18h09 phút chiều nay, ngày 04/10/2013, Đại tướng
Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam - đã từ trần
tại Bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi.
Ông Võ Nguyên Giáp được sắc phong Đại tướng
theo Sắc lệnh 110/SL ngày 20-1-1948. Lúc đó ông là Tổng chỉ huy Quân đội quốc
gia và dân quân tự vệ. Bên cạnh đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự
của chiến tranh nhân dân…, ông còn là nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận
quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Tài năng quân sự thiên bẩm
Có chuyện kể rằng khi một học giả nước
ngoài hỏi Đại tướng: “Tại sao một nhà giáo về sử học, về luật pháp, được
Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào lại là Tổng tư lệnh lực lượng vũ
trang nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược?”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã
trả lời: “Câu hỏi này xin hỏi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh."
Câu trả lời đó đã nói lên nhiều điều nhưng lại làm nảy sinh thêm
một câu hỏi: Tại sao khi lựa chọn một “võ tướng”, Hồ Chí Minh lại giao trách
nhiệm “cầm quân” cho một nhà sử học, một nhà văn hóa. Mỗi người có thể đưa ra
câu trả lời khác nhau, song lịch sử đã cho thấy rằng sự lựa chọn của Hồ Chí
Minh là hoàn toàn xác đáng.
Võ Nguyên Giáp là người thực hiện trực tiếp và xuất
sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, phát huy tài thao lược, cách đánh giặc của
dân tộc trong thời đại mới, góp phần quan trọng phát triển hoàn thiện Học
thuyết quân sự Việt Nam - một phần đáng tự hào trong di sản văn hóa truyền
thống Việt Nam.
Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng
Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của tướng Giáp về chiến
lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại
giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức
mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải
khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy
sử".
Trong tác phẩm "Chiến thắng bằng mọi
giá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp -
thiên tài của Việt Nam", nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay nhận xét: "Trong
suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại, mà còn trở thành
một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những thiên tài
quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại..."
Nếu như tiêu chí chọn tướng của Hồ Chủ tịch là "Đánh thắng đại
tướng được phong đại tướng" thì suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã
lần lượt đọ sức và đánh thắng tới 4 đại tướng của Pháp và 6 tướng của Mỹ, chưa
kể đến nhiều viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hoà.
Với gần 100 tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng vị tướng già vẫn
không ngưng trăn trở về tương lai phát triển của đất nước, của thế hệ trẻ Việt
Nam.
Những quyết định thay đổi lịch sử
Một quyết định đúng sẽ giúp giành chiến thắng với cái giá phải trả
thấp nhất. Một quyết định sai sẽ trở thành thảm họa, đặc biệt với những quyết
định ở tầm chiến lược. Cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập của dân tộc ta
trong thế kỷ trước đã chứng minh nhận định này, nhất là trong những quyết định
cân não mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã
đưa ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Với sự quyết đoán, khả năng quân sự tài tình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã
đưa ra những quyết định thay đổi lịch sử cho các cuộc kháng chiến:
- Trong Chiến dịch Biên Giới,
Đại tướng đã đổi mục tiêu tấn công từ Cao Bằng chuyển qua Đông Khê sau khi
trinh sát quân báo, hậu cần, kế hoạch đã sửa soạn xong cho mục tiêu Cao Bằng.
Ban đầu, phía ta chủ trương đánh cứ điểm Cao Bằng, vì đây là một cứ
điểm có thành phố lớn. Nếu hạ được Cao Bằng uy thế sẽ rất vang dội. Nhiều đơn
vị đã được điều đi nghiên cứu địa hình Cao Bằng và chuẩn bị phương án tác
chiến. Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trực tiếp đi nắm tình hình địch.
Trong chuyến công tác như vậy, Đại tướng nhận thấy, địa hình Cao
Bằng hiểm trở, 3 mặt có sông bao quanh, mặt sau hiểm trở. Bản thân pháo đài Cao
Bằng được xây hết sức kiên cố vững chắc, địa hình tiến đánh hết sức khó khăn.
Vì vậy, Đại tướng đã quyết định không chọn đánh Cao Bằng.
Thay vào đó, qua tìm hiểu nghiên cứu, Đại tướng và
Bộ Tổng tham mưu chọn Đông Khê, một cứ điểm khác trên tuyến đường số 4 để “đánh
điểm, diệt viện”. Đây là vị trí mà phía Pháp có bố trí ít hơn ở Cao Bằng. Địa
hình xung quanh là rừng núi, phù hợp để quân ta mai phục, ẩn nấp tiếp cận cứ
điểm. Phương án này sau khi báo cáo lên Hồ Chủ tịch đã được thông qua.
Kết thúc chiến dịch, quân ta thương vong rất ít, toàn chiến dịch có
khoảng vài trăm bộ đội bị hy sinh. Còn phía Pháp, ngoài số bị tiêu diệt, số tù
binh lên tới 8.000 quân, đông chưa từng có kể từ khi bắt đầu cuộc toàn quốc
kháng chiến.
Không chỉ vậy, quân đội ta còn thu được hàng ngàn tấn chiến lợi
phẩm, đủ trang bị cho các sư đoàn chủ lực mới được thành lập. Thậm chí, số đạn
pháo thu được sau chiến dịch còn dùng để cung cấp cho chiến trường Triều Tiên
cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.
Nhưng quan trọng hơn cả, là tuyến biên giới Việt – Trung được khai
thông, phá thế bao vây căn cứ địa Việt Bắc với các nước bè bạn trên thế giới.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn nhất, mang ý nghĩa quyết định trong
cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ vài
giờ trước khi nổ súng theo kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” của cố vấn Trung
Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã
thuyết phục được Vi Quốc Thanh, ban cố vấn Trung Quốc và các binh tướng của ông
để đổi sang kế hoạch “Đánh chắc thắng chắc” và hoãn cuộc tấn công lại cả tháng
trời.
Chiến dịch này kết thúc, cuối cùng quân đội nhân dân Việt Nam thắng
lợi triệt để tiến công làm chủ Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ binh lực quân
đội thực dân Pháp với trên 16.000 tên, đánh một dấu son viên mãn trong cuộc
Chiến tranh chống Pháp 8 năm của nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: “Nếu không có
thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm”.
1 nhận xét:
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VÀ KÍNH TRỌNG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP-VĨNH BIỆT !
Đăng nhận xét