“Thường rau mầm trồng ở ruộng thì phải gần 2 tuần mới thu hoạch được nhưng nếu dùng thuốc kích thích thì chỉ mất 4 - 5 ngày, rau đẹp và bắt mắt hơn. Có những loại thuốc chỉ phun một đêm là thu hoạch được rau”, một người trồng rau ở Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho biết.
Vỏ thuốc ngập đồng rau
Đúng như những gì người trồng rau này nói, rất nhiều hộ nông dân trồng rau đã sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Ở các vựa rau trên địa bàn Thủ đô, không chỉ Dương Nội mà các nơi khác như Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm, Từ Liêm… đâu đâu cũng thấy vỏ các loại thuốc kích thích rơi vãi khắp bờ ruộng.
Tại Dương Nội, chúng tôi nhận thấy khá nhiều vỏ bao thuốc trừ sâu, thuốc kích thích in tiếng Việt, in chữ nước ngoài (chủ yếu là chữ Trung Quốc) vứt đầu bờ ruộng của nông dân. Có vỏ bao đề “đặc trị bệnh khô vằn, DUO XIAO MEISU”, là loại thuốc dùng đặc trị bệnh khô vằn trên cây lúa nhưng vẫn được phun tràn lan cho rau.
Bên cạnh đó là vỏ loại thuốc AGRNIL 75 WP phân phối của Công ty CP JIA NON BIOTECH. Loại thuốc này trị bệnh nấm trên lúa và dưa hấu, không dùng cho rau nhưng cũng được phun cho rau.
Đặc biệt, có cả vỏ thuốc trừ sâu dạng lọ nhãn hiệu BONNUS thành phần chlorpyrifos Ethyl 40% được cảnh báo “độc cao”, nhà sản xuất nguyên liệu là Zheiang Dongfeng Chem Co cũng được vứt ở các con mương dẫn nước. Loại thuốc này diệt các loại sâu cho cây công nghiệp, cây lúa nhưng lại được người ta dùng để phun cho… rau cải.
Một số nông dân đã dùng thuốc để kích thích rau tăng trưởng.
Tại các vựa rau An Khánh, Song Phượng, Vân Canh (thuộc huyện Hoài Đức) và Ninh Sở (huyện Thường Tín)... rau mầm gieo bằng các loại hạt giống như: cải bẹ xanh, cải ngọt, rau muống, rau dền, củ cải, cải đắng... cũng được “tắm” loại thuốc “lạ”. Chúng tôi có mặt ở An Khánh sáng 23/3, ruộng rau muống vừa mới được hái tận gốc.
Chỉ hai ngày sau, vào sáng 25/3, ruộng rau này đã lại được thu hoạch thêm một lần nữa. Chủ ruộng rau giải thích: “Do thời tiết mấy hôm nay mưa phùn, nhiệt độ tăng nên rau phát triển nhanh”.
Nhưng thực tế, không hẳn như những gì chị này nói. Khá nhiều ruộng rau ở vựa rau ở huyện Hoài Đức đã dùng loại thuốc có nhãn hiệu
“GREENDELTA-19” với những dòng chữ giới thiệu “siêu to, siêu ngọt, mã đẹp”, “vào quả nhanh, xuống củ mạnh” nguồn gốc châu Âu. Ngoài ra còn có loại SAHKATI ghi sản phẩm của Ấn Độ với dòng quảng cáo: “Dưỡng cây, dưỡng trái, nuôi hạt, phì củ”.
Công nghệ “trồng rau một đêm”
Chị Thủy, một thương lái rau chuyên thu mua rau từ vựa rau Ninh Sở, huyện Thường Tín để rải các chợ đầu mối khu vực Hà Đông tiết lộ: “Lạ gì việc người ta dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Ví dụ với cây hành, người trồng thường dùng loại viên sủi, cứ 4 ngày bơm một lần, khi thu hoạch hành rất đẹp lá. Rau đắt thì bơm kích thích càng nhiều, nhất là dịp cuối năm, trồng bao nhiêu cũng không đủ bán”.
Chị Thủy cho biết thêm: “Các loại thuốc kích thích bán rất nhiều ở các đại lý thuốc trừ sâu, thuốc thú ý… Phải đến hàng chục loại thuốc kích thích cho rau như C sủi loại 502, 702 dùng phun hành tỏi hiệu nghiệm lắm; các loại khác thì dùng để kích củ, quả.
Trồng rau luôn phải tưới nước hàng ngày để kích thích rau phát triển nhanh. Ảnh: HP
Bây giờ, nhiều người trồng rau đang chuộng loại thuốc có tên là "vươn cành", nghe nói loại này có xuất xứ từ Trung Quốc, vừa rẻ vừa hiệu quả siêu nhanh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại thuốc “vươn cành” có 2 loại: một loại viên sủi và một loại nước. Loại viên sủi có giá 9.000 đồng/ viên, thả vào nước sẽ tan. Loại nước được đóng trong lọ nhỏ khoảng bằng ngón tay, không màu, không mùi và giá bán chỉ 5.000 đồng/ lọ.
Theo “quảng cáo” của chị Thủy, những loại thuốc này đạt kỷ lục tăng trưởng mà người lạ lần đầu chứng kiến sẽ “trố mắt ra”. Chỉ cần phun thuốc thì sau một đêm, ngọn rau có thể dài thêm 20cm, xanh non mơn mởn; thậm chí về đêm nếu soi đèn quan sát có thể thấy được ngọn rau dài ra bằng mắt thường(?). Thuốc “vươn cành” được phun vào buổi chiều hàng ngày.
Đến khoảng 22h, những luống rau bắt đầu dày lên, ngọn dài ra, lá non hơn. Quan sát 30 - 45 phút, thấy ngọn rau dài ra khoảng 3 - 4 cm, những búp hoa cải bắt đầu nở xòe. Nếu là ngọn rau bí sẽ vươn dài ra cả gang tay. 4h sáng, người ta hái rau. Từ 5h trở đi, rau đã có mặt tại các chợ đầu mối ở Hà Nội.
Được biết, loại thuốc được dân trồng rau gọi với cái tên: thuốc "tăng phọt" (hay “kích phọt”), là hoạt chất bảo vệ thực vật sinh học thuốc nhóm độc U, gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người tiếp xúc, hấp thụ. Tuy nhiên, người trồng rau hoặc là mặc kệ, hoặc là không biết hết tác hại của những loại thuốc này và vẫn mua về sử dụng hàng ngày.
“Ở ruộng, nông dân có thuốc riêng. Ở chợ, các bà bán buôn cũng có thuốc riêng. Đó là thuốc bảo vệ rau quả. Nó cũng rẻ mà “tốt”. Loại thuốc có tên GA3, dù cho thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 10 độ C, hoặc rau có ế cả tuần cũng tươi xanh mơn mởn.
Một gói GA3, kết hợp với một gói thuốc trừ sâu được pha vào khoảng 5 lít nước, sau đó được hòa tan và phun trực tiếp cho cây trồng. Đối với các loại rau đã hái, chỉ cần phun nhẹ thuốc này với tỷ lệ loãng hơn thì rau tươi xanh cả tuần”.
Chị Thuỷ, lái buôn rau thâm niên 20 năm ở Hà Nội
Theo Hà Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét