31 tháng 3, 2014

Tìm ân nhân giúp đẩy xe 120km: Người cha nghẹn ngào lên tiếng

“Đây là sự thật 100%”- người cha trong câu chuyện, ông Đỗ Minh Quang, hiện nay là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Khánh Tiên (Yên Khánh, Ninh Bình) khẳng định về bài chia sẻ trên Facebook của con gái mình.
Ông Đỗ Minh Quang và vợ (trong ảnh), cùng cả gia đình vẫn nhớ như in câu chuyện của 8 năm về trước
Dù 8 năm đã trôi qua, vừa nhắc đến câu chuyện con gái chia sẻ trên mạng, qua điện thoại, giọng ông Đỗ Quang Minh vẫn run run đầy xúc động khi nói chuyện với PV Infonet, ông cũng nhớ được nhiều hơn Quyên một số chi tiết, mà theo ông dựa vào đó có thể có nhiều manh mối hơn để tìm kiếm hai thanh niên đã giúp đỡ mình.
Ông kể, câu chuyện diễn ra vào khoảng năm 2006, lúc đó con gái ông, hiện nay là PV Quyên Quyên, học lớp 11. Hai bố con trên đường trở về sau khi đưa Quyên đi chữa bệnh. Đến đoạn Pháp Vân xe của ông bị hỏng, xung quanh đường cao tốc không có người, không có hiệu sửa xe.
Ông Quang nói thêm: “Lúc đó, Quyên Quyên đứng cạnh xe còn tôi đứng vẫy xe nhờ người giúp đỡ. Vẫy mãi cũng không có ai dừng lại, hai cha con rất lo lắng. Mãi sau mới thấy 2 thanh niên dừng xe lại hỏi xe tôi bị làm sao. Một trong 2 anh cũng biết về xe, lấy đồ ra tháo nhưng không có đủ đồ nghề. Hai anh đã giúp bố con tôi đẩy xe để tìm hiệu sửa xe, nhưng trời tối, tiệm sửa cũng không có đồ thay thế. Cuối cùng 2 anh đã đẩy giúp 2 cha con chúng tôi về đến tận nhà (từ Pháp Vân về Ninh Bình) hơn 100 km". 
Ông xúc động: "Trước lúc gặp hai anh đó tôi có cảm giác như sắp chết đuối giữa dòng sông, đã vậy cũng thêm phần mệt mỏi khi nhìn những người đi đường như những con thuyền vụt qua. Tôi không ngờ rằng các anh ấy nhiệt tình đến như vậy. Không chỉ giúp tìm hiệu sửa xe mà còn sẵn sàng đẩy giúp xe về tận nhà”.
Ảnh Quyên Quyên, người qua Facebook muốn tìm ân nhân đã đẩy giúp xe bằng chân 120 km trên đường cao tốc
Ấy vậy mà thời gian qua do nhiều lý do, họ đã mất liên lạc của 2 người thanh niên nghĩa hiệp đó. Hai cha con họ đều mong muốn tìm thấy hai anh thanh niên này. Một người tên Kỷ, một người tên là Hải, cả hai đều quê Hải Hậu (Nam Định). Anh Kỷ là giáo viên dạy tiếng Trung, anh Hải có công ty xuất khẩu lao động. Gia đình anh Hải có tàu vận tải biển. Sau một năm, anh Hải có mời gia đình ông Quang xuống tham dự lễ hạ thủy tàu cùng gia đình anh, nhưng lúc đó trùng giỗ ông nội của Quyên, gia đình không kịp xuống, không có địa chỉ cụ thể.
Ông Quang và con gái quyết tâm “Nếu đợt này không tìm thấy các anh, đến kỳ nghỉ 30/4-1/5 hai bố con tôi sẽ sang bên Hải Hậu- Nam Định để tìm”
Chia sẻ cảm xúc với Infonet, ông Đỗ Minh Quang chia sẻ: "Việc làm đó, so với cuộc sống không lớn lắm, nhưng ở thời buổi này thì là điều rất quý. Đối với gia đình tôi, tình nghĩa mà 2 người thanh niên đó là vô cùng lớn lao, họ chính là ân nhân của chúng tôi”.
Đúng như ông nói, trong thời điểm hiện nay, câu chuyện dù đơn giản như thế này cũng có thể lay động lòng người và khiến người ta sống tốt hơn với nhau, chia tay giúp đỡ nhau trong hoạn nạn hơn.
Trước đó, được sự đồng ý của tác giả, Infonet xin giới thiệu tới bạn đọc đầy đủ bài viết kể về câu chuyện ấy:
Tôi là Quyên - Đỗ Quyên Quyên, 24 tuổi, quê Ninh Bình, hiện đang làm việc tại Hà Nội. Mong muốn gặp lại 2 người anh không quen biết, đã dùng chân đẩy chiếc xe máy hỏng cùng bố con tôi chạy hết quãng đường 120 km từ Hà Nội về Ninh Bình, trong đêm tối.
Chuyện xảy ra từ 8 năm trước, khi là học sinh lớp 11, do bị đau ở 2 hốc mắt, luôn nghĩ mình sẽ bị mù nên bố đưa tôi bằng xe máy đi từ Ninh Bình lên Hà Nội để khám bệnh.
Rồi trở về nhà lúc 8h tối. Khi đó bố còn đi một chiếc xe máy tàu cũ, màu đỏ, được 1/3 quãng đường cao tốc Pháp Vân thì xe hỏng. Bố vẫy tay, cầu cứu sự trợ giúp từ những chiếc xe khác đang lao hun hút trên đường. Nhưng không một ai dừng lại.
Gần như bất lực, bố lầm lũi dắt xe đi về phía trước. Tôi đeo ba lô mệt nhọc phía sau. Đường về còn hơn 100 km, hai bên không thấy nhà cửa, chỉ toàn bóng tối. Một chiếc xe máy khác được bố vẫy, ngập ngừng rồi dừng lại. Đó là 2 thanh niên, 1 béo, 1 gầy cỡ chừng tuổi tôi bây giờ (24-27).
Bố kể chuyện xe hỏng, cần sự giúp đỡ. Anh mập hơn tên là Kỷ, nói có biết về máy móc nên đã dùng dụng cụ cùng bố tháo lắp bộ phận trong xe nhưng không sửa được. Sau đó, 2 anh giúp bố con tôi đẩy xe đi hết 30km trên đường cao tốc bằng cách 2 xe đi song song, các anh dùng chân phải của mình đặt lên xe bố, lấy lực đẩy.
Dừng chân trên 1 quán sửa xe phía cuối đường, địa phận Hà Tây. 2 anh không về luôn mà ở lại, cùng thợ sửa xe cho bố. Loay hoay sửa mãi, không có dụng cụ thay thế, ông thợ nói hãy vào nhà nghỉ bên cạnh để sáng mai tính tiếp. Không hiểu sao lúc đó bố luôn có cảm giác sốt ruột và mong muốn trở về nhà bằng được.
Bố nói chuyện, một trong 2 người hơi do dự, nhưng sau đó người kia thuyết phục bạn mình tiếp tục đẩy chiếc xe hỏng trong đêm đi 100km từ Hà Tây về Ninh Bình. Con đường tối tăm, nhiều ổ gà trở nên xa lắc.
Trên đường đi, anh Kỷ hỏi han chuyện học hành, chuyện tôi đi viện khám bệnh. Anh nói, tôi nhỏ quá, lại còn bị ốm bao giờ mới lớn được. Chủ yếu thời gian trên đường anh hát tiếng Trung cho tôi nghe. Tôi hầu như không nói, chỉ im lặng nghe anh hát nghêu ngao.
Tất cả trở về nhà khoảng 3h sáng. Khi chiếc xe dừng lại hầu như 2 anh ngồi bất động vì toàn thân tê mỏi. Mẹ đã chuẩn bị sẵn bữa ăn đêm cho mọi người. Sau đó, các anh lên phòng tôi ngủ. Tôi xuống phòng bố mẹ. Sáng sớm, khi bạn đến rủ đi học, anh Kỷ còn dặn bạn đèo vì tôi còn ốm.
Sau lần duy nhất đó, tôi không còn gặp 2 anh nữa. Bởi khi đi học về các anh đã đi rồi. Bố kể lại, anh Kỷ đã thức để đọc tập bản thảo truyện ngắn tôi viết trên bàn học. Anh cũng dùng guitar của bố để chơi lại bản “À ơi” – được phổ nhạc từ bài thơ của tôi. Mẹ nói, biếu mãi 2 anh một ít bột sắn và hạt sen mới chịu nhận.
Nửa tháng sau tôi tìm thấy trong quyển sách của mình một bức thư dài kín 4 trang giấy. Anh Kỷ để lại, nét chữ rất đẹp. Anh nói, lúc có người vẫy xe trên đường cao tốc, anh định không dừng lại vì đã có rất nhiều vụ cướp giật tương tự. Nhưng khi nhìn thấy bố tôi mặc chiếc áo xanh bộ đội, và ánh mắt của con bé 17 tuổi đáng thương. Và anh tin là 1 mối duyên kỳ lạ nào đó, đã khiến anh dừng lại, rồi đẩy xe giúp bố con tôi suốt 120km bằng chân. Anh thích học văn, thích đọc sách và ăn mì tôm. Anh hứa, sẽ đưa tôi đi ăn kem Tràng Tiền khi đỗ đại học ở Hà Nội. Ngày đó, tôi không thể tưởng tượng được mùi vị kem Tràng Tiền sẽ thế nào.
Bố có lưu số điện thoại của anh Hải và nói chuyện sau đó. Cuộc điện thoại đầu tiên và cũng là cuối cùng, tôi nhận anh Kỷ là anh trai, sau đó biết thông tin anh đi Trung Quốc dạy tiếng Trung qua anh Hải.
Nhưng, không lâu sau, điện thoại của bố bị mất, không còn số của các anh nữa, cũng không lưu lại thông tin cá nhân gì. Cuộc gặp gỡ trong 1 đêm đầy lo âu, ở thời buổi còn nghèo khó đã khiến tôi mất liên lạc với các anh dễ dàng và đầy tiếc nuối như vậy. Không điện thoại riêng, không nick yahoo, không Facebook.
Có lẽ, các anh cũng vô tình làm mất số điện thoại, không nhớ đường về nhà tôi, hoặc cuộc sống quá bận rộn ở nơi nào đó rất xa đã khiến anh không tìm lại. Nhưng riêng với tôi, là người trong vị trí được giúp đỡ luôn nghĩ mình mang nợ.
Và cho đến bây giờ, 8 năm đã trôi qua. Tôi là sinh viên ở Hà Nội, ra trường và đi làm, nhiều lần đi ăn kem Tràng Tiền, nhiều lần đi trên con đường cao tốc để về quê. Nhiều lần kể lại câu chuyện này với những người thân thiết. Tôi cũng gặp nhiều người, cố gắng sống sao cho tốt nhưng vẫn nghĩ, nếu đặt trong địa vị của mình, chắc sẽ không làm được như các anh. Bố tôi cũng vậy, thi thoảng vẫn nhắc lại câu chuyện và nói về 2 anh như những thành viên trong gia đình.
Gặp gỡ trong đêm, tôi không còn nhớ rõ gương mặt của họ, chỉ nhớ dáng người, anh béo tên là Kỷ, anh gầy hơn là Hải. Ngày ấy, tôi gầy dí và tóc dài, có lẽ bây giờ các anh cũng khó nhận ra. Họ là bạn thân, nhà gần nhau, ở Hải Hậu - Nam Định, gia đình anh Hải có tàu ra khơi. Anh Kỷ từng là là giáo viên dạy tiếng Trung tại Hà Nội. Anh Hải làm cho 1 trung tâm xuất khẩu lao động sang Trung Quốc.
Trong bức thư anh Kỷ viết để trong quyển sách trên bàn học cho tôi có câu thơ: "Hẹn gặp nhé duyên đời để lại/ Xa nhau rồi chẳng lẽ lại quên". Có duyên rồi, không quên được, tôi phải đi tìm lại thôi.
P/S: Chuyện đã 8 năm. Ngày đó, khi còn là học sinh lớp 11 tôi không nghĩ nhiều lắm. Nhưng dạo gần đây tôi có nghĩ nhiều hơn, thường khóc, cảm giác sốt ruột, lo lắng như có chuyện không được tốt :
-doquyenquyen35@gmail.com-
Nếu có thể, bạn hãy bấm nút chia sẻ phía dưới bài viết, để giúp bố con Quyên tìm thấy ân nhân của mình.
                                                                                                                                 Hồng Chuyên

"Cụ cây" có người hỏi mua hàng chục tỉ nhưng không ai dám bán

Bởi cây có dáng đẹp, lạ, từ mấy năm trước những đại gia cây từ miền Nam đã nhiều lần tới đòi mua, và đặt giá tới hàng chục tỉ đồng nhưng làng không ai dám bán.Những cây cổ thụ ở Thái Bình đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản quốc gia, đều là những danh mộc trên 200 tuổi. Cây nào cũng được bao phủ một huyền tích mang mầu sắc tâm linh, huyền bí. Trong đó đặc biệt có ba loại cây được xếp hàng đầu trong tiêu chí cổ, kỳ, mỹ.
Gốc sanh trên 200 năm tuổi ở đền Lưu Xá
Cây Uốp, “đại lão mộc” ngàn năm bên ngôi mộ cổ
Đây là cây có tuổi đời cao nhất trong làng cây cổ Thái Bình. Hiện vẫn nằm trên mảnh đất rìa làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, cạnh gia đình nhà ông Đỗ Đức Hữu. 
Theo các cụ họ Đỗ Đức truyền lại, từ 10 đời trước cụ tổ của họ về đây lập nghiệp đã có cây cổ này. Làng An Để xưa là trung tâm của vùng đất cổ Lạng Hương Mần, nơi sinh của Linh nhân Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, vợ vua Lý Nam Đế. Đồng thời cũng là quê hương của nhiều danh khoa nổi tiếng đã có tên trên văn bia ở Quốc Tử Giám, như: Đặng Nghiễm, Đỗ Nguyên Chương, Đỗ Duy Đê… Theo ghi chép của Cao Biền từ thế kỷ thứ IX, nơi đây là vùng đất nằm trong dải đệ lục mạch, là đất phát khoa của nước Nam.
Thời xưa không chỉ ở nước ta mà bên Trung Quốc nhiều người biết tới địa danh này. Thế kỷ XVIII khi Lê Quý Đôn sang sứ nhà Thanh, quan đốc học tỉnh Quảng Tây đã hỏi ông “Ngài có biết Ba Đậu (tên cổ xưa của làng An Để) nơi phát khôi khoa ở vùng nào không?”. 
Bởi vậy, nhiều người Tầu đã tìm tới đây để đặt mộ tổ tiên mong được phát đạt. Khu vực cạnh chợ làng và ngôi chùa ông Lâu hiện nay còn rất nhiều ngôi mộ cổ không ai biết có tự bao giờ. 
Người làng truyền rằng dưới gốc cây Uốp là một ngôi mộ cổ. Một người Tầu đã trồng cây “độc” này cách đây đã hơn một ngàn năm để đánh dấu và yểm mộ. Nhiều báu vật và một xác ướp người con gái trẻ đẹp được chôn kèm theo ngôi mộ. 
Về sau cũng một người Tầu tới đào lấy của cải và xác ướp mang đi. Hiện gốc và thân cây Uốp gồ lên trông như những tảng đá xếp. Đầu năm 2014, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN đã thẩm định tuổi đời cũng như chủng loại của cây và công bố đây là một loại cây di thực, thuộc họ Trôm mõ. Là một cây rất hiếm trên đất nước ta.
Cây Uốp tại làng An Để
Hai cây đại - “Song kỳ lão mộc” canh cửa ngôi chùa Phúc
Tuy chưa được gắn bia cây di sản Việt Nam, nhưng hai cây đại ở chùa Đồng Đại, xã Đồng Thanh (huyện Vũ Thư) đã hơn 600 tuổi và được nhiều người biết đến bởi thân hình kỳ dị trông như những dị mộc.
Ngôi chùa Đồng Đại nằm gần khu vực cửa sông Tuần Vường, được xây dựng từ thế kỷ thứ VI cũng do Linh nhân Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, vợ vua Lý Nam Đế bỏ tiền ra xây.
Tương truyền đây là hai cây đại quý do chính vua Duệ Tông trồng. Do vậy tuy không có sắc phong nhưng bản mộc đóng chữ “Vương” nên rất thiêng. Từ xưa tới nay, những ai xúc phạm như bẻ phá cành, hay trèo lên cây nghịch nếu không ngã gãy chân tay thì về cũng bị ốm đau. Ngược lại những người bị bệnh đến xin vỏ cây hoặc hoa lá mang về sắc làm thuốc uống sẽ khỏi bệnh. 
Hơn 600 năm qua, ngôi chùa đã hư hỏng và được trùng tu lại mấy lần. Riêng hai cây đại vẫn xanh tốt nằm ở hai bên tả hữu trước cửa chùa, tán trải rộng, thân gốc xù xì, màu sắc loang lổ, những cành vươn cao khỏe mạnh như con mãng xà nhiều đầu đang canh giữ cho ngôi chùa. Hiện nay ngôi chùa được dân làng cử mấy cụ người làng ra trông coi và chăm sóc khói hương.
Cây sanh “Tiên lão mộc” trấn giữ cửa đền Lưu Xá
Gốc cây sanh "Tiên lão mộc" - Ảnh Dân Trí
Cây sanh của làng Lưu Xá tuy không thật cao niên nhưng có vẻ đẹp được coi là độc nhất vô nhị trong làng cây cổ thụ Việt Nam. Cây được trồng cách đây khoảng hơn 200 năm bên bức trấn phong trước ngôi đền của làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà. Nơi thờ Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Điều và dòng tộc họ Lưu. Làng Lưu Xá từ thuở xa xưa là trang ấp của Lưu gia do vua Lý Thái Tổ ban cho. 
Nơi đây là vùng đất nằm cạnh ngã ba sông Hồng đổ vào sông Luộc, có thế đất Long giáng nên các thời vua Lý cũng như vua Trần mỗi khi xã tắc có biến loạn, các vua chúa đều lui về đây ẩn binh và lập kế để lấy lại nghiệp vương, thế nước. Dòng họ Lưu có công phò tá nhà Lý, giúp Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, dời đô về Thăng Long…
Con cháu họ Lưu ở Lưu Xá có mấy ngàn người. Hơn hai trăm năm nhà Lý được giữ những trọng trách rường cột của triều đình. Tới thế kỷ XIV khi nhà Lý suy vi, thanh thế dòng họ Lưu cũng lụi theo. Nhân cơ hội đó, Trần Tự Duy, bố của Trần Thủ Huy, ông nội của Trần Thủ Độ, một danh tướng của phái võ Đông A nhà Trần mới di dời từ Thiên Trường, Nam Định sang đất Long Hưng bởi có thù hận với họ Lưu đã ra tay sát hại Lưu gia và chiếm đoạt Lưu trang. 
Con cháu họ Lưu thuở ấy không mấy người sống sót. Do vậy hiện nay làng Lưu Xá tuy vẫn thờ Lưu Ngữ, ông tổ họ Lưu làm thành hoàng nhưng cả làng không còn một gia đình họ Lưu nào. 
Mấy trăm năm đứng trấn giữ ngôi đền cổ, đến nay thân rễ cây Sanh đã kết thành một khối như chiếc áo giáp phủ gần kín bức trấn phong. Thân cây to và cành lá xum xuê, rễ dài như chảy từ trên trời xuống, tán cây vững chãi, bệ vệ và dáng cây đẹp như một “tiên lão mộc” đứng che chở cho ngôi đền. Bởi cây có dáng đẹp, lạ, từ mấy năm trước những đại gia cây từ miền Nam đã nhiều lần tới đòi mua, và đặt giá tới hàng chục tỉ đồng nhưng làng không ai dám bán.
Huyền tích về ba loại cây cổ thụ trên cũng như rất nhiều danh mộc khác tuy không được ghi chép trong các thần phả, nhưng nó được truyền qua đời nọ tới đời kia. Và cũng chính sự linh thiêng đó đã chở che, bảo vệ cho những di tích lịch sử văn hóa cũng như những mộc thụ đó tồn tại đến ngàn năm.
                                                                                                    Nguyễn Long/ Báo Văn Hoá

Làm phúc

Hôm nay bỗng dưng muốn nói chuyện làm phúc. Ai trong đời mà không mong có lúc được làm phúc. Thế nên, khi có cơ hội...
Làm phúc
Chuyện một ông cán bộ cấp bộ ba tháng trước khi nghỉ hưu ký quyết định cho một loạt sáu mươi ông “cắp ô” lên chức, gây xôn xao dư luận cả nước suốt cả tuần qua. Người ta vào cuộc bàn luận, tranh cãi nhau ỏm tỏi trên các mặt báo về nguyên nhân chủ yếu của hành động hào phóng và rất bất ngờ này. Và hầu như ai cũng nghĩ là đằng sau đó ắt có chuyện chạy chọt, đút tiền và “hốt hụi chót” cần phải đem ra xử lý trước pháp luật. Người ta bây giờ là thế đấy! Thiếu lòng tin vào lòng tốt nên toàn nghĩ xấu về nhau.
Sao không nghĩ thoáng ra và tốt hơn lên theo kiểu đó là một hành vi làm ơn, làm phúc. Thường thì trước khi nghỉ hưu, không ít người muốn làm được một việc gì đó gây dấu ấn tốt đẹp với người còn ở lại. Như là ký cho một vài người lên lương trước thời hạn, hay thăng chức cho một ai đó để cho anh em vui, mình cũng vui vì được thỏa nguyện trước ngày nhận sổ. Đâu phải lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm chuyện kiếm chác.
Hay như chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tháng ra lệnh tạm dừng tuyển sinh hơn hai trăm ngành học ở các trường đại học, cao đẳng vì không bảo đảm các điều kiện theo quy định của Bộ. Đến cuối tháng lại cho phép tuyển sinh trở lại hơn 60 ngành học và khả năng là còn có thêm nhiều hơn nữa cho kịp ngày tuyển sinh. Thế là dư luận lại sôi lên sùng sục về quyết định “tiền hậu bất nhất” này của ngành giáo dục. Và người ta lại nghĩ ngay đến chuyện chạy chọt, xin xỏ nhuốm mùi tiền bạc ở đây. Có người ác miệng còn cho đó là hành vi khuấy đục nước để bắt cá. Thật là quá quắt!
Chắc gì đã đúng như vậy. Vì một lẽ, nếu thắt chặt quá thế, người học sẽ chịu thiệt thòi và nhất là các trường đại học, cao đẳng vốn nhiều như nấm sau mưa kể từ khi có chủ trương xã hội hóa, sẽ lấy đâu ra sinh viên để bù đắp cho các chi phí đã bỏ ra. Không khéo là phá sản cả đám. Nên cũng phải làm ơn, làm phúc nới ra chút ít cho người ta thở chứ!
Mới đây nhất, một lãnh đạo cấp sở ở TP.Hồ Chí Minh, không biết có học hỏi cách làm của ông cán bộ cấp bộ nói trên hay không mà trước khi nghỉ hưu hai tuần cũng đã “nhón tay làm phúc”, ký quyết định lên chức cho 19 đồng nghiệp trong cơ quan. Tuy nhiên, hành vi này đã bị lãnh đạo TP “tuýt còi” và ra lệnh tạm dừng việc thực hiện các quyết định đó.
Và cũng rất băn khoăn nếu đúng là có chuyện kiếm chác tiền nong từ việc làm phúc cho hàng loạt người như kể trên thì cũng khó mà xử lý được người “ban phúc”. Vì chắc chắn là người ta sẽ chối phắt đi và lớn tiếng mà nói rằng đó là làm phúc cho anh em trước ngày nghỉ hưu. Mà làm phúc thì ai lại tính tiền, và làm sao mà bắt tội được người ta.
Thật hay cho hai chữ: làm phúc!
Nhưng người được hưởng phúc (mà không mất tiền ấy) có khi nghĩ khác lắm cơ!
                                                                                                                                      Đoàn Linh

Sự thật chưa từng biết về... hạnh phúc

Được thừa hưởng những gen tốt quyết định 50% cảm nhận của bạn về hạnh phúc. Những ông chồng có vợ đẹp dễ cảm thấy hạnh phúc hơn. Những người hay nói xấu người khác ít cảm thấy hạnh phúc... Và rất nhiều sự thật khác bạn chưa từng biết về hạnh phúc.
Có rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành xung quanh khái niệm mang tính tương đối của loài người - hạnh phúc. Thực tế, hạnh phúc chứa đựng nhiều bí ẩn thú vị hơn ta tưởng.
Thời tiết ấm áp thường dễ khiến con người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Được thừa hưởng những gen tốt cũng giúp con người dễ dàng cảm thấy vui vẻ trong cuộc sống. Gen giúp quyết định 50% cảm nhận của bạn về cuộc sống, 50% còn lại được quyết định bởi cách hành xử và hoàn cảnh sống của mỗi chúng ta.
Những ông chồng có vợ đẹp cũng dễ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Đừng tiếc vài phút đứng trước một cửa hàng hoa bởi hương hoa có thể giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Đồng thời hương hoa cũng kích thích những giao tiếp xã hội.
Hãy hạn chế dùng trang phục tối màu, sử dụng nhiều gam màu sáng, đặc biệt nên có một chút sắc vàng bởi những người vui vẻ, hạnh phúc thường thích gam màu này.
Hãy trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Việc trở nên tài giỏi trong một lĩnh vực, thành thạo một kỹ năng, có thể giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Hãy cho đi nhiều hơn bởi con người thường cảm thấy hạnh phúc một cách nhanh chóng và dễ dàng khi đem lại niềm vui cho người khác. Đơn giản như việc bạn mua một món quà để tặng cho người mà bạn yêu quý thường đem lại cảm giác dễ chịu, mãn nguyện hơn hẳn khi bạn tự mua quà cho chính mình.
Hãy chăm đi mua vé xem phim, vé xem đá bóng, vé nghe hòa nhạc… Cùng là bỏ tiền ra mua, nhưng mua những tấm vé này đem lại nhiều cảm xúc tích cực hơn việc bạn sử dụng cùng số tiền đó để mua cho mình một món đồ.
Hãy nghe nhạc nhiều hơn. Việc nghe nhạc, đặc biệt là nghe những nhạc phẩm vui tươi sẽ giúp cảm xúc của bạn được thăng hoa. Đồng thời, não bộ cũng được kích thích hoạt động khi bạn nghe những nhạc phẩm mới.
Càng nhiều tuổi, con người càng dễ dàng cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Những người đã kết hôn thường cảm thấy hạnh phúc hơn những người sống độc thân. Những người đã tốt nghiệp Đại học thường cảm thấy hạnh phúc hơn những người không có bằng cấp. Những người có niềm tin tôn giáo dễ hạnh phúc hơn những người vô thần.
Hạnh phúc dễ lan tỏa. Những người xung quanh ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên cách ứng xử, cách lựa chọn và cảm nhận của ta về cuộc sống. Cảm giác cô đơn hay hạnh phúc, khả năng cai thuốc lá hay nguy cơ mắc chứng béo phì… thực tế chịu khá nhiều tác động từ những người xung quanh.
Hai người yêu nhau nếu có mức độ hạnh phúc ngang nhau, mối quan hệ sẽ bền chặt. Ngược lại, nếu một người hạnh phúc hơn hẳn người còn lại sẽ khiến hình thành nên khoảng cách. Khoảng cách càng lớn, khả năng chia tay càng cao.
Mua sắm có tác động rất lớn tới tâm trạng. Khi bạn đang vui vẻ và quyết định đi mua sắm, bạn có thể sẽ còn cảm thấy vui hơn nữa. Ngược lại, khi bạn đang buồn bực và quyết định đi mua sắm để giải tỏa nỗi buồn, thực tế, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu nhiều hơn nữa.
Những người sống hòa đồng, giao tiếp xã hội rộng rãi thường cảm thấy hạnh phúc hơn những người thường xuyên ở một mình, ít giao tiếp. Tuy vậy, những người hay giao tiếp chưa chắc đã hạnh phúc nếu họ hay nói những chuyện tào lao, thậm chí nói xấu người khác. Những người hạnh phúc thực sự là những người hướng câu chuyện của mình vào những chủ đề có ý nghĩa, tránh tranh cãi.
Tốc độ suy nghĩ có ảnh hưởng nhất định tới cảm xúc của bạn. Những người suy nghĩ nhanh thường cảm thấy tích cực, lạc quan hơn trong cuộc sống.
Những người hạnh phúc cảm thấy hài lòng với công việc của mình. Mối quan hệ tương hỗ giữa cảm giác hạnh phúc trong công việc và sự thỏa mãn trong cuộc sống là hoàn toàn có thật. Tuy vậy, không phải sự nghiệp hoàn hảo khiến người ta cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống mà chính thái độ lạc quan, tích cực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định sự hài lòng, thỏa mãn trong công việc.
Luôn hy vọng, luôn hứng khởi, lạc quan cũng không hẳn là một điều hay. Từ lâu, những người nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học đã biết tới một khái niệm là “mặt tối của hy vọng”. Đôi khi, việc con người cảm thấy mệt mỏi, chán nản lại dễ khiến người ta tìm được những hạnh phúc giản dị trong cuộc sống.
Và nỗi buồn cũng có những tác dụng của nó. Khi buồn người ta thường có xu hướng lật đi lật lại một vấn đề tiêu cực trong tâm trí. Việc dằn vặt bản thân như vậy thường kích thích trí não phân tích vấn đề mạch lạc hơn, từ đó, giúp đưa lại những giải pháp hiệu quả.
                                                                                                                            Bích Ngọc-

Chơi phong bì

1. Mới đây đọc trên báo mạng bất ngờ thấy một bài báo giật tít: “lũ lượt đi dự cưới…” ở nhà một cán bộ phường, quận... Tôi thật sự ngạc nhiên về lối giật tít kiểu này. Cách diễn tả đã bộc lộ ngay sự ác cảm. Sao vậy? Nhà có đám cưới của con cái thì bạn bè đến chúc mừng dự tiệc là chuyện bình thường, chứ có gì mà phải ầm ĩ.
Mừng cưới, mừng cho các cháu là điều tốt, một nét văn hóa đẹp cũng nên trân trọng.
Cái việc hay như thế nhưng rồi được “bêu” lên thành chuyện “gặt hái” thì chán quá!
Phong bì đám cưới cũng có năm bảy đường. Phần đông là trả nợ cái tình (không phải trả nợ miệng như nhiều người kết tội). Nhà nào chả có con cái đến lúc dựng vợ gả chồng. Việc được mời và việc đến chúc mừng qua lại với nhau là chuyện thường. Những chiếc phong bì đó vài trăm bạc cũng là trao đi đổi lại, có gì là đáng nói.
Chơi phong bì
Nhưng đám cưới cũng là cơ hội để bày tỏ thịnh tình cho người cơ hội đang cần thăng tiến. Khi mà chủ nhân của đám cưới có vị trí thì gửi phong bì dày cũng là cơ hội tuyệt vời cho họ. Dăm bảy triệu đồng hoặc vài ngàn đô để ghi dấu ấn, hoặc như một tin nhắn cũng thật sự tiện hơn mọi lời đề nghị xin xỏ. Người cầm nó phải nghĩ ngay đến chuyện tạo cơ hội cho chủ nhân phong bì, hoặc cho qua lỗi lầm của cấp dưới. Phong bì ấy thật hữu hiệu làm sao.
Có một anh bạn từng tâm sự đã dùng phong bì ấy để tránh được một vụ, suýt nữa bị luân chuyển đến một nơi xương xẩu.
Phong bì mừng đám cưới thông thường đâu có nhiều nhặn gì.
2. Có một vị đám cưới con, biết một số cán bộ nghèo không dám không đi, nhưng đi thì phong bì cũng èo ọt…Đi cũng chỉ là cắn răng muốn yên thân. Nhưng sau đám cưới được chủ nhân nhã nhặn mời đến nhà gửi lại với lời cảm ơn chân thành là đã đến dự, thông cảm với những khó khăn của mọi người, nên gửi lại tiền mừng khiến mọi người cảm động về lòng tốt của ông ấy. Đó cũng thực sự là người biết dùng phong bì, tuyệt vời thật!Đấy gọi là “chơi” phong bì.
Nhưng số “chơi” phong bì kiểu ấy cũng chỉ chiếm số rất ít trong các đám cưới. Còn nói chung đều là chuyện tình nghĩa. Những đám cưới bình dân, gia đình chả có vị thế gì thì phong bì đều mỏng, chỉ đủ chi phí hoặc thấp hơn chi phí cỗ bàn.
Đám hiếu cũng vậy. Chuyện phúng viếng đưa tiễn người quá cố, năm chục, một trăm ngàn đồng động viên cho gia đình luôn là việc thể hiện cái tình chia sẻ. Nhưng cũng sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho một số kẻ trục lợi để dàn xếp, mua bán quyền lợi. Chuyện phong bì dày mỏng cũng xuất hiện ở nhà tang chủ có quyền lực. Vậy là cũng có chuyện “chơi phong bì” ở đây.
Chỉ khi có sự lạm dụng quyền lực và sự lợi dụng quyền lực thì mới xuất hiện “trò chơi phong bì” chẳng có gì hay ho!
Đám cưới đã từng có lời kêu ca “cơm bụi giá cao” nghe nó nhẫn tâm thế nào ấy. Người ta vẫn ca cẩm, mà rồi vẫn đi, vậy là mất cả tình nghĩa.
Hãy trả lại sự thanh bạch của chiếc phong bì.
                                                                                                                                   Hoạ sĩ Đỗ Đức

30 tháng 3, 2014

TỘI NGHIỆP ÔNG TU CA CA



THƯ CỦA BỒ NHÍ GỬI BÀ VỢ

Thưa bà,
Dù chúng ta có vô cùng xung khắc, chúng ta vẫn phải nhất trí một điểm: chồng bà là đàn ông. Mà đàn ông thì sao?Ðàn ông thì ham thích nhiều thứ. Ham thích đến mãnh liệt. Và, bà đừng dấu em, bà hãy công nhận rằng , phụ nữ chúng ta yêu đàn ông vì họ ham thích và biết cách thực hiện nó (Chúng ta cũng ham thích nhưng thực hiện chủ yếu bằng cách mua nó). Ông thì thích máy móc, ông thi thích kiến trúc, ông thích vật lý và hóa học, ông dại hơn một chút thích thơ văn. Toàn những ham thích có lợi cho xã hội. 
Nhưng đàn ông không chỉ ham thích một thứ. Nếu gà chỉ thích giun, bò chỉ thích cỏ tươi hay thỏ chỉ thích củ cải thì đàn ông lại thích đa dạng. Chuyện ấy trong đá bóng , trong ẩm thực, trong bia bọt không sao, nhưng trong vấn đề phụ nữ, tính đa dạng của nó làm cuộc sống thêm rắc rối.
Bà thân mến
Em tin rằng , bà có rất nhiều ưu điểm. Sở dĩ em quen với ông là do ông ấy thông minh (chứ không phải chỉ có tiền như thiên hạ vẫn đồn). Và, một người thông minh không khi nào chọn vợ quá kém. Thậm chí, bà không quá kém, bà còn rất nổi bật ở nhiều phương diện.Theo như ông tiết lộ một cách đầy thành kính, bà nấu ăn ngon, bà rửa bát sạch, bà lau nhà bóng và bà đi chợ rẻ. Bà còn đối xử tốt với chó, mèo …. Em xin thú thực , tất cả các phương diện đó, em đều thua bà. Khi em nấu món canh, ai cũng nghĩ là món xào. Khi em rửa bát, tốt nhất lúc dùng nên rửa lại. Khi em lau nhà hay quét nhà, em để cái đống rác chỗ nọ chỗ kia. Chợ duy nhất em đi là chợ mỹ phẩm. Còn chó mèo, em chỉ nuôi chúng trong tranh.
Nhưng ông vẫn thích em. Tiện đây xin tiết lộ: thời gian thích không hề ngắn, cường độ thích không hề yếu và chi phí thích không hề thấp. Bà kinh ngạc. Bà không tin ư? Bà nhớ rõ ông vẫn về nhà, vẫn ăn cơm tối, vẫn lịch sự với bà v.v.. Bà cảm giác chả có khe hở nào để em lọt vô cái pháo đài do bà xây dựng, canh gác và tuần tra. Bà nhầm.
Em xin phép không đi vào chi tiết. Em chỉ nói một cách văn học rằng, không có gì ngăn cản được con tim. Nhất là một con tim già lao về một con tim trẻ. Như trên đã nói, em thua bà về một tỷ thứ. Ðúng một tỷ thứ, chả bớt phần nào. Nhưng, em lại hơn bà hai tỷ. Bà sẽ gầm lên. Bà sẽ quát: hơn ở chỗ nào? Thưa bà, những thứ em hơn lại vô cùng vớ vẩn. Em thành thật tin thế. Nhưng đàn ông, tiếc thay, lại không tin.
Em biết chớp chớp mắt. Em biết ngồi gần ông mà lại vẹo người. Em biết đánh vào lưng ông, hay đánh ở chỗ thấp hơn, vừa đánh vừa cong môi nhìn đi chỗ khác. Em biết hét lên khi thấy con sâu và ù té chạy khi gặp con thằn lằn. Cái gì em cũng ngạc nhiên và nhờ ông giải thích. Em tin ông là vô địch về trí thức, về thể thao, và luôn thể hiện lòng tin ấy ra mồm. Mỗi lời nói của ông, với em, đều là chân lý. Em khâm phục khi ông uống bia. Em kiêu hãnh lúc ông châm thuốc lá. Em ngồi nép mình khi ông tụ tập. Em lo lắng nhưng chẳng bao giờ tra hỏi lúc ông đi khuya. Và, quan trọng nhất, thưa bà, da em trắng, eo em nhỏ, môi em đỏ và chân em chả khác chân dài. Em mặc váy hồng, em thắt nơ xanh và em dùng dầu thơm của Pháp. Nước Pháp, chắc bà cũng biết, vô địch về các loại dầu thơm. Khi ở bên ông, em không ngốc và không tham lam như các phim truyền hình quay vội vàng mà bà vẫn xem đâu ạ. Chúng em không hề bàn về tiền bạc. Hai người đều mơ tới ánh trăng, tới những khát vọng chưa thực hiện và đều thích nhìn sao trên trời. Hai người có thể xung đột vì một bài thơ, giận dỗi vì một bức tranh và bỏ ra về vì một bông hoa bày không đúng cách ( trong khi ông và bà giận dỗi vì một mâm cơm, cãi nhau vì hoá đơn tiền điện và ra khòi nhà vì chậu quần áo chưa phơi).
Thưa bà,
Ðấy, em tới ông, ông tới em là như thế đấy. Nó thanh cao thì em không dám nói, nhưng nó cũng chẳng phàm tục như sách vụ án viết đâu. Em xin bà hãy mừng vì điều đó.
Tuy ông phạm tội nhưng tội ấy còn sang. Bà hãy tự an ủi như thế. Tại sao em viết thư này? Tại vì em xin trả lại ông cho bà. Chúng em nhất trí cái gì đẹp thì phải ngắn và chúng em đã ngắn đủ dài. Toàn bộ sự tinh tế của tình yêu nằm ở chỗ này, và bà không biết được. Xin bà hãy dang tay đón ông về. Em lấy danh dự thề rắng, ông không sứt mẻ quá nhiều, đơn giản vì ông có còn nhiều đâu mà sứt mẻ. bà hãy coi ông như vừa sau chuyến du lịch mạo hiểm trở lại nhà. Cần chở che và sẵn sàng che chở. Em đi đây. Cuộc sống là khám phá và em thích khám phá nhiều nơi. Bà đừng trách em. Bà cũng đừng tự trách mình. Khi em bằng tuổi bà, em cũng chả hơn gì bà đâu. Chúc bà vui khoẻ.
                                                                                                                                            BÚP BÊ
----------------
THƯ CỦA BÀ VỢ GỬI BỒ NHÍ
Thưa cô,
Tôi đã đọc thư của cô một cách bình tĩnh. Đúng như cô đã nói, ở tuổi tôi và ở địa vị của tôi, sự bình tĩnh luôn luôn có thừa. Này cô, Việc chồng có bồ nhí khiến tôi ngạc nhiên. Đó là cảm giác đầu tiên, và thành thật với cô, nó hơn cả cảm giác căm phẫn. Vì sao vậy? 
Thưa cô, vì tôi tin chắc rằng lão ( hãy gọi sự vật với đúng tên và đúng tuổi của chúng cô nhỉ) đã đuối sức rồi, nói một cách chắc chắn, một cách không có gì phải bàn cãi cả.
Khi viết thư cho tôi, cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê. Cô cảm thấy mình giật được từ tay bà khác một mỏ vàng, và mình có những phẩm chất rất khác thường nên mới gặp may như thế. Cô nhầm thảm hại quá, cô ơi! Quả thật lão là một cái mỏ. Hay nói chính xác hơn, đã từng là mỏ. Điều ấy cách đây ba mươi năm về trước, cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần phải một cô gái có trí tuệ siêu việt gì. Nhưng trên, trong và dưới cái mỏ ấy, tôi đã đào, đã cuốc, đã đẽo, đã nổ mìn, khai thác rầm rộ, quy mô mấy chục năm. Và giờ đây, mỏ chỉ còn khung, còn lai sự hoang tàn. Chỉ có đôi mắt ngốc của cô, chỉ có cặp môi dại của cô và chỉ có tí não khờ của cô mới không nhận ra điều đó. Cô vớ được lão, khi tôi trong một chừng mực nào đó, đã mặc cho lão tự do. Cho lão có cảm giác sổng chuồng. Đàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ, và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta. Tôi không vui gì khi lão có bồ. Nhưng chớ nói rằng tôi quá hoảng sợ vì điều đó. Tôi quá hiểu đứa khác sẽ được bao nhiêu trong khi mình đã vớ bao nhiêu. Phần của cô, hỡi ôi, thật là thảm hại. Cô khéo là ngây thơ và nhí nhảnh. Cô té xỉu khi gặp thằn lằn và ngã lăn ra khi gặp tắc kè. Dạ thưa cô, khi bằng tuổi cô, tôi cũng ngây thơ như thế. Nhưng lúc này, gặp hai của đấy, tôi chỉ đập một cái cho bẹp dí là xong. Rồi cô khoe là cô biết chợp mắt, biết ngả đầu và biết cười he hé nghiêng nghiêng. Ôi dào, những trò đó ngày xưa tôi làm mãi. Và bây giờ vẫn có thể làm, thậm chí còn làm hay hơn cô ấy chứ. Nhưng vì mục đích gì, gặt hái gì khi mọi thứ đã no nê? Cô nhìn lão trong quán cà phê hạng sang. Trong com-lê và cà vạt đắt tiền. Còn tôi có khá nhiều dịp (nhiều hơn cả cần thiết) nhìn lão trong quần đùi rộng, trong áo may ô chả hiểu là màu gì. Và tôi cam đoan rằng, cái tôi nhìn mới là cái thật. Cái cô nhìn là giả. Cô thừa biết thế, chẳng qua cô đang tự dối mình. Cô chê tôi chỉ biết rửa bát, nấu cơm. Cô thương tôi vì tôi chỉ chăm chăm lo cái nhà sạch bóng. Nhưng tôi lại thích vậy. Vì đấy là nhà tôi và lão chỉ có nửa phần. Còn lão có bóng hay không, có sạch hay không, lão phải tự lo. Tôi còn bận lo cho bản thân mình. Tôi không chúi mũi vô bếp như cô tưởng và như lão tưởng chút nào. Tôi say mê đánh bài. Tôi nghiện làm đầu và giũa móng tay. Tôi ham thích "tám" và hăng hái đi chùa. Tôi khoác áo lụa mỡ gà, khoác vòng cẩm thạch và tôi sắm đủ cho mình (bằng tiền lão, dĩ nhiên!).
Còn việc cô ngắm trăng cùng chàng, đọc thơ cùng chàng hay đốt nến cùng chàng thì xin cô hãy cứ tự nhiên. Những thứ vớ vẩn và phù du đó ngày xưa tôi cũng nghĩ là ghê gớm lắm. Nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra chúng suốt đời loanh quanh như thế, và chả có lợi ích gì. Chúng chỉ như hạt tiêu rắc vô bát phở, không hề bổ béo, chỉ khiến nó dậy mùi. Mà mùi thì tôi đã chán. Chán không phải do tâm hồn tôi cằn cỗi, mà là do đã quá đủ rồi! Cuối thư cô cho biết đã chuồn ra khỏi lão, hoặc lão đã chuồn ra khỏi cô. Tôi chả hiểu ai thoát được ai. Nhưng chắc chắn là tôi suýt thoát. Tiếc quá. Giá mà lão đi với cô, giá như lão ảo tưởng về sức mình thì tôi đã có cơ hội tuyệt vời để lại được tung tăng. Tôi tin chắc mình tung tăng chả khi nào muộn, khi mình kiêu hãnh, mình không nghèo khó và mình có sự mặn mà.Những thứ đó cô còn lâu mới đạt tới, cô bé đáng thương ơi! Cô yên tâm. Tôi sẽ đón lão về. cáo chết còn quay đầu về núi, trong khi lão chả phải là cáo, lão là người. Tôi cũng chả giày vò, chả đay nghiến chi đâu. Tôi không phải hàng tôm hàng cá. Tôi chỉ cười khẩy mà thôi. Một nụ cười mà đã làm lão nhớ đến cả chục năm. Chúc cô may mắn trên con đường chinh phục các lão khác. Thế gian chả thiếu ông già. Cô cứ việc xông lên. Chào cô.
                                                                                                                                 DIỄM BÀ
---------------------
THƯ CỦA ÔNG CHỒNG GỬI VỢ VÀ BỒ NHÍ

Hai bà thân mến!
Tôi đã đọc thư của bà nọ gửi cho bà kia. Tại sao tôi đọc được ư? Tại vì khi các bà cả đời theo dõi tôi, rình rập tôi, chả lẽ không có phút nào tôi theo dõi lại. Đọc xong hai bức thư, tôi hơi buồn. Dù cố tỏ ra lịch sự, để xứng đáng với bản thân mình và xứng đáng với tôi, nhưng các bà vẫn vênh váo và công kích lẫn nhau. Bà nọ coi thường bà kia, cho bà kia là nạn nhân của mình.
Thưa các bà
Có một điều chắc chắn hai bà không chịu hiểu: chính tôi mới là nạn nhân của hai bà. Cả thể giới biết điều đó. Cả nhân loại tiến bộ lên án điều đó. Ai, nếu không phải hai bà, chỉ sau mười mấy năm, đã biến một chàng trai khỏe mạnh, đầy nhiệt tình, đầy sức sống như tôi thành một ông tuy chưa già (còn lâu tôi mới già) nhưng gầy yếu, còm nhom, sợ sệt?
Ai, nếu không phải hai bà, có lúc từng người một, ngày đêm tra khảo tôi, ép uổng tôi, vùi dập tôi? Trong công cuộc tàn phá đời tôi, hai bà có rất nhiều điểm chung: cùng nấu ăn dở, cùng mua cho tôi những chai bia dở và cùng bắt tôi đi coi những bộ phim dở. Nhưng hai bà, mỗi người đều có những đặc điểm riêng. ghê rợn. Bà đầu tiên thích xuất hiện trong nhà với bộ đồ nhàu nát, với tóc rối bù cùng với đôi dép chiếc nọ chiếc kia. Bà sau này xuất hiện nơi công cộng với quần soóc chật căng, với áo thủng ở lưng cùng với mắt xanh viền đỏ. Cả hai thứ ấy đều giết tôi, đều nện tôi chí tử về mặt tinh thần. Nếu bà thứ nhất sểnh ra lại chạy tót sang hàng xóm, nghe thiên hạ kể về chồng thiên hạ, sau đó tự khai báo về chồng mình, thì bà thứ hai sểnh mắt ra là phóng thẳng tới quán cà phê, nghe thứ nhạc cả thiên hạ nghe tuy chả đứa nào hiểu được câu nào. Nếu bà thứ nhất đay nghiến tôi bao giờ về thì bà thứ hai hỏi tôi bao giờ đi. Nếu bà thứ nhất kêu rằng tiền điện, tiền ga đã tăng thì bà thứ hai than son môi và phấn hồng sao không giảm giá. Nếu bà thứ nhất khảo tôi về tiền lương thì bà thứ hai khảo tôi về quà tặng. Cả hai bà, trong một phạm vi nào đó, đều lái tôi và đối xử với tôi như thể tôi là giám đốc nhà băng. Cho nên không lạ gì, cho tới tận phút này, nhiều lúc tôi ngạc nhiên là mình còn sống. Hoặc mình chưa ngồi trên chiếc xe lăn. Nhưng tôi cảm thấy rất rõ ràng, cái giờ phút đó cũng chả còn xa nữa. Đọc tới đây, chắc hai bà sẽ hỏi: Khổ như vậy sao ông (bà thứ nhất gọi ông) và sao anh (bà thứ hai kêu anh) vẫn đèo bồng?
Khổ quá. Câu hỏi đó, chính tôi cũng thường tự hỏi mình. Và tôi cũng mang ra hỏi bạn bè tôi, tức mấy gã đàn ông khác. Số phận của chúng cũng chả hơn gì. Và bọn tôi đành kết luận thế này: cái kiếp đàn ông nó thế! Nhân đây cũng nói luôn, kiếp đàn ông thật ra là kiếp vô cũng khổ cực. Nhiều khi chả khác nào con ngựa, con trâu (chẳng hề được như con dê mà dân gian vẫn nói). Đàn ông sinh ra là để đàn bà lợi dụng, bóc lột (đôi khi bóc lột còn thô bạo hơn cả cướp bóc), đè nén và hành hạ. Đàn ông sinh ra là để đàn bà sai đi mua đồ, sai lái xe, sai trả tiền, sai đón con, sai luôn cả việc...đi ngủ. Trong cái bể khổ mênh mông, bao la đó, sự khổ vì bồ nhí cũng chả nổi bật bao nhiêu. Nó chỉ được gom chung vào nỗi khổ vì các bà. Đã là các bà thì một bà, hai bà hoặc ba bà cũng thế thôi!
Hai bà thân mến,
Giờ đây tôi đã tỉnh ra rồi. Tôi xin hai bà tha cho. Tôi không còn sức nữa. Kể từ giờ phút này tôi là một gã trai vô hại. Từ bỏ mọi mưu mô. Tôi ăn cơm nhà, tôi ngủ giường nhà. Tôi nuôi một vài con chim, mua vài hòn non bộ, sắm mấy giò phong lan. Tôi mở tivi xem tiết mục Thầy thuốc gia đình. Tóm lại, tôi hoàn lương toàn diện. Hai bà đừng xỉa xói nhau nữa. Đừng so bì nhau nữa. Tôi đã đầu hàng. Tôi đứng giữa hai phe. Tôi xin ngừng bắn.
Bà nào định đi đâu, cứ đi. Bà nào đang ở đâu, cứ ở. Tôi cũng thế. Tôi xin một phút bình yên. Tha cho tôi đi nhé.
Tu Ca Ca
                                                                                (From Email Vũ Trọng Khải, Tô Văn Trường)
Báo à

Đàn ông là tội nghiệp nhất trên thế gian này dù là Tây hay Ta. Cách đây khoảng 4 năm anh chuyển cho mấy người bạn bài viết "Tội nghiệp ông Tu Ca Ca". Họ đoc, khoái trí lắm, cứ tra hỏi có phải anh viết không? Anh bảo có đến tết Congo cũng chẳng tìm được tác giả là ai vì thời đại "chính ủy nằm trong đống rơm" đã qua lâu rồi.
Nhà thơ Thuận Hữu đã rất tinh tế, dũng cảm bộc lộ con tim thầm lặng biết thổn thức khi gặp ngọn lửa tình qua các vần thơ :
"Ai cũng có một thời để yêu để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng trách chi những phút xao lòng"
Nếu em thích thì đăng bài "Tội nghiệp ông Tu Ca Ca" lên blog nhé.
Anh Hổ .
--------------

Chén ngay bánh tráng thịt heo ngon tê lưỡi

Đây là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai đã chán ngấy bánh chưng, thịt gà, canh măng ngày tết.
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn đặc sản miền Trung, nhưng giờ bạn có thể dễ dàng "chén" ngay món này ngay giữa lòng Hà Nội. 
Chúng tớ gợi ý bạn một địa điểm ăn bánh tráng ngon tuyệt cú mèo, đó là quán Hoàng Bèo. Chỉ cần đi thẳng vào ngõ là bạn dễ dàng nhìn thấy quán ngay nhé.
Nguyên liệu chủ yếu để ăn bánh tráng: Thịt heo quay hoặc luộc, rau sống, khế, dưa chuột...
Nguyên liệu chủ yếu của món bánh tráng cuốn thịt heo là rau sống, dưa chuột, dứa, khế, chuối xanh... và dĩ nhiên không thể thiếu thịt ba chỉ luộc hoặc quay. Bạn có thể gọi từng loại thịt phù hợp với sở thích của mình. Những bạn nào không ăn được thịt mỡ cũng không phải lo đâu nhé, vì khi thịt cuốn với rau, bạn không hề cảm nhận được chút ngấy hay béo tẹo nào.
Mỗi loại nguyên liệu được xếp gọn gàng ra một chiếc đĩa nhỏ, rau xanh mướt cực kỳ bắt mắt, thịt ba chỉ quay luộc cũng xếp thành từng lớp để khách dễ dàng lấy từng lát cuốn.
Bánh tráng cuốn thịt heo khác hẳn so với những món cuốn khác phần lớn là do nước chấm. Đó không phải là loại nước mắm được pha thông thường, mà đích thực là mắm nêm thứ thiệt đặc trưng của người dân miền Trung, cay cay, ngòn ngọt, rất đậm đà. 
Ăn bánh tráng không hề cảm thấy ngấy vì thịt hòa quyện với rau rất ngon miệng.
Một suất bánh tráng cuốn thịt heo ở đây có giá từ 35 - 45k. Ngoài ra, quán còn bán kèm món bún mắm trộn cho ai muốn thay đổi khẩu vị. Bún mắm trộn cũng gồm các nguyên liệu chủ yếu như bánh tráng thịt heo, nhưng tất cả được cắt nhỏ, dưới một lớp mắm, trộn đều với bún ăn rất vừa miệng.
Món bún mắm nêm đậm đà hút hồn nhiều thực khách.
Nhớ ghi lại địa chỉ nha: Quán bánh tráng trộn thịt heo, Hoàng Bèo, số 6C, ngõ 21 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.

                                                                                                                            Tuấn Đà

Nhâm nhi bún đậu lòng rán ngon miễn bàn

Đậu chiên vàng, lòng rán giòn rụm làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Bún đậu Toàn béo, 98 Trần Đại Nghĩa - nằm ngay bên phải ngã tư Đại La cắt Trần Đại Nghĩa, quán đầu tiên nếu đi từ Trường Chinh vào - là địa chỉ quen thuộc của những "tín đồ" bún đậu mắm tôm Hà Nội.
Đậu ở đây không rán cả bìa như ở nhiều nơi mà cắt thành từng miếng nhỏ vuông vắn. Khi khách gọi quán mới bắt đầu rán, vì vậy bạn phải đợi hơi lâu một chút. Nhưng bù lại khi ăn ngon hết sảy, miếng đậu giòn rụm và nóng hôi hổi trong miệng khiến ai cũng gật đầu khen ngon.
Đậu rán giòn, nóng hổi khiến thực khách vô cùng hài lòng.
Đậu được đặt làm riêng cho quán, nên khi hết đậu quán sẽ không mua ở bên ngoài mà cáo lỗi với thực khách, họ sợ khách ăn đậu ngoài không thể ngon bằng. Đây là một điểm cộng to đùng của quán nhé.
Bạn có thể gọi thêm một đĩa thập cảm lòng luộc hoặc lòng rán để ăn kèm.
Mặc dù không có thịt chân giò luộc hay chả cốm như nhiều quán khác nhưng bạn có thể gọi kèm lòng luộc hay lòng rán cực kì thơm ngon.
Đĩa lòng rán vàng ươm hấp dẫn chưa?
Một đĩa thập cẩm gồm lòng rán, dạ dày... rán vàng rụm, chỉ có 50k thôi, hai người ăn no phè phỡn luôn nhé. 
Quán chỉ mở từ 10 giờ trưa đến 2 giờ chiều và khá đông khách. Các ấy nhớ để ý thời gian nếu muốn ghé qua quán bún đậu tuyệt ngon này nha.
                                                                                                                                       Tuấn Đào

4 kiểu 'người Việt xấu xí' trên đất Nhật

Ăn cắp, đi lậu vé và thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp là những điều khiến nhiều người trẻ Việt 'mất điểm' ở xứ sở mặt trời mọc.
Ăn cắp
Người Nhật nhìn chung có tính kỷ luật, tự trọng cao. Do có ý thức, các siêu thị của Nhật không cần nhiều các biện pháp an ninh như ở Việt Nam. Theo chia sẻ của cộng đồng người Việt ở Nhật Bản, đồ bày trong siêu thị hay các cửa hàng bách hoá, thậm chí bày ngoài đường không phải lúc nào cũng cần người bán hàng đứng trông coi. Các bé nhỏ thoải mái ngắm, sờ mó, thử đủ loại trò chơi trong siêu thị nhưng không bao giờ “cầm nhầm”, dù các bé có thể rất thích.
Người mua không phải gửi túi, không có cổng điện tử kiểm tra đồ chưa bấm mã. Người Nhật kinh doanh bằng lòng tin và mua hàng bằng sự trung thực. Chính vì thế, hành vi ăn cắp càng khó tha thứ hơn nữa.
Hàng hoá ở Nhật được bày bán ở khắp nơi nhưng nhân viên không cần phải để mắt canh chừng suốt như ở Việt Nam. Ảnh: Gaby.
Theo số liệu cảnh sát ở Nhật, năm qua, gần 3.200 người nước ngoài bị bắt vì phạm tội tại Nhật, tăng 133% so với năm trước đó, trong đó đa phần là ăn cắp vặt và móc túi. Cơ quan cảnh sát quốc gia của Nhật ước tính, tới 40% các vụ người nước ngoài ăn cắp là do người Việt gây ra.
Ngày 27/2, tờ Sankei Shimbun của Nhật đã đưa tin, một thành viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo ăn cắp và có thể đang tìm cách buôn lậu ra khỏi nước Nhật.
Trước đó, năm 2009, phi công Đặng Xuân Hợp - cũng thuộc Vietnam Airlines đã bị trục xuất về nước vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam.
Tấm biển cảnh cáo tội ăn cắp tại Nhật được viết bằng tiếng Việt gây xôn xao trong cộng đồng mạng. Ảnh: Facebook.
Cũng là hình thức ăn cắp buôn lậu, tháng 12/2013, một đường dây trộm mỹ phẩm và quần áo hiệu trong siêu thị tại Tokyo liên quan đến người Việt bị phanh phui. Chỉ trong tháng 1/2014, quận Fukuoka còn bắt được 5 nhóm trộm cắp người Việt.
Nhiều câu chuyện về người Việt ăn cắp như một giám đốc công ty tên tuổi ở TP HCM vẫn ăn cắp ô dù trong siêu thị tại Nhật cũng đã lan truyền trên mạng xã hội.
Hình ảnh biển cảnh báo viết bằng tiếng Việt được chụp ở một siêu thị tại thành phố Saitama, một trong những thành phố đông dân nhất đất nước mặt trời mọc, như một dấu chấm lửng buồn cho hành vi thiếu tự trọng này của một bộ phận người Việt ở xứ người.
Đi lậu vé
Đi lậu vé lại là một tật xấu khác của người Việt ở Nhật. Một số bạn trẻ thuộc cộng đồng người Việt ở nơi đây cho biết, người Việt đi tàu trốn vé ở Nhật nhiều không kể xiết. Ở những ga lớn như Ueno (Tokyo), cơ quan chức năng phải bố trí nhân viên đứng canh cửa soát vé nhưng một số người Việt vẫn ngoan cố đủ trò lách luật.
"Tệ hơn nữa, nhiều người Nhật khi thấy người Việt Nam ở trên tàu điện thì kéo khóa túi lại rồi ôm khư khư trước bụng", Linh Trang, một du học sinh ở Nhật cho biết.
Phạm tội hình sự
Không ít người Việt bên Nhật còn phạm phải những tội nghiêm trọng hơn. Tháng 11/2013, kênh Asahi News của Nhật phát một phóng sự ghi lại cảnh 7 nghi phạm người Việt bị bắt giữ trong một vụ đánh chém hội đồng.
Bắt 7 nghi phạm người Việt đánh hội đồng một du học sinh người Nepal. Ảnh chụp màn hình.
Tran Nguyen (34 tuổi) và Tran Dan (23 tuổi) bị cáo buộc cùng với ít nhất 5 người Việt khác tấn công một du học sinh người Nepal tại phố Shinjuku (Tokyo - Nhật Bản). Nạn nhân người Nepal (25 tuổi) bị tấn công bằng chân tay, và bị thương do dao ở chân.
Thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp
Người Nhật rất coi trọng công việc. Họ nổi tiếng là những người làm việc hăng say và thường rời văn phòng về nhà rất muộn. Đặc biệt, người Nhật rất khắt khe trong vấn đề giờ giấc và nội quy.
Bạn Nguyễn Hoa, hiện công tác ở một công ty Nhật cho biết: “Để tiết kiệm tiền, chúng tớ không đi tàu điện ngầm mà đạp xe đến công ty. Giờ làm việc là 9h, chúng tớ đến công ty lúc 9h kém 5. Vậy mà vẫn bị đại diện của Nhật Bản gửi thư về tổng công ty, bày tỏ sự thất vọng sâu sắc về thái độ làm việc của đoàn cán bộ Việt Nam. Theo người Nhật, chậm nhất là 9h kém 15 là bạn đã phải có mặt ở công ty rồi, 9h kém 5 mới đến là rất muộn. Chúng tớ đã học được một bài học lớn về cách làm việc này của họ.”
Tác phong của người Nhật thật sự rất khắt khe nếu so với giờ giấc hay thói quen làm việc ở Việt Nam. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà họ là một trong những cường quốc như hiện nay. Ý thức, tính kỷ luật và sự tự trọng của người Nhật luôn là một hình ảnh quốc gia rất đẹp trong mắt của bất cứ người ngoại quốc nào, và là những tiêu chí đang ngày càng được đông đảo người Việt trẻ tích cực noi theo.Bạn Hiền, nhân viên kiểm tra phần mềm tâm sự, có lần, nhóm Hiền được khách hàng giao sim để tiện kiểm tra điện thoại. Vì sim này không sẵn có, khách hàng Nhật đã yêu cầu nhóm Hiền phải làm thủ tục đăng ký để quản lý chặt chiếc sim này. Không ngờ, nhóm cô bạn chủ quan, không theo hướng dẫn, làm mất chiếc sim.
"Bên khách hàng rất giận dữ, chúng tớ phải làm kiểm điểm, báo cáo, coi lại camera và bới toàn bộ công ty để tìm. Công ty suýt nữa bị mất hợp đồng chỉ vì thói không cẩn thận của nhóm chúng tớ", Hiền kể lại.
                                                                                                                                Gaby
Để đánh tan cái nhìn thiếu thiện cảm của người nước ngoài, teen đang cố gắng xây dựng hình ảnh một Việt Nam xinh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

10 bãi biển đẹp tựa thiên đường trên thế giới

Hãy để dành xèng và vi vu một trong những bãi biển tuyệt đẹp ở Brazil, Hawaii, Italy... một lần trong đời nhé!

Dưới đây là danh sách 10 bãi biển đẹp nhất thế giới do khách du lịch bình chọn năm 2014 được trang TripAdvisor công bố.
1. Baia do Sancho, Brazil
Du khách và cả những người mới chỉ ngắm nhìn qua sách báo đều phải thốt lên đây đúng là thiên đường và vẻ đẹp của nó khiến mọi người phải "choáng váng". Thời gian tốt nhất để đến du lịch: quanh năm. Chỉ có khoảng 5 khách sạn ở khu vực này nhưng bù lại Baia Do Sancho lại có rất nhiều nhà nghỉ xung quanh.
Baia do Sancho.
2. Bãi biển vịnh Grace, quần đảo Turks và Caicos
Đến đây, du khách có thể thư thái, nghỉ ngơi, tắm nắng. Ra xa bờ hơn một chút, bạn có thể lặn biển ngắm san hô và các loài thủy sinh phong phú của đảo. Du khách đến đây đều ca ngợi không khí trong lành và cuộc sống bình yên, phẳng lặng. Bạn có thể đến đây du lịch quanh năm và có khoảng 41 khách sạn tọa lạc ở đây.
Bãi biển vịnh Grace.
3. Bãi biển Flamenco, Puerto Rico
Với bờ cát vàng trải dài mềm mại, phong cảnh hữu tình, bãi biển Flamenco (hay còn gọi là Playa Flamenco) luôn nằm trong top được bình chọn nhiều nhất của du khách trong suốt 12 tháng qua. Nơi này chỉ có khoảng 4 khách sạn nhưng có hàng trăm khu nhà nghỉ và resort.
Bãi biển Flamenco.
4. Bãi biển Rabbit, Lampedusa, Italy
Bãi biển Rabbit sở hữu những vách đá trắng, nước trong xanh tinh khiết, nhiệt độ ấm áp và cảnh quan đẹp mê hồn. Tới đây, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những chú rùa đẻ trứng và cá heo thỉnh thoảng nhô lên mặt nước. Đây cũng là bãi biển đầu tiên ở châu Âu lọt vào danh sách này.
Bãi biển Rabbit.
5. Bãi biển Whitehaven, Australia
Trang Trip Advisor nhận xét về nơi này: "Vô cùng ngoạn mục. Bãi biển vẫn còn nguyên sơ và nông, nước tinh khiết, khí hậu ấm áp". Cát ở đây không chỉ trắng sáng mà còn không giữ nhiệt, du khách có thể thoải mái đi chân trần mà không sợ bị bỏng rát vào những ngày nắng nóng..
Bãi biển Whitehaven.
6. Bãi biển Playa de ses Illetes, Formentera, Tây Ban Nha
Ở nơi này biển xanh là vô tận, cát mịn màng mát rượi theo từng bước chân và cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng. Du khách có thể mua sắm thỏa thích tại các quầy hàng được bày bán khắp nơi và nhìn ngắm những chiếc du thuyền hoành tráng, sang trọng.
Bãi biển Playa de ses Illetes.
7. Bãi biển Anse Lazio, đảo Praslin, Seychelles
Anse Lazio được du khách khen ngợi là đẹp hoàn hảo dưới mọi góc nhìn. Biển xanh sâu thẳm, mát rượi ở nơi này luôn biết cách níu chân du khách và để lại những ấn tượng khó quên. Có 32 khách sạn trong vùng và gần 50 nhà nghỉ, resort.
Bãi biển Anse Lazio.
8. Bãi biển Lanikai, Hawaii
Lanikai không thực sự dễ tìm nhưng khi bước chân tới đây, du khách sẽ có cảm giác như đang bước vào một tấm bưu thiếp với cảnh đẹp mê hồn. Barbara Messing - giám đốc marketing của trang Trip Advisor nhận định nơi này thực sự là giải pháp hoàn hảo đối với những người đã chán ngấy mùa đông kéo dài và lạnh giá.
Bãi biển Lanikai.
9. Bãi biển vịnh Rhossili, Anh
Trip Advisor đã miêu tả về nơi này: "Đây thực sự là bãi biển đẹp nhất với quy mô hoành tráng. Sự hoang dã, kỳ vĩ của thiên nhiên cũng là điểm mạnh của Rhossill". Thời gian tốt nhất để đến du lịch là từ tháng 7 đến tháng 9. Có khoảng 26 khách sạn quanh vùng và hàng trăm nhà nghỉ, resort.
Bãi biển vịnh Rhossili.
10. Bãi biển Playa Norte, đảo Mujeres, Mexico
Playa Norte được biết đến với vẻ đẹp hoàn hảo của cát trắng, nước ấm áp và là nơi nghỉ dưỡng không thể tốt hơn. Bạn có thể tới du lịch nơi này quanh năm và chọn lựa lưu trú trong 35 khách sạn cùng 62 khu nhà nghỉ, resort.
Bãi biển Playa Norte.
                                                                                              Theo VnExpress

7 bãi biển đẹp tựa thiên đường ở Việt Nam

Bãi Dài ở Phú Quốc, bãi biển Nha Trang... khiến du khách ngẩn ngơ nhìn với dải cát trắng muốt và nước biển xanh như ngọc.
Rough Guides - một chuyên trang nổi tiếng về những kiến thức và giới thiệu địa danh du lịch thế giới đến từ đất nước Anh, đã đưa ra một danh sách bình chọn những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam. 
Với hơn 2.000km bờ biển, Việt Nam có rất nhiều bãi tắm trong các vịnh nhỏ hẻo lánh cùng bờ cát trắng trải dài bên hàng dừa ngút ngàn và nước biển xanh trong. Buổi sáng tắm nắng cùng ánh mặt trời và ngắm ánh hoàng hôn tuyệt đẹp vào buổi chiều tà bên những thức ăn xứ nhiệt đới là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của các bãi biển Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. 
Bãi Dài - Phú Quốc
Ảnh: Ivivu.
Bãi Dài nằm ở phía Tây của đảo Phú Quốc, từng đứng đầu trong cuộc bình chọn 13 bãi biển hoang sơ và đẹp nhất thế giới theo chuyên trang du lịch mạng Concierge vào năm 2008. Đến với bãi Dài, ngoài bãi biển cát vàng rực rỡ và khung cảnh tự nhiên còn được lưu giữ, du khách còn bị hấp dẫn bởi hoạt động lặn ngắm san hô đầy cuốn hút. 
Bãi Sao - Phú Quốc
Bãi Sao được mệnh danh là “viên ngọc trai biển” của Phú Quốc bởi bãi cát trắng lung linh trải dài 7km với hình dáng cong thoai thoải như một mảnh trăng lưỡi liềm, đẹp tự nhiên và hoang sơ.
Ảnh: phuquoc.tv
Trong mùa hè từ tháng 5- 10, hầu hết các bãi biển ở Phú Quốc đều có gió to. Tuy nhiên, nơi đây vẫn lặng gió và biển êm nên thu hút rất đông du khách đến để đắm mình trong làn nước màu xanh ngọc bích mát rượi. Bãi Sao cũng cung cấp dịch vụ cho thuê thuyền kayak và các chuyến đi lặn biển nửa ngày bằng thuyền.
Bãi biển Nha Trang
Nha Trang là thành phố du lịch biển nổi tiếng nhất của Việt Nam. 6km bờ biển trải dài với bãi cát vàng óng ánh, nước biển xanh trong cùng con đường Trần Phú với các nhà hàng, quán bar, cà phê nhộn nhịp và công viên thành phố, nơi đặt các tác phẩm điêu khắc…
Ảnh: VnExpress.
Các trò chơi thể thao mạo hiểm dưới nước luôn được đáp ứng đầy đủ, giúp du khách thoả mãn hết thảy những sở thích cá nhân. Tuy nhiên, một lời khuyên nho nhỏ dành cho bạn là đừng nên đến Nha Trang vào tháng 11 và tháng 12, bãi biển sẽ không thực sự đẹp bởi các cơn bão nhiệt đới. 
Hòn Chồng - Nha Trang
Ảnh: panoramio.
Nằm tách biệt với không gian nhộn nhịp phố phường và bãi biển đông đúc dọc con đường Trần Phú nổi tiếng, Hòn Chồng yên bình với vẻ đẹp của mình và những câu chuyện dân gian thú vị về danh thắng này. Nơi đây cũng được xem là địa điểm lý tưởng để có những bữa tiệc hải sản linh đình với giá rẻ bất ngờ. 
Biển Hồ Cốc - Bà Rịa Vũng Tàu
Biển Hồ Cốc thuộc huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Chỉ vừa được khám phá vài năm gần đây song bãi biển tuyệt đẹp này đã thu hút rất đông du khách trong những tháng mùa hè. 
Ảnh: dulichbui.
Một bên là biển, một bên là rừng khiến Hồ Cốc có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các phượt thủ. Bãi tắm có nhiều tảng đá lớn, xếp chồng hoặc nằm rải rác, khiến bọt tung trắng xoá mỗi khi có con sóng ập vào. Suối nước nóng Bình Châu gần đó cũng là một điểm đến được tư vấn mỗi khi du khách ghé thăm biển Hồ Cốc. 
Dốc Lết - Khánh Hoà
Ảnh: apttravel.
Cách thành phố Nha Trang khoảng 60km về phía Bắc, Dốc Lết là một bãi biển hoang sơ với bờ cát trắng mịn phẳng lì, chạy dài 10km. Biển Dốc Lết khá nông, nước trong xanh và rất sạch. Hiện nay, đây là điểm thu hút khách quan trọng nhất của tỉnh Khánh Hoà. Tuy đã có sự đầu tư về dịch vụ nhưng bãi biển vẫn giữ được nét tự nhiên mà nó vốn có. 
Biển Đại Lãnh - Khánh Hoà
Thêm một bãi biển nữa của Khánh Hoà được tạp chí Rough Guides ưu ái cho vào danh sách này. Biển Đại Lãnh đẹp nổi tiếng biết bao đời nay. Ấn tượng trước vẻ đẹp của nơi này, vua triều Nguyễn đã khắc địa danh Đại Lãnh vào Cửu Đỉnh, bày trước sân Thế Miếu tại Huế.
Ảnh: vietnamdiscoveries.
Cách thành phố Nha Trang 80km, nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Biển nông vì thế du khách có thể bơi lội xa bờ. Bờ cát trắng tinh như pha lê chạy dài cùng hàng dương xanh mướt cuốn hút không ít du khách quốc tế và trong nước.
                                                                                                                           Gà Con

28 tháng 3, 2014

Làm sao cứu vãn thứ giáo dục phi chuẩn mực này được ?

Vương Trí Nhàn

-- Ngành giáo dục ở ta đang trong tình trạng thế nào ?
-- Nói cho hình ảnh một chút, nó đang lê lết trong cảnh trì trệ. Về triển vọng, thì có vẻ bệnh ở dạng vô phương cứu chữa. Tức nếu không dỡ bỏ làm lại thì vùng vẫy đến mấy cũng sẽ không ra khỏi cái tình trạng suy thoái hiện có.
Tôi biết nói vậy là bi quan. Nhưng nếu biết vượt lên tình cảm thông thường và có cái nhìn khách quan, cũng như sử dụng tới những thước đo hiện đại khi đánh giá tình hình bàn việc cải cách, chắc chúng ta không thể nghĩ khác.
Một dạng "tiên thiên bất túc"
Lùi lại nhìn ngành giáo dục của ta từ hồi kháng chiến chống Pháp, rồi qua chống Mỹ và hậu chiến gần 40 năm nay, tôi thấy nó được xây dựng ngoài những chuẩn mực chặt chẽ mà mọi nền giáo dục phải có. Như một cơ thể, nó thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng .
Ta hay có lối làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm.
Ví dụ một trường đại học trước tiên phải có đủ bộ phận giảng viên đảm nhiệm việc giảng dạy theo những quy định quốc tế. Ở các nước gọi là đang phát triển, một trường đại học chỉ được thành lập khi có một bộ phận nòng cốt là những giáo sư đã học tập ở những Sorbone, Oxford hoặc những trường tương tự… trở về. 
Đâu người ta cũng hướng tới những yêu cầu này để noi theo, nay chưa làm được thì mai làm. Chỉ có riêng ta thì không.
Trên danh nghĩa đại học VN cũng có những người gọi là giáo sư hay tiến sĩ đấy, nhưng đó là ta phong với nhau để làm việc, chứ thực tế thấp hơn chuẩn mực rất nhiều.
Rộng hơn câu chuyện giáo viên là chuyện cơ sở vật chất và không khí học thuật của một trường đại học.
Rồi rộng hơn câu chuyện của riêng ngành đại học là chuyện của mọi cấp học. 
Tính phi chuẩn đang bao trùm trong mọi lĩnh vực, từ trường sở, sách giáo khoa, cách cho điểm, cách tổ chức thi cử…, cho tới chất lượng dạy và học. 
Ta hay quen miệng nói chúng ta rất có truyền thống về giáo dục. Sự thực, giáo dục VN thời trung đại còn quá non nớt không đủ hình thành một hệ thống. Tới nền giáo dục mà người Pháp mang lại thì mới tàm tạm.
Nhưng rồi mấy chục năm chiến tranh, cái sự làm lấy được làm theo ý chí đã thành chuẩn mực duy nhất ở ta, nó chi phối tất cả, khiến giáo dục VN có cách tồn tại, cách vận hành riêng chẳng giống ai. Các trường mới lập ra phải theo trường cũ, sau giải phóng thì miền bắc bắt miền nam phải theo.
Tạm ví như trong khi người ta đi thì mình phải bò phải lết, vậy mà vẫn tự hào rằng mình cũng đang đi chứ đâu có đứng yên.
Sửa vặt chỉ là vô nghĩa
Luôn luôn xảy ra tình trạng trường không đáp ứng đúng chuẩn mực cũng cố mà mở, giáo viên chưa đủ trình độ cũng cho dạy, học sinh không đủ trình độ cũng cho lên lớp, sinh viên ra trường không ai nhận cũng cứ xin thêm chỉ tiêu đào tạo. 
Trước mắt chúng ta là một cơ thể lúc nào cũng ốm yếu quặt quẹo.
Đây đó, nó có được chấn chỉnh chỗ này thì chỗ khác lại làm bừa làm bậy rõ hơn. Mọi sự sửa chữa chẳng qua chỉ là đắp điếm giả tạo.
Tình trạng tuyệt vọng thấy rõ là khi mọi sự đã không còn thay đổi được nữa. 
Dăm bảy năm nay, nhận thấy các trường công lập bị bao ràng buộc, nhiều người đã tính bàn nhau mở thêm các trường dân lập.
Gia đình tôi cũng thử xem sao, cho con đi học dân lập, sau mới ngớ ra. Nếp làm giáo dục ở ta mấy chục năm nay nó đã thế rồi, thì lúc ra tồn tại với danh nghĩa khác, người ta cũng cứ đường cũ mà đi.
Khi các giáo viên vẫn thế, người quản lý các trường cũng thế, chuyện các trường dân lập có đủ bệnh như trường công lập nói chung thật dễ hiểu. 
Thế thì còn có cách nào mà cựa bây giờ?
Để cùng xác định mức độ nghiêm trọng, và sự bất lực đã trở thành chắc chắn, xin có một chút liên hệ:
Đọc báo gần đây, thấy các cơ quan quản lý giao thông đề nghị mọi người hiến kế để có cách làm sao tai nạn giao thông có thể mỗi ngày mỗi giảm.
Nhưng vấn đề là ở chỗ người ta phải dự tính điều này từ khoảng mười lăm hai mươi năm trước, khi số lượng các phương tiện giao thông còn tạm chấp nhận được. Chứ với mức độ xe máy như hiện nay, trên tình trạng đường sá hiện nay thì có tài thánh cũng không hạn chế nổi tai nạn.
Sức ì của người trong cuộc
Khi không có những điều kiện cần và đủ mà bắt buộc phải tồn tại, tự bản thân cơ chế giáo dục phải có cách thích ứng, lâu dần nó tự ổn định trong tình trạng hiện thời và tự nhiên là trở nên trơ lì, không thể phấn đấu thành cái đáng ra nó phải thế, cũng tức là không thể trở thành đúng như chuẩn mực nữa.
Quán tính tự bảo vệ không cho phép người trong ngành thấy hết bệnh tật đang có trong cái môi trường người ta tồn tại.
Một điều không ai nói ra nhưng ai cũng biết, lâu nay giáo dục đã là nơi sinh sống làm ăn của bao nhiêu con người. Nay giả thử có sự thay đổi thì những người đó đi đâu làm gì bây giờ?!
Không ai tự chặt chân mình, tự làm phiền mình trong công việc cả. 
Thành thử cứ với nhận thức như hiện nay, thì dù nhiệt tình đến đâu cũng chỉ có thể có những cải cách hời hợt chứ không thể có những thay đổi cơ bản.
Qua các trang mạng tôi được biết một tờ báo của Pakistan cuối tháng 9 - 2012, có bài nói khá đúng về giáo dục VN. Tác giả bài báo kể một giáo viên VN nói với ông ta "Hệ thống giáo dục của chúng tôi đang đi xuống dốc". 
Và người giáo viên VN bổ sung "Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng tôi sẽ chỉ có các quan chức ngu ngốc và những con người xảo trá".
Vậy là tình trạng lê lết hiện nay ai cũng biết, nhưng không có cách cứu vãn.
Hai đề nghị của Myanmar về giáo dục mà chúng ta khó nuốt
Khi bàn về cải cách ở Myanmar, lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi có mấy ý kiến về giáo dục mà tôi thấy rất tâm đắc.
Trước tiên bà bảo, sau giai đoạn thuộc địa và thời kỳ sống trong chuyên chế, nay cái mà Myanmar cần là đào tạo nhiều thợ học nghề chứ không phải đào tạo kỹ sư. 
Đội ngũ trí thức trẻ, cần thì cần thật nhưng phải là thứ thiệt. Lấy đâu ra đại học tử tế để có số kỹ sư cần thiết ấy? Vậy phải tạm xếp yêu cầu đó lại. 
Cách chuẩn bị tích cực nhất là nhờ nước ngoài, theo kinh nghiệm của Myanmar là nhờ Anh.
Lâu nay sách sử dạy trong các trường học Myanmar vẫn soạn theo tinh thần của các nhà sử học Anh khi viết về Myanmar. Cả nền giáo dục trước sau tính là phải theo những chuẩn mực quốc tế.
Riêng đại học Rangoon vẫn là đại học có tiếng ở Đông Nam Á.
Vậy mà theo Aung San Suu Kyi, thế vẫn chưa đủ. Bà bảo trong thời gian giới quân sự nắm quyền, giới sinh viên được đào tạo thành những con người biết vâng lời và làm theo mệnh lệnh hơn là con người sáng tạo. Và bà đề nghị phải làm lại nền đại học này. Trong tình hình của Myanmar, nước phải nhờ là nước Anh.
Chỉ có cách đó
Thoáng đọc, chắc ai cũng thấy các đề nghị nói trên dựa trên những nguyên tắc xa lạ với giáo dục VN. 
Ngay cái chuyện đừng tính đại học vội mà hãy lo đào tạo công nhân lành nghề -- ý kiến ấy cũng khó nuốt lắm. Như thế là thoái thác cái đề án “xây dựng công nghiệp hiện đại nông nghiệp hiện đại, văn hoá giáo dục tiên tiến” sao ? Ai mà chịu nổi.
Đến như cái điểm đi nhờ giáo dục nước ngoài, lại càng không ai nghe được. 
Ta quen thói tự tin, cho rằng cái gì cũng phải lấy tinh thần độc lập tự chủ làm đầu. Thế thì ai lại muối mặt đi nhờ các nước phương Tây mà ta vừa thèm muốn được như họ, vừa căm ghét sao họ hơn mình nhiều thế?
Sở dĩ người Myanmar đi tới những định hướng trên đây, bởi ở họ có một tinh thần thực sự cầu thị. 
Họ cho rằng họ phải học hỏi nước ngoài nhiều thì mới có được một nền giáo dục cần thiết.
Ta thì luôn luôn tự hào rằng mình có một truyền thống giáo dục hết sức tốt đẹp, và chỉ cần có tiền là sẽ làm được hết.
Trong mọi việc ta thường chỉ lo làm dáng. Khi đứng trước một việc mà thâm tâm thấy bất lực, liền đánh bài lấp liếm, mức cao hơn nữa là tự lừa dối chính mình cho xong chuyện.
Nhưng tôi vẫn thấy trong hoàn cảnh của ta, cái phương án Myanmar nói trên là phương hướng khả dĩ.
Trước mắt là không nên thảo luận về cải cách gì cả.
Bộ phận giáo dục hiện nay đã hỏng hẳn với nghĩa là tự nó không thể nghĩ ra phương hướng thay đổi. Và giả sử có phương hướng đúng thì những người trong cuộc cũng không theo nổi. 
Ví dụ dù có tung ra bao nhiêu tiền của chăng nữa thì bộ phận soạn sách giáo khoa ở ta hiện nay cũng không sao làm nổi một bộ sách giáo khoa cần thiết.
Và giá có bộ sách ấy thì hệ thống giáo viên cũng không đủ sức dậy theo.
Vừa rồi có một đề nghị là phải trả lại tự do cho ngành giáo dục. Nhưng kinh nghiệm của tôi bên văn chương cho thấy một bài học khác. Các nhà văn của ta bị trói quá lâu, đúng hơn là bị đào tạo vội vàng, cũng tiên thiên bất túc y như bên giáo dục. Luôn miệng đòi tự do nhưng lại không biết làm gì với thứ tự do đó cả. Khi được cởi trói một chút thì chỉ có tự do hoang dại là phát triển.
Từ bỏ chủ nghĩa bình quân
Cũng phải nói thêm, sở dĩ chúng ta biết không đạt chuẩn mực vẫn cứ làm, lý do là vì muốn ai cũng được hưởng phúc lợi giáo dục. Ngay trong hoàn cảnh xã hội chưa trưởng thành mọi mặt trong đó khâu thấy rõ nhất là về kinh tế, ta cũng vẫn cố phổ cập giáo dục rộng rãi để lấy tiếng và để mọi người ai cũng có thể vừa lòng. 
Nay có lẽ đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn: hoặc chất lượng giáo dục hoặc số lượng.
Tức một việc đau xót có thể xảy ra, là phải tạm thời từ bỏ nguyên tắc phổ cập đó, lùi một bước tiến ba bước. 
Giống như trong kiếm sống, phải có người giàu trước người giàu sau, -- thời gian trước mắt, trong giáo dục chúng ta chỉ có thể bảo đảm cho một số nhỏ thanh thiếu niên được học hành cẩn thận, còn đa số sẽ chỉ được trang bị một ít kiến thức cơ bản rồi lo học nghề, để ra làm thợ, có lẽ như thế sẽ hợp lý hơn chăng? 
Còn làm như hiện thời, cố để mà phổ cập giáo dục là một việc quá sức, và thực tế là sẽ không bao giờ có thể có giáo dục với nghĩa đúng đắn của nó.

Trang