2 tháng 3, 2014

Những câu chuyện bí ẩn về giấc mơ

Giấc mơ luôn là một trong những điều bí ẩn của nhân loại. Mọi nền văn hóa trên thế giới đều có những câu chuyện riêng để giải thích về điều bí ẩn này.
Baku trong thần thoại Nhật Bản
Trong thần thoại Nhật, Baku là một con vật ăn giấc mơ. Nó thường tới nhà vào lúc nửa đêm và ăn những cơn ác mộng của người đang ngủ. Nó thường được mô tả với hình dáng giống loài lợn với chiếc mũi rất dài. Trong thế giới của các giấc mơ, Baku là linh hồn bảo vệ con người khỏi nỗi sợ hãi của ác mộng.
Câu truyện về Baku bắt nguồn từ Trung Quốc và được đưa đến Nhật Bản vào thế kỉ 14. Từ đó, hình ảnh con vật này chuyển đổi dần theo thời gian. Tới thế kỉ 17, hình dáng Baku trở thành một con chimera - chân hổ, đầu voi và mắt tê giác. Tên của nó cũng chuyển thành Mo. Và người ta cho rằng để có thể được nó bảo vệ, bạn phải vẽ hình của nó trước khi chìm vào giấc ngủ.
Morpheus trong thần thoại Hi Lạp
Có rất ít nền văn hóa tập trung sâu vào thế giới giấc mơ như người Hi Lạp. Như hầu hết mọi mặt cuộc sống, họ có một vị thần đại diện cho giấc mơ, đó là Morpheus. Ông là con của Hypnos, vị thần của giấc ngủ và Morpheus có khả năng nhập vào giấc mơ của người thường để chuyển các thông điệp của các vị thần. Morpheus xuất hiện lần đầu trong bài thơ Metamorphoses, được viết bởi nhà thơ Ovid vào thế kỉ thứ nhất.
Dù Morpheus có thể mang hình dáng con người khi truyền tải thông điệp, hình dáng thực của ông là một người giống quỉ với đôi cánh màu đen khổng lồ để di chuyển giữa các giấc mơ. Morpheus được chọn làm sứ giả vì trong hàng nghìn đứa con của Hypnos, ông là người có thể giả trang thành con người giống nhất.
Mara trong thần thoại Tây Âu
Trong thần thoại Tây Âu, "mara" là một hồn ma ác ngồi trên ngực một người đang ngủ, khiến họ khó thở và biến các giấc mơ thành cơn ác mộng. Nó xuất hiện dưới nhiều hình dạng trong các nền văn hóa này, dù tên và mô tả về nó thay đổi tùy vào các nền văn hóa khác nhau.
Đáng chú ý nhất, từ trong tiếng Anh của nó là "mare", là khởi nguồn của từ "nightmare" (ác mộng). Người Croatia tin rằng mara có hình dạng của một phụ nữ xinh đẹp vào ban đêm. Nó đi vào giấc mơ của đàn ông và tra tấn họ, từ từ hút sinh lực của họ trong hàng chục năm. Trong các câu truyện khác, mara xuất hiện trong hình dáng của một con quỉ lùn da dày.
Bóng đè trong nhiều truyền thuyết khác nhau
Hiện tượng kì lạ này diễn ra khi bạn thức dậy đột ngột và không có khả năng di chuyển hay kêu la. Hầu hết những người trải qua đều có cảm giác bị "theo dõi" và nó thường rất đáng sợ. Người ta kể về các con quỉ, người ngoài hành tinh và các hồn ma ở bên cạnh họ. Dù đây chỉ là một vấn đề tâm lý, ý nghĩ về một kẻ lạ mặt theo dõi bạn lúc nửa đêm vẫn rất đáng sợ.
Gần như mọi nền văn hóa đều có các câu chuyện về bóng đè. Hình tượng mara được tạo ra để giải thích cho hiện tượng này. Ở Kashmir, người ta cho rằng bóng đè xảy ra khi con quỉ vô hình pasikdhar tấn công người đang ngủ. Ở Thổ Nhĩ Kì, con djinn ngồi lên ngực, bịt miệng và thắt cổ người ngủ say. Còn theo truyền thuyết Pakistan cho rằng bị bóng đè là khi quỷ Shaitan (Satan) nhập vào người này.
Nue trong thần thoại Nhật Bản
Nue là một con quái vật trong thần thoại Nhật Bản, đại diện cho ốm đau và ác mộng. Nó có móng vuốt của hổ, mặt khỉ, thân chồn. Đuôi của nó là một con rắn độc dài. Nue là một trong những quái vật già nhất trong văn hóa Nhật, xuất hiện trong "Câu truyện của Heiki", kể về cuộc chiến giữa 2 bộ tộc vào thế kỉ 12.
Trong truyện, một con Nue lấy hình dạng đám mây đen và tới ám Nhật Hoàng. Ông nhanh chóng phát bệnh và bị ám ảnh bởi các giấc mơ mỗi khi ngủ. Nhật Hoàng ngày càng ốm yếu, cho tới khi một võ sĩ bắn mũi tên vào đám mây đen và giết con quái vật. Tới nay, vẫn còn ngôi miếu ở bờ vùng Biển Nhật Bản nơi được cho là ngôi mộ của con vật này.
Sandman trong văn hóa phương Tây
Đây là một hình tượng rất nổi tiếng với trẻ em phương Tây, với một thực thể chuyên vẩy cát vào mắt trẻ em để chúng có các giấc mơ đẹp. Khi bọn trẻ ngủ dậy và thấy rỉ mắt, đó là do Sandman đã tới thăm chúng vào đêm hôm trước.
Nhân vật Sandman lần đầu xuất hiện trong truyện cổ Andersen. Nhưng phải tới năm 1816, với câu truyện Der Sandman thì nhân vật này mới thật sự nổi tiếng. Trong truyện, Sandman chỉ tới thăm những đứa trẻ không chịu đi ngủ. Cát của ông ta khiến mắt trẻ em rơi ra ngoài, sau đó ông ta thu thập chúng để làm thức ăn cho đám quỉ của mình.
                                                                                                                                  Phan Hạnh

Không có nhận xét nào:

Trang