12 tháng 10, 2013

Tướng Giáp và hậu duệ, chuyện bây giờ mới kể

Đằng sau ánh hào quang của chiến trận oai hùng, người ta vẫn gặp một “anh Văn” rất thương vợ, yêu con. Con cháu tướng Giáp đều là những người giỏi giang.Từng giữ nhiều cương vị quan trọng trong chính phủ và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường.
Gia đình tướng Giáp ngày trước
Hai đời vợ và 5 người con
Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam với các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai) năm 1943. Bà Quang Thái trở thành liệt sỹ và để lại một người con gái là Võ Hồng Anh. Mẹ mất, bà Anh sống với ông bà nội mãi đến năm 1946 mới gặp lại cha, bấy giờ là là một lãnh đạo cao cấp. Toàn quốc kháng chiến nổ ra, chiến sự lan dần đến Quảng Bình, bà được bà nội đưa đi sơ tán tại Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1951, bà được gặp lại cha lần thứ hai. Sau đó, bà được chính phủ bố trí đưa sang học tại Quế Lân và Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1954, bà được đưa sang Liên Xô theo học Trường Thiếu nhi Việt Nam Internat Moskva. Năm 1959, bà tốt nghiệp Phổ thông với Huy chương vàng. Sau đó, bà theo học ngành Vật lý lý thuyết lượng tử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Moskva. Bà tốt nghiệp năm 1965 với bằng đỏ (hạng ưu).
Tốt nghiệp, bà về nước và được phân công làm cán bộ nghiên cứu thuộc Ban Toán – Lý, Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước rồi sang Liên Xô bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán – Lý rồi làm việc tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Quốc tế Dubna và được phong học hàm Giáo sư. Năm 1987, bà về nước kinh qua nhiều vị trí tại các viện, trung tâm năng lượng, vật lý. Giáo sư Võ Hồng Anh qua đời vào năm 2009 vì bệnh tật.
Trong suốt gần 40 làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bà được mời thỉnh giảng, trao đổi nghiên cứu, dự hội nghị khoa học ở: Liên Xô, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, các nước Đông Âu, Ý, Ấn Độ, Thái Lan, Malaisia… Bà cũng đã cho xuất bản trên 50 công trình khoa học được công bố, phần lớn ở nước ngoài, trong số đó có cuốn sách về Lý thuyết tương tác của bức xạ cường độ mạnh lên chất rắn – xuất bản ở Nga. Năm 1988, bà là người phụ nữ đầu tiên của ngành Vật lý được tặng Giải thưởng Khoa học Quốc tế Kovalevskaia – giải thưởng cao nhất của Việt Nam về khoa học kỹ thuật dành cho các nhà khoa học nữ.  Bà Anh nhiều lần kể chuyện về cha mình, những kỉ niệm từ lúc ấu thơ đến những ngày cuối đời. Lúc nào bà cũng ghi khắc hình ảnh của một người cha hiền lành, nhất mực yêu thương con gái.
Năm 1946, đại tướng Võ Nguyên Giáp tái hôn với giáo sư Đặng Bích Hà, con gái của giáo sư Đặng Thai Mai. Ông bà có 4 người con, 2 gái và 2 trai, tất cả đều giỏi giang và thành đạt. Hai người con gái là Võ Hòa Bình (SN1951) và Võ Hạnh Phúc (1952), hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn HIPT. Người con trai trưởng của đại tướng được ông đặt tên Võ Điện Biên (1954), hiện là Giám đốc Công ty CP Đông Sơn. Con trai út là Võ Hồng Nam (1956), hiện là Giám đốc Công ty CP Máy tính Truyền thông Hồng Nam.
Một gia đình ngưỡng vọng
Không chỉ là một vị tướng tài danh, đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người ông, người cha hết lòng vì con cháu, sống giản dị và gần gũi với mọi người. Bà Mạc Thúy Hường – con dâu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vợ cậu con trai út Võ Hồng Nam – khóc khi chia sẻ. ”Tôi gần gũi với ba Giáp còn hơn bố đẻ vì bố tôi mất từ trước khi tôi lấy chồng. Tôi sống với ba đã hơn 30 năm. Ba là người rất tuyệt vời, yêu vợ và các con, các cháu. Với tôi, ba luôn coi như con gái”. Người con dâu nghẹn ngào nói rằng bà thường xuyên chăm chút khu vườn vì ba Giáp thích cây cối, chim muông. “Tôi trồng cây, làm hồ cá, chăm sóc phong lan… nhưng giờ ba đâu còn để ngắm nữa“, bà Hường nghẹn lời.
Đại gia đình xúc động trước di ảnh đại tướng
Tướng Giáp luôn đặt tên con cháu theo ước vọng về đất nước. Người con trai Võ Điện Biên được lấy tên theo sự kiện lịch sử 1954. Hai con gái Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc thể hiện mơ ước về ngày hạnh phúc của đất nước. Người con út Võ Hồng Nam là niềm mong ước một miền Nam rực cờ hồng. Hai con của Võ Hồng Nam được đặt tên là Võ Hoài Nam – nhớ mong miền Nam và Võ Thành Trung như lời thề nguyền tận trung với nước. Hoài Nam và Thành Trung được cha dạy võ từ năm 3 tuổi theo truyền thống con nhà võ nên khi lớn lên đều trở thành những thanh niên cường tráng.
Sinh thời, tướng Giáp luôn canh cánh tâm nguyện giúp đỡ con em các vùng chiến khu nghèo khó. Con cháu ông, đặc biệt là con út Võ Hồng Nam, thường làm từ thiện âm thầm không trống giong cờ mở, với sự giúp đỡ của bạn bè doanh nghiệp. Ông Tấn Định, gọi tướng Giáp bằng cậu, kể Đại tướng là người vĩ đại khi ra ngoài xã hội nhưng trong gia đình lại rất tự nhiên, gần gũi và tình cảm như một người ông, người bác bình thường,rất quan tâm đến chuyện trường lớp của các cháu. Ông Định ra ở cùng tướng Giáp khi đã vào quân ngũ. Mỗi lần gặp cháu, tướng Giáp lại ân cần hỏi han chuyện đơn vị, vợ con.
“Ông là một người lính thực thụ, luôn đề cao kỷ luật quân đội. Tuy nhiên với con cháu, ông có cách dạy rất nhẹ nhàng. Chưa bao giờ thấy ông nặng lời quát mắng, chỉ nghiêm mặt nói là tất cả đã nghe theo răm rắp”, ông Định nhớ lại.
Tướng Giáp còn là người nặng tình, nặng nghĩa. Trong nhà ông trưng bày rất nhiều kỷ vật về bà Quang Thái – người vợ đầu đã hy sinh – để nhắc nhở các thành viên gia đình không được quên bà. Ngày 27/7, giỗ, tết là dịp cả gia đình cùng tưởng nhớ bà Quang Thái. Khi vẫn còn đi lại được, tướng Giáp thường cùng người vợ sau là phó giáo sư Bích Hà lên nghĩa trang Mai Dịch, bất kể nắng mưa, để nhổ cỏ, lau mộ, thắp hương cho bà Thái.
Trong hồi ký của mình, ông Tấn Định miêu tả một lần gia đình tướng Giáp thăm lại nơi giam giữ bà Quang Thái: “Hằng năm, cứ vào tiết thanh minh là cả nhà lại cùng cậu tôi lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ người thân, trong đó có mộ mợ Quang Thái… Lần này, cậu tôi muốn thăm Nhà lao Hỏa Lò trước khi viếng mộ ở Mai Dịch… Cậu tôi đề nghị tất cả cùng chụp ảnh kỷ niệm ngay tại khoảnh sân dưới chân Đài tưởng niệm… Sau ít phút, chúng tôi đã có mặt trước cửa phòng biệt giam các nữ tù chính trị. Theo lời giới thiệu của chị Dơn (hướng dẫn viên) thì mợ Quang Thái từng bị giam cầm tại căn phòng này… Trong lúc mợ Hà đang lúng túng cài những bông hồng đỏ lên khe nhỏ của các cánh cửa sắt, cậu tôi vẫn đứng im phăng phắc, mắt dõi nhìn về phía bệ xi măng bên trong phòng biệt giam như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc…”.
Ông Định viết tiếp: “Cậu tôi đứng đó, tay phải vịn lên mép cửa sổ của cánh cửa sắt, tay trái cậu như đang lần tìm thứ gì ở trong túi của áo khoác ngoài. Tôi đoán là cậu đang tìm chiếc khăn mùi xoa mà trước khi lên xe mợ Hà đã cẩn thận đặt vào đó, và cuối cùng tôi đã tìm được chiếc khăn ở túi áo bên kia đặt vào tay cậu. Cậu tôi cầm lấy chiếc khăn, rồi từ từ đưa lên thấm khô những giọt nước mắt vừa trào ra từ đôi mắt già nua đang nhòe ướt… Bỗng cậu tôi đứng thẳng người lên, bỏ chiếc mũ len xuống cầm tay, và đầu hơi cúi xuống. Tất cả không ai bảo ai đều tề chỉnh đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm. Chị Hồng Anh quay sang định nói gì đó với cậu tôi, nhưng mãi chị không nói được thành lời”…
Còn nhiều chứng nhân khác nói về đại tướng. Những câu chuyện dài và xúc động. Tất cả đều bật lên một con người hiền lành, giàu tình cảm. Đại tướng đã ra đi, nhưng ông kịp để lại cho đời lớp hậu duệ đáng để người ta kính phục, ngưỡng vọng.
                                                                         Công Lý

Không có nhận xét nào:

Trang