như trong cung là chỗ bệ hạ yên dừng, hoặc khi ngự ra chỗ khác thì không thể ở yên mãi được, lại phải trở về trong cung, thì mới yên chỗ dừng, tuy có khi ra oai giận dữ, nhưng không thể lâu được. Xin bệ hạ lưu tâm câu nói của thần”. Bấy giờ các ông Lê Sát, Lê Ngân nói: “Ông có nhân nghĩa, có thể cảm hoá kẻ ác thành người thiện, hãy giao những kẻ ăn trộm ấy nhờ ông cảm hoá cho”. Bèn bảo Nguyễn Trãi nhận những tù nhân ít tuổi ấy. Nguyễn Trãi nói: “Những kẻ ấy là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp luật của triều đình còn không thể trừng giới được, huống chi bọn chúng tôi ít đức, cảm hoá thế nào được”. Lâu sau phán chém hai tên, còn 5 tên xử lưu”.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy theo luật Lê sơ rất nghiêm đối với tội ăn trộm. Lần đầu trừng phạt để răn đe, tái phạm mà không giáo hoá được thì phải xử chém và không kể nhiều tuổi hay ít tuổi. Ở chương “đạo tặc gian dâm” của hình luật Hồng Đức có điều “ăn trộm, ăn cướp xử lưu viễn châu’’...“Kẻ trộm tái phạm thì xử chém”.Luật Hồng Đức cũng không phân biệt tuổi thành niên hay vị thành niên. Như vậy, về tội ăn trộm thường, luật Hồng Đức đã kế thừa luật Thuận Thiên. Chỗ mới của Luật Hồng Đức là thêm điều luật giao buộc trách nhiệm cha mẹ đối với con cái: “Con cái ở với cha mẹ mà đi ăn trộm thì cha mẹ bị xử biếm, đi ăn cướp thì cha mẹ bị xử đồ. Việc nặng hơn nữa thì xử thêm bậc (xử gia). Đều phải đền thay tang vật. Nếu con đã ở riêng, cha mẹ cũng bị xử phạt biếm. Nếu đã trình quan mà còn để con ở nhà (không đem lên nộp quan) thì kể như chưa trình”... Nêu cao trách nhiệm cha mẹ đối với con cái để không phạm tội, nếu trót lỡ phạm tội thì không tái phạm là nét tiến bộ của luật Hồng Đức.
Một chuyện khác:
“Lê Quán Chi, con trai của đại đô đốc Lê Khuyển, ban đêm họp nhau đánh giết người ở đô thị. Việc phát giác, bị hạ ngục, cung khai dây dưa đến nội quan và con trai người chức trách đến hơn 10 người. Án sắp xong, Thái hậu cho rằng Lê Khuyển là bậc đại thần giữ cấm binh, nhà vua ỉ trọng, nếu giết con sợ đau lòng cha, bèn làm trái phép tha cho, chỉ thu tiền đền mạng, trả cho người chết thôi. Gián quan Lê Lâm (trách nhiệm khuyên can vua làm điều sai trái) im mồm không dám nói, thậm chí có những trẻ con ở đô thị day tay nói rằng: “Ta giận không được làm đài quan!” (Đài quan tức quan ở Ngự sử đài chuyên việc can gián vua, hạch tội quan chức sai phạm ).
Ở chương “Luật trái phép và phạm tội vặt” của bộ luật Hồng Đức có điều luật: “Quan đại thần và các quan tâu việc, nếu biết việc không tiện hay có hại cho quân dân mà không cố sức can ngăn xin sửa đổi thì xử biếm bãi. Nếu a dua xuôi theo ý vua, lui ra rồi mới nói sau, thì xử đồ lưu”. Nếu căn cứ vào luật Hồng Đức, trường hợp trên, các quan xử án tội nặng thành nhẹ theo ý vua, tất phải chịu tội biếm, bãi (biếm là hạ thấp tư cách, bãi là bãi chức về làm dân thường). Còn gián quan Lê Lâm a dua theo ý vua, chắc phải mang tội nặng hơn một bậc như tội đồ chẳng hạn (đồ là tù đầy làm khổ dịch). Điều luật này rất quan trọng, ngăn vua không ỉ quyền tối thượng làm trái pháp luật, và trừng trị kẻ làm quan không làm đúng phận sự.
Đầu đời Lê (Thái tổ, Thái tông, Nhân tông), tội tham ô, hối lộ xử rất nặng. Lê Thái tổ định luật: “Tội nhân nhận hối lộ 1 quan tiền phải xử án chém”. Năm 1435 đời Thái tông, chuyển vận sứ huyện Thuỷ Đường là Nguyễn Liêm nhận lễ đút lót của người ta hai tấm lụa, bị khép tội chết. Con của Liêm nhận chết thay cha, triều đình không cho. Vấn đề ở đây là tại sao Lê Thái tổ bản chất nhân hậu lại định ra hình phạt quá nặng? Là vì sau 20 năm đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhân dân ly tán, kho tàng rỗng không, giá trị 1 quan tiền là lớn lắm. Lê Thái tổ còn định luật đánh bạc, chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ, chặt bàn tay 2 phân, kẻ vô cớ họp nhau uống rượu, phạt 100 trượng, kẻ dung túng tội giảm một bậc.
Bấy giờ bọn du thủ du thực, bọn vô nghệ nghiệp, bọn có tiền bạc ăn không ngồi rồi khá đông. Họ đã không làm gì lợi cho nước còn gây hại cho dân. Bởi thế năm 1427, khi Xương Giang, Cổ Lộng, Chí Linh còn chưa giải phóng, Tây Đô, Đông Quan còn trong tay giặc và 20 vạn quân Minh sắp tràn qua biên giới, vị lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn đã ban lệnh: “Cho dân lưu tán được về nguyên quán cày cấy, kẻ nào không có ruộng nương đều cho cho được đi buôn bán, kẻ nào bỏ nghề nghiệp sẽ bị trị tội nặng...” Đã ban lệnh mà không tuân theo thì phải định luật. Lệnh đã nói trị tội nặng thì luật phải trị tội nặng. Nếu không, không thể nghiêm phép nước. Công-tôn Tử Sản, chính trị gia nổi tiếng đời Xuân Thu Trung Quốc nói: “Làm chính trị phải rộng rãi để đi đến nghiêm ngặt, phải nghiêm ngặt để đi đến rộng rãi” (Khoan dĩ tế mãnh, mãnh dĩ tế khoan). Riêng trong hình luật, Lê Thái tổ đã chứng tỏ ông là một chính trị gia giỏi, biết lúc cần pháp trị thì không thể đức trị.
Lê Thánh tông rất ghét tham ô, hối lộ. Nhưng triều đại Lê Thánh tông, đất nước đã khác xa triều đại Lê Thái tổ, hình luật tất phải đổi khác. Theo đà phát triển của đất nước, tham ô hối lộ cũng phát triển và biến hoá khó lường. Có lẽ vì thế, luật Hồng Đức không đặt riêng một chương hay mục về tham ô hối lộ. Nó nằm rải ở các chương mục, bởi mọi nơi, mọi việc đều có thể nảy sinh tham ô hối lộ. Các hành vi vợ con quan chức nhận đồ tặng biếu, bản thân quan chức yêu sách tiền bạc hay nhận của đút lót, đều thuộc tội danh tham ô, hối lộ, tuỳ tội nặng nhẹ, trừng trị theo 5 bậc:biếm, bãi, đồ, lưu, tử. Ví dụ: vợ con, người nhà quan chức mượn cớ mua bán để quấy nhiễu nhân dân, nhận đồ tặng biếu thì xử biếm bãi, tức hạ bớt tư cách, kèm theo đánh bằng gậy và bãi chức làm dân thường. Quan lại yêu sách hối lộ thì xử đồ (tù đầy), lưu (phát vãng) hay tử (tử hình).
Luật Hồng Đức giành riêng một chương về “Luật bắt bớ và xử án” là một trong những chương luật rất bổ ích đối với công việc hình án hiện nay. Hãy nói về việc xử án mà dư luận chung rất bất bình đối với những vụ hình sự xét oan sai. Báo Pháp Luật Việt Nam số 302 ngày 18-12-2006 viết về xét xử vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” đối với Nguyễn Minh Hùng. Toà án ND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm tuyên án Nguyễn Minh Hùng tử hình, toà phúc thẩm TAND thành phố Hồ Chí Minh tuyên huỷ bản án vì chứng cứ buộc tội không rõ ràng, còn nhiều mâu thuẫn, cấp sơ thẩm không cho các bị cáo đối chất để làm rõ lời khai có liên quan đến xác định hành vi của Nguyễn Minh Hùng. Toà phúc thẩm TAND thành phố HCM trả lại bản án yêu cầu xét xử lại. Ngày 31-5-2006, toà án nhân dân xét xử sơ thẩm lần hai vẫn xác định đủ căn cứ để buộc tội Nguyễn Minh Hùng “vận chuyển trái phép chất ma tuý” và HĐXX vẫn tuyên phạt Hùng mức án tử hình! Toà phúc thẩm TAND thành phố HCM đã phải hoãn phiên xét xử phúc thẩm lần 2 để làm rõ thêm “vấn đề” vì có nhiều chứng cứ chứng minh tính ngoại phạm của Nguyễn Minh Hùng.
Tại sao HĐXX của TAND tỉnh Tây Ninh cố ý buộc tội tử hình đối với Nguyễn Minh Hùng mặc dù không đủ chứng lý? Nếu rồi đây, toà phúc thẩm lần 2 của TAND thành phố HCM, sau thời gian điều tra thận trọng, kỹ càng, tuyên bố Nguyễn Minh Hùng vô tội, thì HĐXX của TAND tỉnh Tây Ninh có phải đem ra xét xử hay không ?(3)
Theo luật Hồng Đức, trường hợp trên thuộc điều luật “cố ý mở, khép tội người” nghĩa là người không đáng tội mà buộc tội, kẻ đáng tội mà tha bổng, hoặc tăng tội nhẹ làm nặng, giảm tội nặng thành nhẹ. Nếu lỗi ở ngục lại không cẩn thận kiểm xét đối chiếu thì bắt tội ngục lại; nếu lỗi ở ngục quan xét xử không minh thì bắt tội ngục quan; nếu là hình quan xử hình không đúng thì bắt tội hình quan; nếu lỗi ở quan tri từ tụng (viên quan phúc thẩm các việc hình án) xét hỏi lại không cẩn thận thì viên quan ấy phải chịu tội...Mức tội phải chịu phạt như thế nào? Có thể tóm tắt một câu: Người xét xử làm người ta oan sai phải chịu tội giảm một bậc so với tội người ta bị oan sai!
Đời Lê Thánh tông, hình án bị bỏ ứ đọng nhiều. Luật Hồng Đức ghi: Kỳ hạn xét xử: việc trộm cướp 3 tháng, việc mưu giết người 4 tháng, việc ruộng đất 3 thángv.v...đều tính từ ngày đòi bắt bị cáo. Nếu để quá kỳ hạn 1 tháng thì xử biếm., quá 3 tháng thì xử bãi (bãi chức), quá 5 tháng thì xử đồ (tù đày). Nếu nguyên nhân bị bỏ quá hạn do nguyên cáo hay bị cáo đòi bắt không đến thì người xét xử được xử theo cáo trạng hoặc theo luật vu cáo. Luật bỏ ứ đọng án thi hành rất nghiêm, ví dụ: quan hình án Nguyễn Văn Kiệt, Lê Bá Viễn mỗi người bị biếm một tư, đánh 50 roi, Trình Công Đức, Phạm Phúc phải tội đánh 50 roi. Trình Duy Nhất không kiểm xét kiện tụng đến nỗi nhiều án bỏ đọng, cố sức biện bác: “Thần giữ chức pháp quan, sợ rằng việc hình án xử nhanh thì khinh suất, sẽ có sự oan uổng nên để chậm mà xét kỹ, không giám cố ý bỏ ứ đọng”. Lê Thánh tông vẫn chiếu luật xử biếm Trình Duy Nhất 2 tư (giáng chức 2 bậc), đánh 80 trượng. Đối với quan chức cấp cao làm việc lâu năm trong triều, Lê Thánh tông xét thấy làm việc không cố gắng hết sức hoặc tài đức không xứng chức thì bắt phải thi khảo. Ví dụ: Tháng giêng năm 1468, các quan bộ hình là Phạm Nại, Đoàn Văn Thông và 18 người coi việc hình án xảy ra nhiều chuyện oan sai, để nhiều vụ ứ đọng, đều bị phế truất làm dân thường.
Lại có luật “chuộc tiền”. Có 3 trường hợp phạm tội được chuộc tiền:
1) Các quan có trách nhiệm cai quản viên chức hay quân dân mà phạm tội do sơ suất, sai lầm, thì từ tội “lưu” trở xuống cho được chuộc tội bằng tiền (tức là trừ tội tử không được chuộc)
2)Người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và người tàn tật mà phạm tội lưu trở xuống thì cho chuộc tội bằng tiền.
3)Người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người tàn tật nặng (như điên cuồng, rồ dại, cụt cả tay chân, mù cả hai mắt) mà phạm tội phản nghịch, giết người, đáng xử tử thì phải tâu thỉnh lên vua để vua quyết có cho chuộc hay không. Những người ấy phạm tội ăn trộm hay đánh người bị thương thì cũng cho chuộc.
Trong luật chi rõ mức tiền chuộc cho từng hình phạt đối với quan lại và dân thường, tuy cùng một tội danh, người phạm tội chức tước càng cao, tiền chuộc cũng càng cao. Cho đến tội tử hình cũng được chuộc với số tiền 330 quan.
Có ý kiến cho rằng luật chuộc tiền không công bằng, người phạm tộ có tiền trở nên vô tội. Không đúng. Vì không phải tội nào cũng được chuộc bằng tiền. Chỉ có 3 hạng người: trưởng quan sơ suất, lầm lỡ, người già, trẻ em, người tàn tật, chẳng may phạm tội, tình rất đáng nên thương, nhưng luật không thể tha miễn, nên cho chuộc bằng tiền để tỏ lòng nhân. Đó cũng là trong pháp trị có đức trị vậy.
Nhận xét về bộ luật Hồng Đức, nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Các mục luật văn...gồm hơn 700 điều, thật rất rõ ràng, đầy đủ, dùng để nêu thể lệ xét xử, thích hợp với dân tình, cân nhắc và thêm bớt, cho nên đủ để đối phó các trạng thái biến hoá và ngăn ngừa nhân dân làm bậy”
Cần nói thêm: tính ưu việt của văn bản luật chỉ mới là phần nửa của đời sống pháp luật. Nhà Lý đặt Hình thư. Nhưng Lý Thánh tông bảo ngục lại: “Ta làm cha mẹ dân, lòng yêu dân cũng như yêu con ta đây. Nhân dân vì không biết mà sa vào hình pháp, ta rất thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng, tội nhẹ, đều nên khoan hồng”. Tất cả kẻ phạm tội đều nên khoan hồng thì còn gì là hình luật ? Hình luật là từ gốc Hán. Theo lối viết tượng hình, chữ “Hình” gồm chữ “tỉnh” (cũng gọi là bộ “tỉnh”) là cái giếng, bên cạnh chữ “đao” (cũng gọi là bộ “đao”) là con dao. Theo các nhà nghiên cứu kim thạch văn, giáp cốt văn của Trung Quốc, thời cổ Trung Quốc, một lý là một làng, rộng một dặm vuông, chỉ có một cái giếng, khi múc nước rất mất trật tự, quan phủ phải sai lính cầm đao đứng gác bên bờ giếng để răn đe và trừng trị kẻ gây rối loạn. Chữ “Hình” do đó, nghĩa gốc là trừng trị, nghĩa mở rộng thành hình luật rồi pháp luật. Cho nên thời phong kiến, đời nào cũng nêu lên thành hình luật để trị nước an dân. Tuy nhiên hình luật phụ thuộc vào chế độ chính trị, tình hình xã hội, và quan điểm pháp luật của ông vua cầm quyền. Thiên về đức trị thì hình luật quá nhẹ như nhà Lý. Thiên về pháp trị thì hình luật quá nặng như nhà Nguyễn. Cùng miếu hiệu Thánh tông với Lý Thánh tông nhưng khác họ, vua Lê Thánh tông chủ trương biên soạn hình luật, và nói: “Nước mà không có thưởng phạt thì dù là vua Nghiêu, vua Thuấn cũng không cai trị được thiên hạ”. Ông còn nói: “Đặt luật để trừng phạt kẻ gian, sao có thể dung tha được bọn coi thường pháp luật”. Không phải Lý Thánh tông nhân hậu hơn Lê Thánh tông. Đó là phương pháp cai trị đất nước có chỗ khác nhau.
Có lẽ chỉ có Lê Thánh tông mới dám tuyên bố trước triều thần của ông: “Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi phải cùng theo!” Đó là một trong những bí quyết thành công của Lê Thánh tông trong trị nước an dân, đưa ông lên ngôi vị minh quân bậc nhất dưới chế độ phong kiến Việt Nam./.
H.T.P
................................................
Chú thích:
1. Hình luật nhà Lê buổi đầu dĩ nhiên không thể không tham khảo Quốc triều hình luật nhà Trần, Hình thư nhà Lý và cả hình luật các triều đại Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh bên Trung Quốc.
2.Quốc triều hình luật không phải là một thuật ngữ khoa học. Đó là cách gọi, cách viết của người đương thời về hình luật hình thư của triều đại mình. Khái niệm mang tính phiếm xưng, phiếm chỉ, ví dụ: trước nhà Lê, nhà Trần cũng có hình thư gọi là Quốc triều hình luật. Đối tượng nghiên cứu ở đây chính là Hồng Đức hình luật, mở rộng ra là Lê triều hình luật.
3. Thời điểm Hoàng Tuấn Phổ viết tham luận này (14/3/2007), vụ án oan Nguyễn Minh Hùng chưa có hồi kết. Một năm sau 13/6/2008, do không tìm được chứng cứ buộc tội, VKS nhân dân tỉnh Tây Ninh đã hủy biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng. Ngày 18/11/2008, Nguyễn Minh Hùng đã được Công an tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.
Tuy nhiên, những người gây nên oan trái, đau khổ cho Nguyễn Minh Hùng không rõ bị xử lý ra sao. Tìm bài về Nguyễn Minh Hùng tại đây. (Chú thích này của Hoàng Tuấn Công)
Tài liệu tham khảo:
-Đại Việt sử ký toàn thư-Kỷ Lê sơ.
-Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú-Phần Hình luật chí.
-Quốc triều hình luật (nhà Lê)
-Đại Nam thực lục chính biên (Thực lục về Gia Long) v.v....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét