7 tháng 2, 2014

Lòng tham

Lòng tham bắt rễ từ sự “muốn có” của mỗi người. Nó là một nhu cầu bẩm sinh; vì ai không “muốn có” thì sẽ chết ngay sau khi chào đời! Trẻ sơ sinh “muốn có” sữa mẹ càng sớm càng tốt. Và nó biết đi tìm vú mẹ. Ít lâu sau còn biết nắm vú bên kia để cho hạnh phúc được trọn vẹn!
Sự “muốn có” của em bé được người mẹ đáp ứng. Bà tìm cách nhét đầu vú vào miệng con và không bao giờ cho là việc con nắm bầu vú bên kia của mình là… tham lam. Vậy do sự sắp xếp của trời đất, một bên “muốn có” và một bên “đáp ứng”. Nói cách khác, sự “muốn có” của đứa trẻ được đáp ứng vì nó “xứng đáng”. Ở đây ta có hai cặp, mỗi cặp có hai vế: “muốn có – đáp ứng” và “muốn có – xứng đáng”. Vậy bao lâu hai cặp của mỗi vế cân bằng nhau thì không có sự tham lam. Mà đấy là sự tốt đẹp của cuộc sống.
Ảnh minh họa
Sự tham lam của con người chỉ xuất hiện khi vế “muốn có” cao hơn vế “đáp ứng”, hay nó thấp hơn vế “xứng đáng”; tức là sự cân bằng tự nhiên kia bị phá vỡ. Và việc ấy xảy ra trong ba lĩnh vực: của cải, quyền uy và sắc dục. Nói khác đi, con người thường tham lam về ba thứ đó. Bình thường, khi chúng ta “muốn có” những thứ ấy mà được “đáp ứng” hay ta “xứng đáng” thì chúng ta có thể là người giàu có, may mắn, thành công…
Đến đây ắt có câu hỏi đã giàu có rồi tại sao còn tham lam? Xin trả lời. Sự giàu có cho mỗi chúng ta được (i) ăn sung mặc sướng, (ii) ước gì có nấy, (iii) được khen ngợi, được phục tùng, và (iv) thấy mình hơn người khác. Xin tạm gọi những thứ này là “gói giàu sang”. Người giàu có trở nên tham lam; vì họ thấy có nhiều cơ hội để làm gia tăng “gói giàu sang” kia. Cho nên khi tham lam thì chính đương sự không biết; họ chỉ thấy là có một cơ hội để giàu có hơn và không nên bỏ phí. Trong tâm lý, sự tham lam của mỗi người ít nhiều đi theo diễn tiến này. Và ta thử đem nó áp dụng vào trường hợp của bà Huyền Như. Ở tòa, bà ấy đã thú nhận là người tham lam về tiền bạc của cải.
Có một tài sản trị giá 200 tỉ đồng, bà ấy là người giàu có. Bà chưa tham lam; vì cặp “muốn có” và “xứng đáng” của bà cân bằng. Vậy sự tham lam của bà ấy xảy ra lúc nào? Thưa, nó manh nha khi bà đi vay tiền của bà Lý, gần 3 tỉ đồng và 100.000 đô la Mỹ. Bà làm thế vì sự giàu có của bà đã chỉ cho bà thấy nhiều cơ hội tốt có thể làm gia tăng “gói giàu sang” mà không nên để mất chúng.
Ngày nay, từ ngoài đứng nhìn vào, ta bảo bà ta tham lam; còn đối với bà lúc ấy chỉ là nắm cơ hội. Rồi tiền đẻ ra tiền, nhà sinh ra nhà. Bà ta chỉ còn thấy sự giàu sang và cơ hội. Hai thứ này cuốn hút bà ấy đi về phía trước. Bất thình lình nhà đất và chứng khoán xuống giá! Bà ấy bị thiếu tiền mặt để trả lãi, rồi trả gốc. Cái này nối đuôi cái kia và nợ nần gia tăng không ngừng. Một lúc nào đó số nợ thay đổi tính chất để trở thành sự sợ hãi: bà sợ mất tiếng tăm; bà sợ bị “đập nát mặt” vào mỗi sáng. Chúng thấm sâu vào lòng bà. Chúng dày vò bà.
Để giải thoát mình khỏi chúng, bà bèn lợi dụng chức vụ, bất kể lòng tin, làm giả hợp đồng, làm giả con dấu để có tiền trả nợ cho đám tín dụng đen. Khi làm bà hy vọng sau này nhà cửa, chứng khoán lên, thì sẽ trả lại. Nhu cầu giải thoát quá cao, hy vọng giá nhà lên không hề mất; chúng khiến bà ấy không còn nghĩ ra được là mình đang phạm pháp. Bà đã gây tội. Chỉ khi bị trừng phạt vì tội lỗi, bà ấy mới nhận ra nguyên ủy của sự việc: mình đã tham lam.
Trong diễn tiến đó ta thấy (con số chỉ là thí dụ): (i) khi có 200-300 tỉ đồng, bà ấy là người giàu có; (ii) từ 300-500 tỉ bà ấy không muốn bỏ lỡ cơ hội; (iii) từ 500-1.000 tỉ bà ấy bị rơi vào đám tín dụng đen; từ 1.000 tỉ trở lên, bà phạm pháp. Ở hai giai đoạn đầu bà ấy bị cuốn hút vì muốn tăng “gói giàu sang”. Bà chủ động. Bà đã tham lam. Trong hai giai đoạn sau, bà ấy bị đẩy đi vì sự sợ hãi. Bà thụ động. Cũng phân tích như thế ta đi ngắn gọn sang hai loại tham lam còn lại.
Sự tham lam về quyền lực thì khác tính chất với tham lam về tiền bạc. Nó cho người ta cái thú vị được sai khiến người khác, giống như khi lái chiếc xe hơi, hay lúc chơi cờ tướng. Nó cũng sẽ tạo ra “gói giàu sang”; nhưng không làm cho người tham bị rơi vào đám tín dụng đen; bù lại, nó dễ dẫn đến việc hãm hại người khác. Sự tham lam của ông Dương Chí Dũng nằm trong loại này. Sự tham lam sắc dục thì ít nổi đình nổi đám hơn hai loại kia; vì nạn nhân không phải là xã hội rộng lớn mà là một nhóm nhỏ các bà vợ… đau khổ! Nó chỉ bị kết án khi có một người đàn ông nào đó xâm phạm tiết hạnh của một thiếu nữ dưới 16 tuổi, mà việc ấy bị rêu rao một cách hấp dẫn trên báo chí.
Hậu quả
Mọi việc đều có hai mặt.
Sự giàu có về của cải cho người ta “gói giàu sang”; nhưng chưa chắc cho sự an lạc trong lòng. Thật vậy, người giàu có khó có thể ngáy o o ngay sau khi lên giường. Cái này trời dành cho các bác nông phu cày sâu cuốc bẫm cơ! Người giàu có khi vừa đặt lưng thường lo làm sao cho tiền kếch xù đang có không giảm, làm sao cho nó gia tăng. Ngay như một người trung niên nam giàu có, mỗi khi tìm hiểu một cô bạn gái quen mình thường đặt câu hỏi “cô ấy yêu mình, hay yêu tiền của mình?” Chưa hết! Mức độ hưởng thụ sự giàu sang có một giới hạn do trời ấn định. Lúc trẻ phung phí sức khỏe với phụ nữ, khi về già dễ sụm lưng. Sự tham muốn quyền hành vô độ sẽ tạo ra nhiều kẻ thù và lo lắng. Bởi thế cứ phải đi cầu cứu thầy… bói. Cái tham lam nào cũng có hậu quả. Xin nêu hậu quả của sự tham lam tiền bạc.
Khi sự tham lam tạo nên tội lỗi thì phạm nhân bị trừng phạt. Hình phạt có vài lớp chồng lên nhau. Đầu tiên là sự câu thúc thân thể. Nó làm họ phải ăn ở chật chội, bị bạn tù nhòm ngó đến độ chẳng còn gì là riêng tư, bị ghen tị và bị xa gia đình. Đó là lớp thứ nhất. Sự xa cách gia đình tạo nên những mối lo khác: lo về con cái, vợ chồng, cha mẹ. Đó là lớp thứ hai. Lo cho những người thân còn dẫn đến lớp thứ ba. Ấy là người thân có thể bị hại bởi những người đã bị mình gây thiệt hại.
Hay lắm cơ! Lúc phạm tội thì chẳng nghĩ đến ai; đến khi vào tù toàn nghĩ đến người khác. Và tên du đãng bèn nhờ xâm lên cánh tay “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”! Hình phạt chồng lên hình phạt. Ông Dương Chí Dũng khi ở Lạng Sơn mà lo mình bị giết là vì thế. Cho mỗi chúng ta, ông trời đã quy định: “Làm tốt thì mi quên ngay; nhưng làm xấu mi sẽ nhớ mãi!”. Do vậy, cái xấu ta đã làm cho người khác thì nó sẽ ám ảnh ta mãi. Nó sẽ hiện lên trong trí ta, khi ta gặp hay thấy một cảnh bên ngoài mà nó giống với cảnh cũ, ở đó ta đã làm điều xấu. Bị can tên Chung trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt oan 10 năm đã kể lại, trong suốt 10 năm chạy trốn, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái chết đã gây ra cho nạn nhân. Chỉ khi bị bắt rồi mới thấy nhẹ nhõm.
                                                                                                                             (Sưu Tầm)

Không có nhận xét nào:

Trang