“Lương cấp bộ trưởng 15 triệu đồng/tháng; người chức thấp hơn, lương ít hơn. Cán bộ xây được biệt thự, mua ô tô sang thì dân hồ nghi tài sản - lẽ đương nhiên”.
Đó là lập luận của ông Ngô Minh Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ an ninh, Ban nội chính Trung ương .
Dân hồ nghi là phải
- Mới đây, báo chí đưa tin về việc một cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương có nhiều biệt thự; trước đó, con trai Bí thư tỉnh ủy Hải Dương giữ chức Trưởng phòng của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội xây nhà vườn trên khu đất chừng 5.000m2 được cho là với giá trị cả tỷ đồng... Những thông tin này đều nhận được phản ứng từ dư luận theo hướng hồ nghi nguồn gốc những tài sản đó không trong sạch. Theo ông thì vì sao lại có sự hồ nghi này?
Nếu cán bộ giàu có một cách trong sáng thì tôi nghĩ đó là điều nên mừng. Nhưng thực tế thì câu chuyện cán bộ vừa có tí chức quyền đã sắm được nhà, ô tô không hề khó gặp và người ta biết tỏng tiền đó ở đâu, bởi lương cấp bộ trưởng là 15 triệu đồng/tháng, còn những người chức vụ thấp hơn dĩ nhiên là lương cũng ít hơn. Vì thế, nếu có ông cán bộ nào mà xây được biệt thự, mua ô tô sang, dân hồ nghi về nguồn gốc tài sản đó cũng là lẽ đương nhiên.
Thứ hai, đặt trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn thì việc cán bộ giàu lên dễ khiến người ta liên tưởng đến sự khuất tất. Là cán bộ thì phải có sự đồng cảm với người dân, không thể sống cuộc sống cao hơn dân rất nhiều, đừng sống kiểu đế vương!
- Ông bảo cán bộ phải đồng cảm với dân. Nhưng bây giờ đâu phải cái thời “ăn gà bằng kéo” nữa? Nếu cán bộ giàu có từ đồng tiền chính đáng thì chả lẽ họ phải ở nhà bình thường, đi làm bằng xe máy ít tiền mới thể hiện sự đồng cảm ư?
Tôi nghĩ đó không phải là lựa chọn hay. Không nên buộc mình phải sống khổ hạnh so với những gì mình có. Cán bộ mà giàu chính đáng thì càng phải khuyến khích chứ. Nhưng tôi tin rằng, trong số cán bộ giàu lên trông thấy thì không nhiều người là do sự trong sạch mang lại đâu. Chính vì họ không biết vì dân, không biết nghĩ cho dân nên mới tham nhũng rồi khoe mẽ, phô trương bằng những biệt thự, ô tô, sống trên đầu trên cổ dân như thế. Còn với những cán bộ mà nền tảng kinh tế gia đình đã vững từ trước đó, hoặc họ làm giàu từ chính cái tâm của mình thì họ đã chẳng hành xử kiểu đó rồi.
Ông Ngô Minh Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ an ninh, Ban Nội chính T.Ư.
Cán bộ giấu giàu không ít đâu!
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, cán bộ mà xây biệt thự, mua ô tô sang... để dư luận biết về sự giàu có của họ cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”?
Cái đó là đúng đấy. Tôi biết có những người tinh ranh lắm, họ giấu kỹ lắm, có khi họ vẫn ở nhà tập thể nhưng lại có biệt thự nọ kia khiến người ngoài nhìn vào cứ tưởng họ thanh liêm. Con số giấu giàu này không ít đâu.
- Vậy phải chăng cán bộ khoe bày sự giàu có của mình là... dại?
Nói thế cũng không hẳn đâu. Cần nhớ rằng, dù anh có phô trương sự giàu có của mình hay không thì quần chúng sống cạnh anh, làm việc cùng anh biết cả đấy, không giấu nổi họ đâu. Vậy nên, đừng tưởng rằng giấu giàu là tốt.
- Theo ông thì làm thế nào để những cán bộ giấu giàu này sẽ bị lộ?
Đó là phải làm cho thật việc kê khai tài sản. Đồng thời, phải phát huy vai trò của quần chúng nhân dân thì họ sẽ bị lộ ngay thôi.
- Ông nghĩ sao khi nhiều “người trong cuộc” trả lời rằng biệt thự, ô tô họ có được là công sức của cả vợ con, sự trợ giúp từ phía họ hàng, bạn bè, anh em kết nghĩa?
Cái đấy cần phải có sự kiểm tra, xác minh. Giả sử họ có sự hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè thật mà vẫn có dư luận hồ nghi thì việc xác minh để đưa ra kết quả công khai là tốt cả cho họ đấy chứ! Nhưng nhiều vụ tương tự như thế, có xác minh được đâu. Tôi thì không tin lắm vào lý do họ đưa ra. Cũng phải đặt lại vấn đề rằng, vợ con họ, rồi chính bản thân họ cũng phải như thế nào thì mới được bạn bè, anh em kết nghĩa “hỗ trợ” chứ! Nói chung, cán bộ giàu dễ vướng khuất tất lắm.
Giàu vì “láu cá”
- Với cá nhân ông, từng giữ hàm vụ trưởng, nếu dựa hoàn toàn vào thu nhập thì khi về hưu có mua được biệt thự?
(Cười) Làm gì có. Hồi đó, lương của tôi gần 10 triệu đồng/tháng. Nếu tích góp lại sau khi đã trừ đi những khoản trang trải cuộc sống thì mua nhà cũng khó chứ nói gì đến biệt thự.
- Nhưng cùng thời với ông, đồng cấp với ông, hẳn cũng có người mua được nhà?
Nhiều chứ. Có người còn dưới chức vụ, quyền hành của tôi, tôi đưa họ lên, ấy thế mà họ sắm được nhà lớn, có xe ô tô riêng để đi lại cơ đấy.
- Vì sao lại có sự khác nhau đến thế, thưa ông?
Là bởi vì lòng tham thôi. Nếu tôi tham thì tôi cũng giàu rồi. Tôi thuộc diện được cấp nhà, nhưng khi về bàn với vợ, vợ chồng tôi đã quyết định vẫn ở lại khu tập thể này vì đã quen sống ở đấy rồi. Có nhiều người bảo tôi dại, tôi “bôn” quá. Đó là quan điểm của họ. Còn tôi, tôi thấy thanh thản. Mà kể ra thì thời của tôi, rồi thời cán bộ trước đó cũng nhiều người mang tiếng “dại” lắm.
- Thế còn bây giờ, kiếm được người “dại” như thế có dễ không, theo ông?
Tôi tin là có. Nhưng không nhiều, nếu muốn nói là ít đi.
- Nói thế thì những người làm quan mà có biệt thự, có ô tô xịn để đi là những người “khôn”?
Tôi nghĩ nên dùng từ “láu cá” mới chính xác.
Và quan chức không láu cá thì khó giàu?
Đúng.
Cần những cái đầu biết nghĩ
- Chính sách tiền lương ở ta được chỉ ra là có nhiều bất cập, chưa tương xứng công sức lao động, chưa đảm bảo được cuộc sống. Vì thế mà bây giờ, cán bộ của ta chỉ có hai lựa chọn: Hoặc thanh liêm mà nghèo; hoặc giàu mà mang tiếng láu cá, thiếu trong sạch?
Cái đó cũng đúng đấy. Nhưng cũng cần nhận thấy thực tế là bây giờ mó đâu cũng thấy tiền, mó đâu cũng thấy nhà, rồi thì nhìn người nọ người kia có tí chức quyền đã đục khoét công quỹ, tham nhũng, quen dần thì cái phần tốt, phần thiện trong người cán bộ cũng bị lung lay đi.
Nói như ông thì ở ta, quan chức có muốn thanh liêm cũng khó?
Đúng. Vì cơ chế nào thì tạo ra con người ấy thôi. Chúng ta đã thực hiện việc cán bộ phải kê khai tài sản, ấy thế mà cũng chỉ là hình thức. Rồi thì xử lý các án tham nhũng cũng chưa triệt để thì làm sao mà mang tính răn đe, giáo dục.
- Vậy theo ông, có cách nào để sự giàu lên của quan chức sẽ bớt đi được những dị nghị?
Muốn vậy, cần phải có những cái đầu biết nghĩ để làm sao cho đời sống của nhân dân được nâng lên, biết sống thế nào để dân quý mến. Đảng phải làm tốt công tác giáo dục, giám sát cán bộ đảng viên. Cơ chế chính sách cũng phải hoàn thiện dần, đầu tiên là khâu kê khai tài sản phải buộc người ta trung thực. Dĩ nhiên cũng phải tính lại cơ chế tiền lương. Cần nhớ, cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến khổng lồ, đòi hỏi phải có sự mưu lược, thẳng thắn và khôn khéo thì mới mong có kết quả.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Tôi biết, nhiều cán bộ bây giờ giàu lên, xây cổng to lắm nên có muốn đến cũng ngại. Lại có ông cán bộ được mời dự tiệc, người ta làm cho ông ấy bát yến giá 3 triệu đồng. Tiếc là những chuyện như thế này không ít. Nó càng khoét sâu khoảng cách trong niềm tin của dân chúng vào cán bộ, vào chế độ. Đảng đã nhận ra và đang làm để lấy lại lòng tin ấy, đó là việc gian nan nhưng nhất thiết phải làm, dù có thể hơi muộn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét