Đừng chê bai hay chế nhạo người dân nữa tội nghiệp. Chỉ còn mỗi quán thịt chó và quán bia là những nơi mà người dân có thể vui vẻ bên nhau và trú ẩn chốc lát trước một cuộc sống đầy bất trắc.
Từ bao giờ người Việt có thói quen lấy khoái cảm từ việc tự xỉ vả bản thân? Đã mấy hôm nay, người ta chuyền tay nhau các con số 3 tỉ lít bia, 5 triệu con chó, và 500.000 ấn đền Trần được tiêu thụ trong một năm như những minh chứng hùng hồn cho sự bệ rạc và xuống dốc của người Việt. Chúng ta đang tự mô tả mình như một cộng đồng chỉ quẩn quanh dọc ba cạnh của hình tam giác mà ba đỉnh là quán bia, đền chùa và quán thịt chó (mà trong đó cạnh nối quán bia và quán thịt chó là được lưu thông nhiều nhất).
Tôi muốn kêu gọi: chúng ta hãy bình tĩnh. Chúng ta có thể không thông minh như người Do Thái, không chăm chỉ như người Nhật Bản, hay không xinh đẹp như (đàn ông) Ả rập, nhưng chúng ta đâu có đến nỗi nào. Đề nghị tất cả ngồi xuống, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ từng chuyện.
Đề nghị tất cả ngồi xuống, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ từng chuyện... Ảnh: NLD
3 tỉ lít bia
Theo con số của các nhà sản xuất bia thì người Việt tiêu thụ 3 tỉ lít bia một năm, hay bình quân 33 lít trên một đầu người. Vậy là mỗi tuần, mỗi người uống chừng 0.6 lít bia. Tôi không cho rằng đây là con số gây sốc. Tất nhiên, có người có thể lý luận là phải bỏ ra ngoài phép tính này trẻ em, người già, phụ nữ vân vân. Nhưng kể cả như vậy, suy ra, mỗi người đàn ông Việt cũng chỉ uống cỡ 1.2 lít bia, hay là hơn hai cốc vại một chút, một tuần. Một con số khiêm tốn. Bạn không tin ư? Xin thưa, tửu lượng này tương đương với mức độ của Ý (là những người mà ta biết là ngoài bia ra uống khá nhiều rượu vang). Mà Ý lại chỉ bằng một nửa của Brazil. Mà Brazil lại chỉ bằng hai phần ba của Úc. Nói cách khác, người Úc uống bia nhiều gấp 3 lần người Việt.
Quán quân thế giới là những người Tiệp Khắc anh em, năm 2012 họ tiêu thụ 160 lít bia mỗi người, thêm bớt mấy cốc không thành vấn đề. Lại có một số người lý luận là thể tích của người châu Âu to hơn nên họ có thể uống nhiều hơn trước khi bị lú lẫn. Nhưng ngược lại, ta phải nhớ là ở xứ lạnh không ra mồ hôi như Tiệp Khắc thì 160 lít của họ sẽ gần với 180-200 lít hơn, còn 33 lít ở ta thì thực ra chỉ còn 20 lít vì mùa hè nó túa ra theo lỗ chân lông hết, vả lại bia hơi vỉa hè thì làm sao mà đo được lượng cồn với Pilsner Urquell. Có thể tranh luận nhiều hơn, nhưng tóm lại, chúng ta không có gì phải băn khoăn ở đây.
5 triệu con chó
Bây giờ sang chuyện 5 triệu con chó bị đưa lên bàn ăn hàng năm ở Việt Nam (theo nguồn tin của tờ báo Anh The Guardian). Vấn đề này cần phân tích công phu hơn một chút. Người ta ăn chó ở Cameroon, Ghana, Nigeria, và không những ở những nước "lạc hậu" này, mà còn ở Canada (với điều kiện con chó phải bị giết với sự có mặt của một thanh tra liên bang), Thailand, Nhật Bản, và tất nhiên, ở Hàn Quốc.
Chúng ta hãy dừng lại ở đất nước này. Mỗi năm người Hàn xếp lên đĩa khoảng 8.500 tấn thịt chó. Gỉa định rằng mỗi con chó nặng trên dưới 10 kg, số lượng thịt này sẽ tương đương với khoảng 850.000 con chó. Công nhận rằng chưa thấm tháp gì, nhưng ta phải lưu ý là dân số Hàn Quốc chỉ là 50 triệu. Như vậy, nếu dân số tương đương với Việt Nam, lượng chó đi vào bếp ở Hàn Quốc sẽ là hơn 1,5 triệu con. Vẫn còn là thấp hơn nhiều so với con số 5 triệu của ta.
Nhưng, và bây giờ các bạn hãy bám chắc vào mép bàn hay thành ghế để khỏi ngã: mỗi năm, người ta dùng thêm 93.600 tấn, tức là hơn 9 triệu chú cẩu nữa, để sản xuất ra một loại nước lên men tên là Gaesoju, nôm na là rượu chó, mà người Hàn Quốc thề là rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là để "điều hoà tiêu hoá", và nhất là "sau khi có phẫu thuật". Vị chi tổng cộng là 11 triệu con chó, cho cả ăn lẫn uống. Không rõ vì sao người Hàn lại bị nhiều phẫu thuật như vậy.
Cảnh tượng năm nào cũng diễn ra tại đền Trần. Ảnh VNE
500.000 ấn đền Trần
Khác với bên trên, trong chuyện ấn đền Trần thì chúng ta không có điều kiện làm các so sánh quốc tế với độ tin cậy cao. Tuy nhiên con số nửa triệu là khá ấn tượng, và cộng với các loại ấn của các đền khác nhau trong cả nước, cũng như các lễ lạt chùa chiền khác nữa thì về mặt thống kê có thể nói trung bình gia đình nào cũng có người đầu năm đến nhang khói nhờ thánh thần phù hộ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra ở đây là vì sao bây giờ người Việt lại nhờ cậy tới thần linh nhiều như vậy.
Theo các nhà xã hội học, người ta càng có nhu cầu bám vào các thế lực siêu nhiên khi cuộc sống của người ta càng bấp bênh, bất an, ngoài vòng kiểm soát. Nói một cách khác, khi xã hội không có thượng tôn pháp luật, không đem lại cho người dân an sinh, cảm giác an toàn, chắc chắn, được che chở, bảo vệ, thì người ta phải nương tới cửa thánh thần.
Chẳng ngoài vòng kiểm soát hay sao nếu như bạn không chắc là miếng đất có sổ đỏ của bạn, hay cái đầm cá bạn vẫn canh tác hàng chục năm nay, tới sáng mai liệu có còn thuộc về bạn, hãy đã nằm trong dự án của một đại gia nào đó rồi... Để các thần trao cho đứa bé sơ sinh trong gia đình bạn sức đề kháng chống cự lại với vắc-xin bệnh viện được bảo quản đúng quy trình chứ. Để bà Chúa Thượng ngàn cho năm nay mưa thuận gió hoà để cái đập thuỷ điện lơ lửng bên trên đầu bạn không xả lũ đúng quy trình chứ.
Những cái "quy trình" mà lúc nào cũng đúng đấy, nó cứ lừng lững mà tiến như xe lu, cán bẹp mọi thân phận không may dính phải nó, người ta biết nhờ vào ai mà tránh nếu như không vái tứ phương.
Nhưng còn một cái bấp bênh cuối cùng nữa, đó là không rõ các thánh thần có còn tai mà nghe tiếng cầu khẩn của dân hay không. Đằng trước hàng chục nghìn dân đen nhốn nháo, quần áo nhếch nhác, chen chúc nhau trước cửa đền Trần là mấy hàng quan chức, trang nghiêm trong những bộ comple đen trịnh trọng, như đang ở một cuộc họp trung ương. Họ trò chuyện và hứa hẹn gì với Đức thánh Trần, sẽ chẳng ai biết được. Nhưng gì thì gì, ở chỗ linh thiêng này cũng như nơi trần tục, quan phải xong thì mới tới lượt dân.
Cho nên các bạn ơi, đừng có chê bai hay chế nhạo người dân nữa mà tội nghiệp họ. Cuối cùng, chỉ còn mỗi quán thịt chó và quán bia là những nơi mà người dân có thể vui vẻ bên nhau và trú ẩn chốc lát trước một cuộc sống đầy bất trắc.
Đặng Hoàng Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét