Là huyện nghèo nằm trong vùng bãi ngang, mảnh đất Nghi Xuân-Hà Tĩnh không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và nên thơ mà con người nơi đây rất đỗi hào hoa và anh hùng, họ luôn gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp, những danh lam thắng cảnh mà ông trời đã ban cho, con người chịu thương chịu khó, mặn mà với vị chát của biển.
Tượng đài đại thi hào Nguyễn Du
Bao giờ ngàn hống hết cây
Sông Lam hết nước đó với đây mới hết tình
Đi dọc quốc lộ 1A, qua TP Vinh, chúng ta sẽ bắt gặp cầu Bến Thủy, vắt qua một dòng sông, đây chính là sông Lam huyền thoại, dòng sông đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, cùng với đó là núi Hồng kì vĩ, nhấp nhô như một bức trường thành.
Núi Hồng có 99 ngọn, một mặt nằm dọc bờ biển Đông, mặt kia chạy dài theo quốc lộ 1A, với chiều dài khoảng 30km, rộng chừng 15km. Núi Hồng Lĩnh tên Nôm là Ngàn Hống hay Rú Hống, cũng đọc là Hống, tên chữ là Hồng Sơn (núi Hồng) hay Hồng Lĩnh, là dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh.Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ nghệ.
Theo truyền thuyết từ xưa, có một ông khổng lồ (tên gọi là ông Đùng) đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ Lam giang và La giang đem về đây xếp thành dãy Hồng Lĩnh. Cũng chính ông Đùng đã đào quặng sắt ở trong các ngọn núi đem đến làng Vân Chàng và Minh Lương dạy cho dân làm nghề rèn – một nghề truyền thống vẫn còn lại đến ngày nay.
Cũng có truyền thuyết lại kể rằng, có một con chim phượng hoàng thấy địa hình ở đây đẹp có sông, có biển nên đã gom 100 ngọn núi về đặt ở đây, nhưng khi bay gần đến nơi thì bị rơi mất một quả, và quả núi đó bây giờ là núi Dũng Quyết nay thuộc (phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An).
Sông Lam hay còn gọi là (sông Cả,Ngàn Cả) là một dòng sông thân thương chảy giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam được xem là biểu tượng của xứ Nghệ. Hai bên dòng sông Lam có những làng văn hóa của Nghệ An và Hà Tĩnh như Yên Hồ (Đức Thọ), Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân), Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh), Trung Cần, Hoành Sơn, làng Kim Liên (Nam Đàn) tạo nên một vùng văn hóa Lam Hồng.
Từ núi Hồng nhìn sang sông Lam
Mảnh đất ” địa linh nhân kiệt”
Từ xưa mảnh đất Nghi Xuân đã có tên là “địa linh nhân kiệt”, một vùng đất cát trắng đầy nắng và gió lào, quanh năm chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thiên tai và chính nơi đây đã sinh ra những nhân tài như Đại thi hào Nguyễn Du, nhà quân sự, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Công Trứ. Trải qua bao nhiêu thế hệ nhưng con người ở đây họ vẫn luôn gìn giữ được giá trị đạo đức, phẩm chất của quê hương. Và chính nơi đây là cái nôi của ca trù, về với Cổ Đạm điều đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến đó là ca trù, một làn điệu làm ngất ngây lòng người, ta dễ dàng cảm nhận ca trù ở đây nó ngấm vào máu vào thịt mỗi người dân.Hiện nay, ở mảnh đất Cổ Đạm, các cụ nghệ nhân hát ca trù xưa còn lại rất ít, tiêu biểu như: cụ Hà Thị Bình, Trần Thị Gia, Hà Thị Lý, Phan Thị Nga năm nay các cụ đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy. Nhưng chính họ là những người đầu tiên phát triển phong trào hát ca trù, kêu gọi con cháu tham gia tập hát. Họ cũng chính là những con người truyền lại ngọn lửa ca trù cho các con cháu, cho thế hệ trẻ bây giờ.
Đền chợ Củi, một Ngôi đền linh thiêng này ở Xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Ngôi chùa đặt trên triền núi, phía trước cổng chùa dòng sông Lam thơ mộng. Nơi đây phong cảnh sông núi, non nước hữu tình thu hút rất nhiều du khách thập phương về dự lễ hội. Đền Chợ Củi có rất nhiều lễ hội, nhưng mồng 10/10 âm lịch là một trong những lễ hội lớn nhất của năm. Hàng năm, vào ngày này, nhân dân khắp vùng từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn đến tận Sài Gòn… đều tụ tập về đây, thành kính dâng những nén tâm hương, cầu xin được chở che, an lành.
Đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ
Theo con thuyền ngược dòng từ Cửa Hội, nhìn vào bờ Nam,ta gặp nơi đây có Đình Hội Thống nằm gần cửa Hội. thuộc xã Xuân Hội, Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đình được xây dựng từ năm 1659, hoàn thành năm 1660. Đây là một công trình kiến trúc lớn, đẹp. được xếp hạng di tích nghệ thuật quốc gia tháng 7 năm 1990 Kiến trúc
Đình có kiến trúc kiểu chủ nhất. mặt quay hướng Bắc, 7 gian 2 chái, cột lim to, bộ vì nóc kẻ chuyền, loại vì kèo 5 cột. Tuy đã tu sửa lại nhiều lần, nhưng trên các vì kèo vẫn còn mang nhiều nét kiến trúc của thế kỷ 17.
Là huyện nghèo nằm trong vùng bãi ngang, nơi đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và nên thơ mà con người nơi đây rất đỗi hào hoa và anh hùng, họ luôn gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp, những danh lam thắng cảnh mà ông trời đã ban cho, con người chịu thương chịu khó, mặn mà với vị chát của biển.
Với nhiều lắm những danh lam thắng cảnh, hệ thống di tích, văn hoá phong phú về số lượng, độc đáo về nội dung, đa dạng về loại hình, Nghi Xuân đang là miền đất hứa, là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách.
Nguyễn Thanh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét