4 tháng 2, 2014

Tiếng Nghệ

“Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để”, câu thơ của Phạm Tiến Duật có lẽ đã nói thay cảm nhận của nhiều người trong Nam ngoài Bắc về giọng nói của một miền quê Bắc Trung bộ. Răng mà buồn cười enh? (Sao mà buồn cười anh?).
Ảnh minh họa: Dân Trảo Nha( Can Lộc)
Vì tiếng Nghệ về giọng điệu phát âm đã khác, nặng tiếng mà không rõ lời, còn về từ ngữ lại đặc tính địa phương. Chẳng thế mà có lẽ chỉ duy nhất tiếng Nghệ là có hẳn một từ điển để tra cứu, cứ như đó là một thứ “ngoại ngữ” vậy. Lại không chỉ một, mà có đến hai cuốn "Từ điển tiếng Nghệ”. Khiếp chưa!
Dân Hà Tĩnh nói riêng, dân Nghệ nói chung, biết ơn nhạc sĩ Nguyễn Vãn Tý đã đưa hai chữ “đi mô” vào câu ca mở đầu bài hát nổi tiếng “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” vang động khắp nước từ đầu thập niên 1970 đến nay.
“Đi mô” trở thành đặc hiệu nhận diện của một vùng quê. “Đi mô” cũng đóng đinh một bài “tỉnh ca” duy nhất có phương ngữ của nơi đó. Dân “đi mô" còn tự hào đùa vui rằng: Trong câu mở đầu bài hát “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”) thì nửa vế đầu là diễn dịch cái ý “đi mô” mà thôi, nhưng lại chẳng có được từ “đi mô”, rứa là vẫn chưa đặc trưng, chưa có được cái riêng chỉ của một vùng thể hiện trong lời ăn tiếng nói. Mà “đi mô” là khẳng định tuyệt đối nhé, chứ “Dù” thì vẫn là cách nói điều kiện, nhượng bộ. Rồi nữa, “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, Nước mô trong bằng nước sông La” (Bài hát “Người con gái sông La” - lời Phương Thúy, nhạc Doãn Nho), khác với “Không thể nói trời không xanh hơn, Và mắt em trong sáng khác ngày thường” (Bài hát "Cảm xúc tháng Mười” - lời Tạ Hữu Yên, nhạc Nguyễn Thành). Chuyện so sánh đùa vui nhưng cũng cho thấy nét riêng trong cách nói cách cảm của mỗi vùng miền đất nước ta.
Mà đâu chỉ đùa trong nước, đùa cả ra nước ngoài, đùa rằng tiếng Nghệ là gốc của tiếng Anh, tiếng Nhật. Thì đây, dân Nghệ nói phủ định bằng từ “nỏ”. “Nỏ” là “không”. “Ngái ngô mô mà nỏ chộ" (“Xa xôi gì mà chẳng thấy”). Người Anh (hay nguòi Mỹ) thích từ này quá, vì nó gọn, nó ít chữ cái, nó quả quyết, rứa là họ lấy về, và do tiếng họ không có dấu thanh điệu nên họ bỏ dấu hỏi đi, thành ra "no" rồi đọc theo cách của họ là “nâu”. Còn tiếng Nghệ cho tiếng Nhật các nguyên âm A, O, I tha hồ mà lập từ, kiểu như Orakhimo (O ra khi mô = Cô ra khi nào), Ganigachi (Ga ni ga chi = Ga này ga nào). Nói thêm về từ “nỏ”. Vừa rồi tôi có đọc bài viết của một cô giáo nói được học sinh sửa cho cách hiểu một câu thơ của Tố Hữu trong bài “Bác ơi": “Chuông ơi chuông nỏ còn reo nữa” chứ không phải là “Chuông ơi chuông nhỏ còn reo nữa”. Nghe ra có vè họp lý khi đặt từ “nỏ” vào đây. Nhưng câu thơ chính của nhà thơ Tố Hữu viết từ tháng 9/1969 mới là đúng, đó là một câu hỏi tu từ nói lên tâm trạng bàng hoàng, đau đớn của nhà thơ khi được tin Bác Hồ qua đời.
Tiếng Nghệ theo ngôn ngữ học thì là một thứ tiếng cổ, cho nên những từ nay bị coi là phương ngữ trong tiếng Nghệ thì thực ra là những từ cổ còn lưu lại. Tôi không phải dân ngôn ngữ, nhưng để ý thấy có sự chuyển đổi giữa một số từ trong tiếng Nghệ và tiếng phổ thông. Lấy thí dụ âm “”. Từ tiếng Nghệ không có mà từ phổ thông có: Su=Sâu, Tru=Trâu, Nu=Nâu, Trú=Trấu, Trù=Trầu... (Riêng từ Đậu ở tiếng Nghệ cũng theo quy luật mất “” nhưng được đọc thành ĐỘ để tránh từ tục, như ĐỘ ĐEN, ĐỘ ĐẠI HỌC). Nhưng lại có xu hướng ngược lại  thành A: Sây= Sai, Trấy=Trái, Gây=Gai, Gấy=Gái,
Cấy=Cái, Đấy=Đái... “Đi đấy” là “đi đái”. Cứ kể ra thế này thì còn nhiều, các nhà ngôn ngữ học sẽ có cách giải thích hợp lý, còn người nói hàng ngày thì vẫn nói, và ai vô ra xứ Nghệ sẽ vẫn có bất ngờ thích thú trước những từ địa phương của vùng đất Hoan Diễn xưa. Từ “Ngài” trong tiếng Việt được trang trọng dùng khi tiếp các nhân vật quan trọng, nổi tiếng nước ngoài, thì trong tiếng Nghệ là chỉ người, được dùng hàng ngày. Đoàn enh đi có mấy ngài? Trưa nay ăn cá náng (nướng) hay cá loọc (luộc)?
Tiếng Nghệ đã vào thơ ca của người Nghệ từ lâu.
Một bài thơ tương truyền của Nguyễn Công Trứ (1778 -1858) nghịch ngợm và tình tứ:
Tau (tao) ở nhà tau, tau nhớ mi (mày)
Nhớ mi nên mới bước chin (chân) đi
Không đi mi nói răng(sao) không đến
Đến thì mi nói đến mần (làm) chi
Mần chi tau đã mần chi được
Mần được thì tau đã mần đi.
Nhà thơ Nguyền Bùi Vợi (1933-2008) có bài thơ “Tiếng Nghệ” yêu thương khắc khoải:
Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em...
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng chưa sang nhởi nhà choa
Bà o đã nhốt con ga trong truồng
Em cười bối rối mà thương
Thương em thì một trăm đường thương quê
Gió lào thổi dạt bờ tre
Mới qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ sởi đá đất cằn 
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em...
Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ ở Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội đang “chơi” dịch thơ tiếng Việt sang tiếng Nghệ, ví như một bài dịch Đường thi:
Anh ở đầu sông Tương
Em ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy nhau
Cùng uống nước sông Tương
chuyển qua “Nghệ ngữ” thành:
Mi ở đầu sôông Tương
Tau ở cuối sôông Tương
Nhớ chắc không thấy chắc
Cùng uống nác sôông Tương.
Có lẽ những người xứ Nghệ ở quê và xa quê đều đồng cảm tâm trạng của chàng trai trong bài thơ của Nguyên Bùi Vợi sau khi làm “phiên dịch” cho cô gái lần đầu về quê mình:
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.
Ngày xuân nói chuyên tiếng Nghệ không hẳn để nói một địa phương, vì trong đại gia đình tiếng Việt còn những sắc thái của tiếng Hà Nội, tiếng Sài Gòn, tiếng Huế, tiếng Ọuảng, tiếng Nam bộ..., mà cốt để nói tâm tình của những người con xa quê nhớ quê cho mọi vùng miền đất nước. Còn như tiếng Hà Tĩnh, tiếng Nghệ Tĩnh nói chung, thì lại phải nhờ nhà thơ Phạm Tiến Duật nói hộ cảm xúc của người nghe, “anh lặng người như trôi trong tiếng ru”.
                                                                                                     (Theo Phạm Xuân Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Trang