4 tháng 10, 2013

Tính háo danh của người Việt từ đâu mà có?

Nếu để ý qua báo chí sẽ thấy bộ phận háo danh phổ biến hơn cả thuộc về những người quản lý xã hội, trí thức, doanh nhân và nghệ sĩ. 

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Viện phó Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, háo danh là một nét tính cách khá đặc trưng của người Việt.
Háo danh là bản tính con người

 PGS.TS Lê Quý Đức

PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, háo danh là sự thèm khát tiếng tăm nhưng chưa chắc đã có thực tài, là nét tính cách có tính chất phổ quát trong xã hội.
Tính háo danh có ở mọi thành phần, tầng lớp. Với giới trí thức, háo danh bằng cách đánh bóng tên tuổi của mình lên để được nhiều người biết tới. Thậm chí, ngay cả với những người bị cho là "dưới đáy xã hội" cũng muốn mình trở thành dân anh chị để có quyền uy nhất định.
Xét rộng ra, háo danh là mặt trái của việc con người muốn tự khẳng định mình. Nguyên nhân sâu xa, nó thuộc về bản tính con người.
Ông Đức dẫn giải: Trong đời sống cộng đồng, con người có ý thức tự khẳng định mình. Điều đó lý giải cho việc một người dù làm nghề gì, trình độ văn hóa đến đâu... thì họ vẫn cứ là chính họ chứ không phải là khuôn mẫu của người khác.
"Đến cả loài thực vật, tôi không nghĩ nó có ý thức như động vật, thế mà ở nơi khô cằn vẫn có những mầm cây ngoi lên. Còn ở động vật, con khoẻ mạnh luôn muốn vươn lên làm con đầu đàn, hoặc khoe tiếng gầm để quyến rũ con cái... Con người là động vật bậc cao, do đó cũng có bản tính thể hiện mình song có ý thức hơn, nghĩa là anh phải tu rèn để được xã hội công nhận. Còn ngược lại, khi không có thực tài mà cứ thèm khát tiếng tăm thì chẳng khác nào anh dốt đền làm những việc khác người; thậm chí tự bêu xấu mình, bêu xấu gia đình để mong được chú ý", ông Đức nói.

Thừa nhận háo danh là bản tính con người nói chung song ông Đức cho rằng, "háo danh khá phổ biến trong xã hội Việt Nam và có thể coi đó là nét tính cách đặc trưng".
Anh hàng thịt và cái mẽ “sinh đồ ba quan”
Theo ông Đức, xã hội Việt Nam là xã hội nông dân - nông thôn - nông nghiệp. Xã hội ấy "bằng lặng quá và gần như chỉ có một giá trị để người ta vươn lên. Đó là giá trị có tính chất quyền lực hay nói khác đi là giá trị chính trị".
Ông Đức phân tích thêm: Trong một xã hội đa dạng giá trị thì tất cả các giá trị đều được coi trọng và khi ấy, con người thỏa sức lựa chọn cho mình nên đi theo giá trị nào. Có thể họ sẽ đi theo giá trị quyền lực, hoặc giá trị kinh tế, hoặc giá trị khoa học, hoặc giá trị đạo đức, hoặc giá trị tôn giáo, hoặc giá trị nghệ thuật... Nghĩa là, dù anh có là chính khách, doanh nhân, nhà khoa học, người tài cao đức cả, nhà tu hành đắc đạo hay ca sĩ tài năng thì anh vẫn được xã hội thừa nhận, vinh danh, thay vì chỉ tranh đoạt một giá trị nhất định.
Còn trong xã hội Việt Nam, anh muốn đỡ vất vả, không phải chân lấm tay bùn, muốn sống trong điều kiện kinh tế tốt hơn thì dứt khoát phải nắm quyền lực. Mà quyền lực ấy nằm trong tay từ ông lý toét trong làng đến bậc vua chúa. Do đó, người ta cố gắng tranh đoạt nhau, nếu không đạt được thì tìm cách khác như trộm cướp. Bởi dù có là tướng giặc, tướng cướp thì họ cũng có quyền uy nhất định. Thế mới có câu "được làm vua, thua làm giặc".
Thực tế, những người theo nghiệp cầm ca thì bị khinh miệt là "xướng ca vô loài". Người làm ăn buôn bán thì bị gọi bằng cái tên không chút thiện cảm là "con buôn"... "Rõ ràng, xã hội Việt Nam có ít giá trị quá nên người ta muốn vươn lên khẳng định mình thì chỉ có cách đi theo thứ giá trị quyền lực để thống trị, sai bảo người khác thôi", PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Cũng chính vì việc có quá ít giá trị để con người theo đuổi nên nó đã đẻ ra giá trị bộ phận. Ông Đức dẫn chứng: "Trong xã hội, muốn được làm quan thì phải qua học hành, thi tuyển. Cho nên, để đỗ đạt vươn tới quyền lực, người ta có khát khao hơn người về chuyện học hành, từ đó sinh ra tính hiếu học. Đương nhiên, hiếu học có mặt tích cực khi cho ra đời những dòng họ khoa bảng, làng khoa bảng, giúp ích cho nước nhà. Song, nó cũng thể hiện mặt tiêu cực khi coi việc học hành, đỗ đạt để tăng thanh thế gia đình, dòng họ, làng xóm. Đó lại là biểu hiện của tính háo danh.
Vì thế mà nó mới sinh ra những "sinh đồ ba quan" vào cuối thời Lê. Ngày ấy, muốn đi thi Hương, anh phải được hội đồng tư văn của các làng xã hay chính quyền làng xã đó kiểm tra xem anh có chữ không mới được thi. Lúc chính quyền suy thoái thì người ta đưa ra lệ: Cứ ai có ba quan tiền nộp cho nhà cầm quyền thì không cần phải sát hạch mà vẫn được vào thi, được công nhận là sinh đồ. Thế nên, từ anh hàng thịt dù chẳng cần biết chữ nhưng cứ có đủ ba quan tiền là được trở thành sinh đồ, dân gian gọi mỉa mai là những "sinh đồ ba quan".
"Bán cúp giá bao nhiêu?"
Những tưởng, chuyện "sinh đồ ba quan" vì háo danh chỉ có trong thời phong kiến. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Quý Đức khẳng định: "Bây giờ, chẳng thiếu những 'sinh đồ' như thế".
Nếu để ý qua báo chí sẽ thấy bộ phận háo danh phổ biến hơn cả thuộc về những người quản lý xã hội, trí thức, doanh nhân và nghệ sĩ. 
Để minh chứng cho điều này, ông Đức liệt kê: "Thi thoảng, báo chí vẫn đăng tin ông chủ tịch nọ dùng bằng giả, bà tiến sĩ kia sao chép luận văn. Học sinh muốn đạt điểm cao thì đi phong bì cho thầy cô giáo. Phụ huynh đua nhau để cho con được làm lớp trưởng. Những chuyện ấy nhan nhản ra. Rồi giới nghệ sĩ nay lên báo tung tin mua xe ô tô mới, mai lại có phát ngôn bêu xấu đồng nghiệp, gia đình, tên tuổi được nhiều người biết tới. Đó không là háo danh thì là gì!
Trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp cũng muốn háo danh khi trưng ra cúp này cúp kia. Tôi công tác ở trung tâm nọ có liên quan tới giới doanh nhân, cũng có xét các doanh nghiệp để trao cúp. Có người hỏi thẳng là "có phải các anh bán cúp?", "bán cúp giá bao nhiêu?". Bây giờ có cả trăm thứ cúp cho doanh nghiệp. Đúng là không loại trừ việc doanh nghiệp muốn thông qua chiếc cúp để tạo "thương hiệu", còn đơn vị tổ chức trao cúp cũng muốn kiếm được chút gì đó từ doanh nghiệp. Như thế là lợi cả đôi đường.
Hay các nhà quản lý xã hội cũng như vậy, tôi thấy có những ông chả tiếng tăm bao nhiêu nhưng đến khu di tích nào cũng thấy đề tên trồng cây nọ, cung tiến cái kia. Tôi gọi đó là một dạng tham nhũng tinh thần, mà bản chất của nó là háo danh thôi".
Như vậy, những biểu hiện của tính háo danh có thể gặp ở bất cứ đâu, trong bất cứ thành phần xã hội nào. Song, nói như cách của ông Đức thì: "Háo danh thì ai cũng có. Nhưng có những người thèm khát đến mức bất chấp tất cả để gây được chú ý, để nhiều người biết đến mà chẳng có thực tài thì cũng chỉ làm trò cười cho thiên hạ".

"Thực ra, háo danh cũng không hoàn toàn chỉ có mặt tiêu cực, xấu xa. Cũng có thể bây giờ, người ta để cái danh đi trước một bước rồi mới đi đến cái thực, lấy cái danh để kéo cái thực lên. Ví như công ty tôi chưa làm ăn tốt, nhưng có cái cúp thì tôi sẽ có động lực để phấn đấu".
                                                                                                            PGS.TS Lê Quý Đức

Không có nhận xét nào:

Trang