18 tháng 3, 2014

Cô giáo chui vào ni lông qua suối: Chính quyền địa phương nói gì?

"Khi nằm trong túi bóng, không khí hầu như không có, nó cứ chao đảo, rất sợ, tôi không dám mở mắt ra nhìn. Đến bờ các anh bảo đến bờ rồi tôi mới biết là mình sống”, cô Minh kể lại cảm giác lần đầu chui vào túi bóng qua sông.

Trong phóng sự "Chui vào ni lông để ... qua suối" trên báo Tuổi trẻ, cô Tòng Thị Minh, giáo viên trường mầm non Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Đầu tháng 9 năm ngoái, cô được phân công công đến đây công tác. Hôm đó trời mưa, cô phải đi bộ 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Khi đến bờ suối, nước lũ chảy cuồn cuộn, chưa biết phải vượt qua bằng cách nào thì cô được hai thanh niên giúp đỡ bằng cách cho ngồi vào túi bóng rồi kéo qua sông.
“Tôi rất lung túng, nghe lời các anh chui vào túi đó và các anh túm lấy đầu túi bóng kéo tôi qua dòng nước lũ đó. Khi nằm trong túi bóng, không khí hầu như không có, nó cứ chao đảo, rất sợ, tôi không dám mở mắt ra nhìn. Đến bờ các anh bảo đến bờ rồi tôi mới biết là mình sống”, cô Minh kể lại cảm giác lần đầu chui vào túi bóng qua sông.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Khang, chủ tịch UBND xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cho biết, việc phụ nữ trẻ em, cô giáo qua sông bằng túi bóng đã duy trì 2 năm nay, từ khi chiếc bè mảng người dân đóng để làm phương tiện qua sông bị lũ cuốn trôi. . Với người dân trong bản, việc qua sông như thế này với người miền xuôi là chuyện lạ nhưng với người dân trong bản là “chuyện bình thường”. 
Cô giáo chui vào ni lông qua suối. Ảnh Tuổi trẻ
“Tháng mùa khô mọi người đi bộ qua suối nhưng vào các tháng mùa mưa, nước lũ lên cao, phụ nữ trẻ nhỏ khi qua sông thường bằng cách này. Các cô giáo ở Trung tâm về bản dạy mỗi lần qua sông cũng phải chui vào túi ni lông, có lúc thầy cô kéo nhau, lúc người dân kéo giúp. Với các cô ở xuôi lên thì thấy lạ, hoảng chứ người dân ở đây họ đi suốt nên thấy bình thường. Chúng tôi về bản công tác cũng phải để xe máy lại, lội hoặc bơi qua suối rồi đi bộ hàng tiếng đồng hồ”, ông Khang cho biết.
Ông Khang cũng cho biết, điểm trường mầm non Sam Lang có 5 thầy cô giáo. Ngày thường thầy cô ở lại bản nhưng đến cuối tuần về trung tâm để mua thực phẩm. Hàng năm xã cũng có hỗ trợ dây cáp và xi măng để làm dây leo đi tạm qua sông nhưng đến mùa lũ lại bị cuốn trôi mất.
"Tôi chứng kiến cảnh này nhiều rồi. Hội đồng nhân dân huyện cũng luôn tạo điều kiện giúp đỡ, cũng có kế hoạch đầu tư 2 tỷ làm cầu nhưng chưa có kinh phí. Người dân đi lại qua sông mùa khô bị tai nạn cũng nhiều nhưng chủ yếu bị chấn thương, rất may chưa có trường hợp tử vong. Việc người dân qua sông bằng túi rất nguy hiểm, đã có trường hợp bị tuột tay, thanh niên ở bản phải bơi để đuổi theo. 
Ảnh chụp từ clip chui vào ni lông qua suối. Ảnh Tuổi trẻ
Chúng tôi cũng rất mong lần này với sự vào cuộc của cơ quan báo chí, chính phủ hoặc các nhà hảo tâm sớm hỗ trợ kinh phí làm cầu treo giúp người dân, giáo viên qua sông đỡ vất vả”, ông Khang chia sẻ.
Cũng theo ông Khang, bản Sam Lang có địa hình đồi núi, giáp biên, là điểm nóng về an ninh trật tự nên chính quyền địa phương sớm mong được đầu tư kinh phí, cải tạo đường sá để việc đi lại được thuận lợi.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng giáo dục huyện Nậm Pồ cũng cho biết, khó khăn trong việc đi lại là tình trang chung của các thầy cô giáo ở các trường trong huyện Nậm Pồ. Đặc biệt là điểm trường bản Sam Lang, trong 2 tháng mùa mưa 8-9, nước lũ lên cao, việc đi lại qua suối rất vất vả, nhất là với các cô giáo.
“Trong huyện có hàng trăm điểm trường ở trong bản, giáo viên phải đi bộ 20 km đường rừng mất 4-5 tiếng. Đường nhỏ nên nguy cơ sạt lở rất cao, các tai nạn đe dọa tính mạng xảy ra là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điểm trường ở bản Sam Lang mùa lũ nước lớn nhất, lại không có bè nên việc đi lại rất vất vả và nguy hiểm”, ông Thuận nói.
Cũng theo ông Thuận, hầu hết các điểm trường ở bản chỉ dựng tạm bằng tre nứa, mọi sinh hoạt, dạy và học thiếu thốn, khó khăn. Tuy nhiên, các học sinh rất chăm ngoan, giáo viên gắn bó với trường lớp.
“Các cô giáo không biết bơi, nên nếu cõng thì rất vất vả nên mọi người nghĩ ra cách này còn bình thường thì mọi người lội, bơi để qua suối. Tôi từng chứng kiến cảnh này và rất lo nhưng không biết làm thế nào. Tôi khuyên các cô ít đi lại và sớm mong nhà nước cấp kinh phí xây dựng cầu đường để việc đi lại bớt khó khăn”, ông Thuận mong mỏi.
Câu chuyện "Chui vào túi ni lông để qua suối" đăng trên báo Tuổi trẻ hôm nay khiến độc giả thót tim, lo lắng cho sự an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em mỗi lần qua suối.
                                                                                                                                    H.Minh

Không có nhận xét nào:

Trang