14 tháng 3, 2014

Thư ngỏ gửi nhà thơ Thuận Hữu

Bùi Minh Quốc

Thư ngỏ dưới đây tôi viết cách đây 2 năm gửi cho Thuận Hữu, tổng biên tập báo Nhân dân. Thuận Hữu thuở nào là người bạn chung của chúng ta đã từng cùng nhau chia sẻ bao niềm tương tri tương đắc.Nay thì…Dù sao, tôi cũng nhờ Quê Choa công bố lại bức thư này, với một phần trăm, một phần nghìn hy vọng, một đêm nào đó, một phút lắng lòng nào đó, Thuận Hữu mở mắt đối diện với linh hồn các liệt sĩ Gạc-ma hiện về…
14/03/1988, hai mươi bốn năm trước, giặc bành trướng hạ sát 64 chiến sĩ ta để chiếm đảo đá chìm Gạc – ma của ta.
Cứ mỗi lần xem lại clip hình ảnh này, lòng tôi lại trào lên bao đớn đau căm giận.Và cảm phục vô cùng những người lính đã ngã xuống giữa lòng biển của Tổ Quốc mới thanh bình chưa được bao lâu sau hơn ba mươi năm chiến tranh.Và càng thấm thía hơn thế nào là Tổ Quốc.
Tổ Quốc Việt Nam yêu dấu ngàn năm !
Và tôi nhớ đến Thuận Hữu.
Nhớ Thuận Hữu người lính hải quân quê biển Nghi Xuân tham gia giải phóng Trường Sa tháng 4.1975. Nhớ Thuận Hữu người lính hải quân sau những năm đồn trú dạn dày sóng bão Trường Sa hiên ngang trở về bước vào làm sinh viên khoa văn đại học tổng hợp Hà Nội rồi nối gót các bậc đàn anh Chu Cẩm Phong (khóa 5, đã hy sinh), Nguyễn Phú Trọng (khóa 8) thành người chiến sĩ cầm bút, phóng viên thường trú báo Nhân dân – báo Đảng tại Đà Nẵng. Nhớ Thuận Hữu người chiến sĩ làm thơ (nay gọi thi sĩ – chiến sĩ) nổi tiếng với bài thơ tình độc đáo “Những phút xao lòng” lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Đất Quảng (1984). Nhớ những đêm chúng mình ngồi trên ban công nhà 1b Ba Đình Đà Nẵng, có cả anh em nhà Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh (thường gọi Cu lập, Cu Vinh) nghe Thuận Hữu kể về những vụ bê bối động trời ở hậu cần Quân khu 5, về thái độ khúm núm của một cấp chỉ huy rất to tặng quà cho phóng viên báo Đảng Thuận Hữu để mong được lờ đi. Chén rượu Ba Đồn cực ngon Lập Vinh đem từ quê vào bỗng đắng ngắt trong miệng. Một nỗi phẫn nộ ngút trời nén thành im lặng. Nhớ những đêm Thuận Hữu thức trắng cố đánh giúp tôi cho xong một bản thảo quan trọng đem từ Đà Lạt xuống để tôi kịp đem ra Hà Nội trong chuyến đi xuyên Việt tháng 11.1988. Thuận Hữu nhiệt thành không chỉ vì cái tình anh em giữa chúng ta mà còn vì rất tâm đắc với nội dung bài viết – Thuận Hữu bảo thế khi trao cho tôi 7 xấp bản đanh máy với co chữ rất đẹp và rõ của cơ quan thường trú báo Đảng.Ấy là bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của nhà khoa học Hà Sĩ Phu (nghe nói về sau Thuận Hữu đã bị kiểm điểm về cái vụ đánh máy giúp tôi đó).
Đã 24 năm, từ khi những người lính Trường Sa của chúng ta bị giặc bành trướng sát hại trên đảo đá chìm Gạc – ma.
Đã 24 năm từ những đêm người cựu chiến sĩ Trường Sa ngồi thức trắng đánh máy bản thảo của nhà khoa học Hà Sĩ Phu.
Thuận Hữu nổi tiếng từ “những phút xao lòng” càng nổi tiếng hơn khi thành ủy viên trung ương và tổng biên tập báo Nhân dân.
Ai chẳng có những phút ngoài chồng ngoài vợ
Nào có trách chi những phút xao lòng
Trong tình cảm riêng tư, ta đâu nỡ trách nhau.
Nhưng với Nhân dân, với Tổ Quốc, liệu có được phép xao lòng nhạt nghĩa?
Tác giả “Những phút xao lòng” vào trung ương, làm tổng biên tập báo Đảng đã hơn một năm.Trong huyết quản tổng biên tập Thuận Hữu, liệu còn bao nhiêu độ thắm của dòng máu người lính Trường Sa ? Trên báo Nhân Dân, dưới mỗi dòng chữ, liệu có còn đập trái tim của người lính Trường Sa ?
                                                                                       Đà Lạt 23g33 đêm 13.03.2012

Không có nhận xét nào:

Trang