21 tháng 2, 2014

Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Có lúc đơn xin vào Đảng của tôi bị từ chối'

Con trai cố TBT Lê Duẩn: 'Có lúc đơn xin vào Đảng của tôi bị từ chối'
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lê Kiên Thành hồi tưởng với Một Thế Giới về vai trò của người Đảng viên trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Một Thế Giới xin trích đăng cùng bạn đọc.
Ngày trước, đi đến bất cứ đâu, đến bất cứ tập thể nào, tôi luôn thấy rằng những người nào tốt nhất, hay giúp đỡ mọi người nhất, và có những biểu hiện phi thường nhất, thì đó là Đảng viên. Hầu như ở mọi tập thể mà tôi từng trải qua, điều đó luôn đúng.
Những người đó có thể không được học hành đầy đủ, họ có thể chỉ là một anh bảo vệ, một chị thủ kho. Nhưng nếu đã là Đảng viên, họ sẽ biết rằng có chết họ cũng không ăn cắp một hạt gạo trong kho đó, chắc chắn một điều như vậy.
Họ không nghĩ đến bản thân người ta. Cái gì tốt cho tập thể, cho đất nước, họ sẽ chọn để làm đầu tiên. Dĩ nhiên không phải không có những Đảng viên vi phạm nguyên tắc sống, nhưng con số đó rất ít.
Không phải tôi tình cờ rơi vào những tập thể tốt, mà xã hội ngày đó vậy. Cho nên ngày đó, vào Đảng là một điều vô cùng thiêng liêng. Chỉ cần được đi học cảm tình Đảng thôi thì có thể phải mất nhiều đêm không ngủ.
Tôi vẫn nhớ đơn vào Đảng của tôi đã bị từ chối vì trong đơn đó, tôi đã viết: “Khi mà nghĩ rằng tôi được đứng chung hàng ngũ với những người anh hùng như Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu và những người cách mạng khác, thì tôi lại hơi ngập ngừng khi viết lá đơn này…”.
Bởi khi đó tôi – một sinh viên đại học tự nghĩ tôi chưa xứng đáng. Đến lúc bấy giờ, so với tất cả những gì tôi làm, tất cả những gì một người Đảng viên làm, tôi thấy mình chưa đủ. Nhưng tôi đã dặn lòng, nếu cho tôi vào Đảng, tôi sẽ cố gắng xứng đáng với vinh dự đó. Ngày ấy tôi đã bị chi bộ phê bình vì “anh viết đơn mà còn ngập ngừng…”. Nhưng đó là lời nói thật của tôi.
Tôi để ý bây giờ có những người nói, những người lãnh đạo Cộng sản thời đó chẳng khác gì những người ở phía bên kia: gây ra cuộc chiến chỉ vì ham hố quyền lực, chức vụ. Nhưng nếu chỉ vì quyền lực, họ cần gì phải đi tù? Họ cần gì phải ra pháp trường?
Nếu họ chấp nhận đi làm việc cho Mỹ, cho Pháp, họ đã có biệt thự để ở, có ô tô để đi, họ cần gì phải đi làm cách mạng. Và những người lãnh đạo thời đó, họ đã làm gì để cho con cái họ có cuộc sống tốt hơn? Họ hầu như chẳng làm gì cả. Điều này có thể nhiều người không tin khi tôi nói ra. Nhưng đó là những gì tôi đã nhìn thấy. Và tôi nghĩ đó chính là những lý do khiến cha ông chúng ta làm được những điều lớn lao như thế cho dân tộc này. Nếu chỉ cần có một chút ích kỷ dành cho người thân thôi, họ đã không làm được những điều đó.
Một lần, ba tôi đi sang Nga, ông nói: “Ở bên chúng tôi nông dân là chính, nhưng chúng tôi vẫn dựa vào nông dân được. Vì người nông dân Việt Nam khác với sự định nghĩa của ông Mác: “Người nông dân là thể hiện sự tư hữu”.
Mác hình dung rằng người khi người nông dân có một cái cuốc riêng của mình, có một thửa ruộng riêng của mình, thì họ chỉ lo được cho mình thôi. Nhưng ở Việt nam, người nông dân là những người hi sinh nhiều nhất cho đất nước trong cuộc kháng chiến.
Họ hy sinh chính bản thân và hi sinh tài sản của họ. Họ sẵn sàng tháo nhà để làm đường cho xe đi qua, sẵn sàng đón những đứa trẻ thành phố về ở trong nhà, sẵn sàng chia sẻ nồi khoai ít ỏi của mình cho những đứa trẻ thành phố về sơ tán không cần suy nghĩ. Nếu chúng ta có một cơ chế để giữ gìn và phát huy cái bản chất đẹp đẽ đó, tôi tin con đường chúng ta đi sẽ tốt đẹp.
Vậy mà giờ đây, không ít người nông dân kiện cáo vì đất đai. Không biết các nhà lãnh đạo đất nước có bao giờ ra đường nhìn những người nông dân đi kiện không. Nhưng tôi cứ nhìn những bà già trùm khăn ngồi bên vệ đường, càng nhìn càng không tin nổi họ đang làm gì xấu hay đang cố giành về cho mình những thứ không phải của mình.
Nếu bản chất họ thế thì sẽ không có việc họ đi theo Đảng, theo cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến đó. Vậy mà chúng ta đã làm gì để khiến họ thành ra như thế? Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó? Giờ chúng ta không phải đương đầu với những khó khăn như thời chiến. Chúng ta chỉ phải đương đầu với chính những khó khăn do chúng ta tự gây ra, vậy mà cứ mỗi ngày ngồi ở đất Sài Gòn, nhìn thiên nhiêu ưu đãi thế này mà chúng ta không ngẩng đầu lên được, tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Những người đã khuất nhìn thấy điều này sẽ càng xót xa hơn.
                                                                                                                        Lê Kiên Thành

Không có nhận xét nào:

Trang